Thứ Hai, ngày 09 tháng 11 năm 2009

Đình An Phú - Phường An Phú, quận 2

1. Vài nét về đình An Phú:
Đình An Phú có vị trí tại tổ 24, ấp 3, phường An Phú, quận 2, Đình An Phú là ngôi đình cổ xưa của Làng An Phú được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 19, cách nay khoảng 250 năm, trải qua nhiều lần trùng tu và sửa chữa, nhưng quy mô và kiểu dáng đình An Phú vẫn mang kiến trúc cổ xưa và tín ngưỡng dân gian miền quê Nam Bộ. Vị thần chính của đình là Thành Hoàng Bổn Cảnh. Ngoài ra đình còn thờ Quan Thánh, Đông trù tư mạng, Cửu thiên Huyền nữ, Sơn lâm chúa tể đại tướng quân, Thần Nông, Tiền hiền, Hậu hiền, Ngũ hành Nương Nương, bà Phan Thị Đỏ và các chiến sỹ hy sinh ở xã An Phú. Mỗi năm ban quý tế đình đều có tổ chức lễ Kỳ yên vào ngày 10-11-12 tháng 2 âm lịch. Đình An Phú là cơ sở cách mạng suốt 2 thời kỳ chống Thực Dân Pháp và chống Đế Quốc Mỹ xâm lược, là trạm thông tin liên lạc đưa rước cán bộ, nơi dừng chân của các lực lượng võ trang Thủ Đức và Sài Gòn, liên tục đánh phá địch ngay sát Sài Gòn và đưa vũ khí vào nội thành chuẩn bị cho cuộc đánh lớn vào Sài Gòn trong dịp tết Mậu Thân năm 1968.
Đình An phú đã được công nhận Di tích lịch sử cấp Thành phố tại Quyết định số 5515/QĐ-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2006 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về xếp hạng di tích cấp Thành phố đối với di tích lịch sử Đình An Phú tại ấp 3, phường An Phú, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Đình An Phú trong 2 thời kỳ chống Thực Dân Pháp và Chống Đế Quốc Mỹ:
Ngay từ đầu thành lập chính quyền cách mạng là Thôn Bộ Minh đóng trụ sở tại đình An Phú năm 1946-1947, nơi đây thường diễn ra các lớp bình dân học vụ trong làng và là nơi họp mặt quần chúng nhân dân phát động phong trào đấu tranh chống Thực Dân Pháp.
+ Trong thời kì
kháng chiến chống Thực Dân Pháp năm (1945-1954):
Đình An Phú trở thành nơi quy tụ những thanh niên yêu nước của Làng An Phú. Đó là những thanh niên hưởng ứng phong trào thanh niên tiền phong, người đứng đầu là Bác sỹ Phạm Ngọc Thạch- đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước ngày khởi nghĩa tháng 8/1945 Thanh niên tiền phong công khai tuyên bố là thành viên của mặt trận Việt Minh. Tổ chức thanh niên tiền phong xã An Phú do đồng chí Huỳnh Văn Ngởi chỉ huy, tổ chức thành lực lượng quân sự cướp chính quyền tại địa phương. Khi Pháp tái chiếm, bộ phận này là đội cảm tử do đồng chí Ba Kỉnh chỉ huy tham gia mặt trận Gồng Ông Tố. Đình An Phú còn là nơi đóng quân của đội quân cảm tử và củng cố lực lượng gia nhập vào bộ đội”Thái Văn Lung”, đơn vị bộ đội nổi tiếng Sài Gòn-Gia Định do Luật sư Thái Văn Lung một trí thức yêu nước lãnh đạo. Ngoài ra còn rất nhiều đơn vị chọn đình làm trạm liên lạc, tập trung quân, vũ khí như: Ban tình Báo, Ban sưu tầm vũ khí CL300, đơn vị quyết tử 3824, biệt động đội 2766, đơn vị vũ trang 92, đơn vị sưu tầm 306, Công an Tân Bình và còn nhiều đơn vị khác củng trú đóng tại Đình.
+ Trong thời kỳ kháng chiến chống Đế Quốc Mỹ (1954-1975):
Thời kỳ này các đồng chí cán bộ cách mạng của xã An Phú ở lại tiếp tục hoạt động, dưới sự đùm bọc của nhân dân. Đình An Phú lại tiếp tục trở thành cơ sở cách mạng, trước khi vào xóm hoạt động các đồng chí ghé ngang qua đình nắm bắt tình hình, nhưng địch thường xuyên rình rập theo từng bước chân các đồng chí cách mạng. Đặc biệt trong đợt tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968, Bộ chỉ huy mặt trận cánh Đông Bắc Sài Gòn đặt trạm thông tin liên lạc tại đình An Phú, nhiều thương binh trong chiến dịch này cũng được đưa về đình An Phú săn sóc trước khi đưa về căn cứ. Đình An Phú còn là nơi xuất phát của đơn vị D4, đơn vị này do đồng chí Tư Kia chỉ huy đột nhập đánh chiếm các mục tiêu quân sự của địch ở cầu Tân Cảng.
(Nguồn Phòng VH-TT-TT Q2)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đăng nhận xét