Thiên nhiên thơ mộng
Cạnh quần đảo có khu resort Hòn Trẹm (ấp Ba Hòn, xã Bình An, huyện Kiên Lương – Kiên Giang). Khi mặt trời lặn dần về phía tây, hoàng hôn nhuộm vàng resort Hòn Trẹm. Ngắm hoàng hôn trên biển Tây là một trong những lý do khiến lữ khách chọn nơi đây làm chốn dừng chân. Hòn Trẹm resort là một khu du lịch cao cấp được thiết kế ngay trên lưng đồi và những khách sạn ven biển tạo thành một quần thể du lịch tiện nghi với tiêu chuẩn bốn sao nhưng không mất dáng vẻ tự nhiên của khu sinh thái. Tại đây, các nhà nghiên cứu của viện Sinh học nhiệt đới TP.HCM đã phát hiện ra thu hải đường (Begonia bataiensis kiew), một loài thực vật mới, bổ sung vào danh mục các loài thực vật của thế giới. Người ta còn tìm được một loài nhện thân trong suốt, không có mắt nhưng có khả năng săn mồi chính xác… Nơi đây là điểm hẹn lý tưởng cho những ai cần nghỉ dưỡng cuối tuần hoặc những cặp vợ chồng mới cưới muốn hưởng tuần trăng mật.
Muốn đến quần đảo Bà Lụa phải đi qua hòn Phụ Tử. Buồn man mác khi nhìn hòn Phụ biến mất, hòn Tử đứng bơ vơ, ngơ ngác! Quần đảo Bà Lụa có nhiều hòn và nhiều hang động để khám phá. Các hòn đảo ở đây là núi đá vôi, cao không quá 100m so với mực nước biển, nhấp nhô ngoài khơi Hòn Chông.
“Chúa đảo” Phạm Văn Mực ở Hòn Đước, một cụm ba hòn nằm gần nhau gồm Đầm Giếng, Đầm Dương và Đầm Đước cho biết có thể đi bộ trên biển bởi các đầm nối với nhau bằng một triền cát mà nước biển chỉ ngập đến hơn đầu gối. Ở đó có mạch nước ngọt quanh năm.
|
Hòn Trẹm
|
Không loại cộng đồng ra khỏi cuộc chơi
Theo ông Trần Đạt Duy, tổng giám đốc công ty CP du lịch Kiên Giang: “Du khách đến Kiên Giang thường tới Phú Quốc, Rạch Giá, Kiên Lương và Hà Tiên. Đối với du khách trong nước, Hòn Trẹm, chùa Hang, hòn Phụ Tử là danh lam thắng cảnh đã có “thương hiệu” từ lâu. Trong tương lai, nơi đây là điểm đấu nối giữa Phú Quốc với đất liền thu hút cả khách trong và ngoài nước chứ không phải chỉ ở Rạch Giá”. Ông Duy cho rằng điểm đặc trưng của khu du lịch này là phát triển du lịch nhưng không đẩy cộng đồng ra khỏi khu vực du lịch mà thực sự gắn liền công ăn việc làm. “Không thể vẽ bức tranh du lịch chỉ với một màu. Phải đan xen và giúp cộng đồng làm quen trật tự mới, tổ chức cộng đồng tham gia hoàn thiện sản phẩm du lịch”, ông Duy nói.
Suy nghĩ này đã tăng cường sinh lực cho khu Hòn Trẹm. Cách resort Hòn Trẹm khoảng một cây số, một khu chợ nhỏ vẫn nhộn nhịp. Tìm hiểu nhịp sống về đêm của người dân địa phương biết bao điều thú vị. Mua 3kg sò lụa với giá 12.000đ/kg, thật khác với bãi biển Mũi Nai – phải trả đến 50.000đ/kg. Ghé quán ăn trên bãi biển Hàng Dương, gởi sò lụa nhờ chủ quán làm món sò lụa xào rau răm vừa tươi ngon... Người dân ở đây rất sẵn lòng phục vụ du khách. Ban ngày, bờ biển Hàng Dương là nơi lý tưởng để tắm biển, nghịch cát. Ban đêm, đó là nơi thích hợp để các bạn trẻ đốt lửa trại, đàn hát, nhảy múa. Còn ở Hòn Đước, “chúa đảo” Hai Mực luôn dành thời gian làm một bữa trưa toàn hải sản: cá hường nướng lá chuối, cua đá luộc, sò tộ nướng mỡ hành, cá mú nấu cháo, mực nướng muối ớt... và những câu chuyện không cần kịch bản.
Bà Bùi Thị Hồng Hà, phó chủ tịch hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long cho biết, An Giang vừa đưa trung tâm du lịch cộng đồng vào hoạt động (đầu năm 2010) để phát huy những nét khác biệt của cộng đồng người Chăm. Du khách nước ngoài rất thích mô hình này. Tại An Giang, tổ chức Nông dân Hà Lan (Agriterra) đã tài trợ dự án “Du lịch nông nghiệp” 300.000 euro để triển khai loại hình farmtour tại ba tỉnh An Giang, Tiền Giang và Lào Cai. Ông Nguyễn Thanh Tùng, phó ban quản lý dự án Du lịch nông nghiệp tỉnh An Giang cho biết thêm: đã có hơn 3.300 lượt khách tham quan, giải trí, ăn uống tại vườn nhà của nông dân. Du khách quốc tế sẽ ăn nghỉ, sinh hoạt tại nhà dân theo lịch trình tour “72 giờ hoặc 12 giờ trong vùng Thất Sơn”, với các điểm dừng chân: Mỹ Hoà Hưng, làng bè, dệt thổ cẩm Chăm, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (thị xã Châu Đốc), chợ cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo, rừng tràm Trà Sư và lên đỉnh núi Cấm (Tịnh Biên)...
nguồn: www.sgtt.com.vn