Thời hưng thịnh Vương quốc Chămpa đã gắn liền với ba trung tâm lớn. Vùng ven biển cửa Đại – Hội An là nơi giao thương phát triển kinh tế. Vùng rừng núi Mỹ Sơn là nơi hội tụ tâm linh gắn liền với tôn giáo. Vùng đồng bằng Trà Kiệu là trung tâm của quyền lực, chính trị, văn hóa.
Kinh đô Trà Kiệu – Trung tâm quyền lực chính trị, văn hoá
Nằm tại trung tâm trục đường từ Hội An đến Mỹ Sơn, thuộc hữu ngạn sông Thu Bồn, nơi có cánh đồng màu mỡ rộng lớn, Trà Kiệu sớm được chọn làm kinh đô, bởi vị trí chiến lược vừa gần biển lại giáp rừng vừa có khả năng phòng thủ lại có thể tấn công và rất thuận lợi cho kinh tế phát triển.
Dưới sự dẫn đường của những người gắn bó với vùng đất linh thiêng này, chúng tôi tìm đến móng thành cổ xưa. Kinh đô Trà Kiệu – Simhapura được biết với cái tên khác là “kinh thành sư tử”, được hình thành vào thế kỷ thứ II. Thành ngày xưa giờ chỉ còn là phế thành. Có một số đoạn vẫn còn lộ thiên, hoặc nằm sâu trong lòng đất, còn lại đã bị phá vỡ, có chỗ trở thành móng nhà, nền nhà, sân vườn của các hộ dân. Theo lời kể của những người từng đào móng thành thì móng thành rất sâu, đào xuống thì thấy bên dưới có đóng cọc tre, ít đá sỏi, còn lại là gạch và trong lòng có đất bùn được đưa vào nện chắc. Kinh đô Trà Kiệu còn được biết đến dưới dạng một bức họa phù điêu theo dấu tích của sử cũ và hiện vật để lại. Theo đó thì đúng quả thật kinh thành xưa có những tòa tháp cao, các tầng tương đương với những ngôi nhà 4 – 5 tầng hiện nay. Được xây dụng theo kiến trúc Trà Kiệu, có dòng sông, cánh buồm, dân cư đông đúc chứng tỏ cho nền kinh tế phồn thịnh của kinh đô.
Đến thăm kinh đô xưa cùng những dấu ấn còn lại của một nền văn hóa, các hiện vật trong bảo tàng văn hóa Chăm tại Trà Kiệu khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng với những bức tượng đá được gọt rủa, trạm trổ rất kỹ lưỡng, vô cùng tinh tế và công phu. Những bức tượng về các nữ thần với thân thế uyển chuyển, nhẹ nhàng, mềm mại thân hình thon, nhỏ gọn, uốn lượn với các đường nét cong của cơ thể. Có cả chim thần Garuda với cái mỏ to khỏe, đôi móng vuốt sắc nhọn nhưng lại có bộ ngực căng tròn đầy sức sống của người phụ nữ. Những thần sư tử, với các dáng vóc, thái độ, tư thế khác nhau, vừa dũng mãnh vừa hiền hòa, cùng với đó là tượng voi Ganesa đại điện cho trí tuệ, uy lực, sức mạnh của một vị thần. Những lá lửa cuồn cuộn, mạnh mẽ, luôn cháy rực tạo ra ánh sáng cũng như sức sống cho muôn loài.
Ngoài ra, kỹ thuật làm đồ gốm tại Trà Kiệu cũng rất sắc xảo, tinh tế. Dưới các chân thành, các nhà khảo cổ đã tìm được nhiều đồ gốm từ nồi, ấm, vò, bếp lò, đến các viên bi, đồ trang sức, có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ II. Trong đó, nồi đất có điểm chung là dáng hình cầu, hoặc hình bán cầu, cổ nhỏ, miệng loe. Ấm đất vòi nhỏ, có quai, thân tròn to dùng để đựng nước. Bếp lò tựa như một bông hoa nở, có ba cánh, ba cánh đó chính là ba chân kiềng để đặt nồi lên, củi lửa đều được đặt trong lòng của bếp lò như trong lòng một bông hoa. Vò đất nhỏ, cổ ngắn, miệng cao, càng xuống đáy càng nhỏ, được xem là quan tài mai táng của vua và hoàng thân. Những đồ gốm đó được làm từ cát đất sét, thường có màu xám và hoa văn rất đa dạng.
Những di sản văn hóa vật thể mang một phong cách độc đáo – phong cách Trà Kiệu. Chất thẩm mỹ của văn hóa Chămpa tại Trà Kiệu là ở đó. Nhiều dấu tích di chỉ khảo cổ vẫn còn nằm sâu tại Trà Kiệu. Công việc khai quật về kinh thành cổ xưa hiện tại là chưa thể, song hứa hẹn nhiều bằng chứng mới minh chứng cho sự phồn thịnh, phát triển của nền văn hóa Chămpa.
Tín ngưỡng tôn giáo với những bí ẩn ngàn năm
Theo chân nền văn hóa chúng tôi hành trình đến Thánh địa Mỹ Sơn – trung tâm tín ngưỡng của vương triều Chămpa.
Thuộc một trong những nền văn hóa bí ẩn nhất của thế giới, những điều kỳ diệu, huyền bí về Thánh địa Mỹ Sơn vẫn đang là những câu hỏi. Hiện tại Thánh địa Mỹ Sơn còn 20m ngôi tháp, khoảng 50 ngôi tháp bị đổ hoặc chỉ còn lại nền móng. Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận ra rằng: Văn hóa Chămpa thuộc một nhánh của đạo Bàlamon. Nếu như đạo Bàlamon ở Ấn Độ tôn thờ thần Brama (thần sáng tạo), thần Visnu (thần bảo vệ), thần Siva (thần hủy diệt) trong đó đặc biệt coi trọng thần Brama. Đạo Hindu cũng thờ ba vị thần như đạo Bàlamon, nhưng lại thiên về thờ thần Visnu và thần Siva. Còn ở Mỹ Sơn, thần Siva được tôn sùng như một vị thần có đủ sức mạnh, sản sinh ra muôn loài và sáng tạo thế giới. Đạo Bàlamon đã thay đổi theo đặc tính “chất dương tính trong tính cách bản địa”, thần Siva đại diện cho uy lực, sức mạnh, thuộc đặc tính dương. Tất nhiên đây sẽ là cơ sở chi phối đến mọi tín ngưỡng khác của người Chăm trong quá trình tiếp biến văn hóa, tiếp nhận trên nền móng văn hóa truyền thống.
Điều dễ nhận ra nhất đó kiến trúc của những ngôi tháp. Những mái chóp tháp nhọn hình như hai lòng bàn tay chắp lại, theo các tầng bậc thấp cao, lồi lõm, có cả những mái tháp hình cánh buồm. Có rất nhiều bức tượng điêu khắc miêu tả hình dáng, nghi thức tế lễ, cầu nguyện của các tín đồ đạo Bàlamon trên những các bức tường. Điều đặc biệt là tín ngưỡng thờ Linga (sinh thực khí nam) và Yoni (sinh thực khí nữ), trong đó Linga được đồng nhất với thần Siva. Thần Siva có lúc được thờ với thế ngồi trên Yoni. Việc xây dựng khu Thánh địa Mỹ Sơn trong lòng chảo có con suối chảy ra là một minh chứng cho Linga và Yoni khổng lồ. Trên mình thần Siva luôn có hai con rắn thần quấn quanh, hai cái đầu rắn được xem là hai dòng sông chảy ra biển (sông Hàn, sông Thu Bồn). Vậy, ý nghĩa của việc thờ thần Siva ở Mỹ Sơn chính là một vị thần sáng tạo chứ không phải là một thần hủy diệt. Cũng có lý khi nhiều người gọi đạo Bàlamon (thờ thần Brama) thành đạo Siva (thờ thần Siva) cũng là do tín ngưỡng khác biệt này.
Đến với Thánh địa Mỹ Sơn, không riêng gì chúng tôi mà cũng là nỗi day dứt của các nhà khoa học. Để tìm hiểu nhiều hơn và rõ hơn về nền văn hóa ấy đòi hỏi phải dịch trọn vẹn, hết nghĩa của những bia đá mang chữ Chăm cổ nhưng hiện tại là điều chưa thể. Ý nghĩa sâu thẳm của nhũng tấm bia đá là gì, chắc chắn đó không hẳn là việc ghi lại nội dung của công việc xây dụng đền tháp, tuy nhiên cũng không hẳn là những lời nguyền mang yếu tố tâm linh như những lời truyền thuyết để lại.
Cũng là một thắc mắc mà nhiều nhà kiến trúc trên thế giới phải ngỡ ngàng về chất liệu xây dựng. Trong đó chú trọng nhất là chất kết dính, có nhiều giả thiết khác nhau như dùng nhựa cây, sáp ong, dầu rái… song nó vẫn là một bí mật chưa thể giải đáp, tại sao ở một thung lũng sâu, độ ẩm cao, quanh năm luôn có những con suối chảy qua vậy mà tuổi thọ của những viên gạch vẫn luôn kéo dài. Các trụ cột còn lại ở Mỹ Sơn là loại đá trầm tích, nằm sâu trong đất, mềm, dễ vỡ, vậy nhưng các cạnh điêu khắc, chạm chổ vẫn không bị sứt mẻ do tác động bên ngoài. Dù có nhiều phương pháp, từ cổ đến hiện đại đều không thể giải đáp những bí ẩn này. Thế nhưng có một điều công nhận rằng cứ mỗi lần tìm ra một bí ẩn nào đó thì bí ẩn khác lại hiện ra, cứ tiếp nối liên tục như vậy, và cánh cửa bí mật hàng nghìn năm vẫn đang khép kín.
Khu vực giao thương phát triển kinh tế của vương quốc Chămpa
Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi đến với vùng biển cửa Đại – Hội An. Tại đây còn lưu giữ rất nhiều những chứng tích của nền Văn hoá Chămpa. Quá trình thám sát đã chứng minh vùng cửa Đại – Hội An là trung tâm kinh tế lớn nhất của vương quốc Chămpa.
Ở khu di tích mộ táng và di chỉ Hậu Xá 1, Đồng Nà, Cẩm Phô…Các nhà khảo cổ đã tìm ra các di chỉ với các tầng văn hoá khá dày. Các đồ gốm có màu xám, vàng nhạt, đỏ nâu, cùng với đó là các viên ngói có hình mặt hề, những viên ngói có một đầu nhọn đầu kia có móc. Bên cạnh đó, các mảnh gốm của văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Hán cũng có mặt. Sau thời hậu Sa Huỳnh là tiền Chămpa, qúa trình chuyển biến này diễn ra mạnh mẽ, dứt khoát, song sự mở rộng giao lưu với các nền văn hóa khác đã tạo cho văn hóa Chămpa có mối quan hệ rộng với các nền văn hóa bên ngoài, trong đó chủ yếu là mối quan hệ giữa ba nền văn hóa Sa Huỳnh – Chămpa – Hán.
Ngoài ra, cửa biển Hội An trở thành cảng biển hưng thịnh nhất, các thuyền buôn từ Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc kéo về rất đông. Quần đảo Cù Lao Chàm trở thành điểm dừng chân, tránh gió lý tưởng cho các thuyền buôn. Từ đó các mối quan hệ buôn bán qua đường biển diễn ra liên tục kéo dài, làm nên sự hưng thịnh của vương triều và phát triển thêm kinh đô Trà Kiệu. Rất nhiều mặt hàng được lưu thông như đồ gốm, vải lụa, sản vật địa phương. Cái tên Lâm Ấp phố trở nên quen thuộc với các thuyền buôn thời bấy giờ. Sự phát triển nhộn nhịp và hưng thịnh kéo dài cho đến khi vùng đất Quảng Nam được sát nhập vào Đại Việt.
Hiện tại những gì biết đến nền văn hóa Chămpa ở Quảng Nam còn khá khiêm tốn. Ngoài thế giới tâm linh ra vẫn còn rất nhiều dấu tích di chỉ khảo cổ vẫn còn nằm sâu trong lòng đất xứ Quảng. Song công việc khai quật trong thời gian không xa ở vùng đất này đang hứa hẹn rất nhiều bằng chứng mới minh chứng cho sự phồn thịnh, phát triển của vương quốc Chămpa cổ xưa.
Phúc Thanh
Các bài viết khác
- Hà Nội sắp lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo chủ chốt
- Vĩnh Phúc: Tổ chức hội nghị tuyên truyền cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh
- Vinapco bị cáo buộc buôn lậu xăng dầu siêu lợi nhuận
- Báo động tội phạm bắt cóc trẻ em: Nhận diện tội phạm
- Bốn năm tới, bậc phổ thông dạy kiểu gì?
- Tại sao các quan chức Libya liên tục bị ám sát?
- Khi địa phương không muốn tiếp khách trung ương
- “Hậu trường” những vụ án nổi tiếng trong lịch sử tố tụng Việt Nam - Vụ án thứ hai: Những bí mật chưa bao giờ biết về vụ án Tạ Đình Đề
- Nguyên Phó Bí thư thành ủy Hà nội Phạm Lợi trải lòng chuyện thế sự và quan trường
- Nhận diện nơi 'ăn' khủng hơn cảnh sát giao thông
- ‘Bỏ phiếu vì cái ghế, chế độ sẽ suy vong’
- "Tử Cấm Thành" ở Châu Âu và câu chuyện quyền tự do
- Xung quanh “ngôi mộ chữa bệnh” của Lương y Nguyễn Đức Cần: Sống bí ẩn, chết cũng bí ẩn
- Suy thoái, hàng tỷ đô vẫn rót vào casino
- Công ty Gia Tuệ có dấu hiệu lừa đảo nhà đầu tư?
- TQ hướng tới chủ ngân hàng trong chống tham nhũng
- Một kẻ tham lam, đất nước trả giá đắt!
- 'Kinh tế năm 2013 sẽ sáng sủa hơn'
- Điểm danh đại gia Việt kiều nổi danh bốn phương
- Trung Quốc thách thức dư luận với bản đồ "Tam Sa"