|
Dãy núi với Quỷ Môn Quan. Ảnh: wikipedia |
QĐND Online - Ải Chi Lăng là cửa ải thuộc trấn Khâu Ôn, trấn Lạng Sơn, nay thuộc các huyện Chi Lăng và Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, cách thị xã Lạng Sơn khoảng 20-40km về phía tây nam và cách thủ đô Hà Nội hơn 100km.
Là một dải đất hẹp, dài khoảng 20km, hai bên là núi đá, địa thế hiểm trở, Ải Chi Lăng lợi cho việc dùng binh, đánh mai phục.
Đứng sừng sững ở phía Tây là dãy Cai Kinh ngọn lởm chởm với nhiều hang động có thể dùng làm nơi tích trữ lương thảo, khí giới và trú quân; án ngữ phía Đông là núi Thái Hoà, Bảo Đài và giữa những vạt đầm lầy là những quả núi nhỏ nương tựa vào nhau như những lớp thành cao hào sâu. Một thung lũng hình bầu dục, dài khoảng 4km, chỗ rộng nhất khoảng gần 1km, nằm gọn ở giữa tầng tầng lớp lớp núi non đó. Ngọn nguồn sông Thương chảy qua thung lũng, mang cái tên thơ mộng Suối Hoa Đào. Ải Chi Lăng nằm chẹn ngang thung lũng, là cửa ải hiểm yếu bậc nhất trên con đường độc đạo ở biên giới phía Bắc. Nơi đây đã diễn ra nhiều chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta.
Năm 1288, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ ba, nhà Trần đã chặn đánh đạo quân của Thoát Hoan trên đường chúng rút chạy. Kỵ binh giặc bị sa bẫy ngã hàng loạt; bộ binh trúng tên độc từ các ổ phục kích bên sườn núi phóng ra bị tiêu diệt với số lượng rất lớn. Thoát Hoan phải liều chết mở đường máu chạy về bên kia biên giới…
Theo đường quốc lộ 1A đến ki-lô-mét 102 thì tới cửa ngõ phía Nam của Ải Chi Lăng, mang tên Ngõ Thề (có truyền thuyết cho biết, ở đây đã từng diễn ra lễ tuyên thệ của quân dân ta thề diệt giặc để bảo vệ non sông). Cuối Ngõ Thề là núi Mã Yên (còn gọi là núi Yên Ngựa), trông giống hình cái yên ngựa. Vào tháng 10/1427, trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, quân ta đã bố trí trận địa mai phục tại đây, tiêu diệt gọn đội quân tiên phong địch do Liễu Thăng chỉ huy (Liễu Thăng bị tử trận tại núi Mã Yên), như “Bình Ngô đại cáo” đã ghi:
Ngày mười tám tại Chi Lăng, Liễu Thăng thua kế,
Ngày hai mươi tại Mã Yên, Liễu Thăng phơi thây…
Qua Ngõ Thề đi tiếp đến ki-lô-mét 107 thì tới chỗ thung lũng thất bại, cực hẹp, chiều ngang chỉ còn khoảng 400m, nơi trước kia có xây thành dựa vào vách núi. Đó là cửa ngõ phía Bắc của Ải Chi Lăng, mang tên Quỷ Môn Quan - một địa danh từng gây bao nỗi kinh hoàng cho các đạo quân xâm lược:
Quỷ Môn quan! Quỷ Môn Quan!
Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn!
Có người dịch là:
Cửa ải quỷ, cửa ải quỷ!
Mười người đi, một kẻ trở về!
Ải Chi Lăng với địa thế hiểm yếu, thật xứng với lời khen của Phạm Sư Mạnh, nhà chính trị kiêm nhà thơ nổi tiếng đời Trần:
“Chi Lăng quan hiểm dữ thiên tề”, nghĩa là: “Ải Chi Lăng hiểm trở sánh ngang Trời”.
Mã Giang