17/08/2010
|
16:03:00
Làng cổ Cự Đà
|
Làng Cự Đà là một làng Việt cổ với nghề làm miến truyền thống. (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)
|
Nằm tiếp giáp với con sông Nhuệ, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km về phía
Tây-Nam, thôn Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội), với những cây cổ thụ,
mái đình, chùa, cổng làng, các ngôi nhà cổ kính... với mật độ dày đặc khiến
chúng ta có cảm giác như được đi ngược lại thời gian, ít nhất là cả trăm năm.
Làng cổ Cự Đà là tên gọi của một trong ba thôn Khúc Thủy, Khe Tang, Cự Đà
thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội. Trong ba thôn của xã thì Cự Đà có tuổi đời
lâu nhất. Thời kỳ phát triển cực thịnh nhất của làng là vào những năm cuối
thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Làng Cự Đà không chỉ được biết đến như một làng hai nghề truyền thống nổi
tiếng là nghề làm miến và làm tương, mà còn là một không gian văn hóa độc đáo,
với hàng trăm ngôi nhà cổ, nhưng hiện chỉ còn khoảng 50 ngôi nhà cổ vẹn
nguyên lối kiến trúc nhà Việt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Làng cổ được quy hoạch ngăn nắp, trật tự. Đường làng chạy dọc theo bờ
sông, bên trái là hàng cây râm mát và bến nước, bên phải là nhà. Từ con đường
làng lớn tỏa ra hàng chục con ngõ nhỏ lát gạch nghiêng dẫn vào các xóm. Đầu ngõ
có cổng, thì cuối ngõ cũng có cổng dẫn ra cánh đồng và các ngõ giống hệt nhau.
Hai bên ngõ là hai dãy nhà quay lưng vào nhau, thẳng tắp.
Các ngôi nhà cổ ở đây đều được quy hoạch giống nhau, cổng có
mái che dẫn vào sân, nhà chính quay lưng ra đường, nhà phụ đối diện
với nhà chính qua mảnh sân hẹp. Khuôn viên mỗi nhà thường là 250-350m2,
nhà chính gồm năm gian dài 12m, rộng 7m. Tường nhà cũng chính là
tường bao khuôn viên và không có cửa sổ trổ ra ngõ nên tạo cảm giác
“kín cổng cao tường."
Cự Đà có hàng trăm ngôi nhà cổ, nhưng chỉ còn khoảng 50 nhà giữ được khá
nguyên vẹn tổng thể kiến trúc. Một trong những ngôi nhà còn lưu giữ lại những
nét cổ kính nhất của làng là nhà ông Trịnh Thế Sủng. Ngôi nhà được xây dựng năm
1874, gọi là nhà Đại khoa.
Đây là ngôi nhà ngói năm gian với 35 cột gỗ. Nhà được
dựng bằng gỗ xoan với nét chạm trổ rất cầu kỳ và điêu luyện trên từng thân cột,
xà, vách gỗ. Kỹ thuật điêu khắc trên xà nhà, cột nhà đã đạt đến mức tinh xảo với
đường nét mềm mại, sinh động. Mái nhà lợp bằng ngói âm dương, tường nhà bằng gỗ.
Bàn thờ Tổ tiên đặt ở chính giữa ngôi nhà với hoành phi, câu đối sơn thếp rực
rỡ. Ngôi nhà về mùa Đông ấm áp, sang mùa Hè lại mát mẻ.
Ngoài "kho tàng" về nhà cổ, Cự Đà còn có chùa, miếu đã được xếp hạng di
tích quốc gia và đều là các công trình kiến trúc cổ. Đáng chú ý, là Đàn Xã Tắc
bằng đá xanh được xây vào đầu thế kỷ 20 để tế lễ, cầu mưa thuận gió hòa…
Cùng với Đường Lâm, Cự Đà là một trong hai ngôi làng cổ còn lại của thủ đô
và là điểm đến thú vị đối với những người muốn tìm hiểu những nét văn hóa đặc
trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ./.
Đình Trung (TTXVN/Vietnam+)