Tháp Mẫm vốn rất nổi tiếng và được mệnh danh cho một phong cách kiến trúc đền tháp Chămpa - Phong cách tháp Mẫm, bởi tại đây các nhà khoa học đã phát hiện được nhiều hiện vật điêu khắc Chăm.
|
Tượng Sư tử Tháp Mẫm
|
Cuộc khai quật tại tháp Mẫm từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2011 của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp Bình Định giúp các nhà khoa học có thêm nhiều thông tin về mặt bằng kiến trúc của khu Tháp Mẫm. Cũng trong cuộc khai quật này đã phát hiện thêm một số hiện vật, mở ra một nhận thức mới trong việc nghiên cứu và phát huy tác dụng di tích này.
1.
Tháp Mẫm là tên gọi của một quần thể kiến trúc tháp Chăm, nằm tọa lạc trên một ngọn đồi thấp, thuộc thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn. Qua thời gian, chiến tranh và sự tác động vô thức của con người, quần thể kiến trúc này chỉ còn lại phế tích.
Năm 1934, một học giả người Pháp tên là J.Y.Clayes thuộc Trường Viễn Đông Bác cổ đã khảo sát và khai quật tại tháp Mẫm, với diện tích trên 400m2, độ sâu 2m, kết quả đã đưa lên khỏi lòng đất nhiều hiện vật quý giá, khối lượng hiện vật trên được di chuyển từ Quy Nhơn về Đà Nẵng lên đến 58 tấn, trong đó có hàng loạt các khối tượng tròn của linh thú (như rồng, Makara, sư tử, Garuda…) và phù điêu các vị thần (chủ yếu là Siva, Brahma, Visnu…). Những hiện vật đó được đưa về Bảo tàng Viễn Đông Bác cổ (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh ngày nay và một số được đưa về Pháp. Cuộc khai quật của người Pháp chủ yếu để tìm hiện vật, chưa làm rõ được mặt bằng tổng thể của khu kiến trúc tháp Mẫm để thấy được quy mô, tầm vóc và vai trò của tháp Mẫm đối với đời sống tôn giáo, tâm linh của vương quốc Chămpa thời kỳ Vijaya.
|
Garuda Tháp Mẫm
|
2 .
Hiện nay, gò tháp Mẫm được trồng cây ăn quả, thuộc quyền sử dụng của hai gia đình ông Nguyễn Bình và Nguyễn Biểu. Theo một số cụ cao niên kể lại: Vào giai đoạn những năm 60 - 90 của thế kỷ trước, người dân địa phương thường đến đây lấy gạch về xây dựng chuồng trại, lát đường đi hoặc xây chùa, đình ở gần đó, những tảng đá xanh thì lấy về đục làm cối xay gạo, làm bàn mài dao, kéo…
Năm 2002, trong quá trình lấy đất ở gò tháp Mẫm để làm đường đi trong thôn, nhân dân địa phương tìm thấy một tượng Gajasimha ở mặt phía đông g̣ò và một tượng sư tử bó góc đế tháp ở mặt phía bắc g̣ò. Cả hai hiện vật trên đều được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định. Ngày nay, khu vực tháp Mẫm chỉ còn là một khu đất cao với um tùm cây ăn quả và cây bụi giăng kín, vị trí hố đào của người Pháp năm 1934 vẫn còn lõm sâu ở khu vực trung tâm g̣ò, nhiều chỗ đã bị đào phá, san lấp làm biến dạng hiện trạng̣. Do vậy, việc tiến hành nghiên cứu một cách tổng thể, toàn diện để làm rõ mặt bằng, xác định giá trị lịch sử văn hóa, tiến tới khoanh vùng bảo vệ toàn bộ khu vực g̣ò Tháp Mẫm là một việc làm cần thiết.
|
Kinnari Tháp Mẫm
|
3 .
Qua 3 tháng khai quật khảo cổ (từ tháng 7 - tháng 9/2011), với diện tích trên 1.000m2, mở 15 hố khai quật ở các mặt đông, tây, nam, bắc của g̣ò tháp Mẫm. Ở độ sâu từ 0m - 4,8m, mọi diễn biến địa tầng đã được làm rõ, các nhà nghiên cứu đã bóc tách và làm xuất lộ các nền móng kiến trúc của quần thể di tích tháp Mẫm và chứng minh nơi đây từng tồn tại 9 kiến trúc, đó là: Hệ thống tường bao xung quanh; các kiến trúc tháp chính (tháp Nam, tháp Bắc và tháp Giữa) nằm ở khu trung tâm; tháp phụ (tháp Tây) ở phía tây g̣ò, nằm phía sau tháp giữa; tháp Cổng - ở hướng đông (lệch sang Bắc 100), đối diện tháp giữa; Tháp Hỏa - nằm ở hướng đông nam, phía trước bên phải tháp giữa; Tháp Bia - hướng đông bắc, bên trái tháp giữa; Nhà dài nằm ở hướng đông - đối diện với tháp Cổng và dấu tích đường dẫn lên tháp ở phía đông.
Khu gò tháp Mẫm chỉ là một g̣ò đồi thấp, cao 33m so với mực nước biển. Có lẽ do vị trí phong thủy “đắc địa” nên người Chăm đã cải tạo, bồi đắp để xây dựng một khu vực kiến trúc đền - tháp phục vụ cho hoạt động tôn giáo, tâm linh của mình. Đối diện g̣ò tháp Mẫm là ngọn núi Mò O làm tiền án phía Đông. Xung quanh khu g̣ò được bao bọc bởi con sông La Vĩ, một nhánh của sông Côn bao bọc ở các mặt Tây - Nam - Bắc uốn lượn như hào tự nhiên che chắn, tạo nên thế tụ thủy quanh g̣ò.
Với hệ thống kiến trúc ba tháp thẳng hàng và qua phát hiện các phù điêu, tượng tròn thể hiện các vị thần tối thượng của người Chăm, cho ta biết đây là khu tháp thờ ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo là Brahma, Visnu và Siva, trong đó thần Siva thường thờ ở tháp Giữa, Visnu ở tháp phía nam và Brahma thờ ở tháp phía bắc. Cũng qua tư liệu khảo cổ cho thấy, tháp giữa có mặt bằng gia cố nền móng rộng nhất so với hai kiến trúc tháp Nam và tháp Bắc ở hai bên. Tháp Tây có lẽ là tháp phối thờ; tháp cổng nằm ở phía đông tháp chính (tháp giữa), tháp mở hai cửa theo hướng đông tây đồng trục với cửa ra vào tháp chính. Tháp Hỏa, đây là công trình kiến trúc với chức năng phụ trợ cho tháp chính, được xây dựng phía trước nằm kề về phía đông nam. Thông thường loại hình kiến trúc tháp này được coi là tháp chứa đồ thờ phục vụ nghi lễ, hay là tháp thờ thần Hỏa (thần lửa Anhi). Tháp có mặt bằng hình chữ nhật hướng đông tây. Tháp này thường có hai gian, mở ba cửa đông, nam, bắc, còn hướng tây theo quan niệm của người Chăm là nơi trú ngụ của ma quỷ, nên chỉ mở cửa giả. Tháp Bia, loại tháp này có chức năng để bia ký, trên mặt bia ghi các dòng chữ cho biết tháp xây dựng ở thời vua nào và thờ vị thần gì. Tháp Nhà dài có mặt bằng hình chữ nhật, hướng bắc – nam, đây là nơi các tín đồ chờ đợi trước khi vào khu tháp chính để hành lễ.
Bên cạnh việc xác định được toàn bộ mặt bằng kiến trúc của khu di tích tháp Mẫm, trong quá trình khai quật, còn tìm thấy một số hiện vật. Theo thống kê có 99 hiện vật các loại được kiểm kê, lập phiếu khai quật. Ngoài ra còn thu thập 1.176 hiện vật dạng mảnh để tham khảo nghiên cứu.
Về nhóm vật liệu kiến trúc, có các loại: Gạch, ngói mũi lá và đá ong. Kích thước viên gạch chiều dài dao động từ 30 - 42cm, rộng từ 12 - 22cm, dày từ 5,5 -8cm, nhiều viên được cắt đẽo tạo thành hình thỏi, hình thang, hình tam giác hay hình tròn cho phù hợp với bề mặt trang trí tường tháp. Nhiều mảnh gạch có họa tiết trang trí hoa dây hay vảy rắn - một loại hình điêu khắc đất nung dùng để trang trí trên tường, trên vòm mái tháp.
Nhóm trang trí kiến trúc, chủ yếu là các loại hình: Tai lửa bằng đất nung trang trí diềm dật cấp ở các bậc mi cửa tháp, tai lửa có chốt cắm bằng đá sa thạch, mặt trang trí hình lá đề, hình Makara phun lửa hoặc hình ngọn lửa uốn cong; có lẽ đây là những vật trang trí của các tháp góc và trang trí trên các tầng mái phần chính diện hoặc góc các tầng tháp. Một loại hình điêu khắc rất độc đáo duy nhất phát hiện tại tháp Mẫm là tượng Kinnari - đầu người mình chim, có hai cánh hai bên, hai tay chắp lại trước ngực cầu nguyện. Loại hình này có 03 tiêu bản: Kinnari bị mất đầu (cao 28cm, rộng 19cm) và 01 đầu Kinnari (cao 13,5cm; rộng 9,5cm) - theo thần thoại Ấn Độ đây là nữ thần nửa người nửa chim, ca sĩ của thần Indra. Loại hình Kinnari có chốt cắm phía sau, thường trang trí thành băng trên các tầng mái tháp. Ngoài ra còn có các loại hình: Người cầu nguyện bằng đá, voi, rùa bằng đất nung, đầu chim công, mặt kala, đầu sư tử… đều không còn nguyên dạng, số lượng ít. Một loại hình trang trí kiến trúc tháp đáng chú ý khác là đỉnh chóp tháp bằng đá, trong đợt này thu được 05 tiêu bản, có một tiêu bản đã bị sức vỡ, không đầy đủ bộ phận (bao gồm 02 đỉnh chóp tháp chính và 03 đỉnh chóp tháp góc). Bên cạnh đó, còn tìm thấy 02 bệ tượng hình vuông, trong lòng rỗng, xung quanh bệ tượng trang trí cánh sen kết dải cách điệu - đây là hai thớt liền khối dùng để đặt chóp tháp (thớt dưới lớn còn nguyên, thớt trên nhỏ bị vỡ, chỉ còn ½). Một số mảng phù điêu trang trí ở góc và cửa tháp cũng được tìm thấy, trong đó có 02 bức phù điêu trang trí Garuda đang trong tư thế bắt rắn Naga, được ốp trang trí ở khu vực cửa tháp, cao 128cm (tính cả đế), rộng 77cm; 01phù điêu được tìm thấy ở khu vực tháp Nam và 01 phù điêu tìm thấy ở khu vực tháp Tây; 02 tượng sư tử ốp bó góc tháp, cao 97cm, rộng 62cm. Đây là những tác phẩm còn tương đối nguyên vẹn, nghệ thuật điêu khắc tỉ mỉ, tinh xảo và rất sống động.
Nhóm tượng thờ, đợt khai quật này chủ yếu chỉ thu được một số mảnh vỡ của các loại tượng thờ thần Siva, Visnu bằng đá như các mảnh đầu (03 đầu tượng), mảnh ngực, tay, chân hoặc bệ, đa số đã bị đập phá. Hiện vật còn tương đối nguyên vẹn được tìm thấy là 03 bức phù điêu thần Siva ở khu vực tháp Nam. Trong đó có 02 bức phù điêu mô tả Siva ngồi trong lá đề (cao trên 80cm) và một bức mô tả Siva ngồi trong ô hộc, tượng nhỏ. Đặc biệt, còn tìm thấy 01 trụ bia 4 mặt, nằm ở khu vực tháp Cổng, 3 mặt đều bị đập vỡ, một mặt còn nhìn rõ 5 hàng chữ nhưng không đủ chữ.
Đồ dùng sinh hoạt được tìm thấy chủ yếu là các loại đồ đất nung, đồ gốm men và đồ sứ Trung Quốc, có niên đại tập trung vào khoảng thế kỷ XVIII-XIX, số ít là các mảnh thuộc niên đại thế kỷ XII-XIV. Đa số hiện vật tìm thấy là các mảnh vỡ, có thể đây là đồ dùng phục vụ sinh hoạt của cư dân Việt đến định cư vùng này giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đầu XIX.
Ngoài các nhóm loại hình di vật tiêu biểu trên, một số tiêu bản đạn súng thần công bằng gang, chì có thể xác định thuộc thời Tây Sơn và đạn súng Gars của Pháp cũng đã được tìm thấy, phản ảnh về những cuộc giao tranh khốc liệt tại khu vực này trước đây. Dựa trên biên niên sử địa phương, ông J.Y.Clayes, năm 1934 đã xác nhận, “Tháp Mẫm là nơi phục vụ cho những lễ hội vui chơi trong thành trì, trong cuộc đấu tranh chống lại Nguyễn Ánh (Gia Long), nghĩa quân Tây Sơn đă đóng đô ở đó. Năm 1885, trong một thời gian, khu gò đất này cũng là nơi trú ẩn của một hậu duệ nhà Tây Sơn là Mai Xuân Thưởng, người đứng đầu hoạt động khởi nghĩa trên đất Bình Định thời bấy giờ”.
|
Bệ chóp Tháp Mẫm
|
4 .
Như vậy, tháp Mẫm có vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử Vương quốc Chăm, giai đoạn Vijaya, theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam: “Sau cuộc khai quật này sẽ tiến hành chỉnh lý hiện vật khai quật và nắm lại toàn bộ số lượng hiện vật mà Pháp khai quật trước đây, sắp tới sẽ tổ chức Hội thảo về di tích tháp Mẫm tại thủ đô Hà Nội, trong đó có sự tham gia của Bảo tàng Guimet (Pháp). Riêng tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ có gian trưng bày tái hiện về lịch sử văn hóa Chăm trong đó có sự phát triển về di tích tháp Mẫm”.
Tiến sĩ Phạm Quốc Quân – Nguyên Giám Đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nhận định: “Cuộc khai quật tại tháp Mẫm cho ta nhận thức được về bình đồ của di tích tháp Mẫm, mà trước đây thuật ngữ về Phong cách tháp Mẫm vốn rất nổi tiếng – nó đại diện cho một phong cách nghệ thuật điêu khắc của một giai đoạn lịch sử – giai đoạn thứ hai của phong cách Bình Định, ảnh hưởng phong cách Khơmer. Điều cần làm trước hết là phải bảo quản tạm thời di tích và nhờ chính quyền huyện An Nhơn, xă Nhơn Thành có văn bản kịp thời để người dân không xâm phạm di tích, trước khi di tích được xếp hạng. Di tích rất xứng đáng được xếp hạng, khoanh vùng bảo vệ. Muốn phát huy di tích là phế tích kiến trúc, cần phải trùng tu gia cố nền móng, bóc tách tái hiện lại mặt bằng tổng thể di tích, để nguyên di tích, lập sơ đồ mặt bằng trong khu vực chính của di tích. Tôn tạo xung quanh tạo cảnh quang cho di tích, các công trình phụ, làm nhà trưng bày, giới thiệu những hiện vật khai quật tại tháp Mẫm. Với những hiện vật khai quật từ vật liệu kiến trúc đến những tác phẩm điêu khắc, đều là những thông tin, dữ liệu cần thiết, có thể tái hiện lại quần thể kiến trúc tháp Mẫm giả định bằng cách dựng phim theo công nghệ 3D, từ việc xây dựng tổng thể kiến trúc tháp đến việc lắp ghép các tác phẩm điêu khắc ở những vị trí thích hợp, nghi thức, cách hành lễ… để khách tham quan có thể hình dung diện mạo quần thể di tích tháp Mẫm và vai trò tôn giáo của nó trong lịch sử vương quốc Chăm giai đoạn Vijaya, di tích tháp Mẫm sẽ trở thành một trong những sản phẩm du lịch ở Bình Định là điều cần thiết.
Cũng có ý kiến cho rằng, với những nhận thức mới về di tích tháp Mẫm, nếu có điều kiện nên làm rõ các vết tích như Thập Tháp, gò Tam Tháp để kiểm chứng luận điểm cho rằng dưới Vương triều Vijaya, ngoại vi kinh đô có một trung tâm tôn giáo.
|