Nghệ thuật điêu khắc rồng và bản sắc văn hóa Việt Nam
9102692
20.01.2012 19:19:53

Nghệ thuật điêu khắc rồng và bản sắc văn hóa Việt Nam

Văn Hiến - Trong tâm thức người Việt, Rồng là con vật có sức mạnh, là một trong 12 con giáp/một trong 12 loại tinh, ứng với một trong 12 loại người. Đẳng cấp hơn, Rồng đứng đầu Tứ linh (Long, Ly, Qui, Phượng). Trên thực tế, một con Rồng như quan niệm trên của người Việt là con vật không có thực (như một loài động vật trên trái đất)


Văn Hiến - Trong tâm thức người Việt, Rồng là con vật có sức mạnh, là một trong 12 con giáp/một trong 12 loại tinh, ứng với một trong 12 loại người. Đẳng cấp hơn, Rồng đứng đầu Tứ linh (Long, Ly, Qui, Phượng). Trên thực tế, một con Rồng như quan niệm trên của người Việt là con vật không có thực (như một loài động vật trên trái đất), mà chỉ là một con vật huyền thoại, là sản phẩm của óc sáng tạo mang tính biểu tượng của cư dân nông nghiệp lúa nước.

Trống đồng Hòa Bình bên trong là hình con rồng giống cá sấu

Đến nay, nhiều ý kiến đã khẳng định sự sáng tạo ra hình tượng Rồng xuất phát từ Việt Nam, “là con vật đặc thù chung cho tất cả dân tộc Việt và chính từ đây nó đã đi vào văn hóa Trung Hoa”, lan tới cả châu Âu. Hình tượng con Rồng là con vật được người Việt sáng tạo trên cơ sở một con vật có thực và có rất nhiều trên địa bàn châu thổ các con sông, nơi sinh tụ của người Việt cổ, là con cá sấu. Cá sấu là một loài bò sát lưỡng cư, vừa sống trên cạn, vừa sống dưới nước, rất hung dữ, được mệnh danh là chúa tể của sông nước, đầm lầy ở vùng nhiệt đới. Hình tượng Rồng thuở ban đầu mới xuất hiện trong dáng hình con cá sấu đến nay đã tìm thấy trong trang trí trên các đồ đồng thời văn hóa Đông Sơn. Điển hình là hình tượng Rồng – cá sấu giao nhau trên thạp đồng Đào Thịnh. Cùng với thời gian và ảnh hưởng ngày một sâu đậm của Nho giáo, hình tượng con Rồng ngày một tích hợp cả về hình dáng lẫn tính cách từ nhiều con vật khác cũng rất phổ biến ở Việt Nam. 

 Thạp đồng Đào Thịnh - văn hóa Đông Sơn (cách ngày nay 2000 - 2500 năm)

Có thể mô tả khái quát hình tượng con Rồng hiện nay như sau: thân Rồng là thân của cá sấu và rắn, có vẩy như cá/cá sấu; Đầu rồng được hợp thành từ nhiều bộ phận của những con thú khác nhau như: miệng lang, tai thú, trán lạc đà, mũi sư tử, móng chim ưng,… Với những đặc/đức tính trên, con Rồng có khả năng siêu phàm, vừa sống được ở dưới nước như cá/cá sấu (mà lại còn là chúa tể của mọi vùng nước), vừa bay/vùng vẫy được trên trời như chim, khạc ra lửa, sấm chớp để làm ra mưa bão. Như vậy, con Rồng là con vật thể hiện tư duy lưỡng phân, lưỡng hợp - vừa âm, vừa dương của cư dân nông nghiệp lúa nước. Xuất thân từ dân gian – nông thôn - nông nghiệp, sự oai linh của Rồng đã được cư dân nông nghiệp lúa nước sùng bái, trở thành vị thần linh chủ nguồn nước, chủ cả bầu trời. Những khi trời đất gây hạn hán, mùa màng thất bát, người nông dân thường cầu viện đến Rồng phun mưa, đem lại nước – sự sống cho mùa màng, vạn vật sinh sôi. 

Photobucket
Đầu ngói ống men lục hình rồng thời Lý

Rồng đã trở thành ước vọng phồn thực từ bao đời nay của người Việt. Khi Nho giáo thịnh hành, các Nho gia đã không bỏ qua hình tượng Rồng đã ăn sâu trong tiềm thức nhân dân, “đẩy” Rồng lên một địa vị mới – cao sang, quyền uy hơn. Rồng dần trở thành một phần bản mệnh Vua. Vậy là Từ Thần quyền, Rồng trở thành biểu tượng của Vương quyền tối cao/tối thượng nhất. Điều này được xác định trong Từ điển tiếng Việt (NXB Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học xuất bản 1997, trang 805): Rồng là “động vật tưởng tượng theo truyền thuyết mình dài có vẩy, có chân, biết bay, được coi là cao quý nhất trong các loài vật”. Rồng (Long) còn là “từ để chỉ cơ thể hoặc đồ dùng của vua thời phong kiến”.

 

Hình vẽ môtip rồng thời Lý

Khi Phật giáo thịnh hành, hình tượng Rồng lại được người Việt gắn với Phật trong tích Rồng biến thành con thuyền đưa Ngài đi giảng đạo. Rồng cũng là biểu tượng của học vị Tiến sĩ Nho học – Bảng Rồng (Bảng đề tên những người đỗ Tiến sĩ thời phong kiến).

Như một quy luật, với vị thế tối quan trọng/tối linh và sứ mệnh lớn lao của mình, hình tượng Rồng đã có vị thế và rất sâu đậm trong đời sống tín ngưỡng – tôn giáo và văn hóa Việt Nam. Hình tượng Rồng là đối tượng, nguồn đề tài cho nhiều loại hình văn học nghệ thuật, đặc biệt là mỹ thuật. Chân dung Rồng xuất hiện trong nhiều loại chất liệu thiết kế mỹ thuật khác nhau trên các đồ án trang trí kiến trúc và nhiều vật dụng khác. Cũng thành quy luật, không thể khác, hình tượng Rồng trong mỹ thuật luôn phản ánh tư tưởng của thời đại đã sản sinh ra những kiệt tác điêu khắc đó. Nhưng, đối với xã hội Việt, đời sống trong làng xã thường mạnh mẽ, vững vàng trước những bão tố của tư tưởng ngoại lai (“Phép vua thua lệ làng”), điêu khắc hình tượng Rồng trong dân gian vẫn bảo lưu được sự uyên nguyên như ý tưởng sáng tác ban đầu của cội nguồn. Đôi khi, sức sống dân gian/dân tộc đã ảnh hưởng ngược lên thượng tầng, lên tư tưởng của tầng lớp thống trị, nên sự Hán hóa trong một bộ phận giai cấp thống trị phong kiến Việt cũng không hoàn toàn chiếm lĩnh vai trò chi phối, và thắng thế/ khuất phục lòng dân. Có thể dẫn chứng ngay để minh chứng cho điều này, đó là con Rồng Trung Hoa. Do tư tưởng Nho giáo Trung Quốc quan niệm rằng Rồng là biểu tượng tối thượng/độc quyền duy nhất/đồng nhất của/với Vua – Thiên tử, nên hình tượng Rồng xuất hiện đậm đặc và nổi trội trong trang trí, kiến trúc cung điện. Nhưng trong cung điện Trung Hoa, điêu khắc hình tượng Rồng cũng chỉ có ở ngai vàng - bệ Rồng/thềm Rồng, rất hiếm khi gặp ở các cửa lên xuống các bậc đá ra vào các cung điện – là vị trí gác cổng, nơi ấn định là vị trí của các con sư tử. Song, ở Việt Nam, con Rồng được kéo xuống nằm ngay trên các bệ đá, trước lâu đài cung điện của vua chúa với hình dáng uốn lượn gấp khúc. Dấu ấn đó hiện còn nguyên vẹn, vững chãi ở bậc thềm điện Kính Thiên, kinh thành Thăng Long thời Lê Sơ trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long – Di sản Văn hóa Thế giới.

 
Rồng đá điện Kính Thiên thời Lê Trung Hưng

Như thế, đời sống của con Rồng thể hiện/phản ánh trong nghệ thuật điêu khắc/kiến trúc ở Việt Nam hiện diện/ăn sâu cả ở đời sống dân gian/dân dã và trong cả đời sống cung đình vua chúa quyền uy. Trong đó, đời sống Rồng trong điêu khắc dân gian/dân dã (thể hiện ở các công trình kiến trúc đình , chùa, miếu mạo) phong phú, đa dạng cả về chủ đề, mô típ và tư tưởng thẩm mỹ, tâm tư/mong ước ký thác của nghệ nhân đều mang đậm bản sắc Việt Nam hơn. Đây là điều khác xa, rất xa với đời sống của Rồng/Long trong văn hóa Trung Hoa và một số nước phương Đông khác.

Nghệ thuật điêu khắc hình tượng Rồng qua các thời, có thể nhìn/thấy những nét tổng quát, như sau:

Trong điêu khắc thời Lý, con Rồng là hình tượng nghệ thuật đã định hình, mang đậm phong cách dân gian. Con Rồng thời Lý có thân hình con Rắn, với những đường nét đặc sắc mình trơn dài, không có sừng và tai, trên đầu có biểu tượng của sấm chớp, môi kéo thành vòi voi.

Sang thời Trần, những võ công hiển hách sau ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên – Mông, xây nên “Hào khí Đông A” khí phách oai phong lẫy lừng đã ảnh hưởng tới văn học nghệ thuật. Nghệ thuật điêu khắc Rồng thời Trần tuy vẫn kế tục nghệ thuật điêu khắc Lý với  tính chất phóng khoáng của những đường nét dân gian, nhưng hình tượng Rồng thời Trần mang dáng chắc khỏe và hiện thực hơn. 


Rồng thời Trần tuy vẫn kế tục nghệ thuật điêu khắc Lý

Đến thời Lê Sơ, giai đoạn đầu, nghệ thuật điêu khắc Rồng vẫn kế thừa nghệ thuật điêu khắc Rồng thời Trần, song sang nửa cuối thế kỷ XV, đặc biệt là tới thế kỷ XVI, XVII, do tư tưởng Nho giáo chi phối mạnh hơn vào đời sống chính trị, giai cấp phong kiến Việt Nam đã có ý thức đưa nghệ thuật vào phục vụ đắc lực cho hệ tư tưởng chính thống, do đó, nghệ thuật nói chung đã mất đôi cánh bay bổng, trí tưởng tượng dân gian, trở thành công cụ phục vụ cho chính trị thượng tầng, mô phỏng/minh họa thô cứng theo những khuôn vàng thước ngọc của triều đình Hán hóa sâu sắc. Hình tượng Rồng thời này có thân hình thiếu mềm mại uyển chuyển, trông khá hung dữ với đầu Rồng có sừng và tai, đôi khi thân uốn hình yên ngựa. Con Rồng đời Lê Thánh Tông có thân mình mập, đầu to, sừng và lông gáy tua tủa như bờm ngựa, bàn chân có 5 móng quặp vào như chân diều hâu. Đó là con rồng dữ tợn, tượng trưng cho uy quyền của giai cấp phong kiến thống trị. Hình tượng Rồng xuất hiện đậm đặc và nổi trội trong trang trí, kiến trúc cung điện thời Lê Sơ, ngay từ bậc thềm cung điện, đến ngai vàng. Bậc Rồng cung điện thời Lê Sơ hiện còn nguyên vẹn chỉ còn thành bậc điện Kính Thiên, kinh thành Thăng Long. Hai dãy thành bậc điện Kính Thiên được chạm hình 2 con Rồng uốn khúc, đầu nhô cao, đang bò từ trên nền điện xuống. Rồng có dáng dữ tợn, đầu to, mắt tròn lồi, sừng dài có nhánh, bờm mượt lượn ra sau, lưng có nhiều vẩy nổi cao và sắc. Nhìn chung, hai hình rồng ở đây đã được tạo nên với một vẻ đường bệ, trang nghiêm, bằng cách kỳ dị hóa những chi tiết điêu khắc, tạo ấn tượng uy linh đặc biệt. Nó phản ánh khá tiêu biểu cho nền nghệ thuật điêu khắc thời Lê Sơ, một nền nghệ thuật đã đi vào khuôn phép trang nghiêm. Hai bên dãy thành bậc điện Kính Thiên không chạm rồng, mà ở đây được tạo nên những khối cuồn cuộn dưới hình thức rồng đã cách điệu.

http://haiphong.gov.vn/PortalFolders/ImageUploads/DULICH/1010/hoang%20thanh/tl%20doi%20rong.jpg
Rồng đá thời Lê dài 5,3m, 9 khúc trong thế trườn xuống từ thềm điện Kính Thiên, được tạc năm 1467

Tới thế kỷ XIX, hình tượng điêu khắc Rồng mặc dù vẫn thiếu mềm mại uyển chuyển, tuy nhiên có nhiều Rồng hóa thân từ cây cỏ thiêng hay từ một vài hoa văn nào đó lại khá đẹp. 

Trong đời sống dân gian/dân dã - nơi hình tượng Rồng đã ra đời/ được tạo tác, Rồng hiện diện đậm nét, sinh động qua nhiều đồ án/mô típ khác nhau trong mọi kiến trúc đình, chùa, miếu mạo.

Hình tượng Rồng trong điêu khắc chùa chiền, có thể thấy ở rất nhiều ngôi chùa. Đơn cử ở chùa Bái (Đại Bi, Hoài Đức, Hà Nội), hiện còn lưu giữ chiếc bệ đá hoa sen hình hộp, niên đại thời Trần. Trang trí mặt trước bệ chủ yếu là các đồ án hình rồng. Rồng đôi chầu nhau trong khung hình chữ nhật và các rồng đen ở hai bên. Rồng được chạm trong dáng mềm mại cuộn nhiều khúc và mào bốc lửa bốc ngược lên phía trước. Mồm Rồng há rộng, chân có 3 móng sắc.

 
Lông ở khuỷu chân của rồng được vẽ trên sắc phong của triều tây Sơn

Hình tượng Rồng là mô típ chủ đạo được người nông dân dùng để trang trí ngôi đình – chốn linh thiêng của làng. Con Rồng đình làng có nhiều nét khác biệt với rồng ở cung điện và càng khác xa với Rồng trong tư duy và kiến trúc cung điện Trung Hoa. Rồng trong điêu khắc đình làng Việt không mang tính vương quyền cao quý, mà chứa đựng ý nghĩa phồn thực, cầu nước cho mùa màng và muôn loài, phản ánh ước vọng sinh sôi nảy nở, đủ đầy của con người và vạn vật. Mô tip “lưỡng long triều nguyệt” gần như phổ biến trên hầu hết các nóc đình. Trong đình, rồng có mặt khắp trong các đồ án kiến trúc và trang trí. Hình rồng được chạm nổi trên các đầu dư, trên các con sơn cánh gà,… cho ta cảm giác như đình làng là nhà của rồng vậy. Trong những ngôi đình có niên đại từ thế kỷ XVI về sau, hình tượng Rồng là mô típ trang trí chủ đạo, có mặt ở nhiều kết cấu kiến trúc ngôi đình. Con Rồng có mặt trong các đồ án trang trí từ bên ngoài, đến bên trong ngôi đình làng và thường ở vị trí trung tâm. Đình Đình Bảng (Bắc Ninh) có hơn 500 hình rồng. Đình Hàng Kênh (Hải Phòng) có 268 mảng chạm khắc với 400 hình rồng, trên trần đình như vầng mây ẩn hiện vô số rồng. Đình Vị Hạ (Hà Nam), bức chạm rồng tuyệt đẹp và dày đặc chi tiết trên cốn. Đình Phù Lão (Bắc Giang) trên đầu Rồng hoặc râu rồng người ta chạm những hình phụ nữ khỏa thân nằm hay ngồi. Mảng chạm mô típ “Rồng ổ” (rồng mẹ với đàn rồng con) rất khác với “Cửu long tranh châu” (Trung Hoa), ngoài ra còn các mô típ “Cây hóa Rồng”, “Cá chép hóa Long” rất độc đáo. Rồng còn kết hợp với một số con vật linh thiêng khác để tạo nên cặp đối đãi, mang ước vọng tốt lành/hạnh phúc, như: Rồng – Phượng, Tiên – Rồng. 

Đóng
Con rồng thời Nguyễn trở lại vẻ uy nghi tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng

Như vậy, từ những con vật ở chốn trần gian/nông nghiệp, người Việt đã tạo nên hình tượng Rồng, một con vật biểu trưng cho ước vọng có mưa/nước cho sản xuất nông nghiệp. Sau đó, do nhu cầu xây dựng hình ảnh và quyền uy tối cao/tối thượng của giai cấp cầm quyền/thống trị, Nho giáo đã đẩy hình tượng Rồng trở thành biểu tượng của uy quyền nhà vua, được vương triều phong kiến Việt Nam học/ hành, phần nào Hán hóa hình tượng Rồng Việt. Song, với người/nông dân Việt, con Rồng với vẻ uyên nguyên/nguyên gốc khởi thủy của nó, trong chốn dân dã, vẫn là con vật gần gũi mang ước vọng phồn thực của người nông dân Việt. 

Xưa thế và nay vẫn thế.

Nguyễn Minh Hoàng



Đọc báo tin tức 24htin thế giớitin pháp luật

Tin trong ngày cùng chủ đề:

,