Không Gian Ký Ức Sài Gòn Góp Ký Ức - Lưu Kỷ Niệm

Close

Sài Gòn Mộ Cổ (kỳ 02): Mộ Phan Chí sĩ và tấm lòng người Nam Bộ

Nằm ở số 9 Phan Thúc Duyện, phường 4, quận Tân Bình, khu di tích mộ cụ Phan Châu Trinh lặng lẽ ẩn mình trong một khu vườn nhỏ, cách khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả nhộn nhịp chỉ vài ba trăm mét. Bước qua cánh cửa phụ và đi qua một khu vườn đủ loại cây trái, khách viếng mộ sẽ tìm thấy nơi an nghỉ của một nhân vật lịch sử quan trọng vào những năm đầu thế kỷ XX.


Tấm bia kể về cuộc đời của cụ Phan Châu Trinh, được dựng ngay khi cụ qua đời. đám tang cụ Phan Châu Trinh thời đó diễn ra trong 10 ngày đêm để nhân dân có thể đến viếng và được xem như đám tang lớn nhất Sài Gòn thời ấy.

Điếu văn trên bia được cụ Huỳnh Thúc Kháng, một trí thức nổi tiếng và là đồng chí của cụ, chấp bút viết nên. Cùng với cụ Huỳnh Thúc Kháng có 15 nhân sĩ yêu nước khác do cụ Huỳnh Đình Điển đứng đầu đứng ra tổ chức tang lễ cho cụ Phan.

Trên mộ cụ Phan có khắc dòng chữ: “Việt Nam chính trị Cách mạng gia Phan Châu Trinh tiên sinh chi mộ - Quốc dân đồng kính tặng”

Trong khu di tích, ngoài mộ của cụ Phan Châu Trinh còn có mộ của bà Phạm Thị Quy, vợ ông Huỳnh Văn Tài là một điền chủ giàu có ở Gò Công, Tiền Giang. Khi cụ Phan Châu Trinh qua đời, vì mến mộ mà Huỳnh điền chủ đã hiến đất làm mộ cho cụ Phan.

Mộ của bà Phạm Thị Quy được xây với kiến trúc cột vòm kiểu Pháp và vẫn còn nguyên vẹn đến hiện nay.

Mặt trước mộ của cụ Phan Châu Trinh. Khuôn viên khu di tích mộ cụ Phan Châu Trinh hiện rộng khoảng 2000 m2. Khu di tích nằm trong khu vực nghĩa địa của Hội Gò Công tương tế

Trong khu di tích của cụ Phan Châu Trinh, ngoài mộ còn có đền thờ cụ. Trước đền thờ là bức tượng cẩm thạch do UBND TP.Đà Nẵng trao tặng vào năm 2006.

Lối vào đền thờ cụ Phan Châu Trinh. Đền thờ này được dời về đây vào năm 1990 khi gia đình cụ Phan tiến hành tu sửa phần mộ. Từ năm 1926 đến 1990, đền thờ nằm ở số 23 Nguyễn Huy Tự, phường Đa Kao, quận 1. Đền thờ được bà con nhân dân yêu mến và ngưỡng mộ cụ Phan lập nên.

Ảnh 10: Bên trong đền thờ, phía trên có treo câu hoành phi: Phan Tiên Sinh Đền

Di ảnh của cụ Phan Châu Trinh trong bộ Âu phục.

Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia của Bộ Văn hóa – Thông tin. Khu di tích Phan Châu Trinh được công nhận vào ngày 12/12/1994.

Tủ sách Phan Châu Trinh. Ở đây bày bán những cuốn sách viết về cuộc đời và sự nghiệp của cụ Phan Châu Trinh nhằm gây quỹ trùng tu di tích.

Bàn thờ những thành viên trong gia đình điền chủ Huỳnh Văn Tài.

Trên mộ của cụ Phan có biểu tượng thanh kiếm và cuốn sách, thể hiện ý của người xưa rằng: “tinh thần phải cương như Kiếm, hiểu việc đời phải thông như Sách”.

Bác Lê Văn Ky, một trong những người trông coi mộ.

Trong khu di tích còn có nhà lưu niệm cụ Phan Châu Trinh, là nơi trưng bày những hiện vật, tranh ảnh gắn bó với cuộc đời cụ Phan Châu Trinh. Đây cũng là nơi sinh sống của người phụ trách khu di tích hiện nay: cô Lê Thị Sáu (Tư Sương), 74 tuổi, cháu dâu của điền chủ Huỳnh Văn Tài.

Mộ cụ Phan Châu Trinh. Trước năm 1990, nơi này chỉ có bia và mộ. Sau này khi có điều kiện và được nhà nước hỗ trợ, gia đình họ Phan mới tu sửa và xây dựng thêm cho khu mộ.

 Khu di tích nhìn từ bên ngoài. Nếu không để ý, sẽ khó để người đi đường có thể nhận ra khu di tích này.

Theo lời của chị Thanh, phụ trách thuyết minh của khu di tích, dù nằm ở vị trí không dễ nhận biết nhưng hiện nay khu di tích cụ Phan Châu Trinh vẫn thường xuyên đón khách đến tham quan, từ những đoàn khách quốc tế ham tìm hiểu lịch sử đến những nhóm sinh viên học sinh đến làm đề tài. Ngoài ra, các trường học cũng thường xuyên dẫn học sinh đến đây để nghe chị kể về cuộc đời của cụ Phan Châu Trinh. Âu cũng là một điều đáng mừng vì di tích gắn với một trong những nhân vật lịch sử nổi bật không rơi vào quên lãng.

Giang Phạm

TIỂU SỬ CỤ PHAN CHÂU TRINH

Sử chép, Phan Châu Trinh (1872–1926) người làng Tây Lộc - Tiên Phước, Quảng Nam. Năm 1892, ông đi học và nổi tiếng học giỏi; có bạn cùng học là Huỳnh Thúc Kháng, kém 4 tuổi. Năm 1900 ông đỗ Cử nhân. Năm 1901 đỗ Phó bảng, đồng khoa với tiến sĩ Ngô Đức Kế và Nguyễn Sinh Sắc. Năm 1902 ông vào học Trường Hậu bổ rồi ra làm Thừa biện Bộ Lễ. Ít lâu sau bỏ quan và hoạt động cứu nước.

Một số cột mốc quan trọng của Phan Châu Trinh:

Năm 1906, ông bí mật sang Nhật Bản gặp Phan Bội Châu, khởi xướng duy tân, cải cách nước nhà. Sau khi về nước, ông ra sức tuyên truyền chủ trương cải cách của mình và đã trở thành một trong những người lãnh đạo xu hướng cải lương hồi đầu thế kỷ 20.

Tháng 7.1907, ra Hà Nội tham gia giảng dạy ở Đông Kinh nghĩa thục, những buổi diễn thuyết của ông có rất đông người đến nghe.

Năm 1908, vụ Hà thành đầu độc ở Hà Nội và phong trào chống thuế của nông dân Trung Kỳ nổ ra và bị Pháp đàn áp, ông bị bắt đày ra Côn Đảo, cùng Huỳnh Thúc Kháng. Đến năm 1910, nhờ có Hội Nhân quyền Pháp can thiệp, (cụ Huỳnh ở tới 1913 mới được thả), ông được trả tự do nhưng bị quản thúc tại Mỹ Tho. Tuy nhiên, ông viết thư cho Toàn quyền đòi được sang Pháp hoặc trở lại Côn Đảo, nhất định không chịu cảnh bị giam lỏng ở Mỹ Tho.

Năm 1911, chính quyền Đông Dương cử một đoàn giáo dục Đông Dương sang Pháp, có cả Phan Chu Trinh và con trai là Phan Chu Dật. Sang Pháp, ông ở nhà luật sư Phan Văn Trường, mở một hiệu sửa ảnh, sống thanh bạch - Nguyễn Tất Thành cũng từng làm việc tại cửa hiệu của ông. Ông tìm cách liên hệ với những người trong Liên minh Nhân quyền và Đảng Xã hội Pháp. Ông cũng có những cuộc tiếp xúc với các nhóm Việt kiều và các đảng phái tiến bộ, thảo luận vấn đề độc lập, tự do, dân chủ. Năm 1914, ông lại bị bắt giam vì tình nghi có liên hệ với nước Đức. Nhờ sự can thiệp của Đảng Xã hội Pháp, nên ông mới được thả ra.

Ngày 19.6.1919, ông cùng với Phan Văn Trường và Nguyễn Tất Thành soạn "Bản Yêu sách của nhân dân An Nam" gửi cho Hội nghị Versailles, ký tên chung là Nguyễn Ái Quốc; làm nổ ra "quả bom chính trị" chấn động tại nước Pháp.

Năm 1922 khi vua Khải Định sang Pháp dự đấu xảo Marseille, ông viết một bức thư dài buộc tội Khải Định 7 điều và khuyên vua về nước gấp, đừng làm nhục quốc thể (trong sách giáo hồi tui học gọi là Thất Điều Trần).

Ngày 29.5. 1925, Phan Châu Trinh cùng nhà cách mạng trẻ Nguyễn An Ninh xuống tàu rời nước Pháp, đến ngày 26.6 thì về tới Sài Gòn. Tại đây ông tiếp tục hoạt động theo xu hướng cải lương, kêu gọi dân quyền, dân sinh, dân khí. Mặc dù bệnh nhưng đã có một số bài diễn thuyết, gây tác động không nhỏ đến thế hệ trẻ tại Sài Gòn, trong đó có Tạ Thu Thâu.

Ngày 24 .3.1926, đang lúc nằm trên giường bệnh, ông hay tin Nguyễn An Ninh vừa bị mật thám Pháp đến vây bắt tại nhà vào lúc 11 giờ 30 trưa. Ngay đêm hôm đó, 21h30, ông qua đời tại khách sạn Chiêu Nam Lầu và được đem quàn tại Bá Huê lầu, số 54 đường Pellerin, Sài Gòn. Một Ủy ban tổ chức lễ quốc táng gồm 15 thành viên là các nhân sĩ, trí thức đã được thành lập ngay trong đêm ông qua đời.

Đám tang Phan Châu Trinh được xem như quốc tang, đồng thời với Sài Gòn trên toàn quốc đều cử hành tang lễ trọng thể. Học sinh bãi khóa, tiểu thương, nhân dân lao động bãi thị… biến đám tang thành một cuộc biểu tình khổng lồ và thật sự là một cuộc tổng diễn tập lớn biểu dương lực lượng quần chúng. Bất chấp sự ngăn cản của chính quyền, phong trào làm lễ truy điệu Phan Châu Trinh được tổ chức rộng rãi ở khắp ba kỳ, trở thành một sự kiện chính trị nổi bật lúc bấy giờ.

6h sáng ngày 4-4-1926, hơn 6 vạn người đã theo sau xe đưa linh cữu ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Ông Nguyễn An Ninh kể lại: “Ngày đi chôn, dân chúng sắp hàng dài đi dọc đường Pellerin, qua Norodom, quẹo Paull Planchy đến Phú Nhuận rồi thẳng lên Tân Sơn Nhất. Hàng chục ngàn người nghiêm trang, tay đeo băng tang xếp hàng đi, có thanh niên của Đảng Jeune Annam giữ gìn trật tự suốt dọc đường. Một đám tang lớn chưa từng có ở Sài Gòn, đám tang thể hiện sự giác ngộ của quần chúng, đám tang là tấm lòng của đồng bào đối với nhà ái quốc suốt đời chỉ nghĩ đến dân”.


Loading...
Loading...