Thành Thái

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bước tới: menu, tìm kiếm
Thành Thái Đế
成泰帝
Emperor Thanh Thai.jpg
Hoàng đế nhà Nguyễn
Tại vị 1889 - 1907
Tiền nhiệm Nguyễn Cảnh Tông
Kế nhiệm Duy Tân
Thông tin chung
Hậu duệ
Tên húy Nguyễn Phúc Bửu Lân
Niên hiệu Thành Thái 成泰
Thụy hiệu Hoài Trạch công
懷澤公
Triều đại Nhà Nguyễn
Hoàng gia ca Đăng đàn cung
Thân phụ Nguyễn Cung Tông
Huệ hoàng đế
Thân mẫu Từ Minh Huệ hoàng hậu
Sinh 14 tháng 3 năm 1879
Huế, Việt Nam
Mất 24 tháng 3, 1954 (75 tuổi)
An táng An Lăng (安陵)

Thành Thái (chữ Hán: 成泰; 14 tháng 3 năm 187924 tháng 3 năm 1954), là vị Hoàng đế thứ 10 của triều đại nhà Nguyễn, tại vị từ 1889 đến 1907.

Do chống Pháp nên ông, cùng với các vua Hàm NghiDuy Tân, là 3 vị vua yêu nước trong lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc bị đi đày tại ngoại quốc.

Thuở nhỏ[sửa | sửa mã nguồn]

Thành Thái đế tên húyNguyễn Phúc Bửu Lân (阮福寶嶙), còn có tên là Nguyễn Phúc Chiêu (阮福昭). Ông là con thứ 7 của vua Dục Đức và bà Phan Thị Điều, sinh ngày 22 tháng 2 năm Kỷ Mão, tức 14 tháng 3 năm 1879 tại Huế. Ông còn là cháu nội Thoại Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Y, và là chắt vua Thiệu Trị.

Năm ông bốn tuổi, vua cha Dục Đức bị phế và chết trong tù. Đến nǎm được chín tuổi, vì ông ngoại là Phan Đình Bình (làm quan Thượng thư bộ Hộ) bị vua Đồng Khánh bắt giam rồi bỏ cho chết, vì mắng Đồng Khánh, nịnh bợ và thân Pháp, khi Đồng Khánh ra Quảng Bình dụ vua Hàm Nghi đầu hàng. Bửu Lân lại phải cùng mẹ Từ Minh, lên kinh đô, chịu sự quản thúc, sống trong cảnh thiếu thốn.

Ngày 28 tháng 1 năm 1889, vua Đồng Khánh lâm bệnh qua đời. Khi đó con vua Đồng Khánh là Bửu Đảo mới 3 tuổi nên không nối ngôi được, triều đình Huế xin ý kiến của Tổng sứ Trung Bắc kỳ Pierre Paul Rheinart. Ở tòa khâm sứ lúc này có ông Diệp Văn Cương đang làm thông ngôn. Diệp Vǎn Cương lấy bà cô ruột của Bửu Lân, và cũng có cảm tình thương hại vua Dục Đức, nên cố tìm cách cho cháu mình lên ngôi. Ông dịch cho Khâm sứ Rheinart nghe hoàn toàn khác với ý của Viện cơ mật. Vì thế Bửu Lân được chọn lên ngai vàng. Bà Phan Thị Điều nghĩ tới cảnh vua Dục Đức và thảm kịch bốn tháng ba vua trước đây nên khóc lóc, không đồng ý, phải khuyên giải mãi mới ưng thuận.

Cai trị[sửa | sửa mã nguồn]

Lên ngôi[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 2 tháng 2 năm 1889 Bửu Lân lên ngôi lấy hiệu là Thành Thái. Khi đó Bửu Lân mới 10 tuổi. Triều Thành Thái khác các triều trước ở chỗ lễ đǎng quang không có Truyền quốc bửu tỷ ấn ngọc. Lúc trước, khi rời khỏi kinh thành Huế, vua Hàm Nghi đã mang theo và đánh mất tại tỉnh Quảng Bình. Cho nên lúc tại vị vua Đồng Khánh đã phải dùng một ấn ngọc khác. Ngoài ra, di chiếu cũng không có. Vua Dục Đức hay vua Đồng Khánh không truyền ngôi lại cho vua Thành Thái. Không ấn ngọc, không di chiếu, nhưng lại có một toán lính Pháp bồng súng đóng ở bên trong cửa Ngọ Môn.

Chân dung Đức Thành Thái

Thành Thái là một ông vua trẻ có nhiều tính cách đặc biệt. Những ngày đầu tiên, tuy đã là vua nhưng vì còn bé nên ông vẫn thích chơi bời, nghịch ngợm. Một số quan phụ chính giúp đỡ như Tuy Lý Vương, Nguyễn Trọng, Trương Quang Đản, thường có lời can ngǎn ông, nhưng không được ông nghe lời. Các bà hậu ở Lưỡng cung rất lo cho Thành Thái, đã bắt ông ra ở đảo Bồng Dinh trên hồ Tịnh Tâm và quản thúc ông rất ngặt, để đưa vào khuôn phép. Một thời gian sau, ông mới trở về Đại Nội.

Vua Thành Thái được đánh giá là người cầu tiến, yêu nước và chống Pháp. Khác với những vị vua trước đây, ông học chữ Nho, học tiếng Pháp và cũng cho cả con cái của mình cùng theo học chữ Pháp. Không nói ra, nhưng rõ ràng ý định của ông là học chữ Pháp để có thể giao tiếp với những người này với tinh thần chống Pháp. Ông còn cắt tóc ngắn, mặc âu phục, học cả lái ca nô, xe hơi, làm quen với vǎn minh phương Tây. Là vị vua gần gũi với dân chúng, ông thường xuyên đi vi hành. Thành Thái cũng cho phép hoàng phi bị cấm cung đi cùng với mình bằng xe. Và lần đầu tiên "dân chúng quên cả nhìn mặt vua, lúc này không bị tội phạm tất" [1]. Dân gian lúc này có một câu ca dao nói về sự vi hành của vua Thành Thái:

Kim Long có gái mỹ miều
Trẫm thương, Trẫm nhớ, Trẫm liều, Trẫm đi

Ông để ý đến cả các loại vũ khí, đã giao cho họa sĩ Lê Vǎn Miến (tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Paris) vẽ cho ông các khẩu súng Pháp. Vua Thành Thái rất thích đọc những tân thư chữ Hán của Trung QuốcNhật Bản. Nhờ đó vua có tinh thần tự cường dân tộc và đầu óc cải cách. Thành Thái làm thơ không nhiều, nhưng có những bài xuất sắc. Ông cũng ham vǎn nghệ, đánh trống tuồng khá thành thạo, có khi lên đóng một vài vai tuồng ở Duyệt Thị Đường. Có thể nói Thành Thái là hiểu biết khá toàn diện.

Tinh thần chống Pháp[sửa | sửa mã nguồn]

Hai bà phi của vua Thành Thái

Vua Thành Thái dần dần bộc lộ tinh thần dân tộc rất cao. Ông khinh ghét những bọn quan lại xu phụ. Một viên quan lớn là Nguyễn Thân đã tiến con gái đến cho vua (là đệ nhất giai phi của Thành Thái) song cũng không được ông trân trọng. Có lần, cầu Long BiênHà Nội, được lấy tên Toàn quyền Pháp Doumer, xây dựng xong, Hoàng Cao Khải đưa ra một danh sách xin nhà vua ban thưởng cho những người có công, nhà vua đã cười nhạt mà trả lời: "Ta có biết mặt mũi những đứa nào đâu". Những người Pháp thường xuyên gần gũi không được ông trọng thị lắm vì vậy họ thường có thành kiến với ông. Có những tài liệu nói là nhà vua đã toan bí mật sang Trung Quốc, nhưng mới đi đến Thanh Hóa đã bị người Pháp ngǎn chặn. Lại có ý kiến cho rằng ông đã đồng tình giúp đỡ... tạo điều kiện cho Cường Để xuất dương theo Phan Bội Châu sang Nhật. Dưới triều Thành Thái tuy vẫn còn có những cuộc vận động chống Pháp, nhưng nhìn chung Việt Nam cũng đã đi vào ổn định, nên đã có nhiều công trình mới được xây dựng. Nhất là ở kinh đô Huế, các bệnh viện, trường Quốc học, chợ Đông Ba, cầu Tràng Tiền... đều được xây dựng vào thời kỳ này. Như trường hợp trường Quốc học Huế năm 1896, chính nhà vua đã gợi ý vấn đề thành lập với Thượng thư Ngô Đình Khả. Chính quyền thực dân Pháp phải đồng ý cho tiến hành những công trình đó.

Vua Thành Thái còn bí mật lập các đội nữ binh để che mắt Pháp. Một số tài liệu ghi rằng vua đã chiêu nạp được 4 đội, mỗi đội 50 người, đội trước huấn luyện xong thì trở về gia đình và nạp đội mới, khi có thời cơ sẽ cùng nổi dậy chống Pháp. Nhưng sự việc cuối cùng bị lộ khi Thượng thư Bộ Lại và Cơ mật viện báo cho Khâm sứ Pháp Levécque[1]

Bị ép thoái vị[sửa | sửa mã nguồn]

Trước các ý tưởng cấp tiến của vua Thành Thái, người Pháp lo ngại tìm cách ngăn trở. Để che mắt, Thành Thái giả hành động như một người mất trí. Khi các bản vẽ vũ khí của ông bị phát hiện, Thành Thái giả điên, cào cấu các bà cung phi và xé nát các bản vẽ. Lợi dụng cơ hội này, người Pháp vu cho ông bị điên, ép ông thoái vị, nhường ngôi cho con vì lý do sức khỏe. Khâm sứ Pháp còn nói thẳng là đã biết ông có ý đồ chống Pháp, nên không để ông ở ngôi được. Còn nếu Thành Thái muốn tại vị thì ông phải ký vào một tờ giấy xin lỗi, tuyên bố với quốc dân là có âm mưu chống lại nước Pháp, nay phải thành thực hồi tâm. Nhưng ông đã ném tờ tuyên cáo thảo sẵn ấy xuống đất, từ chối.

Ngày 29 tháng 7 năm 1907, nhân dịp Thành Thái không phê chuẩn việc bổ nhiệm một số quan lại đã được Khâm sứ Lévêque và Hội đồng Thượng thư thỏa thuận, Lévêque đã tuyên bố truất quyền và quản thúc Thành Thái trong Đại nội. Một Hội đồng Phụ chính do Trương Như Cương cầm đầu được thành lập.

Ngày 3 tháng 9 năm 1907, triều thần theo lệnh của Pháp vào điện Càn Thành dâng vua dự thảo chiếu thoái vị, có chữ ký của các đại thần (trừ Ngô Đình Khả), với lý do sức khoẻ không bảo đảm, xin tự nguyện thoái vị. Xem xong bản dự thảo, Thành Thái chỉ cười, ghi ngay hai chữ "phê chuẩn" rồi quay lưng đi vào.

Lưu đày[sửa | sửa mã nguồn]

Bảo Đại và Thành Thái ở Đà Lạt năm 1951 [2]

Ngày 12 tháng 9 năm 1907, Thành Thái bị đưa đi quản thúc ở Cap Saint Jacques (Vũng Tàu ngày nay). Đến nǎm 1916 ông đày ra đảo Réunion cùng với con trai là vua Duy Tân.

Ông cùng gia đình thuê một căn nhà ở thành phố Saint Denis tại đảo Réunion. Thành Thái và Hoàng phi Chí Lạc dạy các con tiếng Việt và cả những nhạc cụ dân tộc như đàn cò, sáo... Ông tự phân công cho tất cả những người con từ nhỏ đến lớn đảm nhận công việc trong gia đình. Các công chúa phụ mẹ việc bếp núc, làm vườn. Các hoàng từ người làm cận vệ cho Thành Thái, người đảm nhận lo phân trầu cau, điểm tâm sáng, người phụ dọn dẹp nhà cửa...

Khác với vua Hàm Nghi trước đó, cuộc sống của cha con cựu hoàng Thành Thái khá chật vật. Già cả ốm đau, con cái nheo nhóc, ông hoàng Bửu Lân nhiều lần bị chủ nhà đòi tiền thuê nhà, chủ nợ đòi nợ. Năm 1925, vua Khải Định biết tình cảnh ông, đã trích ngân sách gửi sang cho ông 1.000 đồng, rồi sau thỉnh thoảng lại cho tiền. Sau khi Khải Định mất, không còn khoản tiền đó nữa, nên ngày 21 tháng 9 năm 1935, Bửu Lân phải viết thư gửi vua Bảo Đại xin nhà nước Bảo hộ Pháp cho một khoản tiền để mua nhà, "hễ hết đời" ông thì nhà nước sẽ thu lại.

Đầu tháng 5 năm 1945 (sau khi vua Duy Tân mất), nhờ sự vận động của con gái và con rể của ông, vợ chồng luật sư Vương Quang Nhường, cựu hoàng Thành Thái mới được cho về Việt Nam. Ông cùng gia đình sống ở Villa Anna tại Cap Saint Jacques.

Tháng 3 năm 1953, ông được phép về Huế thăm lăng tẩm cha mẹ.

Ông mất ngày 24 tháng 3 năm 1954 và được an táng tại khuôn viên thành An Lăng (lăng Dục Đức) tại xã An Cựu, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên, thọ 75 tuổi.

Gia quyến[sửa | sửa mã nguồn]

  1. Hoàng quý phi Nguyễn Thị Vân Anh (皇貴妃阮氏雲英), con gái đại thần Nguyễn Thân, một người theo Pháp triệt để.
  2. Huyền phi Nguyễn Hữu Thị Nga (玄妃阮友氏娥).
  3. Khoan phi Đoàn Thị Châu (寬妃段氏周). Năm 1907, nhận sách phong Hoàng sinh mẫu.
  4. Mỹ nhân Nguyễn Thị Kiều (美人阮氏娇), người làng Dạ Lê, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Năm 1915, Thành Thái bị lư đày, bà xuất gia ở chùa Tường Văn.
  5. Tài nhân Nguyễn Thị Định (才人阮氏定), người Bình Định. Năm 1907, nhận sách phong làm Hoàng đích mẫu.
  6. Tài nhân Hồ Giai Triệu (才人胡佳召).
  7. Tài nhân Hồ Chí Lạc (才人胡至樂).
  8. Tài nhân Dương Thị Ngọt (才人楊氏兀), người huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Bị xử tử.
  • Con cái:

Vua Thành Thái có 17 Hoàng tử và nhiều Công chúa. Tên các Hoàng tử và Công chúa các tài liệu ghi lại có những mâu thuẫn.

  1. Nguyễn Phúc Vĩnh Diễm [阮福永琰 ], sinh ngày 24 tháng 12, 1895. Sau khi sinh 3 ngày thì chết.
  2. Nguyễn Phúc Vĩnh Linh [阮福永玲 ], sinh ngày 8 tháng 3, 1897. Sau khi sinh 4 ngày sau thì chết.
  3. Nguyễn Phúc Vĩnh Trân [阮福永珍].
  4. Nguyễn Phúc Vĩnh Uyển [阮福永琬, 21 tháng 7, 1899 - 20 tháng 8, 1899].
  5. Duy Tân hoàng đế Nguyễn Phúc Vĩnh San [阮福永珊].
  6. Nguyễn Phúc Vĩnh Ngoạn [阮福永玩].
  7. Nguyễn Phúc Vĩnh Giu [阮福永琦].
  8. Nguyễn Phúc Vĩnh Chương [阮福永璋].
  9. Nguyễn Phúc Vĩnh Thâm [阮福永琛].
  10. Nguyễn Phúc Vĩnh Quê [阮福永珪].
  11. Nguyễn Phúc Vĩnh Giác [阮福永珏].
  12. Nguyễn Phúc Vĩnh Kha [阮福永珂 ].
  13. Nguyễn Phúc Vĩnh Vũ [阮福永瑀].
  14. Nguyễn Phúc Vĩnh Ngọc [阮福永鈺, 28 tháng 7, 1906 - 31 tháng 1, 1909].
  15. Nguyễn Phúc Vĩnh Tiến [阮福永璡].
  16. Nguyễn Phúc Vĩnh Hòe [阮福永琉].
  17. Nguyễn Phúc Vĩnh Cầu [阮福永球, 1922 - 2007].
  18. Nguyễn Phúc Lương Trinh [阮福良貞].
  19. Nguyễn Phúc Lương Kiều [阮福良嬌].
  20. Nguyễn Phúc Lương Linh [阮福良靈], Mệ Sen.
  21. Nguyễn Phúc Lương Cầm [阮福良琴].
  22. Nguyễn Phúc Lương Mỹ [阮福良美].
  23. Nguyễn Phúc Lương Tệ [阮福良弦].
  24. Nguyễn Phúc Lương Hảo [阮福良好].
  25. Nguyễn Phúc Lương Thâm [阮福良深].
  26. Nguyễn Phúc Lương Nhiêu [阮福良蕘].
  27. Nguyễn Phúc Lương Nhàn [阮福良環].
  28. Nguyễn Phúc Lương Thầm [阮福良靜].

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ http://baodatviet.vn/Home/congdongviet/Su-that-ve-doi-nu-sat-thu-cua-vua-chua-VN/20123/198606.datviet
  2. ^ Nguyên văn chú thích ảnh X, phụ lục 4, "Giai thoại và sự thật về Bảo Đại- Vua cuối cùng triều Nguyễn", tác giả Lý nhân Phan Thứ Lang, NXb Văn nghệ, tái bản năm 2006

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]