Tuy không sánh được với lăng tẩm các vị vua triều Nguyễn ở Huế về quy mô, nhưng lăng Hoàng Cao Khải được đánh giá là công trình kiến trúc đá đặc sắc. Vì những giá trị của quần thể di tích kiến trúc này, ngày 25/11/1945, trong Sắc lệnh bảo vệ di tích cổ vật, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương giữ nguyên hiện trạng khu ấp, nhưng cho đến ngày nay khu lăng mộ này đã dần bị rơi vào quên lãng.
Được Bộ Văn Hóa đánh giá "Đây là chứng tích duy nhất của nước ta về một quần thể các công trình lăng tẩm, dinh thự của một phó vương". Khu quần thể Ấp Hoàng Cao Khả nằm rải rác trên tổng diện tích 17 ha phía Tây gò Đống Đa, cách đường Tây Sơn 200m. Nay chứng tích chỉ còn rõ ràng nhất là khu Lăng mộ Hoàng Cao Khải nằm ở ngõ 252, phố Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội.
Hãy cùng PV Báo Giao thông chiêm nghiệm nét cổ kính và u hoài của khu quần thể Lăng mộ Hoàng Cao Khải giữa lòng Thủ đô.
Khu lăng mộ Hoàng Cao Khải (còn gọi là ấp Thái Hà) được xây dựng năm 1893 bởi tổng đốc Hoàng Cao Khải (1850 - 1933). Ông là một đại thần, một nhà văn học, sử học uyên bác dưới triều vua Thành Thái. |
Lăng Hoàng Cao Khải được xây toàn bộ bằng đá cẩm thạch trắng theo kiểu chữ “Đinh”, dài 8m, cao 6m, bây giờ đã bị biến thành trụ sở tuần tra cụm dân cư số 9 của công an phường Trung Liệt, ngoài ra khuôn viên bị biến thành bãi đỗ xe, cất đồ bán hàng của dân chợ cóc. |
Quan quân xếp hàng lúc trước có tám vị bồng gươm, mỗi vị cao 1,3m, giờ còn ba, bị chôn chặt vào nền bê tông đến quá đầu gối do bị tôn nền xi măng trùm lên. |
Trải qua thời gian, nét uy nghi oai dũng trên khuôn mặt của các bức tượng trở nên biến dạng và nham nhở. |
Năm 1962, di tích đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa. Bên trong là di ảnh của các thế hệ dòng họ Hoàng nhà Tổng đốc Hoàng Cao Khải. |
Quan tài bằng đá để thờ nay bị xếp vào một góc như nhà kho. |
Khu lăng mộ là một quần thể di tích gồm dinh thự, đền thờ, lăng mộ… với trình độ kiến trúc tinh xảo trong nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt.
Tuy là một di tích có tính đặc thù cao về kiến trúc và được xếp hạng quốc gia từ rất sớm, nhưng hiện nay quần thể di tích này nhận được rất ít sự quan tâm của các cơ quan văn hóa nên suốt thời gian dài, di tích gần như bị lãng quên, cộng với việc bị người dân chiếm dụng khiến quần thể di tích đã hư hại nhiều và gần như trở thành một phế tích.
Nghệ thuật điêu khắc rồng trên mặt Lăng hết sức tinh xảo nhưng nay đâu còn nhìn rõ. |
Cột trụ nhẵn ít hoa văn, tuy khá đơn giản nhưng lại mang vẻ thanh thoát. Tuy vậy cũng đang chịu cảnh nứt, lở. |
Những nét chạm trổ hoa văn mang đầy tính biểu trưng nhưng nếu không nhìn kĩ thì khó có thể nhận ra bởi đã xỉn màu. |
Vòm mái được chạm trổ công phu hơn nhưng đã mòn đi khá nhiều và đen xỉn vì bị ám khói than của các hộ dân sống xung quanh. |
Không thể có được một bức hình toàn cảnh lăng vì mọi hướng đều bị che khuất bởi những ngôi nhà chen chúc nhau. Ngay cả bảng tin thông báo cũng được viết vô tư trên tường lăng mà giờ đây đã trở thành tường "tư dinh" của một hộ gia đình ba thế hệ. |
Ông rồng này tuy dữ dằn và lộng lẫy hơn bên Lăng mộ Hoàng Cao Khải, nhưng cũng phải chịu cảnh "hắt hủi" của con người. |
Người dân ngày nay đã "nhảy dù" vào bên trong lăng mộ và ở một cách tự nhiên thoải mái. |
Mọi sinh hoạt hàng ngày đều diễn ra bên cái quan tài đá trong lăng mộ, từng bị bọn đạo trích cậy phá tìm của. Người sống và người chết chung nhau nơi cư ngụ. Anh "chủ hộ" chia sẻ, dạo đầu thấy "Ngài" về, đi đi lại lại khắp nhà, mọi người trong gia đình cảm thấy rùng mình sợ hãi, nhưng nay đã quen rồi và chắc "Ngài" cũng thương tình mà bỏ qua. |
Hồ nước trong và sâu với cái tên mỹ miều Tẩm Nguyệt (nay người dân quen gọi là hồ Bán Nguyệt) giờ trở thành hồ chứa nước thải và thả cá. |
Hoàng Nam