Di tích phủ Trịnh (thuộc xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá) thời xưa được coi là hành dinh của nhà Trịnh mỗi lần về quê bái yết tôn lăng, đồng thời là công trình kiến trúc tiêu biểu của thời Lê - Trịnh trên vùng đất quý hương.
Di tích Phủ Trịnh
Phủ Trịnh nằm trên địa phận làng Bồng Thượng, trước đây có tên là Biện Thượng (năm 866). Đầu thế kỷ thứ X đổi tên là làng Báo gắn với tên gọi chùa Báo Ân. Đến thời vua Minh Mạng (1820 - 1840) lại đổi tên gọi là Biện Thượng và duy trì đến ngày nay. Đây vốn là một vùng non nước tươi đẹp có cảnh quan sông núi bao quanh và những địa điểm, di chỉ khảo cổ học nổi tiếng như núi Nổ, Đa Bút… với quần thể tượng đá, rồng đá, khánh đá, phù điêu đá… là những bằng chứng của nền nghệ thuật tạo hình nước Đại Việt thời Lê Trung Hưng. Vì thế đã từng có câu ca rằng:
“Dòng Mã giang mênh mông sóng bạc
Dãy Hùng sơn man mác điệp trùng
Núi sông hun đúc khí hùng
Sóc Sơn, Biện Thượng một vùng Thanh Hoa”
Di tích phủ Trịnh gắn với lễ hội thờ Minh khang thái vương Trịnh Kiểm - vị chúa đầu tiên của dòng họ Trịnh. Ông sinh năm 1503, mất ngày 18/2 âm lịch năm 1570). Ông vốn quê ở làng Sáo Sơn, Biện Thượng (hay Sóc Sơn, Bồng Thượng), là người có công sáng lập ra vương nghiệp nhà Trịnh. Các con cháu nối nhau làm chúa tới 12 đời, đã hình thành một gia đình phong kiến lớn từng được lịch sử nhắc đến với cụm từ “quyền khuynh thiên hạ”. Ông đã giương cao ngọn cờ phù Lê - diệt Mạc nên được vua Lê rất tin dùng, giao cho trọng trách tối cao, điều binh khiển tướng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Kỷ Hợi, năm thứ 7 (1539), vua phong đại tướng quân Trịnh Kiểm làm Dực quân công” và chọn Vạn Lại (nay thuộc xã Yên Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá) làm “hành dinh” (nơi vua ở), vùng đất Sáo Sơn, Biện Thượng cũng trở thành hành dinh của chúa Trịnh mỗi lần về thăm quê, đồng thời là nơi đặt bản doanh, là trung tâm đầu não của nhà Lê - Trịnh trong cuộc chiến tranh chống Mạc. Nơi đây các chúa Trịnh cũng đã xây dựng rất nhiều công trình kiến trúc, dinh thự… tiếc rằng trải qua binh lửa và loạn lạc chiến tranh, nên đến nay vùng đất quý hương của nhà Trịnh chỉ còn lại một số ít các di tích, trong đó có phủ Trịnh.
Theo các cụ cao niên trong vùng kể lại rằng phủ Trịnh thời đó được xây dựng trên một khoảng đất rộng khoảng 10ha, gồm các khu vực như Từ phủ là nơi chúa làm việc, tiếp khách; khu Nội phủ là nơi ở của nhà chúa; khu làm việc của các quan; khu thờ cúng; khu vườn hồ thưởng ngoạn và diễn các trò vui… Về sau phủ bị huỷ hoại, chỉ còn lại gian nhà bếp gọi là nhà Trù tức là di tích phủ Trịnh bây giờ.
Hiện nay phủ gồm một dãy nhà gỗ bảy gian, lợp ngói. Các cột gỗ lim đen bóng với kích thước lớn, chu vi khoảng một người ôm. Trong các ban thờ đặt bài vị các chúa Trịnh và những đồ minh khí dùng trong thờ tự. Gian thờ chính treo bức đại tự lớn đề bốn chữ Hán “Tiên tổ thị vương”. Các trụ biểu, trụ hiên chạm khắc nhiều cặp câu đối. Trong đó có câu rằng:
“Tam bách đỉnh chung thiên vĩnh mệnh
Vạn thiên chi diệp địa trường sinh”
(Chung gốc ba trăm năm, mệnh trời còn mãi
Lá cành ngàn vạn nhánh, mạch đất dài lâu)
Trước phủ là một sân rộng. Giữa sân còn lại hai còn rùa đá quỳ chầu hai phía. Ngoài ra còn có một tấm bia đá cao khoảng 4m, rộng 2m. Nghe nói tấm bia có từ thời các chúa Trịnh, nhưng vì gặp biến nên chưa kịp khắc chữ.
Tấm bia đá trong sân phủ Trịnh
Năm 1802 khi vua Gia Long lên ngôi đã cho tiến hành trùng tu di tích phủ Trịnh. Đến nay di tích cũng đã được tôn tạo nhiều lần. Năm 1995, phủ Trịnh được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Nhân dịp này con cháu dòng họ Trịnh ở phía bắc đã cung tiến vào phủ bức tượng Minh khang thái vương Trịnh Kiểm bằng gỗ, được tạc theo bức tượng có từ thế kỷ 18, hiện thờ ở nhà thờ tổ họ Trịnh, thuộc xã Thanh Tổ, tỉnh Hà Nam. Tượng đặt trên ngai có chạm rồng, được sơn son, thếp vàng, cao 1,20m không kể bệ. Đầu đội mũ thái sư, mặc áo triều phục, tay cầm hốt, vẻ mặt thể hiện sự quyết đoán, cương nghị.
Tượng Minh Khang thái vương Trịnh Kiểm
Trên mặt bằng tổng thể có thể thấy phủ Trịnh trước đây vốn là một công trình kiến trúc có quy mô đồ sộ và hoành tráng. Để xây dựng công trình này các chúa Trịnh đã huy động những kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhất về các mặt: thiết kế, chạm trổ, sơn son thếp vàng, điêu khắc hội hoạ… Dân gian vùng Vĩnh Hùng ngày nay còn lưu truyền câu ca rằng: “Ai lên phủ Báo mà coi. Đường đục, đường chạm, đường soi rành rành”.
Phủ Trịnh không chỉ có vai trò là hành dinh của nhà Trịnh mà còn là nơi thờ tự các đời chúa rất long trọng. Ngày giỗ thái vương Trịnh Kiểm vào 18/2 âm lịch hàng năm, con cháu họ Trịnh từ mọi miền đất nước đều tập trung về đây để tưởng nhớ và tri ân tổ tiên với tấm lòng thành kính, tiêu biểu cho truyền thống “uống nước nhớ nguồn” trong con người Việt.
Di tích phủ Trịnh là một công trình kiến trúc tiêu biểu, đánh dấu sự tồn tại của nhà Trịnh trên vùng đất quý hương, đồng thời là sản phẩm của trí tuệ, của bàn tay và khối óc nhân dân lao động trong giai đoạn lịch sử thời bấy giờ. Di tích lại nằm trong một vùng cảnh quan đẹp, giao thông thuận tiện, có điều kiện để phát triển du lịch tỉnh Thanh và cả nước. Đồng thời là những bằng chứng vô giá cho học tập, nghiên cứu và thưởng ngoạn.
|
CÁC Ý KIẾN MỚI NHẤT