22/03/2007
TỤC CÚNG HẬU XƯA VÀ NAY QUA CÁC TẤM BIA HẬU
Viện Nghiên cứu Tôn giáo
Tục cúng hậu xuất hiện ở nước ta từ rất lâu, theo các tài liệu thì ít nhất đến đầu thế kỷ XVI tục cúng hậu và khắc bia ký hậu đã khá phổ biến (1). Đặc biệt là vào các thế kỷ XVII, XVIII và XIX việc cúng hậu rất phát triển và việc khắc bia ghi lại tên tuổi, công đức của những người cúng hậu cũng được tiến hành với số lượng lớn.
Cúng hậu là hình thức cúng ruộng, tiền, vàng bạc, đồ thờ… cho làng hoặc đình, chùa… để được cúng giỗ lâu dài sau khi "trăm tuổi". Thông thường, người nào có tiền, có của mà không có con trai nối dõi, để khỏi phải chịu cảnh "cướp cháo lá đa", thì ngoài việc lập người kế tự để giữ hương hoả, người ta còn cúng hậu chỉ xuất phát từ một nguyên nhân là không có người nối dõi, phụng thờ. Có người nhân lúc làng gặp khó khăn là cúng tiền, ruộng để giúp đỡ mà được bầu hậu. Có người cúng hậu để nhờ làng, đình, chùa… cúng giỗ cho bản thân hoặc những người trong gia đình, cũng có người cúng hậu để nâng cao uy tín, địa vị của bản thân, của dòng họ, hay chỉ để được nương bóng thần phật, để cả làng cúng giỗ mình thì hương hoả càng được lâu dài…
Những người có công với dân với nước hoặc hay làm việc phúc thiện ở địa phương cũng có thể được dân làng nhớ ơn mà bầu hậu, thường là Hậu Thần. Còn những người chỉ góp tiền của, không có phẩm tước thì thường chỉ được bầu làm Hậu Phật. Trong một số trường hợp, một người vừa được bầu làm Hậu Thần, vừa được bầu làm Hậu Phật (Hữu thần tự phật bi ký - bia ở đình X. Mỹ Đức, H. Lương Tài, T. Bắc Ninh, tạo năm 1699.
Thông thường, ở đình đền - miếu và từ đường - lăng mộ thì bầu Hậu Thần; ở chùa bầu Hậu Phật;… Ngoài ra, trong các bia hậu còn thấy nhắc đến các hình thức khác như: bầu Trung đình quan, Phúc thần, Á phúc thần, Ngũ lão, Đại phụ mẫu, Phật sống, Sĩ nhiêu, Sinh thần, bậc mậu đức, thờ sống… thậm chí có người còn được bầu làm Thành hoàng làng (Lương thiêm công thành hoàng chi bi. Bia ở lăng Lương Thiêm công, X. Phấn Sơn, H. Yên Dũng, T. Bắc Giang, tạo năm 1696. Bia ghi lại việc ông Thiêm quận công bỏ tiền ra mua gỗ tu sửa lại đình, ban ruộng để dùng vào việc thờ cúng, dân chúng nhớ ơn bầu ông làm Thành hoàng)…
Những người xin được bầu hậu thường là tự nguyện. Cũng có khi do cần một món tiền lớn để giải quyết việc công, làng đứng ra tổ chức bán hậu (Hậu Thần bi ký. Bia ở đình xã An Lão, tỉnh Kiến An, tạo năm 1690; nói về việc bản xã bị xã Phương Lang dâng khải vu cáo là gian lận ruộng đất, bản xã thiếu tiền theo kiện nên đã họp ở đình bàn việc bán hậu). Trong trường hợp này, số tiền, ruộng cúng hậu sẽ do tự nguyện hoặc do làng định mức. Như ở X. Yên Sơn, H. Phượng Nhãn, T. Bắc Giang: mức bán hậu là 100 quan tiền sử và 4 sào ruộng (Quai lập Hậu Thần bi ký. Bia ở đình X. Yên Sơn, tạo năm 1693: Vì làng bị kiện tụng nên phải tổ chức việc mua hậu). Việc mua hậu có thể được thực hiện ở nhiều nơi. Có người mua hậu tại đình, chùa, miếu… có người mua hậu tại bản thôn, bản tộc… Tuy nhiên ở một số địa phương lại đặt lệ "không được bỏ tiền ra mua hậu để được bầu hậu", như ở X. Côi Trì, H. Yên Mô, T. Ninh Bình (Côi Trì bi ký: Bia ở đình X. Côi Trì, tạo năm 1767).
Số tiền cúng hậu (hoặc mua hậu) sẽ được dùng để giải quyết việc công, tu bổ đình, chùa… Số ruộng sẽ đem chia cho một số người hoặc các giáp cày cấy, hoa lợi sẽ được dùng vào việc khánh tiết, giỗ chạp, cúng tế ở địa phương và tế tự cho người cúng hậu (hoặc mua hậu).
Sau khi nhận tiền, ruộng của người mua hậu hoặc xin được bầu hậu, làng hay đình, chùa, miếu… sẽ làm tờ ký kết kê khai họ tên, số người mua hậu hoặc xin được bầu hậu, số tiền, số ruộng… Sau đó người cúng hậu sẽ được khắc bia lưu danh tại đình, chùa, miếu… Việc dựng bia được tiến hành đồng thời với việc bầu hậu, hoặc sau một vài năm (Chiêu Nghi tự sự bi ký, bia ở đình X. Phương Xá, H. Gia Lộc, T. Hải Dương, tạo nên 1675. Nói về việc bà Chiêu nghi Đặng Thị Cúc, cung tần của Trịnh Tạc cúng cho làng xã 12 mẫu ruộng và hơn 1000 quan tiền. Bà được địa phương thờ cúng, việc lập văn bia tiến hành sau đó 7 năm). Ngoài việc được dựng bia, người được bầu hậu có khi còn được tạc tượng như ở chùa Thiên Vũ, X. Phù Lưu Nội, H. Thuỷ Nguyên, T. Kiến An.
Từ sau khi bầu hậu, mỗi năm đến ngày giỗ hậu thì dân làng hay bản tộc phải làm một lễ gồm gà, xôi hoặc thủ lợn, mâm xôi… theo như lệ định. Con cháu người đó nếu còn thì đem đồ đến lễ, nếu không còn ai thì thôi. Khi làng, đình chùa làm lễ xong sẽ đem biếu chủ nhà một ít, còn lại sẽ cùng ăn với nhau…
Trên thực tế, những người được bầu hậu không phải được thờ cúng theo lệ định mãi mãi, mà họ chỉ được thờ cúng riêng trong một thời gian. Cũng như vậy đối với số ruộng đất được cúng hậu, do trải qua chiến tranh, binh hoả… nên số ruộng đất này bị tản mát hoặc lấn chiếm (Bia chùa Đức Mục, xã Hà Trì, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, tạo năm 1544).
Một vài nơi do cần tiền nên làng xã phải bán đi một số ruộng hậu cũ (Bia đình X. Thượng Đáp, H. Nam Sách, T. Hải Dương, tạo năm 1757). Một số lớn ruộng hậu khác thì bị địa chủ cường hào địa phương chiếm hữu làm của riêng hoặc biến thành ruộng nửa công nửa tư như ruộng họ, ruộng phe giáp…
Đến đầu thế kỷ XX, cùng với những biến động lớn của xã hội, và đặc biệt sau cách mạng Tháng Tám và cải cách ruộng đất, cũng như nhiều sinh hoạt khác của đời sống tâm linh, tục cúng hậu không còn những cơ sở về vật chất cũng như về nhu cầu tinh thần của xã hội vì vậy nó tạm thời chìm lắng và ẩn mình trong những di sản còn sót lại của nền văn hoá thời phong kiến. Tuy nhiên, trong tâm thức người Việt, việc cúng giỗ tổ tiên, nương nhờ cửa phật vẫn còn. Vì vậy, đến những năm 80, 90 của thế kỷ XX, cùng với sự phục hồi các giá trị truyền thống, tục cúng hậu, ký hậu có điều kiện phục hưng nhưng với một bộ mặt mới, với những thủ tục được rút gọn, biến đổi nhiều.
Qua tiến hành điều tra ở một số đình chùa trong phạm vi Hà Nội, chúng tôi nhận thấy việc tổ chức khắc bia ký hậu vẫn được tiến hành gần như liên tục (tuy với một số lượng không nhiều) trong những năm giữa thế kỷ XX (những năm 40 - 50) cho tới thời gian gần đây (90 - 2000). Đặc biệt, giai đoạn những năm 80 - 90 trở lại đây, những bia ký hậu được lập khá nhiều ở nhiều chùa Hà Nội. Tuy nhiên, hình thức của văn bia và thể lệ cúng lễ đã đơn giản đi rất nhiều.
Những văn bia loại này thông thường được khắc đơn giản. Phần lớn khắc bằng chữ Quốc ngữ cũng có thể khắc nửa chữ Quốc ngữ nửa chữ Hán, bia thường được khắc khổ nhỏ: 30 x 50cm hoặc 20 x 30cm. Tên bia thường được đặt là: "Bia ký hậu" hoặc không có tên, nội dung thường chỉ có họ tên của những người ký hậu (cho một người hoặc cả gia đình), ngày sinh, ngày mất, có thể có thêm ảnh khắc đá; không có bài minh, không ghi thể lệ và lễ vật mà chùa sẽ cúng giỗ. Chúng tôi tạm đặt tên những bia ký hậu loại này là bia ký hậu kiểu mới.
Việc khắc bia ký hậu kiểu mới chủ yếu được tiến hành ở các chùa, còn ở đình thường chỉ khắc tên người tiến cúng vào đồ thờ hoặc các vật dụng (như ở đình Hà Hồi, xã Hà Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội, có khắc tên người cúng tiền để xây các cột cờ ở sân đình) chứ không lập bia ký hậu.
Tại các chùa, các bia ký hậu loại này thường được gắn trên tường ở gian thờ chư phật hoặc ban thờ vong (còn gọi là ban thờ tứ ân). Có chùa vì diện tích trong chùa nhỏ hẹp và số người muốn được khắc bia ký hậu đông nên chùa phải xây thêm gian thờ tứ ân riêng. Cũng có chùa không khắc bia ký hậu mà chỉ cho gửi ảnh.
Phần lớn các "bia ký hậu" được lập bằng chữ Quốc ngữ, một số chùa lập bằng cả chữ Quốc ngữ và chữ Hán ở như chùa Quang Hoa (Trần Bình Trọng - Hà Nội), hoặc như chùa Huyền Thiên (Hàng Khoai - Hà Nội). Bia ký hậu kiểu mới được ra đời khá sớm, khoảng giữa những năm 40, 50. Như ở chùa Huyền Thiên có một số bia ký hậu bằng chữ Quốc ngữ tạo năm 1946. Các bia ký hậu kiểu mới được lập nhiều nhất trong khoảng những năm 1980 đến 2000 như các chùa: Quang Hoa, Vân Hồ, Thiền Quang, Huyền Thiên…
Số lượng các bia ký hậu ở các chùa có sự chênh lệch rất lớn. Cụ thể là, có những chùa bia ký hậu có số lượng lớn như:
Chùa Huyền Thiên: gần 100 bia, chùa Vân Hồ: 60 bia
Có những chùa, số bia ký hậu rất ít hoặc không có như: chùa Huy Văn: 4 bia, chùa Pháp Hoa: 3 bia, chùa Lủ: không có bia ký hậu.
Sự chênh lệch về số bia ký hậu ở các chùa do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do vị trí, vai trò của các chùa có khác nhau. Các chùa có nhiều bia ký hậu thường là những chùa gần trung tâm, gần khu dân cư, có cảnh quan đẹp, sư trụ trì có uy tín…
Các bia ký hậu kiểu mới ra đời với lý do các chùa cần tiền xây dựng, sửa chữa, hoặc do nhu cầu của các gia đình. Phần lớn các gia đình đặt bia ký hậu với lý do đơn giản là muốn đưa cha mẹ, người thân lên chùa để nương bóng thần phật. Một số ít gia đình vì con cháu đi ra nước ngoài định cư nên muốn đưa cha mẹ lên chùa. Đặc biệt, có hiện tượng người nước ngoài đặt bia ký hậu như chùa Quang Hoa, chùa Thiền Quang. Hiện nay, đối với những bia ký hậu kiểu này số tiền các gia đình nộp cho chùa vào khoảng vài triệu đồng trở lên. Còn đối với việc gửi ảnh lên chùa thì các gia đình chỉ cần nộp cho chùa vài chục đến vài trăm nghìn đồng.
Việc đặt một bia ký hậu lên chùa gồm các bước: Gia đình sẽ làm một lễ (1 buổi: bao gồm tụng kinh, làm cỗ chay). Sau đó sẽ gửi 1 tấm bia có ảnh hoặc không ảnh, của một người hoặc cả gia đình, dòng họ. Tuỳ theo kích thước của tấm bia mà cúng vào chùa một số tiền nhất định.
Trong thời gian gần đây, một hiện tượng thờ cúng mới phát sinh trong các chùa là việc các gia đình gửi lọ đựng cốt của người thân lên chùa. Nhà chùa sẽ đặt các lọ tro này vào một gian nhà riêng, người thân hoặc khách thập phương sẽ thắp hương, cúng lễ bên ngoài (như ở chùa Phúc Khánh, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội). Hình thức này cũng có ý nghĩa tương tự như việc gửi hậu, gửi giỗ trước kia.
*
**
Trên đây, chúng tôi đã điểm lại một số nét sơ lược về tục cúng hậu trong quá khức và thực tế hiện nay qua điều tra ở một số đình chùa Hà Nội. Từ những nét sơ lược đó, chúng tôi có tạm thời rút ra một vài suy nghĩ về tục cúng hậu xưa và nay.
Việc cúng hậu xưa, như trên đã nêu là nhằm mục đích được nương bóng thần phật, để có người cúng giỗ, nâng cao uy tín bản thân, giúp đỡ làng hoặc đình, chùa khi gặp khó khăn… Những người có tiền của, phẩm tước sẽ bỏ tiền, ruộng… để mua hậu hoặc được làng xã bầu hậu.
Số ruộng, ngoài ruộng đất tư nhân, một phần rất lớn ruộng hậu do quan lại và những người trong hoàng tộc cúng cho làng, đình, chùa… nên nguồn gốc của ruộng hậu này là của nhà nước sau khi được tư hữu hoá đã trở thành ruộng công của làng xã. Số tiền sẽ được dùng vào việc xây dựng các công trình công cộng của làng xã, giúp đỡ người nghèo, giúp đỡ làng khi làng cần tiền giải quyết việc công…
Như vậy nếu nhìn dưới góc độ đạo lý thì tục cúng hậu là một tục lệ tốt. Nó không chỉ có ý nghĩa đối với một cá nhân người mua hậu hoặc được bầu hậu, mà có ý nghĩa đối với cả cộng đồng, xã hội.
Tuy vậy, bên cạnh mặt tích cực, tục cúng hậu, bầu hậu trước đây còn bộc lộ nhiều mặt tiêu cực. Số ruộng cúng hậu một mặt gây dựng nên cơ sở kinh tế cho làng xã, mặt khác lại gây ra nhiều tiêu cực trong việc chiếm đất làm của riêng của một bộ phận có thế lực trong làng xã. Số tiền cúng hậu được sử dụng vào mục đích chung nhưng một phần lớn cũng phải chi tiêu vào những cuộc khao vọng, chè chén tốn kém.
Những cuộc vận động mua hậu ở làng xã, đình chùa còn tạo ra tâm lý mù quáng. Đối với những người nhiều tiền lắm của thì không sao, nhưng đối với những người ít tiền, ít của lại muốn được làng thờ cúng sau này thì họ phải chạy vạy sao cho đủ số tiền làng đặt ra để mua lấy chức hậu, để đến nỗi lúc sống thì khổ sở, đói khát, lúc chết mới được hưởng mâm xôi thủ lợn mà chẳng biết có được hưởng thật hay không?
Hiện tượng bán hậu của làng xã (như đã nói ở trên) nghĩa là người mua hậu không cần có công với nước, có đức với dân nữa, mà miễn là có tiền, có ruộng đem cúng hậu là được bầu hậu đã làm mất dần ý nghĩa chân chính của tục lệ này.
So với trước đây, hiện nay tục cúng hậu (đúng hơn, chỉ là việc đặt bia ký hậu cho người có công, có đức không còn được duy trì nữa.
Các gia đình đặt bia ký hậu cho người thân không yêu cầu chùa làm cỗ cúng giỗ riêng vào các ngày giỗ hàng năm như trước kia. Người ký hậu chỉ cần nộp cho chùa một khoản tiền để mua chỗ đặt bia, làm cỗ vào hôm đặt bia. Còn sau đó, vào các ngày rằm, mùng một, gia đình nào nếu có điều kiện thì lên chùa thắp hương cho người thân và có thể đưa cho nhà chùa một ít tiền giọt giầu. Ngoài ra, vào các ngày giỗ nếu gia đình nào yêu cầu, nhà chùa sẽ làm cỗ chay để gia chủ mời khách đến chùa ăn giỗ.
Tuy nhiên việc ký hậu này chỉ thu hẹp trong phạm vi của ngôi chùa, nó chỉ có vai trò như một niềm an ủi đối với cá nhân người đặt bia và người được đặt bia nhờ việc được nương nhờ bóng thần phật, ngoài ra là tăng thêm thu nhập cho bản thân ngôi chùa đó, chứ hoàn toàn không có ý nghĩa nào đối với cộng đồng. Về khoản thu nhập này là khá lớn và chính quyền địa phương hoàn toàn không thể kiểm soát và quản lý được, cũng như địa phương hầu như không có vai trò gì trong việc quản lý các khoản chi tiêu của các chùa nói riêng và các cơ sở tôn giáo nói chung.
Tóm lại, ngay trong tục cúng hậu xưa ta cũng có thể tìm thấy những nét đẹp và ngược lại, trong việc đặt bia ký hậu ngày nay chúng ta cũng nhận thấy còn nhiều điểm bất cập. Vấn đề là ở chỗ những người quản lý cần phải hiểu nguồn gốc, lịch sử của vấn đề, để từ đó có những chủ trương chính sách đúng đắn, giúp cho các giá trị truyền thống được đặc đúng chỗ của nó, bổ sung, tạo nên nội lực cho các giá trị hiện đại. Để từ đó các giá trị hiện tại phát huy sức mạnh của mình trong đời sống xã hội hôm nay.
Chú thích:
1. Chúng tôi chưa thấy có tài liệu nào nghiên cứu sự ra đời của tục cúng ở Việt Nam. Chỉ thấy có duy nhất một tài liệu đề cập tới việc tục cúng hậu ở đình, chùa đã có từ giữa thế kỷ XV: xem Thần, người và đất Việt - Tạ Chí Đại Trường - Văn nghệ xuất bản, California, USA 1989. Các trang: 42, 63,171.
Theo "Thư mục văn bia - sách dẫn niên đại" của Ban Hán Nôm xuất bản năm 1975 thì một trong những bia hậu sớm nhất còn giữ lại là vào năm 1511: "Bàn Khê mộ hậu chí" ký hiệu 13545. Còn một trong những bia hậu có niên đại muộn nhất là vào năm 1943: "Phật hậu bi" ký hiệu 19255.
Tài liệu tham khảo:
1. Đào Duy Anh: Việt Nam văn hoá sử cương - Nxb Văn hoá thông tin, 2000.
2. Phan Kế Bính: Việt Nam phong tục - Nxb Tp Hồ Chí Minh, 1990.
3. Nguyễn Quang Hồng (chủ biên): Văn khắc Hán Nôm Việt Nam - Nxb Khoa học xã hội, 1993.
4. Nguyễn Ngọc Nhuận (chủ biên): Văn bia triều Nguyễn - Đề tài cấp bộ năm 2000, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
5. Đỗ Văn Ninh: Tiền cổ Việt Nam - Nxb Khoa học xã hội, 1992.
6. Tổ sử địa - Ban Hán Nôm: Thư mục Văn bia Việt Nam, sách dẫn niên đại - 1975.
7. Tuyển tập văn bia Hà Nội - Nxb Khoa học xã hội, 1978.
8. Viện Nghiên cứu Tôn giáo: Kết quả điều tra các cơ sở tôn giáo Hà Nội năm 2000.
Thông báo Hán Nôm học 2001, tr. 480- 490