Thứ hai, ngày 20 tháng hai năm 2012

Đi bộ thì khiếp Hải Vân…

Ngày nay, chuyện đi lại giữa Huế và Đà Nẵng quá dễ dàng, nhất là khi Hầm đường bộ Hải Vân được khánh thành và đi vào hoạt động.

< Đèo Hải Vân ngày xưa (1905) hẹp, chỉ đủ cho xe lưu thông một chiều nên phải chờ rất lâu. Đường đèo hẹp lại quanh co hiểm trở, không có lan can phòng hộ như ngày nay.

Thế nhưng, cách đây khoảng trăm năm, muốn ra Huế hay vào Đà Nẵng, đặc biệt trong mùa mưa bão, có thể nói cực kỳ khó khăn. Cho nên, mới có câu hát khá phổ biến trong dân gian thời bấy giờ rằng:
“Đi bộ thì khiếp Hải Vân/ Đi thuyền thì khiếp sóng thần hang Dơi”.

Đầu thế kỷ XX trở về trước, khi con đường nhựa nối liền Huế và Đà Nẵng thông qua núi Hải Vân chưa hình thành, việc trao đổi hàng hóa, lương thực, thực phẩm... chủ yếu sử dụng tuyến đường biển là chính.

< Hải Vân Quan (1919).

Ấy là về mùa hè, khi tiết trời yên ắng. Riêng về mùa mưa, kèm theo gió bão, lụt lội, tuyến đường biển gần như bị cắt đứt. Nói đúng hơn, chẳng ai đủ can đảm bước xuống thuyền.

An toàn nhất là đi bộ xuyên qua núi Hải Vân. Tuy nhiên, con đường này rất tồi tệ. Trời nắng không nói làm gì nhưng khi mùa mưa đến, đường trơn trượt, rất dễ bị té ngã, thậm chí rơi xuống hố sâu thăm thẳm. Cho nên, “đi bộ thì khiếp Hải Vân” rõ ràng có nguyên nhân hẳn hoi.

< Hải Vân Quan (1970).

Nhưng, chuyện sợ đường núi Hải Vân, khiếp đường núi cách trở, nguy hiểm này còn có nguyên nhân khác. Với việc đi xuyên qua những vạt rừng rậm, cây cối um tùm, hồi ấy, người dân còn đối diện với nỗi ám ảnh thường xuyên lúc gặp thú dữ, nhất là cọp, vị chúa tể sơn lâm. Bởi thế, người dân không đi một mình mà nhập thành từng đoàn hoặc cùng lắm là những tốp nhỏ năm, ba người nhằm bảo vệ lẫn nhau.

Để “uy hiếp” thú dữ, tay họ thường cầm mác hoặc rựa. Không có thì ít ra cũng thủ sẵn đùi tre vót nhọn làm vũ khí hộ thân. Bấy giờ, đường núi rất hẹp, khúc khuỷu, có nhiều chỗ bị những tảng đá gồ ghề chắn mất lối đi. Họ phải chặt cây phạt cỏ, băng khe lội suối.

< Đường hầm tàu lửa Hải Vân Đà Nẵng - Huế được hoàn thành vào năm 1906 với sức người là chính. Đã có hàng trăm phu phen bỏ mạng khi đường hầm được hoàn thành. Tàu chạy qua đây mỗi ngày chỉ có 2 chuyến nên lính canh hầm thả chó đi rông và ngồi chơi thoải mái.

Giữa khung cảnh núi rừng mịt mùng, một bên là vực thẳm cheo leo, họ chỉ nghe tiếng chim kêu, vượn hú, tiếng nước chảy róc rách trên vách đá hòa lẫn tiếng thác nước đổ ầm ầm ở phía xa xa. Thỉnh thoảng, họ lại thấy thấp thoáng đâu đó vài chú hươu nai, dê trắng sừng, gà rừng... ẩn ẩn hiện hiện sau những lùm cây, bụi cỏ cao lút đầu.

< Từ đỉnh đèo Hải Vân nhìn xuống vịnh ngày xưa...

Đặc biệt hơn, giữa khung cảnh âm u, hoang vắng ấy, lại thêm hình ảnh lâu lâu đập vào mắt khách bộ hành là những cái am, miếu con con làm bằng những tấm gỗ hay mảnh tre vẽ bùa chú bên vệ đường, góp phần tạo nên sự huyền bí, linh thiêng.

< ... và ngày nay.

Cho nên, gần như khách thường qua lại hay khách phương xa đều thủ sẵn ít vàng mã, mấy thẻ hương để khi gặp những cái am, cái miếu con con ấy thì dừng lại, thành kính làm lễ, thì thầm khấn vái thần linh phò hộ.

Trong những am, miếu trên đường đèo Hải Vân hồi cuối thế kỷ XIX thì cái am lớn nhất mà ông Paris, một người Pháp phụ trách việc đặt điện tín nối liền Huế - Đà Nẵng vào năm 1885, đã chứng kiến và mô tả là am Ông. “Ông” ở  đây không phải là ông này ông nọ mà là “ông hổ”. Người ta kỵ nên gọi tên như vậy.

< Một chặng đường ra Huế trên đèo Hải Vân năm xưa.

Theo Paris, am Ông có cây cối rậm rạp bao quanh. Trong am, trên bàn thờ có hai con ngựa gỗ, ba con rồng đất, một bát nhang sành, hai con hạc và một số gươm giáo được làm bằng gỗ. Trước cửa có hai con cọp và hai con voi khá lớn càng làm tăng thêm sự trang nghiêm, huyền hoặc.

Những am, miếu xuất hiện khá dày đặc trên đường đèo Hải Vân chứng tỏ đây là đoạn đường rất nguy hiểm, nhiều tai nạn, lắm sự cố gây chết người đã xảy ra. Dĩ nhiên, chuyện cọp dữ hoành hành, thường xuyên tấn công người đi đường là mối lo nổi cộm thời bấy giờ.

< Đoạn qua cổng Hải Vân quan ngày xưa.

Tài liệu cũ còn ghi lại rằng, để giảm bớt hiểm nguy, triều đình Huế quy định ai giết được cọp sẽ lĩnh thưởng. Nhưng, giết được vị chúa tể sơn lâm đâu phải chuyện dễ. Dân thì không có súng ống. Họ chỉ có cách đặt bẫy. Bẫy là một túp lều nhỏ, chung quanh đóng cọc tre, tuy thưa nhưng rất kiên cố. Lều ngăn đôi, phía trước để trống, phía sau là chỗ đặt “mồi” nhử hổ. “Mồi” là một con chó săn được huấn luyện kỹ, sủa suốt ngày đêm.

Nghe tiếng sủa của chó, cọp mò tới, lao mình vào cánh cửa độc nhất để bắt mồi, vướng dây thòng lọng làm cánh cửa sập xuống, đóng chặt lại. Tuy đã vào nhưng cọp không thể ăn thịt chó được vì có tấm phên ngăn cách, những người bẫy cọp chỉ còn việc kéo đến dùng giáo mác đâm chết hoặc dùng lưới để bắt sống “ông” mà thôi.

Do đoạn đường bộ xuyên qua đèo Hải Vân quá dài, đầy nguy hiểm rình rập nên khách bộ hành hoặc quan binh có việc khẩn cấp cần qua lại nhiều khi lỡ bước dọc đường. Cho nên, từ năm 1803, vua Gia Long đã ra lệnh lập nhà trạm trên đường núi Hải Vân. Dĩ nhiên, nhà trạm là để phu trạm ở, chuyển công văn giấy tờ cũng như gánh đồ đạc, hành lý, dùng cáng hay kiệu đưa quan lại qua đèo Hải Vân là chính. Nhưng, khách bộ hành cũng có thể vào xin tá túc qua đêm.

< Đèo Hải vân ngày nay...

Nhà trạm khá rộng, lợp ngói, xây gạch, xung quanh đào hào ngăn thú dữ. Mỗi trạm có từ 50 đến 100 phu do đội trưởng, đội phó và mấy người thư lại quản lý, ghi chép sổ sách, phân phối công việc. Lúc rảnh rỗi, phu trạm tản mác làm việc thêm để kiếm sống. Khi cần, đội trưởng đánh lên mấy hồi mõ để phu trạm biết mà tụ tập lại.

Việc lập nhà trạm trên đường đèo đã làm vợi nỗi khiếp sợ khi đi bộ qua Hải Vân. Việc chuyển công văn, giấy tờ cũng thuận lợi, phu trạm bỏ tất cả vào ống tre, treo chéo trước ngực. Họ đi rất nhanh, không sợ trộm cướp lẫn thú dữ, luôn giữ tròn trọng trách. Bởi nếu chậm, thế nào cũng bị… quở phạt.

Du lịch, GO! - Theo PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT (Đà Nẵng Online)


< “Quảng Nam toàn đồ” trong bộ “Đại Nam toàn đồ” có thể được vẽ vào triều Tự Đức. Tập bản đồ này hiện được lưu tại gia tộc Nguyễn Hữu ở làng Dương Xuân (nay thuộc phường Phường Đúc, thành phố Huế) và được nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông thuộc Phân viện Nghiên cứu văn hóa thông tin tại Huế công bố vào năm 2000.

Khảo sát những nét vẽ địa hình và chú thích địa danh trong QNTĐ, người Đà Nẵng am hiểu có thể khẳng định những mô tả về núi sông, cửa biển, đồn binh, lỵ sở… trong bản đồ này là hoàn toàn sát thực tế ghi trong sử sách và trong thơ ca dân gian:

Quê em đất rộng dân nghèo
Có chùa Non Nước, có đèo Hải Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng một Nhận xét

Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, không vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký.
Khi đăng nhận xét, bạn có thể chọn Ẩn danh (Anonymous), chọn Tên (Name) hay URL (blog) hoặc bằng các tài khoản Blogspot, WordPress của bạn.

Cảm ơn bạn đã comment. @Điền Gia Dũng

Lên đầu trang