Trang nhà > Đền miếu > Đình Quan Nhân
Quan Nhan Communal House
Đình Quan Nhân
Maison Communale de Quan Nhan
Thứ Sáu 14, Tháng Tám 2015
Đình Quan Nhân có trước năm 1701, thờ Trung Nghĩa đại vương. Xếp hạng: Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia (năm 1989). Địa chỉ: ngõ 144 Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Toạ độ: 21°0’15"N 105°48’34"E, cách Hồ Gươm hơn 7km về hướng tây-nam. Điểm dừng xe bus gần nhất: trường THPT Nhân Chính—phố Hoàng Đạo Thúy (bus 29, 44), hoặc Thượng Đình—đầu phố Nguyễn Trãi (01, 02, 05, 19, 21, 27).
Lược sử
Theo “Quốc sử tạp lục”, khi Lý Thái Tổ dời đô thì vùng đất phía nam sông Tô Lịch vẫn còn nhiều rừng, nên gọi là Kẻ Mọc, tên chữ Mộc Cự, sau đổi là Nhân Mục. Rồi dân số tăng lên đông đúc, phải chia thành 2 xã Nhân Mục Cựu (gồm Thượng Đình, Hạ Đình) và Nhân Mục (gồm Quan Nhân, Cự Lộc, Chính Kinh, Giáp Nhất). Đến nay một số thôn này vẫn được gọi trong dân gian với tiếng Mọc kèm vào đầu. Xã Nhân Mục sau đổi tên Nhân Chính, thuộc huyện Từ Liêm; từ 1-1-1997 trở thành một phường của quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Vùng Nhân Mục giàu truyền thống hiếu học, thời phong kiến nhiều người từng đỗ đạt và làm quan. Làng Quan Nhân vốn là một trang ấp ở bên trái con đường Thượng đạo đi lên Cống Mọc, nơi có cầu bắc qua sông Tô Lịch, nối trấn Sơn Nam với Thăng Long. Đến thế kỷ 19 thì làng đã thuộc loại khá lớn, chia thành xóm Chùa và xóm Sòi, xóm Chùa đông dân hơn, có vài nhà thờ họ.
Ngày 21-07-1945 tại sân đình Quan Nhân, Tự vệ Xung phong Ngoại thành Hà Nội đã tổ chức phá kho thóc Nhật chia cho bà con quanh vùng để cứu đói. Cũng tại đây ngày 16-12-1946, đồng chí Vương Thừa Vũ, Chỉ huy trưởng Chiến khu XI (Hà Nội) đã dự lễ Quyết tử với các đại biểu của Liên khu 3 (Đống Đa).
Hồ sen đình Quan Nhân. Panorama ©2015 NCCong
Ngày nay, làng đã trở thành phố xá, nhà cửa mọc lên khắp nơi, phía đông là khu đô thị Royal City cao lừng lững. Tuy nhiên đình, chùa Quan Nhân vẫn là một cụm di tích khá rộng và đẹp ở ngay cửa ngõ phía tây-nam của thủ đô. Du khách đi qua cầu vượt Lê Văn Lương rồi rẽ trái về đầu phố Hoàng Đạo Thúy khoảng vài trăm bước là đến mặt sau đình.
Đình Quan Nhân còn gọi là đình Mọc Quan Nhân, trong chính điện thờ Trung Nghĩa đại vương Hùng Lãng công. Ngài vốn là con thứ của Ninh Hải quận vương, cháu Hùng Điền vương, trước kia trấn trị huyện Vũ Tiên (Thái Bình), sau về giữ vùng Quan Nhân. Ngài từng được phong chức Phổ chính thống lĩnh thủy bộ quân doanh, có công dẹp giặc Nam Chiếu và Lục Nam. Khi về thăm quê, ngài bị giặc làm phản, tự trẫm mình ngày 2 tháng 8 âm lịch. Phu nhân là bà Dục Đức, người ấp Quan Nhân, thủ tiết quyên sinh theo chồng ngày 12 tháng 10 âm lịch, sau được thờ trong Phủ Thánh Bà ở hữu mạc.
Cổng đình Quan Nhân. Panorama ©2015 NCCong
Tương truyền, đình Quan Nhân có từ rất sớm. Theo Ngọc phả Thần tích do Hàn lâm Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Quý Dậu, triều Lê Anh Tông, niên hiệu Hồng Phúc thứ 2 (1573) thì lúc đầu được xây ở cánh đồng Nền Đình. Đến năm Chính Hòa 21 (1701) đình mới chuyển về trung tâm trang ấp tức vị trí bây giờ; trong đình hiện vẫn còn một tấm bia đá mang niên hiệu nói trên làm chứng.
Kiến trúc
Nếu đi từ phố Quan Nhân rẽ vào ngõ 144 dọc tường bên trái đình Hội Xuân về hướng tây-nam khoảng trăm bước sẽ gặp một nghi môn gồm hai trụ biểu với đôi câu đối. Qua nghi môn vài ba chục bước, ở bên trái đường đi giữa hai hồ nước là nhà Mộc dục xây hai tầng tám mái, dùng làm nơi tắm tượng trong những dịp lễ hội. Tiếp theo thì đến một hồ sen có tường hoa bao quanh, du khách sẽ thấy cổng đình và cổng chùa đứng cạnh nhau ở bên kia bờ.
Sân đình Quan Nhân. Panorama ©2015 NCCong
Đình tọa lạc trên một khu đất cao ráo, mặt quay về hướng đông-bắc nhìn ra hồ sen, bên tả có chùa Sùng Phúc Tự, bên hữu là ao nhỏ và ngõ 144 Quan Nhân, sau lưng là sân chơi. Đình xây trong một khuôn viên đẹp và khá bề thế. Mặt bằng làm thành hình “chữ Công”, từ ngoài vào trong gồm: tam quan, sân đình, đại bái, thiêu hương, hậu cung, khu phụ.
Tam quan gồm 2 trụ biểu lớn và hai cổng bên. Tòa đại bái rộng 5 gian 2 dĩ, xây kiểu “đầu hồi bít đốc tay ngai” và “giá chiêng kẻ chuyển” với 5 hàng cột. Thiêu hương sâu 3 gian, hậu cung rộng 3 gian, bên trong có điện thờ với bài vị Trung Nghĩa đại vương. Bên hữu sân đình là Phủ Thánh Bà rộng 3 gian, gồm 2 nếp nhà xếp song song thành hình “chữ Nhị” quay hướng tây-bắc, nơi thờ phu nhân Dục Đức. Tất cả in đậm dấu ấn phong cách nghệ thuật kiến trúc của thế kỷ 17-18, ngoại trừ phía bên tả sân đình mới dựng thêm giữa hai nhà giải vũ một tấm bia bằng đá đỏ ghi lại tóm tắt thần tích thành hoàng làng.
Video
Lễ rước kiệu làng Quan Nhân và Đại hội 5 làng Mọc năm 2015
Lưu ý
Xưa kia dân 5 làng Mọc Giáp Nhất, Quan Nhân, Chính Kinh, Cự Lộc, Phùng Khoang kết chạ, có lệ chọn năm nào được mùa, dân khang, vật thịnh sẽ tổ chức một Đại hội chung, chính hội mở vào ngày 11 tháng Hai âm lịch. Sau chiến tranh, truyền thống này lại được khôi phục với đông đảo khách thập phương tham dự, đôi khi đoàn rước kiệu làm nghẹt giao thông đến vài tiếng đồng hồ.
Ngoài tấm bia đá Chính Hòa, hương án, các cửa võng, hoành phi, câu đối, đại tự và đồ tế khí, trong đình Quan Nhân còn giữ được một số hiện vật quý như 12 đạo sắc phong và tấm bia bằng đồng, trên đó khắc thần tich của Trung Nghĩa đại vương Hùng Lãng công. Ngày 30-09-1989 quần thể đình Quan Nhân, phủ Thánh Bà, chùa Sùng Phúc Tự, Văn chỉ, đình Hội Xuân, nhà Mộc dục đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Di tích lân cận
- Chùa Bồ Đề: số 190 phố Quan Nhân.
- Chùa Linh Thông: ngõ 68 Quan Nhân.
- Chùa Quan Nhân: ngõ 144 Quan Nhân.
- Đình Cự Chính: số 186 phố Quan Nhân.
- Đình Giáp Nhất: đoạn giữa phố Giáp Nhất.
- Đình Hội Xuân: số 144 phố Quan Nhân.
Bản đồ trực tuyến
Đông Tỉnh