Nghè Nguyệt Viên. Ảnh: Linh Trường
Với sự phát triển thương mại thuận lợi, làng cổ này có điều kiện tiếp xúc và giao lưu với bên ngoài, tạo cho vùng đất "thứ nhất cận thị, thứ nhì cận giang" nhiều lớp văn hóa, tín ngưỡng vừa đậm chất dân gian vừa mang tính cung đình, trong đó có sự giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa Đại Việt và Chăm pa đến nay hãy còn hiện hữu.
Làng cổ Nguyệt Viên nằm bên dòng sông Mã đổ ra biển lớn, thuộc xã Hoằng Quang, Hoằng Hóa, nay là TP Thanh Hóa. Địa thế nơi đây có núi Phong Châu làm án, dòng sông Mã uốn quanh, non sông hun đúc khí thiêng. Địa linh sinh nhân kiệt, đất này đã sinh ra nhiều nhân tài hào kiệt, đặc biệt là danh nhân khoa bảng.
Nguyệt Viên xưa còn có tên là Phúc Châu, Nguyệt Giang và Nguyệt Nổ, đến năm 1637 được đổi tên là Nguyệt Viên. Tương truyền, vua Lê Thánh Tông đã đổi tên làng Nguyệt Nổ thành Nguyệt Viên. Trong một lần nhà vua đi thuyền rồng qua đây, chứng kiến phong cảnh thơ mộng, người dân có nhiều phong tục thuần hậu, sống trong cảnh yên bình, no ấm nên đặt lại tên làng như vậy. Theo một số sử liệu huyện Hoằng Hóa còn ghi lại: “Trước kia, khi văn minh sông nước còn thịnh, Nguyệt Viên là bến đỗ của các thương thuyền. Bến Nguyệt Viên nhộn nhịp trên bến dưới thuyền…". Nguyệt Viên là làng khoa bảng, trong dân gian vẫn còn truyền tụng: “Nguyệt Viên mười tám ông nghè/Ông cưỡi ngựa tía ông che lọng vàng”.
Nguyệt Viên có nghè cổ trông ra dòng sông Mã. Khi xưa nghè này nằm sát mép nước, nay được ngăn cách bởi một con đê vững chãi. Hướng của nghè cũng chính là bến sông, nơi có những con thuyền sau những chuyến lên ngược về xuôi, buông chài quăng lưới, chuyên chở "chè ngon xuống biển, cá ngon lên rừng" trở về bến đậu, hướng mũi thuyền chầu vào nghè chiêm bái vị Thành Hoàng và mong được thần chở che, phù hộ cho họ có cuộc sống no đủ, bình yên.
Nghè Nguyệt Viên không lớn, nhưng xinh xắn, tựa như một búp sen từ từ mở cánh tỏa sắc, khoe hương và soi bóng vào mặt gương trong của dòng Mã giang tựa như một giải lụa mềm, chảy êm đềm trước khi hòa vào với đại dương mênh mông sóng vỗ. Nghè Nguyệt Viên hiện nay mang đậm thức kiến trúc thời Nguyễn. Có Tiền đường, Hậu cung, cổng Tam quan và sân rộng lát gạch. Nhà Tiền đường cấu trúc 3 gian, hai tầng mái (chồng diêm) thông với Hậu cung. Hậu cung bên trong có cấu trúc ba vì kèo bằng gỗ. Trước kia nhà Tiền đường và Hậu cung chung quanh được thưng ván, trải thời gian đã bị mai một, nay được thay bằng xây tường gạch. Riêng bộ cửa giữa có cửa gỗ bức bàn và hai gian liền kề phía trước được thưng ván với các bức chạm nổi hình tứ linh, tứ quý và chữ thọ cách điệu hoa cỏ thiêng.
Mặc dù đã qua nhiều lần trùng tu, song ở nghè vẫn còn lưu giữ được nghệ thuật trang trí và điêu khắc thời Lê. Theo các dòng chữ ở thượng lương thì nghè được xây dựng vào năm Quý Tỵ, niên hiệu Quang Hưng (1593) và được tu bổ lớn vào năm Đinh Hợi, niên hiệu Minh Mệnh (1827), tu sửa tiếp vào năm Bính Thân, niên hiệu Thành Thái (1896) và gần đây nhất là trùng tu vào năm 2008. Nghè Nguyệt Viên được xây dựng từ cuối thế kỷ XVI, trải qua tu bổ nhiều lần, nhưng vẫn giữ được những nét kiến trúc và điêu khắc cổ. Với hình rồng ở các câu đầu, chạm khắc trên cột, xà ngang, hoành, đặc biệt là kết cấu vì nóc với các hình tượng chim phượng, cá hoá rồng, hoa cúc, sen, trúc phong cách tinh tế, hình nét cầu kỳ, hoa mỹ. Phong cách chạm bong và chạm lộng, vừa tinh tế lại vừa thô ráp, hình họa rất ngộ nghĩnh, sống động, hồn nhiên mang đậm chất dân gian, bên cạnh nội dung với chủ đề tứ linh, tứ quý nhưng mang phong cách khoẻ khoắn, mạnh mẽ, sung mãn, với khối tạc có diện tích lớn mang phong cách cung đình.
Cùng với các đề tài chạm khắc nêu trên, đặc biệt trong cấu trúc của nhà Tiền đường, ở góc cổ diềm - kết nối giữa mái trên và mái dưới của nhà Tiền đường, gần bờ nóc của nhà Hậu cung có phù điêu đắp nổi hình linh thú - thủy quái rất khác lạ, hiếm gặp trong trang trí và điêu khắc của các ngôi đền và đình chùa trên đất xứ Thanh. Trong Hậu cung còn giữ được hai bức chạm ở hai cửa sổ nhỏ thông gió ngách phía đông và tây, song loài vật này không phải là rồng. Vậy những linh vật này mang biểu tượng gì, từ đâu đến và có mối liên quan với Thành hoàng làng và nghè Nguyệt Viên, nơi thờ phụng vị thần này ra sao đến nay vẫn chưa có lời giải?
Theo sách Địa chí văn hóa huyện Hoằng Hóa cho biết: Nghè Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang thờ vị thần có duệ hiệu ghi ở thánh vị là "Chương vĩ dực bảo trung hưng thượng đẳng thần". Truyền thuyết dân gian vùng này kể lại rằng: Nghè Nguyệt Viên thờ nàng công chúa đẹp người đẹp nết. Do cảm mến vị tướng lĩnh là người ở thôn này (dân làng thường gọi là Đàn, tên đầy đủ là Nguyễn Công Đàn) có công lớn phò vua cứu nước, lập được nhiều chiến công nên được nhà vua phong cho tước "Phụ ký lang hầu Đô tổng thống". Là người có tài lại lẫm liệt uy phong, ông được nàng công chúa đem lòng thầm yêu, trộm nhớ mà ông vô tình không hề hay biết. Thắng giặc, thiên hạ thái bình, tướng công được vua cho về thăm quê. Nàng công chúa nặng tình duyên ấy với tướng công cũng âm thầm cưỡi thuyền, dong buồm theo về. Khi thuyền của công chúa đến quãng sông lúc ấy gọi là sông Nguyệt Thường chảy qua làng Nguyệt Viên nay thì nàng hay tin ngài đã có vợ, và càng đuổi theo thì thuyền của tướng công càng mờ xa, khuất bóng trong khói sóng dư ba. Bất ngờ và tuyệt vọng, nàng đã nhảy xuống sông tự vẫn. Khi thấy có người con gái rơi xuống sông, có ông lão thuyền chài đương buông câu gần đó liền vội nhảy xuống nước cứu vớt. Song, vì nước sông chảy xiết, sức tàn lực kiệt, ông lão cũng bị dòng nước cuốn đi. Sau khi nàng công chúa mất, cảm mến nàng công chúa đẹp người đẹp nết, dân làng Nguyệt Viên đã lập miếu thờ nàng ngay tại quãng sông mà nàng tự vẫn. Thương cảm ông lão thuyền chài, vì việc nghĩa mà phải bỏ mình, dân xã cũng lập ngôi miếu nhỏ phụng thờ. Hàng năm, lễ hội làng Nguyệt Viên thờ nàng công chúa trẫm mình ở khúc sông Nguyệt Thường tổ chức vào ngày mùng 10 tháng hai âm lịch. Cùng với việc tế lễ, phần hội diễn ra vui tươi, nhộn nhịp với các trò diễn độc đáo như: kéo hẹ, ném vòng vào đầu vịt, trò Tú Huần và đua thuyền trên dòng Mã giang, điểm xuất phát và về đích là tại bến Nghè thờ làm vui lòng thần và có Thành Hoàng làng chứng giám.
Vậy cái chết của nàng công chúa nhảy xuống sông tự tử và những linh vật ở ngôi nghè thiêng này có gì liên quan với nhau ? Nếu tìm hiểu lịch sử về vùng đất, cư dân và tín ngưỡng phụng thờ vị thần nữ này thì những bí ẩn đó sẽ dần hiện ra trong mịt mù khói sóng trên bến Nguyệt Thường.
Hoằng Quang, Hoằng Hóa xưa vào thời Ðinh - Lê gọi là giáp Cổ Hoằng, thời Lý - Trần gọi là Cổ Ðằng, thời nhà Hồ đổi là huyện Cố Linh, thời thuộc Minh gọi là huyện Cố Ðằng. Ðến thời Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Ðức thứ nhất (năm 1470) mới chính thức có tên huyện Hoằng Hóa và Xã Hoằng Quang ngày nay, nằm trong tổng Từ Quang, huyện Hoằng Hóa trước kia. Trong diễn trình của lịch sử dân tộc, vùng đất này gắn với sự kiện các vương triều phong kiến Việt Nam trên đường bình Chiêm thường ghé lại bến thuyền làng Nguyệt Viên nay. Địa chí văn hóa huyện Hoằng Hóa cho biết: Vua Lý Thánh Tông đi đánh giặc phương Nam đã dừng chân lại nơi đây, được thần linh núi sông nơi này phù trợ, tiến binh vào phương Nam thắng giặc như chẻ tre, khi quay trở về tạ ơn các vị thần rất hậu. Giáp với Nguyệt Viên là Bột Đà trang thuộc đất Hoằng Lộc nay có Nguyễn Tuyên đã có công giúp vua Lý Thánh Tông (1028-1054) tuyển quân đánh giặc và sau đó được dân tôn là Thần Hoàng của làng… chính lịch sử vùng đất Nguyệt Viên đã từng in dấu các cuộc hành binh của các vương triều phong kiến xưa lúc xuất quân cũng như lúc khải hoàn, đem đến cho vùng đất "cận thị, cận giang" Nguyệt Viên này sự tiếp xúc trực tiếp, hoặc gián tiếp với Chăm pa qua những người thắng trận hoặc hàng binh, thợ thủ công, vũ nữ Chăm… do quan quân Đại Việt bắt làm tù binh, tôi tớ trên đường trở về Thăng Long.
Làng Nguyệt Viên, tổng Từ Quang, Huyện Hoằng Hóa, Trấn Thanh Ba là mảnh đất chôn nhau, cắt rốn của nhà khoa bảng Nguyễn Văn Phú. Ngài xuất thân là quan ngự y dưới triều Vua Dụ Tông (1705-1729) trong chuyến hộ tống Hoàng Đế tuân du vào Nam, ngài đã lưu lại vùng đất Quảng Nam lập nghiệp. Sau khi rời quê hương Nguyệt Viên, Thanh Hóa di cư vào Nam ông đã ở lại xã Mông Lãnh, thuộc phủ Thăng Hoa, dinh Quảng Nam, địa danh xã Mông Lãnh có từ thời vua Lê Thánh Tông. Trong quá trình di dân đó, sự giao lưu giữa văn hóa Đại Việt và Chăm pa đã có những ảnh hưởng nhất định với Nguyệt Viên, quê hương bản quán của khoa bảng Nguyễn Văn Phú.
Trong nền cảnh chung của sự tiếp xúc giữa Đại Việt và Chăm pa cổ đã dần hình thành trong văn hóa và tín ngưỡng làng Nguyệt Viên sự tiếp nhận và tái tạo mới được thể hiện khá rõ nét trong kiến trúc, điêu khắc và sinh hoạt văn hóa tâm linh của cư dân nơi đây. Với việc lập nghè thờ công chúa trẫm mình trước bến Nguyệt Thường và trang trí ở nghè có linh vật lạ - thủy quái dẫn dụ sự liên tưởng tương đồng và thú vị. Hình tượng các linh vật - thủy quái được trang trí ở nghè Nguyệt Viên không phải là hình tượng con nghê của văn hóa Trung Hoa phổ biến trong các đền nghè, mà chính là hình tượng thủy quái Makara của văn hóa Ấn Độ và được người Chăm tiếp thu, tôn là tinh vật ngự trị trong các đền tháp Chămpa.
Linh vật thần thoại Makara trong điêu khắc cổ xưa ở các đền điện Hindu và Phật giáo trải rộng khắp Nam Á và Đông Nam Á. Makara là vật trấn giữ ở lối vào các điện thờ Hindu và chùa chiền, chính điện Phật giáo, xuất hiện khá phổ biến trong các di tích, di vật kiến trúc và mỹ thuật Châu Á và Việt Nam. Makara là quái vật biển trong các tranh tượng Hindu giáo, phát sinh từ loại cá heo sông Hằng, có nhiều đặc điểm giống cá sấu. Makara là biểu tượng của các vùng sông nước. Do sự tiến hóa của phong cách nghệ thuật mà hình dạng Makara hiện thời có chân trước có móng vuốt của sư tử, bờm ngựa, mang cá…
Makara - con vật thần thoại liên quan đến nước. Thủy quái là tên thường được gọi cho nó khi nó là vật cưỡi của thần cai quản đại dương Varuna, cũng là vật cưỡi của nữ thần Ganga (nữ thần sông Hằng); Makara chính là hóa thân của nước, khởi nguồn của mọi sự sống; Makara còn bao hàm ý nghĩa của Kama- biểu trưng cho tình yêu và tình dục từ thời Ấn Độ cổ đại. Trên lá cờ cầm tay của thần tình yêu Kamadeva có vẽ hình Makara, với đầu giống như đầu linh dương, thân và đuôi thì có hình dạng của loài cá. Makara ở đây là biểu tượng cho tình yêu, Makara cũng là biểu tượng trang sức được sử dụng phổ biến như là quà cưới cho cô dâu. Trong điêu khắc Ấn giáo và Phật giáo Ấn Độ thì chúng ta bắt gặp hình ảnh con Makara ở nhiều hình dạng khác nhau: khi thì là hình dạng một con vật cụ thể, khi thì xuất hiện ở hình dạng một quái thú có sự kết hợp một phần bộ phận của các con vật linh thiêng khác nhau mà đa phần là vật cưỡi của các vị thần quyền uy.
Ở Việt Nam, theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu thì hình tượng của Makara thường được dùng để đắp trên bờ nóc, bờ mái của các công trình kiến trúc thời cổ, miệng Makara thường há rộng hoặc ngậm vào đầu kìm. Dấu tích Makara thể hiện rõ trong tập hợp cổ vật Hoàng thành Thăng Long phát hiện vào năm 2003 làm bằng đất nung. Đó là loại Rồng - Makara chịu ảnh hưởng từ nghệ thuật tạo hình Chămpa thời bấy giờ. Đặc trưng hiển lộ là cái môi trên vểnh cao, phía trong có những chi tiết ngoằn ngoèo vút lên cao. Makara là biểu tượng của cơn mưa lành, của nước trên trời đổ xuống tạo màu mỡ cho đất, được đồng nhất với cầu vồng.
Khảo sát những linh vật lạ ở nghè Nguyệt Viên, Hoằng Quang này cho thấy, 2 linh vật bằng đất nung rất giống với hình tượng Makara bắt gặp ở Bảo tàng Chăm Đà Nẵng. Thủy quái Makara ở dạng tượng tròn gồm một cặp (ký hiệu 42.48 và 42.49) trưng bày tại phòng Tháp Mẫm với những nét đặc tả dữ dội đang nằm trong tư thế chầu hầu, đầu ngẩng cao, tai dựng đứng, cặp mắt lồi tròn to, miệng há ra với hai hàm răng nhọn, hai chân trước giơ cao như muốn vồ chộp kẻ thù, thân thể đẫy đà với sống lưng gai góc nổi dọc phía trên; Cổ của chúng được đeo vòng chuông lục lạc to trông thật bề thế, (tác phẩm có niên đại thế kỷ XIII được đưa về Bảo tàng năm 1935). Hai linh vật này được đặt ở vị trí góc vuông, nơi "cổ diêm" của nhà Tiền đường trong tư thế nửa thân trên và 2 chân trước có móng vuốt nhọn ôm chặt một viên ngọc bích lớn. Phần thân dưới đuôi và hai chân quặn chặt vào cổ diềm với hình sóng nước cách điệu vờn lên. Hai linh vật này đầu rướn cao, mắt mở to trông ra phía trước, hướng ra cổng tam quan nơi có dòng sông Mã và con đường thần đạo dẫn vào nghè vừa có chức năng canh giữ nghè thờ vừa quan sát và soi xét linh hồn của những người hành lễ trước khi vào nghè dâng cúng và thỉnh cầu vị Thành hoàng tối linh của vùng sông nước Nguyệt Thường này. Cùng với hai linh vật này ở cổ diềm nhà Tiền đường, trên hai bên hồi nóc của nhà Hậu điện cũng được đặt hai linh vật trông dữ tợn. Đầu ngẩng cao, trán mọc sừng, mắt lồi, mang bành ra hai bên, mình có vẩy sắc, gai sống lưng nổi cuộn, mình lượn hình sóng, bốn chân có móng sắc, quặn chặt vào gờ hồi nhà Hậu cung. Hai linh vật được đặt ở vị trí đăng đối, ngoảnh cổ nhìn về phương đông và phương tây, dỏng tai lên nghe ngóng, mắt lồi nhìn xa xăm, canh giữ cho cung cấm được tĩnh lặng, thiêng liêng…
Với hình tượng Makara được trang trí ở nghè thiêng Nguyệt Viên, chắc chắn những người dân trên đất Cổ Ðằng xưa qua giao lưu và tiếp xúc với văn hóa và tôn giáo Chăm pa đã lựa chọn linh vật Makara từ xứ Đằng Trong xa xôi về ngự nơi nghè thiêng trên đất quê mình. Trong sâu thẳm của chốn tâm linh, những người dân nơi đây đã bắt gặp biểu tượng Makara rất mới lạ nhưng lại có những ý nghĩa gần gũi và tương đồng với nhân vật được phụng thờ của họ - nàng công chúa trẫm mình vì mối lương duyên không như mong ước. Phải chăng tiếp xúc với Ấn Độ giáo qua ảnh xạ Chăm pa, người dân nơi đây đã chọn Makara là biểu tượng để gắn lên công trình tín ngưỡng linh thiêng bên dòng Nguyệt Thường xưa - Mã giang nay. Chính Makara gắn với nước, là vật cưỡi của nữ thần sông Hằng; Trên lá cờ cầm tay của thần tình yêu Kamadeva có vẽ hình Makara biểu tượng cho tình yêu, Makara cũng là biểu tượng trong trang sức làm quà cưới cho cô dâu… Vì vậy, nơi thờ phụng nàng công chúa -vị thành hoàng của làng Nguyệt Viên lựa chọn linh vật Makara là hoàn toàn phù hợp. Điều đó mang đến cho nơi thờ này vừa có sự gần gũi thân quen: nàng công chúa - sau khi chết trở thành nữ thần sông; Makara biểu tượng của tình yêu, quà tặng cho cô dâu của Tướng quân và dân làng đối với nàng công chúa trọn vì tình yêu mặc dù đơn phương và tuyệt vọng; Linh vật này vừa mới lạ, có sức hấp dẫn, thu hút đông đảo mọi người tới dâng hương, chiêm bái và tưởng nhớ về một tình yêu trong trắng, mãnh liệt đáng trân trọng của nàng công chúa xưa.
Ở nghè Nguyệt Viên không chỉ bắt gặp hình tượng linh vật Makara liên quan tới tôn giáo, tín ngưỡng Chăm pa mà còn bắt gặp hình tượng rắn thần Naga trong hai bức chạm ở hai cửa sổ nhỏ thông gió nhà Hậu cung. Trong hai bức chạm, mỗi bức đều chạm hai linh vật trông quen mà lạ, thoạt nhìn tưởng như là hai con rồng thời Lý dáng đăng đối, thân uốn lượn, đuôi dài buông xuống xoắn vào nhau kiểu chữ triện để tạo nên bố cục có hình chữ Phúc. Hai đồ án hình linh vật này đã bị hư nát quá nhiều, năm 2008 được khôi phục lại.
Makara và rắn Naga ở hậu cung nghè Nguyệt Viên.
Trong tôn giáo, tín ngưỡng Chăm pa và Khmer, rắn Naga ngự trên các mái chùa, tháp đền, các đầu đao để xua đuổi tà ma và bảo vệ Phật, các vị thần được thờ. Ngoài ra còn có hình tượng rắn Naga được chạm trổ bằng xà cừ uốn lượn quấn quanh những cánh cửa chùa, trên những chiếc tủ đựng kinh sách, trên những chiếc xe tang đưa người chết đến nơi hỏa thiêu tượng trưng cho vị thần đưa linh hồn người tốt lên cõi Niết Bàn. Rắn Naga được thể hiện phổ biến trong các mô típ kiến trúc và điêu khắc. Rắn Naga chỉ xuất hiện như một linh vật bảo vệ cho tôn giáo, khác với mô tuýp rồng biểu tượng cho quyền lực thế tục của hoàng đế Trung Hoa. Vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên, nhà Hán đã dùng hình tượng con rồng năm móng làm biểu trưng cho uy quyền của hoàng đế. Trong khi đó, người Chăm và Khmer chỉ xem rắn Naga là biểu tượng cho tôn giáo, tượng trưng cho sự sáng tạo, hủy diệt và tái sinh. Trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa, người dân Nguyệt Viên hoặc là các nhà khoa bảng đã tiếp thu được văn hóa và tín ngưỡng Chămpa để rồi thể hiện biểu tượng của rắn Naga trong đồ án cửa sổ hình chữ triện độc đáo này. Thông qua hình tượng nghệ thuât rắn Naga tiếp thu từ Bà La Môn giáo và Phật giáo Chăm pa, rắn Naga không những là vị thần Mưa mà còn là vị thần dẫn dắt tín đồ ngoan đạo lên cõi Niết Bàn, người dân Nguyệt Viên thể hiện lòng tri ân của mình đối với vị thần được thờ phụng ở nghè - nữ thần sông nước với mong ước ban cho họ có nguồn nước dồi dào, mưa thuận gió hòa giúp cho những người làm nghề nông có mùa màng tươi tốt; giúp những người làm nghề chài lưới thu được tôm cá đầy khoang; giúp những người làm nghề buôn bán lên ngược về xuôi được bình an, mua may bán đắt; phù hộ cho nho sỹ học hành, thi cử đỗ đạt, thành danh…Trong các dịp hội lễ, dân làng còn biểu diễn trò Tú Huần, trò diễn lạ, mang đậm dấu ấn văn hóa và âm nhạc Chămpa.
Giao lưu văn hóa, tín ngưỡng giữa Đại Việt và Chăm pa dù trải qua nhiều thế kỷ, nhưng với những linh vật Chămpa còn hiện hữu từ nghè cổ Nguyệt Viên này là những thông điệp rất có giá trị để chúng ta hôm nay và con cháu mai sau hiểu rõ và đầy đủ hơn về sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và các quốc gia, dân tộc, sự thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.
TS. Hoàng Minh Tường