Tháp Mẫm – Hiện tượng lạ trong kiến trúc, điêu khắc Chăm
Năm 1934, người Pháp đã có cuộc khai quật lần đầu tiên tại tháp Mẫm phát hiện rất nhiều tượng tròn điêu khắc đá. Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bình Định đang khai quật lần thứ 2. Kết quả khảo cổ cho thấy: Tháp Mẫm là một hiện tượng lạ trong kiến trúc, điêu khắc Chăm.
Phế tích tháp Mẫm nằm trên một gò đồi thấp liền kề khu phế tích Thập Tháp và gần bờ thành Bắc thành Đồ Bàn, thuộc thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn. Theo truyền thuyết của nhân dân địa phương, nơi đây xưa gọi là chùa Âm Phủ của người Chàm hay còn gọi là khu gò Chỉ Thiên.
Năm 1934, do một sự tình cờ khi khai thác đất canh tác trên đồi, ông Hai Mắm đã phát hiện nhiều tượng đá chôn trong lòng đất. Những phát hiện được báo lên chính quyền địa phương. Tháng 3 – 4 năm 1934, các nhà khảo cổ học người Pháp tổ chức cuộc khai quật lần đầu tiên tại gò tháp Mẫm. Theo dấu vết hiện còn khá rõ, hố đào hình chữ nhật, diện tích khoảng 400m2, và đã thu được nhiều phù điêu, tượng thể hiện các vị thần Ấn Độ giáo như Siva, Prapalla, tượng Phật và đặc biệt là tượng tròn các con vật thần linh như chim Garuda, rắn Naga, sư tử, Makara, Gajasimha… cùng các bệ thờ điêu khắc trang trí đẹp.
Theo người dân cư trú nơi đây, quá trình canh tác thỉnh thoảng đã tìm thấy một số tượng nhỏ có trang trí đẹp. Tháng 1 năm 2003, trong lúc đang lấy đất ở phía Đông và phía Bắc chân gò tháp Mẫm để đổ đường đã phát hiện thêm hai tượng đá tròn: tượng Gajasimha – vật cưỡi của thần Siva, đầu voi mình sư tử, cao 2,15m và tượng Sư tử cao 0,97m
Về kiến trúc và điêu khắc tháp Mẫm, được các nhà nghiên cứu xếp cùng phong cách với các cụm tháp hiện còn ở Bình Định, gọi là phong cách tháp Mẫm hay phong cách Bình Định. Những tháp Chăm Bình Định hiện còn khá vững chắc và nhiều tháp còn khá tương đối nguyên vẹn so với tháp Chăm ở các địa phương khác. Đối với phế tích tháp Mẫm, trên một khu đồi không rộng (khoảng 10.000 m2), dấu vết nền móng đã khai quật phát hiện và dấu vết nền móng chưa khai quật khá đậm đặc, có ít nhất 5 kiến trúc. Trong đó có một kiến trúc lớn, số còn lại là những kiến trúc phụ, nhỏ. Những gì còn lại của các công trình kiến trúc cho ta nhận định: Khu đền tháp gò tháp Mẫm là những kiến trúc ít kiên cố và không đồ sộ như những tháp hiện còn, nhất là so với các nhóm tháp sử dụng nhiều chi tiết trang trí điêu khắc đá trong kiến trúc như cụm tháp Đôi (Quy Nhơn), tháp Dương Long (Tây Sơn) với cấu trúc nền móng cấu trúc 7 lớp gạch và 4 lớp đá ong cao trên dưới 40m.
Hiện nay, những tác phẩm điêu khắc tháp Mẫm đã được phát hiện (chủ yếu năm 1934) đang lưu giữ và trưng bày tại các Bảo tàng: Bảo tàng Bình Định, Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng lịch sử Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Huế và nhiều nhất là tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng. Bảo tàng Chăm Đà Nẵng dành hẳn một phòng rộng lớn và cả dãy hành lang trưng bày những tác phẩm điêu khắc phong cách tháp Mẫm, với hơn 50 tác phẩm được trưng bày (và nhiều hiện vật khác còn lưu giữ trong kho) hầu hết là những tác phẩm được phát hiện trong cuộc khai quật tháp Mẫm năm 1934 của người Pháp, những tác phẩm này chủ yếu là tượng tròn tạc các con vật thần thoại. Ngoài ra, tại Bảo tàng Quốc gia Băng Cốc (Thái Lan) cũng có một số tác phẩm điêu khắc đá sư tử, Garuda… có xuất xứ tháp Mẫm là quà của triều đình Huế tặng cho Hoàng gia Thái Lan.
Nghệ thuật điêu khắc giai đoạn Vijaya (phong cách tháp Mẫm) nổi trội là những tác phẩm được thể hiện ảnh hưởng của nghệ thuật điêu khắc đá Khơme thuộc phong cách Bayon. Sự ảnh hưởng này tạo nên sức sống mới cho nghệ thuật điêu khắc đá Champa. Bên cạnh vẻ đẹp nuột nà thuần khiết thanh cao, đầy chất lãng mạn thể hiện trong tác phẩm là vẻ đẹp hình khối to khỏe, trong cơ bắp, dữ dằn trên gương mặt. Hầu hết các tháp Chăm ở Bình Định, những tác phẩm điêu khắc đá dạng phù điêu chiếm chủ đạo (một ít trang trí góc phù điêu thể hiện 2/4 mặt) được thể hiện độc lập trên một khối đá (tháp Đôi, tháp Bánh Ít…) hoặc thể hiện thành một đề tài trang trí với rất nhiều khối đá ghép lại (tháp Dương Long). Ở tháp Mẫm thì ngược lại, hầu hết những tác phẩm điêu khắc đá được phát hiện là tượng tròn sử dụng trang trí độc lập, một số tượng tròn khác có chuôi ở phía sau để gắn trang trí trên kiến trúc.
Đặc trưng dễ nhận thấy ở điêu khắc đá tháp Mẫm là hình khối căng to khỏe làm chủ đạo. Sự nhấn mạnh về khối trang trí kết hợp với sự thiếu hợp lý trong thể hiện chi tiết, khiến các tác phẩm này mang vẻ đẹp khỏe mạnh, nhưng trông dữ tợn, gân guốc kém mềm mại. Kích thước tượng tháp Mẫm thường thể hiện có khối lớn, trang trí tỉ mỉ, tỉa tót cầu kỳ, mang nặng tính nghệ thuật thể hiện. J Boisselies – một nhà nghiên cứu Pháp đã nhận xét “nền nghệ thuật tạc tượng động vật chiếm một vị trí quan trọng trong phong cách tháp Mẫm... nhưng ở đây động vật thật chỉ đóng một vai trò hầu như vô nghĩa và nói chung nhường chỗ cho những tượng hình có tính chất hoang đường… và tất cả những tượng động vật trong phong cách tháp Mẫm đều ảnh hưởng của nghệ thuật điêu khắc Khơme… Tượng động vật trong phong cách tháp Mẫm hầu hết đều có kích thước lớn… được trang trí triệt để không còn một chỗ nào để trống; trông đầy tinh nghịch; mặt mày làm ra bộ dữ dằn...”.
Với những dấu vết kiến trúc hiện còn và việc phát hiện số lượng lớn tác phẩm điêu khắc đá phần nhiều là tượng tròn, tượng các vị thần và các con thú thần thoại, một số nhà nghiên cứu đoán định tháp Mẫm là khu đền thờ của kinh đô Đồ Bàn, còn các nhà khảo cổ học người Pháp khai quật tháp Mẫm năm 1934 thì cho rằng đây có khả năng là khu hầm mộ của người Chăm chôn cất các đồ thờ cúng. Trong khi các giả thuyết về chức năng của tháp Mẫm chưa có tính thuyết phục cao thì tháp Mẫm vẫn là “hiện tượng lạ” trong kiến trúc, điêu khắc Chăm.
N.T.Q