.
Một người theo công giáo là linh mục Kim Định đã có một chuyên khảo mang tên "Triết lý cái đình" (1971, Nguồn Sáng, Sài Gòn), trong đó có câu: "Riêng Đình là chú ý ngay vào đời sống hiện tại ở đây và bây giờ". Ở khía cạnh đề cao cái đình, Kim Định có cùng ý kiến của nhiều học giả XHCN. Đình là đặc thù của làng xã Việt Nam, của tinh thần cộng đồng có màu sắc dân chủ, dù là đại diện của triều chính tại địa phương. Cái đình có giá trị thực tiễn về chức năng, nơi làng họp nhau khi có việc, nhưng ở cấp độ cộng đồng, khác với công môn là nơi làm việc của quan lại.
Đấy là mặt chức năng. Còn hình thức đình làng, có lẽ đây là một đặc trưng kiến trúc truyền thống, mà tương ứng có thể kể nhà rông, nhà dài Tây Nguyên. Nhưng cũng như nhà rông, nhà dài thì đình hiện giờ đang mất. Cái mất không những về hình hài được trùng tu mới coóng dỡ sạch cái nguyên bản đi, mà còn về chức năng sử dụng - các công việc diễn ra ở đình chủ yếu mang tính phục vụ lễ lạt, vừa hạn chế người dùng, vừa yếu về kết nối hệ thống. Cái đình xưa là niềm tự hào của các làng, thường là kiến trúc to nhất của làng, đem ra đọ với làng khác. Bao nhiêu cái hay cái đẹp đều tạc vào đình. Đình bây giờ là pháo đài cố thủ của các cụ với cái nhìn lo âu về vị thế của thế hệ của họ sắp mất dần.
Các nhà nghiên cứu kiến trúc và mĩ thuật đã có nhiều tài liệu về đình Việt Nam. Tuy nhiên, với số đông, cái đình khá đơn điệu về cấu trúc và na ná nhau về hình thức nên họ không quan tâm nhiều bằng các kiến trúc tôn giáo như đền, chùa, miếu, phủ... Nhất là sự tham gia hoạt động của họ ở đình gần như hạn chế chỉ trong vòng những ngày hội làng mà họ cất công tới xem - phải nói là hội làng cũng thường... na ná nhau. Trong khi đó, vào chùa còn xem tượng, xin quẻ, vào đền còn cầu khấn rồi hầu bóng. Sân đình bây giờ cũng không còn là sân khấu hấp dẫn để biểu diễn chèo nữa. Với lại teen có xem chèo đâu?
Nên cái đình cũng dường như là hình ảnh của một nền văn hóa truyền thống bị mờ đi, yếm thế và có khi còn là suy đồi. Có người đề xuất tích hợp đình với nhà văn hóa làng, nhưng chuyện này đã từng làm bốn chục năm trước, mà kết cục là phá nhiều hơn giữ. Cái đẹp của đình làng lay lắt ở những hình mái đao, chạm trổ rồi khung cảnh bình dị xung quanh khi may chăng còn lại.
Chắc sẽ là một bài lan man không dứt, bởi vì cái đình không là một hình ảnh hấp dẫn, sống động. Nó chỉ khiến người ta thấy thân thương khi nó gắn kết với kỷ niệm, với nhận thức của họ về thời yên ấm đã qua:
Qua đình ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu
Chắc có lẽ tôi bị ảnh hưởng bởi những bài giảng và sách vở nên vẫn giữ mãi tình cảm với ngôi đình truyền thống: Một ngôi nhà sàn chạy dài, mái đao lớn xòe bốn góc thật to, hình chữ nhất hoặc có chuôi vồ (chữ công), như một khối nâu sẫm đứng giữa làng cây xanh, đồng rộng bao quanh.
Đình làng Việt có gần như khắp các làng, từ Bắc vào Nam có cả. Tuy vậy tập trung và đồng đều về phong cách kiến trúc thì ở vùng Bắc Bộ cho đến Thanh- Nghệ. Câu Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài cho thấy vùng phía Tây Hà Nội là nơi có nhiều đình đẹp nhất từ xưa. Hiện tại, đình vùng Hà-Tây cũng vẫn là nơi phong phú nhất, ngoài ra vùng Hà Bắc cũng giữ được nhiều đình đẹp.
Dưới đây là một số ngôi đình và hình ảnh đi từ Tây sang Đông Bắc Bộ.
1. Đình Tây Đằng, ở thị trấn Tây Đằng (Quảng Oai cũ), huyện Ba Vì, là ngôi đình có niên đại thuộc vào loại sớm nhất VN, khoảng đầu thế kỷ 16, nhưng có nhiều chạm khắc mang hình thức đời Trần nên có lẽ được lấy từ một kiến trúc sớm hơn. Ngôi đình có niên đại được xác minh rõ ràng sớm nhất là Lỗ Hạnh ở Đông Lỗ, Hiệp Hòa, Bắc Giang - năm 1576. Tuy vậy, trừ những điêu khắc đã xuống cấp thì hình thức ngôi đình còn lại không mấy hấp dẫn, có lẽ đã bị phá dỡ nhiều lần. Tuy nhiên, trùng tu như đình Tây Đằng dưới đây thì lại quá mới!
Còn giữ được một số chạm khắc ở đầu bảy. Chạm khắc ở đình Tây Đằng rất đặc sắc, nhiều cảnh sinh hoạt dân gian thú vị như hứng dừa, đá cầu... Đình Tây Đằng trước đây có lẽ cũng có sàn cấp, nhưng đã dỡ bỏ. Ngôi đình chỉ có tòa chữ nhất và không che chắn nên thoáng. Hai dãy giải vũ có đặc biệt là có lầu mái chồng diêm. Cách đây nhiều năm, ấn tượng của mình là một ngôi kiến trúc cởi mở và đậm chất phóng túng của miền Ba Vì - Sơn Tây.
Trên đây là một bức tranh bột màu vẽ năm 1998. Khi đó còn vào được bên trong, bây giờ người ta xây tường bao kín, làm cổng sắt khóa!
2. Đình Chu Quyến, ở xã Chu Minh, Ba Vì, cách Tây Đằng 3km về phía Hà Nội. Đình này tôi đã giới thiệu ở entry trước đây ở blog cũ (Ngôi đình đẹp nhất VN). Đình xây chữ nhất, có hình thức nhà sàn, dựng từ thế kỷ XVII, to đẹp, mộc mạc và khỏe khoắn, đặc trưng cho thẩm mỹ dân gian xứ Đoài. Hiện đã dỡ ra trùng tu lại.
Một bức tranh bột màu năm 1998 thì phải. Đáng tiếc là tôi đã để mưa làm hỏng.
3. Đình Mông Phụ, ở làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, Ba Vì. Ngôi đình này cũng có niên đại khoảng thế kỷ XVII-XVIII, nằm trong quần thể làng cổ nên là điểm nhấn đặc biệt của không gian làng. Các chạm khắc cũng quen thuộc, nhà sàn và thông thoáng các mặt. Đình có hình chữ công, phần chuôi vồ là hậu cung. Đợt trùng tu vừa rồi gây nên hình ảnh tức cười là gạch lát sân quay mạch dọc đâm vào đình; ngói lợp dồn hết ngói cũ sang một bên, ngói mới phần còn lại, chia đôi diện mái thành hai mầu như lang ben. Người dân ở làng không hài lòng chút nào nhưng đình giờ là của nhà nước chứ không còn là của riêng làng xã nữa!
4. Đình Đoài Giáp, ở thôn cùng tên, thuộc xã Đường Lâm, Ba Vì. Đình nhỏ nhưng cũng có hình thức cân đối, đặc thù của đình Đoài.
5. Đình Hữu Bằng, ở xã Hữu Bằng, Thạch Thất là ngôi đình lớn, nằm trong khu vực đình-chùa-miếu của làng xã. Hữu Bằng gần chùa Tây Phương, là làng nghề gỗ mỹ nghệ, thợ làng chuyên làm đình chùa. Vì thế dễ hiểu là các kiến trúc cổ ở đây có quy mô lớn.
Tổng thể nhìn ra một ao nước hình tròn rộng.
Ngôi đình nằm ở bên trong cùng, qua một sân rộng là đến chùa và miếu.
Nhìn sang chùa từ phía đầu hồi đình.
Tòa đại đình rất to nhưng mặt đứng bị hai dãy giải vũ che chắn mất nên cảm giác chật chội.
Đình có đặc biệt là có một gian thờ phụ ở chái nhà.
Những đồ gỗ bên trong rất trau chuốt và thẩm mỹ cao.
Nhìn từ đầu hồi mới thấy được dáng đồ sộ.
Toàn cảnh mặt bên. Đình có mặt bằng hình chữ công, hậu cung xây hẳn chồng diêm, vốn không thấy ở các đình khác. Sắc nâu của ngôi đình khiến như kiến trúc có một triết lý về thẩm mỹ vật liệu: gạch ngói và gỗ đều nhất quán màu. Tường gạch cũng chỉ vôi trắng.
6. Đình Dị Nậu, Thạch Thất. Đình không nhiều chi tiết tinh xảo nhưng có những nét đáng lưu ý vì mang phong cách y hệt nhiều ngôi đình khu vực này - một nhà tiền tế mái chồng diêm phía trước, tòa đại đình hình chuôi vồ phía sau.
7. Đình Hạ Hiệp, xã Liên Hiệp, là ngôi đình được xem như to nhất trong mẫu đình vùng như Dị Nậu, Canh Nậu, Liên Hiệp. Nhà tiền tế có các trụ đá, chạm khắc công phu phong cách thời Nguyễn. Tòa đại đình có các chạm khắc tuyệt hay về các chủ đề như tiên múa, chuốc rượu, đánh cờ, đấu vật, rình xem gái tắm... Tuy nhiên, khi tôi đến thì ông trông đình không cho chụp mà yêu cầu hôm sau quay lại để xin ý kiến cụ trưởng ban. Hôm sau thì chưa biết là hôm nào!
Trên là đình Liên Hiệp, một đình khác ở làng bên cạnh, quy mô nhỏ hơn.
Một bài thơ có tên "Cho ngày hội cầu lông" trên tường tòa giải vũ ở đình Dị Nậu:
Em đây tên gọi cầu lông
Xin chào các bạn thôn đông, thôn đoài
Hình thức hai bể sen đá này có ở khắp các đình khu vực. Hàng chữ nho được một cụ ở đình Hạ Hiệp đọc - được ghi là năm Tự Đức thứ mấy gì đó.
8. Đình Thụy Khuê ở làng Thụy Khuê, xã Sài Sơn, Quốc Oai. Đình này ngay cạnh chùa Thầy, có đặc trưng lối vào từ đầu hồi của chuôi vồ, nghĩa là mặt bằng chữ công ngược.
9. Đình So ở làng Yên Sở, xã Cộng Hòa, Quốc Oai. Tôi đã giới thiệu ở entry Quốc Oai trên blog cũ.
10. Đình làng này ở xã Tiên Phương, Chương Mỹ, gần chùa Trăm Gian.
11. Về đến mạn Phùng thì có đình Đại Phùng nổi tiếng. Nằm ngay đầu làng nên cũng cạnh một cái chợ.
Ngôi đình đẹp nhưng cũng xuống cấp nhiều. Có cấu trúc nhà sàn và phía trước có tiền tế làm thành hình tiền nhất hậu công. Những mái đao mềm mại thật đẹp.
Tiếc là khóa trái nên chỉ thò được máy ảnh vào chụp vọng. Những chạm khắc và nội thất khá đẹp.
12. Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy / Vui thì vui vậy, chẳng tầy rã La. Đăm là tên nôm của làng Tây Tựu, Từ Liêm. Đình Đăm có kiến trúc kiểu thế kỷ 19, nhưng đã xuống cấp nhiều. Không gian rộng và có nhiều tòa kiến trúc lẻ.
Phía trước là tam quan và hai nhà mộc dục (nhà bia) kiểu phương đình chồng diêm, mái vuông. Hai bên có tả hữu vu, hiện làm quán chợ.
Qua khoảng sân là đến hai nhà phương đình nữa và tiền tế ở giữa. Sau cùng là đại đình.
Bỏ qua Hà Nội, có một số đình như Yên Phụ, Kim Liên, Nghi Tàm, Quảng An chưa có điều kiện phân tích, sang Bắc Ninh.
13. Đình Phú Thụy, Gia Lâm, vốn là đất kẻ Sủi, quê Cao Bá Quát. Ngũ môn này có cái đẹp là do điêu tàn, thật nghịch lý.
14. Đình Đình Bảng thì nhiều người biết, và tôi đã có entry về Bắc Ninh ở blog cũ rồi. Đình xây năm 1732, là ngôi đình loại lớn nhất VN hiện còn. Đình đạt tới vẻ đẹp cổ điển và hoàn hảo.
15. Đình Diềm cũng đã nói tới rồi, ở làng Viêm Xá, Yên Phong, Bắc Ninh, nơi có đền Bà Thủy tổ Quan họ. Thứ nhất là đình Đông Khang. Thứ nhì Đình Bảng, vẻ vang đình Diềm. Đình Diềm tuy bé vì chỉ có 3 gian nhưng nội thất cực đẹp và khung cảnh làng Diềm còn giữ được kiến trúc đồng đều, rất nên thơ.
16. Đình Cổ Mễ ở ngay cạnh đường vào đền Bà Chúa Kho.
17. Đình Mỹ Lộc ở xã Mỹ Hà, Lạng Giang, Bắc Giang. Gần đấy có đình Phù Lão, chắc sẽ tìm cách đi thăm sớm.
18. Đình Tiên Lục, nơi có cây dã hương to nhất VN. Đình có tường bao xây bằng gạch nung già, nhìn rất đẹp. Hai đình này đã giới thiệu ở entry Bắc Giang.
Lẽ ra các đình ở Vĩnh Phúc cũng thuộc về xứ Đoài nhưng để tiện đường thời bây giờ, xếp xuống dưới.
19. Đình Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Ai về mua vại Hương Canh - làng này chuyên làm chum vại và đồ gốm sành. Ngôi đình cũng khá lớn, tuy vậy chỉ chụp được bên ngoài.
20. Đình Quất Lưu, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc cũng có nghề gốm sành. Có thể thấy dấu ấn của thời biến đình làng thành hợp tác xã. Gian giữa xây thêm một mặt đứng kiểu cổng chào, năm 1964.
Bên cạnh là ngôi chùa. Màu gạch đậm nhạt xen kẽ ở đầu hồi thật đẹp.
21. Đình Phú Hậu, xã Sơn Đông, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Đã giới thiệu ở entry Quê nghèo. Chỉ còn cái cổng đặc biệt này.
.