Xét theo thế thứ, Trịnh Tùng là đời thứ hai của họ Trịnh, kế tục sự nghiệp "phù Lê" suốt 249 năm dằng dặc trong lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, vì cha của ông là Trịnh Kiểm chỉ mới được phong tước công, còn tên thụy Thái vương là do đời sau đặt. Từ thời Trịnh Tùng trở đi, họ Trịnh mới nhận tước vương, nên ông được xem là vị Chúa Trịnh chính thức đầu tiên.
Thọ 74 tuổi, Bình An vương Trịnh Tùng cầm quyền bính triều đình Lê Trung Hưng 53 năm. Sau khi ông mất, được tôn phong miếu hiệu là Thành Tổ Triết vương.
|
Chúa Trịnh Tùng (1570-1623). Ảnh tư liệu |
Cầm quyền trong thời loạn, Trịnh Tùng luôn phải đối phó với nhiều lực lượng và nguy cơ chống đối: tranh chấp quyền hành giữa anh em, vua Lê đòi lấy lại thực quyền, nhà Mạc đối lập, người cậu Nguyễn Hoàng chống đối ngầm trong Nam. Vị trí "dưới một người trên vạn người" khiến ông trở thành tiêu điểm cho sự tấn công: cả công khai lẫn ngấm ngầm của các lực lượng này. Vì thế, để đối phó với hoàn cảnh, Trịnh Tùng buộc phải trở thành người cứng rắn, quyết đoán và đôi khi trở nên tàn nhẫn. Tài năng trong thời loạn đã biến ông thành kẻ gian hùng khuynh đảo triều chính nhà Hậu Lê...
Tài "thần cơ diệu toán"
Chúa Trịnh Tùng (1550-1623) là con trai của Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm với phu nhân Ngọc Bảo, con gái cưng của Thái sư Nguyễn Kim người dựng cờ “phù Lê diệt Mạc” ở nửa đầu thế kỷ 16.
Thừa kế mọi đức tính anh minh, thần võ, quyết đoán của cha ông, Trịnh Tùng sớm bộc lộ thiên tài quân sự bẩm sinh, có tài “thần cơ diệu toán” bách chiến bách thắng. Ông phải gánh vác trọng trách quốc gia đang vận suy sụp, “trứng treo đầu đẳng” khi vừa mới tròn 20 tuổi.
Sử sách chép, nếu sự nghiệp trung hưng nhà Lê được Nguyễn Kim khởi xướng từ năm 1533 và Thái Vương Trịnh Kiểm đứng mũi chịu sào chèo chống con thuyền suốt 25 năm (1545 – 1570) và Nam triều cũng chỉ có thể gây dựng làm chủ đuợc hai trấn từ Thanh Hóa trở vào, thì chỉ trong già nửa thời gian ấy, Trịnh Tùng đã đưa công nghiệp "phò Lê" dang dở của cha về đến đích vẻ vang, oanh liệt. Ông đã kết thúc mỹ mãn sự nghiệp trung hưng đầy gian truân, “ca khúc khải hoàn” đưa vua Lê trở lại ngai vàng nơi đế đô Thăng Long linh thiêng hồn nước. Ông chính là người mở nền “Thái bình cho trăm họ”, an dân, dựng lại nguyên khí Đại Việt sau gần 100 năm lầm than, suy kiệt.
Uy danh của Bình An vương Trịnh Tùng không những lừng lẫy trong nước, mà vang dội đến Trung Quốc. Vua nhà Minh cử sứ thần là Vương Kiến Lập sang Đại Việt tặng Bình An vương Trịnh Tùng 8 chữ vàng: Quang hưng tiền liệt, Đinh quốc nguyên huân (Tạm dịch là: Làm rạng rỡ công đức tổ tiên, làm cho nước yên ổn thái bình công đứng đầu) và đai ngọc, mũ xung thiên, ngựa tốt; đồng thời ca ngợi Trịnh Tùng là Chân anh hùng và tặng tôn hiệu Đại nguyên soái. Trong khi đó, vua quan nhà Minh lại tỏ ra khe khắt với việc công nhận ngôi báu của vua Lê Thế Tông; dứt khoát chỉ phong cho vua Lê chức An Nam Đô thống sứ, không phong tước vương và cấp cho một cái ấn bằng đồng trong khi đã tuyên bố là ấn bằng bạc...
Trong sách Lịch Triều Hiến chương loại chí, sử gia Phan Huy Chú đã viết về Bình An vương Trịnh Tùng: “… Ông tính khoan hòa, yêu người, khéo vỗ về tướng sĩ, dùng binh như thần…Ông thực sự làm chúa, cầm quyền chính, công lao sự nghiệp danh vọng lừng lẫy…”.
Thao túng triều đình
Công lao to lớn của Trịnh Tùng được vua Lê và triều đình tôn phong chức Đô nguyên súy, Tổng quốc chính. Đến năm 1599, khi tàn dư họ Mạc bỏ chạy lên Cao Bằng, triều đình lại phong tước Bình An vương. Vua Lê cho Trịnh Tùng mở phủ liêu để cùng nhà vua lo việc nước, gồm đủ cả lục phiên tương đương với lục bộ của triều vua. Phủ chúa toàn quyền đặt quan, thu thuế, bắt lính. Thậm chí, Vua Lê dành cho chúa Bình An vương những đặc quyền, đặc lợi như con nối nghiệp được gọi là thế tử, vợ chúa được gọi là vương phi, con gái được phong là quận chúa. Chế độ này được truyền nối mãi mãi.
Như vậy, bắt đầu từ 1600, chế độ chính trị phong kiến nước Đại Việt có hình thái mới: có vua và có chúa cùng cầm quyền cai trị nước, mà chưa một thời kỳ phong kiến nào trong lịch sử đã có. Từ đấy, bắt đầu một thời kỳ "Vua Lê - Chúa Trịnh". Song, một nghịch lý rõ nhất là nhà Hậu Lê từ khi Trung Hưng lên, con cháu đa số làm vua bù nhìn, chỉ có mặt trong những dịp lễ lạc hoặc khi tiếp sứ Tàu... vì quyền chính trị nằm cả trong tay của Chúa Trịnh. Nhà vua không được bàn bạc, thậm chí cả những chỉ dụ cũng do Chúa Trịnh thảo ra, đóng dấu vào và vua chỉ có việc phê nét bút son...
Vừa "phò" vua, vừa "hại" vua
Vì thấy quyền hành Trịnh Tùng lớn quá, năm 1572, triều thần Lê Cập Đệ bàn với Vua Lê Anh Tông một kế hoạch giết Bình An vương để lấy lại quyền bính cho nhà Lê. Thế nhưng, mưu sự bất thành, Lê Cập Đệ bị Chúa Trịnh Tùng giết chết. Vua Lê Anh Tông sợ hãi, đang đêm đem 4 hoàng tử chạy vào thành Nghệ An.
Ngày 1 tháng Giêng năm 1573, Trịnh Tùng đưa con trai thứ năm còn nhỏ tuổi của vua Anh Tông là Lê Duy Đàm lên ngôi. Sau đó, ông sai Nguyễn Hữu Liêu đem quân đến Nghệ An bắt Anh Tông. Khi quay về hoàng cung, nhà vua bị Trịnh Tùng sai Tống Đức Vị ngày đêm hầu ở bên để giám sát. Tới ngày 22 tháng Giêng, nhà vua đi đến Lôi Dương, thì Đức Vị ngầm bức giết, rồi phao tin rằng vua Lê Anh Tông tự thắt cổ chết.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: "... Anh Tông khởi thân từ hàn vi, vì là cháu xa đời của họ Lê, là dòng dõi của nhà vua, nhờ được Tả tướng Trịnh Tùng và các quan tôn lập làm vua thiên hạ, lo việc khôi phục gian nan. Sau tin dùng bọn tiểu nhân, nghe lời ly gián, khinh xuất đem ngôi báu phiêu dạt ra ngoài, hại tới thân mình..."
Trong khi đó, đối với Lê Kính Tông, vì quá thấm thía vai trò "bù nhìn", nhà vua đã hợp tác với con trai Trịnh Tùng - là Trịnh Xuân, lập một kế hoạch "khử" vị Chúa Trịnh khấy đảo triều đình này; nhưng rồi phải chịu kết cục đau thương. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: "... Khi về, thường Chúa cưỡi voi. Hôm ấy, Chúa thấy trong lòng không yên, cho voi ngựa và thị vệ đi trước, còn tự mình ngồi kiệu đi sau. Đến chỗ ngã ba, có tiếng súng nổ, bắn gãy cây lọng tía. Vội sai truy bắt, thì bắt được Văn Đốc cùng đồ đảng, đem về phủ tra hỏi, y khai là nhà vua và Vạn quận công Trịnh Xuân sai làm. Chúa sai Trấn quận công Trịnh Lâm và Nhạc quận công Bùi Sĩ Lâm vào điện xét hỏi tả hữu, thì biết hết sự trạng".
Ngày 12 tháng 5, Chúa ngự ra phủ đường, tập hợp bách quan. Chúa thân bưng mâm vàng trầu cau bước ra, khóc mà nói: "Thời kỳ họ Mạc, nhà vua đã không còn thiên hạ. Cha tôi thân khởi nghĩa binh, đón tiên đế từ trong hang núi trở về, sáng lập triều đình. Tôi tôn phò ba triều, thân trải trăm trận đánh, thu phục giang sơn, tổn phí bao tâm lực, tuổi đã bảy mươi. Nay nhà vua nghe đứa con phản nghịch, nhẫn tâm làm việc này...".
Các triều thần văn võ ai cũng phẫn uất, đều kiên quyết nói: "Vua vô đạo thì phải phế...". Vua Kính Tông quá xấu hổ, bèn tự thắt cổ...
Về Vua Lê - Chúa Trịnh, có thể nói, hầu hết các bộ chính sử như: Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục..., hay các bộ Đại Việt thông sử (Lê Quý Đôn), Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú)... đều cho thấy, trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII, những sự kiện chính trị, xã hội, văn hóa, quân sự, bang giao và giáo dục - khoa cử của nước ta đều có liên quan, thậm chí chịu sự chi phối bởi một nhân vật, đó là Triết vương Trịnh Tùng.