Cầu đá Trung Thành là một công trình kiến trúc độc đáo do những người hảo tâm trong huyện, trong tỉnh và tỉnh bạn cùng bà con địa phương đóng góp xây dựng, là niềm tự
Thời xưa, xã Trung Thành có làng Phúc Thành nổi tiếng với hai ngôi đền: Đền Phúc Thành thờ ông Nguyễn Duy Thiện, Thần khai canh; đền động nhà Bà thờ Bà chúa Giăng. Ngoài ra, làng còn có đình Phúc, chùa Phúc khá uy nghi, đẹp đẽ và đặc biệt là cầu đá bắc qua bàu Rộc. Bàu này rất rộng nhưng thời gian qua đi, nước sông chảy ít, nắng mưa liên miên làm cho bàu Rộc cạn, hẹp dần. Đến nay bàu chỉ còn chiều dài 2km, rộng 40m.
Cầu đá bắc qua bàu Rộc phục vụ việc đi lại cho nhân dân xã Quan Thành cũ và các vùng lân cận. Vào thế kỷ XIX ông Nguyễn Văn Bá, gốc người Hà Tĩnh, sang lập nghiệp ở địa phương đã tự nguyện bỏ tiền, công sức và vận động nhân dân làm cầu. Ông làm tờ trình gửi lên quan huyện Yên Thành xin được làm cầu. Sau khi được quan huyện đồng ý, ông đi vận động nhân dân Thanh Hoá, Nghệ An, rồi thuê thợ xứ Thanh, thợ Trung Phường (Diễn Minh, Diễn Châu) chia hai tốp làm từ hai đầu vào giữa. Bản thân ông tự nguyện cống cho làng 3 con trâu, 3 con bò); lập điện đức Thánh Quan cúng việc thiện.
Bên cạnh cầu Rộc, ông cho tạc bia đá. Bia này ở phía Bắc cầu đá, bốn mặt bia được tạc chữ Hán, ghi công những người cúng tiền làm cầu. Bia cao 0,8m, rộng 0,6m, hiện nay mặt chữ Hán bị bong hỏng không đọc được.
Sau hơn 100 năm, lụt lội, nước dâng cao cùng với những biến cố lịch sử làm cho cầu đá bị xuống cấp. Ông Trần Bá Tương, ông Nguyễn Trọng Liên được nhân dân xã Trung Thành huyện Yên Thành cử đứng ra tu sửa lại vào năm 1988.
Cầu đá sau khi được tu sửa dài 40m, rộng 1,2m, cao 3,5m, có 19 nhịp với 39 phiến đá ghép rất công phu. Đá để tu sửa cầu được khai thác từ nhiều nơi ở lèn Vĩnh Tuy, Thanh Hoá, lèn Cờ, lèn Vũ Kỳ.
Cầu đá Trung Thành là một công trình nghệ thuật khá đẹp ở vùng chiêm trũng huyện Yên Thành. Quan sát kỹ, mỗi phiến đá có kích thước khác nhau, có tấm bề ngang 0,8m hoặc là 0,9m ghép so le với nhau có ngàm chắc chắn. Trên mỗi nhịp cầu, ở bề mặt tuy không có hoa văn nhưng người thợ đá ngày xưa đã khắc các đường viền song song chạy theo dọc phiến đá. Chân cầu dài 3,5m, trên mỗi đà ngang đỡ cầu các cụ xưa đục chốt đá chắc chắn. Toàn bộ cây cầu có độ cong vừa phải. Phía giữa cầu cao hơn 0,3m so với hai đầu, tạo thành cái cầu có hình vòng cung. Hai mố cầu phía Nam, phía Bắc, dân làng để thêm mỗi bên 4 tấm đá cùng với cát sỏi nện chắc chắn. Những năm gần đây, với sự cố gắng của chính quyền xã, nhân dân đã đổ bê tông làm cho hai đầu cầu vững chãi.
Cầu đá Trung Thành là một công trình kiến trúc độc đáo do những người hảo tâm trong huyện, trong tỉnh và tỉnh bạn cùng bà con địa phương đóng góp xây dựng, là niềm tự hào của quê hương Yên Thành.
Các tin khác:
- Du lịch Phú Quốc và những trải nghiệm thú vị
- Tháp bà Ponagar - Hùng vĩ giữa thành phố Nha Trang
- Phong phú điểm đến khi du lịch Kon Tum
- Cuối tuần chọn du lịch Tây Ninh
- Đến đảo Lý Sơn khám phá vẻ đẹp hoang sơ
- Một ngày thú vị trên Vịnh Nha Trang
- Những điểm tham quan hấp dẫn nhất An Giang
- Danh thắng Tràng An tỉnh Ninh Bình
- Khám phá những thác đẹp ở Đà Lạt
- Du ngoạn Hakone, Nhật Bản