21/08/2007
TÀI LIỆU VĂN BIA Ở
XÃ TỨ HIỆP HUYỆN THANH TRÌ - HÀ NỘI
BÙI XUÂN ĐÍNH
Viện Dân tộc học
Tứ Hiệp hiện nay là một xã thuộc huyện Thanh Trì, được thành lập tháng 4-1946, gồm 4 làng, trước Cách mạng Tháng Tám 1945 cũng là 4 xã độc lập: Cổ Điển, Cương Ngô, Đồng Trì và Văn Điển, thuộc tổng Cổ Điển, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Ba làng (xã): Cổ Điển, Cương Ngô, Đồng Trì từ xa xưa có chung ngôi đình, gọi là đình Ba Dân, hay Tam xã linh từ, cùng thờ Nguyễn Bồ, Nguyễn Phục là các tướng của Đinh Bộ Lĩnh, có công đánh tan sứ quân Nguyễn Siêu - một trong 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Ba làng còn có chung ngôi chùa Long Quang, hay còn gọi là chùa Cổ - Cương - Đồng. Làng Văn Điển tuy cùng thờ các vị thành hoàng như 3 làng trên, nhưng lại có đình riêng, chùa riêng (chùa Quang Minh). Các làng đều có Văn chỉ.
Tại 4 làng trong xã hiện còn lưu một số văn bia sau (kê theo các di tích):
A. Đình Ba Dân
Hiện còn tấm bia Tam xã bái đường bi ký dựng ở bái đường, có kích thước 120x73cm, gồm 17 hàng chữ, mỗi hàng có 28 chữ khổ lớn, chân phương, dễ đọc. Bia do Trương Văn Chi - người làng Cổ Điển, đỗ Cử nhân khoa Canh Ngọ đời Tự Đức (1870), giữ chức Tuần phủ Nam Định, soạn ngày 15 tháng hai năm Canh Tý, niên hiệu Thành Thái (1900). Nội dung bia cho biết, đình Ba Dân được khởi dựng từ rất sớm, trước đây nội điện làm bằng gỗ, bái đường bên ngoài được làm bằng tranh tre, nứa lá, theo kiểu cách rất cổ. Năm Tự Đức thứ 26 (Quý Dậu, 1873), dân ba xã mua lại ngôi nhà của viên Lại mục ở tỉnh Bắc Ninh và dựng lại bái đường.
Năm Thành Thái thứ ba (Tân Mão, 1891) trùng tu nội điện, nâng cao nền nhà, tu sửa tòa thiêu hương.
Năm Thành Thái thứ 9 (Đinh Dậu, 1897), Tuần phủ Lãnh Phiên ty Nam Định Trương Văn Chi thấy bái đường đã cũ, quy mô nhỏ hẹp, bèn mua gỗ lim tại Nam Định, thuê thợ làm sẵn năm gian nhà, rồi thuê thuyền chở về cung tiến, tổng chi phí là 1290 đồng tiền. Ngoài ra, ông còn công đức để xây hai dãy tường hai bên, (gạch đá cùng toàn bộ tiền công) hết 5600 quan tiền, còn tiền xây tường bao quanh đình, xây giếng, dựng bình phong hết 1900 quan do ba xã cùng đóng góp. Nhân đó có bài Minh ghi về việc này.
B. Đình làng Đồng Trì
Đây là ngôi đình riêng của làng Đông Trì. Trong đình còn lưu tấm bia “Thành Thái tứ niên, cửu nghuyệt, cát nhật”. Bia hình chữ nhật, kích thước 73x45cm, có một mặt chữ, gồm 19 hàng, mỗi hàng bình quân 24 chữ còn sắc nét, chân phương, dễ đọc. Bia được lập ngày Tốt, tháng Chín năm Thành Thái thứ 4 (1892) thì vào năm Canh Dần (niên hiệu Minh Mạng- 1830), ông Quán Danh Văn (? - 1889), tự là Phúc Cần, cùng vợ là bà Đặng Thị Bài (? - 1843), hiệu là Từ Hạnh đã hiến cho làng 2000 quan tiền để làng chi vào các việc công dịch và sửa đình; lại cúng vào đình 2 mẫu 1 sào ruộng (ruộng mùa 1 mẫu 2 sào, ruộng chiêm 9 sào). Hai ông bà được làng tôn làm Hậu thần, sửa lễ cúng vào ngày giỗ (ông mất ngày 20 tháng Năm, bà mất ngày 12 tháng Bảy).
C. Chùa Long Quang còn hai tấm bia, 1 chuông và 1 khánh đá:
1. Long Quang tự bi: hình chữ nhật, có 22 hàng chữ, mỗi hàng bình quân có 24 chữ, còn sắc nét, chân phương, dễ đọc. Bia được lập ngày Tốt, tháng Quý Hạ (tháng Sáu), năm Vĩnh Tộ thứ 4 đời Vua Lê Thần Tông (1622). Người soạn bài văn bia là Tiến sĩ Nguyễn Chính(1), hàm quan là Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu, Lễ bộ Tả thị lang, tước Quế Châu bá. Nội dung bia cho biết, chùa Long Quang có từ lâu, năm Vĩnh Tộ thứ 4 đời Vua Lê Thần Tông (1622), các Phật tử của xã Cự Linh, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An và các xã Cổ Điển, Cương Ngô, Đồng Trì, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, tất cả là 33 người, đứng đầu là ông Nguyễn Văn Ái cùng với vị sư trụ trì Nguyễn Đăng Khôi tự nguyện góp tiền của để trùng tu các tòa: thượng điện, thiêu hương, tiền đường, tả hữu hành lang, hậu đường... Về sau, chùa còn qua nhiều lần tu bổ. Bia này đã được giới thiệu trong sách Văn khắc Hán Nôm.
2. Tấm bia thứ hai không có tiêu đề, không rõ niên đại (có lẽ do mặt khắc tiêu đề và dòng lạc khoản bị gắn vào tường). Bia hình chữ nhật, gồm 21 hàng, mỗi hàng bình quân 62 chữ chân phương, rõ nét. Nội dung nói các thiện nam tín nữ của ba xã Cổ Điển, Cương Ngô, Đồng Trì đóng góp 319 quan, 7 mạch, 6 văn tiền để trùng tu chùa và nhắc lại việc sửa chùa vào niên hiệu Vĩnh Tộ, chứng tỏ bia này được khắc về sau.
3. Long Quang tự chung (chuông chùa Long Quang) : chuông có 4 núm, đường kính miệng là 66 cm. Quai chuông là hai con rồng ngược đầu nhau. Các mặt đều có hai khoang chữ : khoang trên có 15 hàng, mỗi hàng có 27 chữ, khoang dưới có 8 hàng, mỗi hàng có 6 chữ. Chuông do ông Nguyễn Danh Ánh, quê xã Đề Cầu, huyện Siêu Loại, xứ Kinh Bắc khắc chữ. Dòng lạc khoản tuy bị đục hai chữ song có thể đọc được là chuông Cảnh Thịnh (Hoàng triều…, thất niên, tuế thứ Kỷ Mùi, nguyệt tại Trọng Xuân nhật phương tam cửu, tức ngày 27 tháng Hai năm Kỷ Mùi [niên hiệu Cảnh Thịnh] thứ bảy (1799). Nội dung chuông nói về việc quan viên, hương lão, sắc mục, xã khán, thôn trưởng ba xã Cổ Điển, Cương Ngô, Đồng Trì cùng góp tiền của đúc quả chuông mới. Ở mặt có chữ “Long” ghi rõ số tiền của quan viên hương lão 8 giáp của làng Cổ Điển (giáp Văn, Thọ, Đình, Nhữ, Đỗ, Trung, Nam, Thịnh) và của hai làng Cương Ngô, Đồng Trì (mỗi làng này là một giáp).
4. Khánh đá : đúc năm Bảo Đại thứ hai (1927), dày 9 cm, cao 56 cm, khoảng cách giữa hai đầu khánh là 120 cm. Toàn bộ mặt trước khắc hai con rồng chầu mặt nguyệt, khoảng cách giữa hai đầu rồng là 25 cm; mặt sau khắc hai nhành lá lớn, cùng các họa tiết mây, hoa lá nhỏ. Khánh không có bài Minh, mặt trước chỉ có hàng chữ Hán “Cổ Điển xã Hàn lâm viện cung phụng Trương Hoằng Tĩnh bái tiến”; mặt sau có bốn chữ “Bảo Đại nhị niên” (Bảo Đại năm thứ 2 - 1927). Đánh lên, khánh có độ vang khá rõ.
D. Chùa Quang Minh (làng Văn Điển) còn lưu 3 bia, 2 quả chuông.
1. Hai tấm bia cùng mang tên “Phối hậu bi ký”, cùng lập vào ngày Tốt, tháng Tám năm Tự Đức thứ 33 (1880) nói về việc tu bổ Phật tượng và tòa thượng điện. Một tấm ghi những người thuộc giáp Bắc cúng vào chùa 18 quan 7 mạch; những người giáp Nam cúng 64 quan và 4 sào 2 khẩu ruộng(2). Tấm bia thứ hai ghi những người thuộc các họ Vũ, Lục, Hoàng, Phạm cúng 183 quan, 1 sào ruộng, trong đó bà Phạm Thị Kết, hiệu Diệu Ty cúng 120 quan, bà Hoàng Thị Chu, hiệu Diệu Hương cúng 30 quan và 1 sào ruộng.
2. Bia Công đức bi ký, lập ngày 15 tháng Giêng năm Khải Định thứ 10 (1925), có kích thước lớn (125x80cm), gồm 30 hàng chữ, bình quân mỗi hàng có 37 chữ, chân phương, dễ đọc. Nội dung bài văn bia cho biết, chùa được tu bổ lớn với sự đóng góp hàng nghìn đồng (tiền Khải Định) của đông đảo dân làng và khách thập phương, trở thành ngôi chùa khang trang bậc nhất nhì trong vùng. Những người đóng góp số tiền lớn là: Cựu Chánh tổng, Bát phẩm Bá hộ Nguyễn Hữu Biểu là người khởi xướng góp 140 đồng, bà Phạm Thị Bản góp 100 đồng, đồng dân góp 430 đồng, giáp Bắc góp 106 đồng, giáp Nam góp 72 đồng, giáp Đoài góp 49 đồng; Hội Tư văn góp 80 đồng v.v.; 7 người góp 6 sào 16 khẩu ruộng.
3. Quang Minh tự chung: chuông đặt trên gác Tam quan. Thân chuông cao 63cm, quai chuông là hai con rồng đối đầu nhau, cao 25cm, khoảng cách giữa hai miệng rồng là 30cm. Đường kính miệng chuông là 45cm. Chuông có bốn núm, tạo thành bốn mặt. Mặt có chữ “Quang” nói về việc chùa Quang Minh xã Văn Điển (huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín) trước đã có quả chuông lớn, nhưng do bị binh hỏa, nên bị thất lạc; nay viên sắc trong làng cùng thiện nam tín nữ giáp Nam và giáp Đoài góp tiền của để đúc chuông mới. Các mặt có chữ “Minh”, “Tự” và một phần của mặt có chữ “Chung” (mỗi mặt có khoang chữ, ghi tên, số tiền của những người đóng góp để đúc chuông. Trong số họ có “Khâm sai Tuyên Quang xứ Trấn thủ, Đại Đô đốc, Tường Quang hầu, Lê Tiến Tài” cùng hai người vợ và ba người con trai của ông. Dòng lạc khoản có 9 chữ, trong đó 3 chữ bị đục, nguyên văn là “… niên, Quý Xuân nguyệt, Cốc nhật”. Soi kỹ văn bản gốc và bản dập trên kính lúp cỡ lớn, tôi cho rằng, ba chữ bị đục là “Cảnh Thịnh lục” (chữ trên cùng có hình bộ “Viết”, chữ thứ ba có hai nét như bộ “Bát” còn nhận được). Như vậy, chuông này được tạo năm Cảnh Thịnh thứ 6 (Mậu Ngọ, 1798). Theo Tiến sĩ Đinh Khắc Thuân, chức “Khâm sai, Đại đô đốc” và thợ khắc chữ là người xã Đề Cầu là hai nét tương đối đặc trưng của chuông Tây Sơn.
Ngoài ra, trong chùa còn quả chuông mới đúc năm Bảo Đại thứ 11 (1935).
Đ. Bia Văn chỉ của hai làng Cổ Điển và Văn Điển
Hai làng Cổ Điển và Văn Điển trước đây đều có Văn chỉ (làng Cổ Điển ở phía ngoài cổng làng, làng Văn Điển ở ở khu vực gần cầu Văn Điển trên Quốc lộ 1 A hiện nay). Qua hai cuộc chiến tranh, các Văn chỉ này đều không còn, song bia còn giữ được.
1. Bia Văn chỉ làng Cổ Điển: hiện đặt ở sân Đình Trung (thôn Cổ Điển A), lập vào Thượng tuần tháng Hai, năm Đinh Mùi niên hiệu Thành Thái (1907). Bài văn bia do Cử nhân, Tuần phủ tỉnh Nam Định Trương Văn Chi, Tú tài Trương Trọng Hiền (con trai Tuần phủ Trương Văn Chi) viết chữ, cho biết truyền thống khoa cử của làng Cổ Điển và việc tôn tạo lại Văn chỉ. Bia khẳng định, làng Cổ Điển từ đời Lê Hồng Đức (1470 - 1497) cho tới đời Cảnh Thống (1498 - 1505) có 5 người đỗ Tiến sĩ(3), 40 vị đỗ Giám sinh, Nho sinh, Hương cống, Hiệu sinh, Sinh đồ. Năm Bính Ngọ, niên hiệu Thiệu Trị thứ sáu (1846), hội Tư Văn xã mới xây dựng Văn chỉ. Năm Ất Mùi, niên hiệu Thành Thái thứ 7 (1895), Chi tôi (tác giả bài văn bia) đang làm quan tại Phiên ty tỉnh Nam Định, đã quyên góp tiền để xây ngôi nhà ba gian, cột gỗ lim, bên ngoài xây tường, nhằm biểu dương việc học. Từ nay về sau, làng ta có được văn mạch thịnh sáng, anh tài xuất hiện cũng là nhờ việc thờ phụng Khổng Tử ở ngôi Văn chỉ này ! Sau này sẽ làm cho Văn chỉ rộng hơn ra nữa để thờ phụng các bậc tiên triết, mà kéo dài đạo thống cho tới vô cùng vậy. Vì lẽ đó, chẳng lẽ không ghi mấy chữ chăng ?!
2. Bia Văn chỉ làng Văn Điển có tên Thanh Trì huyện, Văn Điển xã, tiên hiền từ chỉ bi ký hiện được dựng trong sân đình làng, có mái che cẩn thận. Đây là tấm bia cỡ lớn, ít thấy ở các làng thuộc Hà Nội hiện nay với chu vi là 226cm, cao 110cm, được đặt trên bệ tứ cấp gồm 4 vòng tròn, cao 36cm, bệ dưới cùng có chu vi 387cm, chóp bia cao 67cm, gồm 3 vòng tròn. Cả đáy và chóp đều mới được đắp bằng xi măng mới vào năm 1995. Bia được lập vào ngày trước, tiết Đông chí một ngày, tháng Một, năm Gia Long thứ hai (1803). Người soạn bia là “người cùng huyện ở xã Định Công, nhà ở xã Thịnh Liệt, hiệu Cư sĩ Tồn Am, Hi Chương Bùi Bích” (Hoàng giáp Bùi Huy Bích), có 28 dòng có 30 chữ to, khắc chân phương, còn rõ nét và 13 dòng khắc chữ nhỏ. Mở đầu, bài văn nêu rõ làng Văn Điển thuở ban đầu văn học còn ít, nên hàng năm cứ đến hai mùa Xuân, Thu thì tùy tiện thiết lập bài vị tiên thánh để kính tế. Từ năm Quý Hợi niên hiệu Cảnh Hưng (1743) trở đi, trong khoảng vài chục năm, làng có 7 người đỗ Tam trường, 6 người đỗ Thư lại, 2 người đỗ Hương cống ra làm quan, nên mới dựng Từ chỉ ở bờ Bắc sông Tô Lịch, lấy đó làm đàn chính để kính tế Chu tiên sinh Văn Trinh Công (Chu Văn An) và phối thờ các vị triều sĩ. Bên Tả đàn thờ các Nho sinh, Sinh đồ, Thư lại; bên Hữu thờ các vị có công dạy dỗ con cái đỗ đạt và các ông chức sắc có nghĩa hạnh với dân. Văn chỉ được dựng xong năm Kỷ Sửu niên hiệu Cảnh Hưng (1769). Hàng năm, lấy ngày Đinh của tháng hai và tháng tám để kính tế. Tiếp đó, bài văn ca ngợi tài năng, đức độ của Chu Văn An. Bia ghi họ tên, mức đỗ, khoa đỗ, chức vụ, số ruộng đóng góp của các hội viên trong hội Tư văn tổng số là 6 mẫu, 3 sào, 2 khẩu để thờ tiên hiền tại Văn chỉ.
Đây là tấm bia tròn cỡ lớn. Tấm bia có giá trị nghiên cứu về việc học hành, khoa cử, việc thờ Tiên hiền, tổ chức xã hội, ruộng đất của làng Văn Điển cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn và về danh nhân văn hóa Bùi Huy Bích.
NHẬN XÉT:
Mặc dù không còn nhiều về số lượng, nhưng số bia, chuông còn lại trong các đình chùa của các làng trong xã Tứ Hiệp là nguồn tài liệu quý để nghiên cứu các vấn đề về lịch sử văn hóa của vùng đất này, trên các mặt:
- Các dấu ấn lịch sử của đất nước giai đoạn thế kỷ X (thể hiện qua việc thờ các tưỡng lĩnh của Đinh Bộ Lĩnh), hoặc cuối thế kỷ XVIII (các Đô đốc Tây Sơn góp tiền đúc lại chuông bị thất lạc do binh hỏa)...
- Tổ chức làng xã, nhất là thiết chế giáp. Chẳng hạn, ở làng Cổ Điển, theo bài minh trên quả chuông có năm Cảnh Thịnh thứ 7 (1799) của chùa Long Quang thì làng có 8 giáp là: Văn, Thọ, Đình, Nhữ, Đỗ, Trung, Nam, Thịnh; song theo các bậc cao niên trong làng hiện nay, đến trước Cách mạng Tháng Tám, làng chỉ có năm giáp là: Văn, Cao, Trung, Nhữ, Đỗ, trong đó, giáp Văn được coi là giáp “anh cả”, luôn được viết văn tế. Chưa rõ vì sao có sự thất tán của 4 giáp (Thọ, Đình, Nam, Thịnh) và sự xuất hiện thêm giáp Cao.
- Sự phân tầng xã hội, thể hiện ở đóng góp của các cá nhân thuộc các giai tầng xã hội trong việc xây dựng, tu bổ các công trình thờ cúng ở các làng.
- Việc thờ phụng thành hoàng và sự liên kết thờ phụng của các làng xã thời phong kiến.
- Truyền thống trọng học và khoa bảng của hai làng Cổ Điển và Văn Điển.
Chú thích:
Thông báo Hán Nôm học 2005 (tr.221-228)