Trang chủ   Văn hóa   Thể thao   Du lịch   




Bản đồ hành chính Tỉnh Kiên Giang  
  Bản đồ hành chính Tỉnh Kiên Giang


Văn hóa / Hoạt động bảo tồn bảo tàng /
Kiên Giang: Chú trọng công tác bảo tồn di sản văn hóa
18/06/2012 15:58:56

Kiên Giang có khối lượng di sản văn hóa khá đồ sộ, phong phú và đa dạng, trở thành nguồn tài nguyên quan trọng phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương, đặc biệt là phát triển du lịch – một trong những lĩnh vực mũi nhọn đã được tỉnh xác định trong quá trình phát triển.


Công tác quản lý di sản văn hóa luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm, chú trọng với nhiều hoạt động, giải pháp tích cực nhằm khơi dậy, bảo tồn, giữ gìn và phát huy vốn di sản văn hóa, phục vụ cho công tác giáo dục truyền thống và có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là du lịch. Kiên Giang hiện có trên 160 di tích, trong đó có 43 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, cùng với hàng trăm bia, văn bia, tượng đài với nhiều loại hình phong phú như: di tích kiến trúc, nghệ thuật, di tích lịch sử-văn hóa, di tích danh lam thắng cảnh và di tích khảo cổ học. Xác định các công trình tượng, tượng đài, bia, di tích lịch sử, đền thờ danh nhân là di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Trong quá trình phục dựng, các công trình đều thực hiện nghiêm Luật Di sản, không làm ảnh hưởng đến di tích và cân nhắc đến các yếu tố gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội và quy mô tương ứng với nội dung lịch sử, cảnh quan môi trường và nhất là có tác dụng trong giáo dục truyền thống lịch sử và nhân văn.

Di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Láng Cát

Để tăng cường các biện pháp bảo vệ di tích, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với một số ngành chức năng triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; lập hồ sơ xếp hạng di tích và lập các thủ tục cấp quyền sử dụng đất cho các di tích, đến nay đã có 26 di tích đã được cấp quyền sử dụng đất và cấm mốc cho các di tích. Từ năm 2002 đến nay có 40 di tích được trùng tu, tôn tạo với tổng kinh phí 171 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương đầu tư 73 tỷ đồng, ngân sách địa phương đầu tư 78 tỷ đồng và nhân dân đóng góp 20 tỷ đồng.

Cùng với việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa vật thể, công tác giữ gìn và phát huy văn hóa phi vật thể được đẩy mạnh, nhiều giá trị văn hóa được nghiên cứu, bảo tồn, làm giàu vốn di sản văn hóa hơn nữa. Qua kết quả nghiên cứu, khảo sát bước đầu, Kiên Giang có hơn 100 loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác nhau được phân nhóm chủ yếu như sau: Văn hóa phi vật thể thuộc nhóm kỹ thuật (gồm: Kỹ thuật chế tạo ghe, tàu, xuồng; Kỹ thuật canh tác trồng lúa nước; Kỹ thuật thủ công làm mỹ nghệ: làm nồi đất, lò đất (Hòn Đất), dệt chiếu (Tà Niên), nghề làm huyền phách, đồi mồi (Hà Tiên)… Kỹ thuật xây dựng nhà ở truyền thống và các công trình khác như: nhà lá, nhà ngói ống, kiến trúc miếu, đình, chùa,… Văn hóa ẩm thực của người Kiên Giang mang sự giao thoa văn hóa của 03 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer với nhiều món ăn độc đáo: Bún nước kèn, canh chua xã nghệ, mắm chao, bánh tằm Rạch Giá, cháo nấm tràm Hà Tiên, cháo mực Phú Quốc, bún cá Kiên Giang, nghề ăn ong ở U Minh…); Văn hóa phi vật thể xếp theo nhóm phong tục, tập quán, tín ngưỡng truyền thống (gồm: Lễ hội dân gian kỷ niệm ngày mất AHDT Nguyễn Trung Trực, lễ hội Nghinh Ông – Lại Sơn – Kiên Hải, lễ hội Kỳ Yên ở các đình làng, lễ Vu Lan, lễ Phật Đản ở các chùa, lễ mừng chúa Giáng Sinh, lễ hội Ok – Om – Bok, Chôl-Chnăm-Thmây của người Khmer, Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 của người Hoa, tục thờ cúng ông, bà, thánh thần tại gia…); Văn hóa phi vật thể xếp theo hình thức diễn xướng dân gian (gồm: Thi thơ của nhóm Tao Đàn Chiêu Anh Các; Hò thẻ mực của Kiên Hải, Phú Quốc; Dây đờn Rạch Giá trên chiếc đàn ghi ta đã có cách đây hơn 50 năm do nghệ nhân là ông giáo Tiên ở Rạch Giá sáng chế đã được công chúng xếp vào một di sản đặc sản; hát bội, múa lân của người Hoa; hát Dù kê, múa lâm thol của người Khmer; ca tài tử, cải lương của người Kinh.

Lễ hội Nguyễn Trung Trực

Cùng với việc khôi phục và tôn tạo các di tích và lễ hội, Kiên giang còn chú trọng đến việc bảo tồn vốn văn hóa phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện một số đề tài về bảo tồn văn hóa phi vật thể như: Hội thảo khoa học về Di sản văn hóa Hà Tiên, bảo tồn và phát triển; Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa lễ hội anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (năm 2009). Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn thực hiện một số đề tài khoa học như: sân khấu dân gian truyền thống đặc sắc của dân tộc Khmer, sưu tầm di sản Hán Nôm trong cụm di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng ở tỉnh Kiên Giang, xây dựng bộ phim tài liệu “Lễ hội Okombok - nét sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Khmer ở Kiên Giang’, sưu tầm văn hóa văn nghệ dân gian vùng biển đảo Kiên Giang. Xuất bản một số cuốn sách: Nghề làm huyền phách ở Hà Tiên, truyền thuyết dân gian ở Kiên Giang, nông ngư cụ thủ công ở Kiên Giang, Kiên Giang xưa và nay, Di tích lịch sử- văn hóa và danh lam thắng cảnh Kiên Giang, Tìm hiểu di tích lịch sử văn hóa Việt cổ Kiên Giang.

Văn hóa ẩm thực

Để bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc trong tình hình mới, trong thời gian tới tỉnh cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, trong đó cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao vai trò, ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân tham gia vào công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với hỗ trợ phát triển du lịch. Tiến hành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh một cách khoa học và có hệ thống để nhận diện và xác định mức độ tồn tại, trên cơ sở đó đề xuất phương án, bảo tồn, phát huy một cách có hiệu quả.

BBT

· Khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc giai đoạn I
· Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày lưu động tại huyện Hòn Đất
· Trưng bày tôn vinh di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam
· Phát động thi sáng tác logo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
· Năm 2012 - sự lên ngôi của di sản
· Lập hồ sơ công nhận di sản, vinh danh và những định hướng bảo tồn di sản.
· Bảo tàng Cội nguồn Phú Quốc: Một năm đầy khởi sắc
· Tiến độ thực hiện Đề án phục dựng Khu di tích lịch sử căn cứ của Tỉnh ủy trong những năm kháng chiến
· Tìm hiểu trang phục cổ truyền của dân tộc Khmer Nam Bộ
· Bảo tàng tỉnh Kiên Giang: Duy trì hiệu quả hình thức trưng bày lưu động
  xem tiếp...  




Lượt truy cập  
 

002431422


 
GIỚI THIỆU   |   GÓP Ý   |   ĐẦU TRANG   |   LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Trang thông tin điện tử Văn hoá, Thể thao và Du lịch Kiên Giang.
Cơ quan chủ quản: Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang.
Cơ quan thiết lập: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kiên Giang.
Giấy phép do Cục Quản lý PTTH – TTĐT cấp số: 121/GP – TTĐT, cấp ngày 15/06/2010.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Phát, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kiên Giang.
Địa chỉ: 981 Nguyễn Trung Trực – Rạch Giá – Kiên Giang.
Điện thoại: (077) 3911479, Fax: (077) 3911807, Email: Sovhttdlkg@yahoo.com.vn