Đó là 12 di tích, cụm di tích lịch sử văn hóa gắn liền với những chiến công của cuộc Khởi nghĩa Yên Thế trên địa bàn huyện Tân Yên. Với những giá trị văn hóa, ý nghĩa lịch sử, ngày 10/5/2012 thật vinh dự khi 12 di tích, cụm di tích này nằm trong hệ thống 23 di tích, cụm di tích được Thủ tướng ra quyết định xếp hạng: Di tích Quốc gia đặc biệt.
1.Đình chùa Hả - làng Hả xã Tân Trung.
Đình Hả được xây dựng vào thời Lê - Nguyễn thế kỷ XVII. Tại di tích LSVH này, ngày 16/3/1884 Lương Văn Nắm và nghĩa binh của ông đã ăn mừng chiến thắng và chính thức làm Lễ tế cờ phát động phong trào khởi nghĩa Yên Thế. Sau trận thua Đức Lân Phú Bình không lâu, giặc Pháp đã triệt phá đình, chùa Hả, lấy gỗ về xây đồn binh.
Tranh thủ thời gian tạm hòa hoãn lần thứ 2 với thực dân Pháp(1897-1909) Hoàng Hoa Thám đã cho xây dựng lại ngôi đình. Cảm phục trước khí phách người anh hùng Đề Nắm, ngày khánh thành đình, Đề Thám, cùng dân làng đã rước bài vị Đề Nắm vào trong khám thờ trong đình và tôn ông như một vị thành hoàng làng. Sau này nhân dân còn tạc tượng ông đặt thờ tại vị trí trang trọng trong đình. Ngôi đình cổ, thấm đẫm dấu ấn của 2 ông Đề, hai vị thủ lĩnh tối cao của Khởi nghĩa Yên Thế: Đề Nắm, Đề Thám - Điều hy hữu của vùng đất Tân Yên và Yên Thế.
Ngày 10/3/1994 di tích đình, chùa Hả được Bộ VH – TT công nhận di tích LSVH. Ngày 10/5/2012 Di tích đình Hả là một trong 23 điểm nằm trong hệ thống: Những điểm di tích Khởi nghĩa Yên Thếcủa tỉnh Bắc Giang vinh dự được Nhà nước ra Quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
2. Làng Trũng xã Ngọc Châu - Khu lưu niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám
Lãng Trũng (nay là thôn Quang Châu) xã Ngọc Châu – quê hương thứ 2 của Hoàng Hoa Thám. Tại khu di tích lưu niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám gồm có Đền thờ Hoàng Hoa Thám; Đình (chỉ còn nền cũ), chùa làng Trũng; Di tích nền nhà gắn bó với thời niên thiếu Hoàng Hoa Thám (từ năm ông 5 tuổi đến 17 tuổi) và mộ phần của thân tộc Hoàng Hoa Thám.
Lễ hội đền Trũng hàng năm tổ chức vào ngày mùng 5 tháng giêng. Tại lễ hội có màn Hoàng Hoa Thám tế cờ khởi nghĩa rất ấn tượng. Tại đây còn lưu truyền những huyền tích về khoảng thời gian cuối cùng của Hoàng Hoa Thám. Cho đến bây giờ, người dân làng Trũng rất tự hào vì chính mảnh đất này đã nuôi dưỡng nên Hoàng Hoa Thám, một võ tướng tài năng, vị thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế.
Khu lưu niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám đã được UBND tỉnh Bắc Giang công nhận Di tích LSVH năm 2003. Bộ VH- TTDL công nhận Di tích LSVH năm 2012. Ngày 10/5/2012 Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
3. Đồi Phủ, Nghĩa địa Pháp:
Đồi Phủ trước có tên gọi là đồi Nam Sơn, hay đồi Đình, vì trên đỉnh đồi có một ngôi Đình của làng Chuông. Khi thực dân Pháp cho xây dựng đồn bốt, Phủ huyện ở đây vào năm 1895 thì đình phải di chuyển về làng, từ đây cái tên Đồi Phủ thay thế Đồi Đình.
Cũng từ khi thực dân Pháp đặt đồn binh và Phủ lỵ ở đây, thì nơi đây trở thành đại bản doanh chính của Pháp và quan quân triều đình Nguyễn chống nghĩa quân Yên Thế gần 30 năm (1884-1913). Là địa điểm tập kết của các cuộc hành binh vào làng Sặt (1889), làng Cao Thượng (1890), Hố Chuối (1890-1909). Đây cũng là nơi hai lần chứng kiến kết quả của hai cuộc hoà hoãn giữa Pháp và Đề Thám (lần 1 thời gian 1894-1897 và lần 2 thời gian 1897-1909) với các sự kiện tiêu biểu: Đề Thám bắt Sécnay, Đề Thám 2 lần ra Nhã Nam với tinh thần của một nhà yêu nước chống kẻ thù xâm lược. Tại đây, nhiều tướng, tá Pháp đã phải đặt chân đến và điên đầu mà không có được một kế hoạch đánh dẹp nghĩa quân Yên Thế, mà ngược lại chúng phải ra đi lần lượt rồi chuốc lấy hết thất bại này đến thất bại khác.
Khu vực vốn là Nghĩa địa Pháp tại thôn Đoàn Kết xã Nhã Nam
Trên đồi Phủ có cả một hệ thống các di tích, trong đó có Nghĩa địa Pháp - Nơi mà thực dân Pháp chôn những tên sỹ quan, binh lính Pháp, Việt bị chết trong các trận đánh với nghĩa quân Yên Thế. Nay nghĩa địa Pháp này không còn, nhưng các dấu tích của nó trở thành địa danh lịch sử minh chứng rõ nét nhất cho các chiến thắng của nghĩa quân Yên Thế suốt 30 năm trường.
Đồi Phủ hiện nay là một khu đất trống nhưng xung quanh là cả một hệ thống dày đặc di tích lịch sử quan trọng, tạo nên một điểm du lịch đặc biệt của huyện Tân Yên, là nơi đã trở thành địa điểm ghi dấu những sự kiện mà trong lịch sử Yên Thế. Ngày 10/5/2012 Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Di tích Đồi Phủ, Nghĩa địa Pháp là Di tích Quốc gia đặc biệt.
4. Chùa Phố - Nam thiên tự.
Chùa Phố, còn gọi là chùa Nam Thiên xây dựng năm 1882 (nay thuộc thị trấn Nhã Nam). Cổ xưa chùa thuộc làng Cầu. Khi làng Cầu bị giặc Cờ Đen triệt hạ cuối thế kỷ 19, thì chùa do làng Chuông kiêm quản. Từ năm 1885 thực dân Pháp lập đồn Nhã nam và đặt Phủ lỵ tại đây thì chùa chuyển về phố.
Chùa Nam Thiên tự nằm về sườn phía đông nam Đồi Phủ. Phía trước là đình, chợ Nhã Nam, khu nhà kho của Secnay, nhà đốc tờ Zina và khu bãi tập của binh lính Pháp- Việt. Theo thời gian đình đã mất, chợ chuyển đi nơi khác, khuôn viên chùa thu hẹp và chỉ còn 3 gian nhà chung. Năm 1988 Chùa Nam Thiên đã được tu bổ nâng cấp.
Chùa Phố - Nam Thiên tự nằm bên Đồi Phủ, chứng kiến những sự kiện quan trọng liên quan tới phong trào khởi nghĩa Yên Thế nên tháng 1/1989 di tích Chùa Phố - Nam Thiên Tự được Bộ VH –TT công nhận Di tích LSVH. Lễ hội Đình phố - Chùa Nam Thiên được tổ chức vào ngày 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm.
Ngày 10/5/2012 Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Di tích chùa Phố- Nam Thiên tự là Di tích Quốc gia đặc biệt.
5. Đình làng Chuông:
Chuông là làng cổ, nay thuộc Nhã Nam, Tân Yên. Đình làng Chuông xây dựng thời Lê trung hưng, gồm 3 gian, hai chái, hai dĩ. Kết cấu thượng con chồng trụ giá chiêng, hạ con chồng cốn kê, 6 hàng chân cột, hậu cung có khám thờ đặt long ngai bài vị.
Đình làng Chuông thờ Cao Sơn – Quí Minh, Trấn giang đô thống và tại đây còn thờ Nàng Giã đại thần. Tại đây Hoàng Hoa Thám tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng, tổ chức những trận đánh khiến giặc pháp bạt vía kinh hồn.
Năm 1989 đình làng Chuông được Bộ VH – TT công nhận Di tích LSVH. Ngày 10/5/2012 Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Di tích Đình Chuông là Di tích Quốc gia đặc biệt.
6. Đền Gốc Dẻ- Đền thờ Cả Trọng
Đền nằm về phía Bắc Đồi Phủ, có tên goi: “Đức Trọng từ” do nhân dân thôn Đoàn Kết xã Nhã nam đặt năm 1989 khi trùng tu đền. Đây là nơi thờ Cả Trọng (Hoàng Đức Trọng) – con trai Hoàng Hoa Thám.
Ngôi đền này có trước năm 1913, lúc đó chỉ là 1 cái lán nhỏ thờ thổ công dưới 1 gốc dẻ của người dân làng Vàng (bây giờ là Đoàn Kết). Năm 1910, Cả Trọng hy sinh ở Mỏ Thổ, nghĩa quân đem thi hài ông chôn tại Quỳnh Lâu. Giặc Pháp biết, cho đào lên đem về Nhã Nam để ở khu Gốc Dẻ rồi chôn ở đó. Sau này vợ hai của Cả Trọng là bà Hai Lạc cho xây đền và từ đó dân làng thường đến thờ cúng. Năm 1936 ngôi đền được tu sửa với qui mô lớn hơn và đắp tượng Đức Ông.
Đền Cả Trọng gồm toàn tiền tế 3 gian và hậu cung, xây dựng đơn giản, không chạm khắc cầu kỳ.
Năm 1989 Đền Cả Trọng được Bộ VH-TT công nhận Di tích LSVH. Ngày 10/5/2012 Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Di tích Đền Cả Trọng (Đền Gốc dẻ) là Di tích Quốc gia đặc biệt.
7. Đền Gốc Khế, Nhã Nam:
Đền Gốc Khế nằm về phía Nam Đồi Phủ, không xa Chùa Nam Thiên. Đền có từ xa xưa, thờ Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn.
Nằm trong hệ thống những di tích lịch sử quan trọng của Đồi Phủ, Đền Gốc Khế là nhân chứng quan trọng trong khởi nghĩa Yên Thế. Cần tiếp tục sưu tầm tư liệu, tìm hiểu về di tích này.
Ngày 10/5/2012 Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Di tích Đền Gốc Khế là Di tích Quốc gia đặc biệt.
8.Ao ông Chấn Ký
Ao ông Chấn nằm dưới chân Đồi Phủ, nay gần ngã 3 thị trấn Nhã Nam. Từ năm 1909 thực dân Pháp tập trung về Nhã Nam mở chiến dịch lớn đánh lên Phồn Xương, tương quan lực lượng có lợi cho giặc Pháp và nhiều tướng lĩnh của nghĩa quân bị địch bắt, giam cầm, tra tấn tại Đồi Phủ. Trong những ngày cuối cùng của Phong trào khởi nghĩa Yên Thế tại Nhã Nam đã xẩy ra một sự kiện chấn động lịch sử, đó là sự kiện về cái chết của Hoàng Hoa Thám.
Theo các tài liệu cho biết: Ngày 13 tháng 2 năm 1913 Đề Thám bị 3 tên phản bội giết hại tại rừng Tổ Cú, cách Phồn Xương không xa. Ba tên này đã đem đầu của cụ Đề và 2 cận vệ của ông ra đồn Đồng Cờ nộp cho Pháp để lĩnh thưởng. Lính tại đồn Đồng Cờ giải cả 3 tên và ba cái đầu về Nhã Nam (Đinh Xuân Lâm – Tạp chí nghiên cứu sử học số 2-209 tháng 3+4 năm 1983).
Thực dân Pháp tổ chức lấy khẩu cung và cho gọi những người thân quen Đề Thám ở các làng xã đến nhận mặt. Nhiều kỳ hào trong vùng cũng được gọi đến. Sau cuộc nhận diện này, thực dân Pháp cho thả cả 3 cái đầu xuống ao ông Chấn Ký - Chủ hàng gạo Nhã Nam.
Với những gì đã diễn ra, di tích Ao ông Chấn Ký cũng là một địa chỉ thuộc di tích lịch sử Đồi Phủ, góp phần làm cho cuộc đời Hoàng Hoa Thám đẹp cho tới giây phút cuối cùng.
Ngày 10/5/2012 Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Di tích Ao ông Chấn Ký là Di tích Quốc gia đặc biệt.
9. Đình, chùa, đền, nghè Vồng xã Song Vân:
Di tích đình, chùa Vồng toạ lạc trên một khu đất cao, quay mặt về hướng Đông Nam. Đình thờ Cao Sơn, Quý Minh và 18 vị quận công thời Mạc là người địa phương thuộc dòng họ Dương. Đình Vồng xưa có quy mô lớn, kiến trúc và điêu khắc tinh xảo nay mới được trùng tu lại. Chùa Vồng cổ kính ra đến nay cũng đã trên trăm năm tuổi. Phía trước dựng cây hương ghi tên những người công đức xây dựng. Cạnh đó là đèn, nghè Vồng. Đình, chùa Vồng vốn được dân gian truyền tụng về thế đất đẹp, phong thủy vượng, khi Tôn Thất Thuyết được triều đình cử lên đánh dẹp cuộc khởi nghĩa Đại Trận đã lên Đình Vồng bái lạy. Trong phong trào khởi nghĩa Yên Thế, nhiều thủ lĩnh phong trào nông dân Yên Thế đã về đây tế cờ, xin thần linh phù hộ để làm lễ xuất quân.
Lễ hội đình Vồng có từ lâu đời và là lễ hội của cả tổng Vân Cầu, gồm các xã Song Vân, Việt Ngọc, Ngọc Vân và Lam Cốt (huyện Tân Yên) ngày nay. Trước đây hội được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng và ngày 9, 10, 11 tháng 9 âm lịch. Năm 1998 Hội đình Vồng được mở trở lại và diễn ra vào ngày 15, 16 tháng giêng.
Cụm di tích đình, chùa Vồng được UBND tỉnh Bắc Giang công nhận Di tích LSVH năm 2003. Bộ VH TT và DL công nhận Di tích LSVH cấp Quốc gia năm 2012. Ngày 10/5/2012 Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Di tích đình, chùa Vồng Di tích Quốc gia đặc biệt.
10. Đình Cao Thượng, xã Cao Thượng
Đình Cao Thượng gồm toà đại đình 5 gian 2 dĩ, hậu cung 3 gian thờ đức thánh Cao Sơn - Quý Minh. Đây là một công trình kiến trúc tiêu biểu, mang đặc trưng phong cách nghệ thuật của thời Lê thế kỷ XVII.
Trong Khởi nghĩa Yên Thế, Cao Thượng có một vị trí vô cùng quan trọng bảo vệ căn cứ của nghĩa quân và đình Cao Thượng là điểm đi về của Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân. Tại đây Hoàng Hoa Thám cho lập căn cứ ở trên núi Yên Ngựa.
Trong năm 1890, thực dân Pháp dò biết ở núi Yên Ngựa có quân của cụ Đề, nên đã tổ chức lực lượng tấn công. Trận đánh giữa thực dân Pháp với nghĩa quân diễn ra rất ác liệt. Quân Pháp nã đại bác liên tục vào núi, rồi xung phong đánh vào. Tất cả các cuộc tấn công ấy đều bị đánh bật ra. Quân Pháp phải tăng cường quân chi viện từ Bố Hạ sang hỗ trợ. Đề Thám biết tin, chỉ để một lực lượng nhỏ ở núi Yên Ngựa cầm cự, đem lực lượng lớn đi đánh quân tiếp viện. Đội quân tiếp viện của Pháp bị đè bẹp và tổn thất nặng ở Luộc Hạ. Sau chiến thắng, Đề Thám cho số quân ở núi Yên Ngựa rút lui an toàn. Quân Pháp khi vào được Cao Thượng chỉ còn trận địa không. Điên cuồng, chúng đốt phá đình, chùa và núi Yên Ngựa. Vì thế, ngôi chùa trăm gian của làng đã bị tiêu huỷ. Ngôi đình Cao Thượng được nhân dân kịp thời đổ ra cứu, nên không bị cháy. Song đình còn nhiều vết đạn găm trên cột cái, xà, kẻ … là chứng tích nêu rõ tội ác của quân Pháp. Sau này, khi cuộc hoà hoãn lần thứ hai giữa Đề Thám và quân Pháp diễn ra tốt đẹp, Đề Thám đã giúp dân Cao Thượng tu sửa đình và dựng lại ngôi chùa. Những khi có hội lệ lớn tại đình chùa, Đề Thám cùng nghĩa quân đều về tham dự góp vui.
Trải qua bao thời gian, cùng sự thăng trầm của đất nước, đình Cao Thượng vẫn còn bảo lưu được nhiều nét kiến trúc cổ kính, với những mảng chạm khắc trang trí độc đáo, tinh xảo, không phải nơi nào cũng giữ được. Đồng thời, trong đình còn nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị cho việc nghiên cứu lịch sử vùng đất, con người Cao Thượng xưa.
Năm 2000, đình Cao Thượng được Bộ VHTT công nhận Di tích LSVH. Ngày 10/5/2012 Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Di tích đình Cao Thượng là Di tích Quốc gia đặc biệt.
11. Đình Nội, xã Việt Lập:
Đình Nội được xây dựng ở một gò đất cao thuộc đất giáp Trong, giữa làng Nội và làng Lý. Đình do nhân dân ba giáp Tây, Mỹ, Trong của làng Nội xưa thuộc xã Hữu Mục, tổng Tuy Lộc Sơn, huyện Yên Thế, đóng góp xây dựng, nên gọi là đình Nội. Theo các hoạ tiết hoa văn mang phong cách độc đáo của thời Lê, trên câu đầu gian giữa của đình, có ghi “Tuế thứ Ất Mão tạo” chính là năm 1775, đời vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng thứ 34. Đình thờ Cao Sơn – Quí Minh.
Truyền rằng Đình Nội không được hướng. Trong khởi nghĩa Yên Thế, nghĩa quân thượng qua lại đình Nội họp với cụ Đốc Tuân, Chánh Hoạch, khi biết chuyện, Hoàng Hoa Thám đã giúp dân “bắn” đình chuyển hướng và qua 2 lần mới thành.
Năm 1988 Đình Nội được Bộ VHTT công nhận Di tích LSVH. Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Di tích đình Cao Thượng là Di tích Quốc gia đặc biệt.
12. Đình Dưong Lâm, xã An Dương.
Đình Dương Lâm là nơi thờ Đức Thánh Cao Sơn, Lâm Giang Đô thống. Vốn là một ngôi đình cổ khởi dựng từ thời Lê, tiền đình có 3 gian, hai bên có tòa tả, hữu vu.
Theo sử sách ghi lại, tại Dương lâm có ông Dương Đình Hậu (còn gọi là Cai Hậu) đã giúp Hoàng Hoa Thám rất đắc lực trong việc đánh thực dân Pháp từ năm 1885-1895. Để đảm bảo an toàn cho các tướng lĩnh và nghĩa quân Yên Thế, cụ Cai Hậu đã cho đào một hầm bí mật từ hậu cung đình Dương Lâm xuyên ra bờ ao rồi thông đi nơi khác.Tại đây cũng đã chứng kiến rất nhiều cuộc họp quan trọng diễn ra giữa thủ lĩnh nghĩa quân với các tướng lĩnh, như Thống Lĩnh (Dương Lâm), Đề Trung (làng Hạ), Đề Thị (làng Thị), Thống Luận (làng Trũng)…Tại làng Dương Lâm đã diễn ra nhiều cuộc đụng độ giữa nghĩa quân Yên Thế với quân Pháp, bọn chúng đã vây làng Dương Lâm. Nhân dân và nghĩa quân đã cùng nhau kề vai sát cánh, dũng cảm chống lại kẻ thù dưới sự chỉ huy của Cai Hậu và Hoàng Hoa Thám buộc chúng phải rút lui. Cũng trong thời gian này, Đề Thám đã gửi con trai cả của mình là Cả Trọng đến làng Dương Lâm ăn học tại nhà cụ Cai Hậu.
Với đình Dương Lâm, tương truyền vốn được xây dựng ở khu Bãi Đình. Song vì lý do đình ở xa làng, giặc giã thường đến quấy phá nên Hoàng Hoa Thám đã cùng với nghĩa quân Yên Thế bàn với nhân dân di chuyển đình về vị trí trung tâm làng Dương Lâmnhư hiện nay. Đề Thám lại cùng cụ Cai Hậu trồng cây Dã Hương ở trước sân đình làm kỷ niệm, tính ra cây Dã Hương cũng đã trên 100 năm tuổi.
Năm 1991, Bộ VHTT công nhận đình Dương Lâm là Di tích LSVH. Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Di tích đình Dương Lâm là Di tích Quốc gia đặc biệt.
BBT