Chặng đường trở thành đô thị loại III của tỉnh
Sau 16 năm nỗ lực xây dựng và phát triển, năm 2012, thị xã Bắc Kạn đã trở thành đô thị loại III, đây là nền tảng để thị xã Bắc Kạn phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh trong nay mai.
Thị xã Bắc Kạn có lịch sử hình thành khá lâu đời và trải qua những giai đoạn phát triển thăng trầm khác nhau. Lúc đầu là thị trấn, đến ngày 16/7/1990 theo Quyết định số 262/QĐ – HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính Phủ), thị trấn Bắc Kạn thuộc huyện Bạch Thông trở thành thị xã thuộc tỉnh Bắc Thái.
Địa giới hành chính thị xã lúc đó bao gồm các phố: Nà Mày, Đội Thân, Đức Xuân, Đội Kỳ, Phùng Chí Kiên và các xóm bản: Phiêng Luông, Tổng Tỏ, Khuổi Rờm, Nà Rào, Bản Áng. Với quyết tâm xây dựng thị xã trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng phía Bắc tỉnh Bắc Thái, thị xã đã tiến hành lập quy hoạch, xây dựng hệ thống đê, kè dọc tuyến sông Cầu, xây dựng lại chợ Bắc Kạn, hệ thống cống, rãnh thoát nước, xây dựng lại hệ thống đường điện, thư viện và các công trình công cộng, bộ mặt đô thị bắt đầu có đổi thay.
Ngày 01/01/1997, tỉnh Bắc Kạn được tái lập, thị xã Bắc Kạn từ một thị xã vùng đã trở thành thị xã tỉnh lỵ. Quy mô ban đầu nhỏ bé, chưa đáp ứng được với yêu cầu của một tỉnh lỵ, nơi trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa- xã hội của tỉnh.
Công tác quy hoạch phát triển được chú trọng, cùng với đầu tư xây dựng hạ tầng là mở rộng đơn vị hành chính xã, phường. Đến nay Thị xã Bắc Kạn đã có bộ mặt khá khang trang, với 8 đơn vị hành chính ( 4 phường và 4 xã) đó là các phường Đức Xuân, Phùng Chí Kiên, Sông Cầu, Nguyễn Thị Minh Khai và các xã Dương Quang, Huyền Tụng, Nông Thượng và Xuất Hóa.
Những năm qua, thị xã Bắc Kạn luôn chú trọng việc quy hoạch chung và điều chỉnh địa giới hành chính, tập trung xây dựng cơ sở vật chất, mở mang đô thị với nhiều trục đường lớn, xây dựng trung tâm hành chính của tỉnh và thị xã, trung tâm văn hóa thể thao, trung tâm thương mại, chợ thị xã, bệnh viên, trường học và xây dựng khu công nghiệp quy mô lớn để thu hút đầu tư các lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng… Đặc biệt là mở mang các khu dân cư với hệ thống đường giao thông, cấp thoát nước, điện chiếu sáng, quản lý thu gom chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường đồng bộ.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, nhân dân, đến nay sau hơn 16 năm tái lập tỉnh, diện mạo của thị xã Bắc Kạn đã thay đổi rõ nét. Con đường quốc lộ 3 đi qua địa phận thị xã được mở rộng. Các trục đường nội thị: Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Trường Chinh, đường Thành Công... và các khu tái định cư, khu đô thị mới cũng đã được xây dựng. Thị xã Bắc Kạn cũng đã có 80% đường thôn, tổ được bê tông hóa, 100% diện tích hè phố nội thị được lát gạch hoặc bê tông hóa.
Tốc độ đô thị hóa nhanh còn thể hiện qua hàng loạt các công trình trụ sở, trường học, bệnh viện và kết cấu hạ tầng khác được đầu tư xây dựng. Công tác cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng và việc lắp đặt các biển tên đường phố, số nhà, ngõ ngách trong các phường nội thị được quan tâm thực hiện. Các công trình phúc lợi công cộng đã được đầu tư xây dựng và phát huy tốt hiệu quả. Mang lưới cấp nước sinh hoạt được đầu tư phát triển, với trên 95% hộ gia đình, cơ quan, đơn vị và trường học được dùng nước hợp vệ sinh. Thị xã còn đẩy mạnh xây dựng và chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường, tạo ra bộ mặt mới sạch đẹp, phù hợp với quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa hiện nay.
Lĩnh vực kinh tế - xã hội tiếp tục có bước phát triển khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch một cách nhanh chóng và đúng hướng. Năm 2012, tỉ trọng thương mại - dịch vụ đã tăng lên 52,3%, công nghiệp – xây dựng cơ bản chiếm 38,7%; tỉ trọng nông – lâm nghiệp giảm dần xuống còn 9%. Trong giai đoạn từ năm 2005 – 2012, thị xã có tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khá cao, đạt 19,1%, cụ thể: thương mại - dịch vụ tăng 27,5%, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp giữ mức ổn định; nông nghiệp tăng 11,4%.
Công tác thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt dự toán thu, riêng năm 2012 tổng thu ngân sách đã đạt 62 tỷ đồng, đóng góp tích cực vào số thu ngân sách của tỉnh. Công tác xóa đói giảm nghèo được thực hiện có hiệu quả, hiện chỉ còn 4,05% hộ nghèo, 4,86% hộ cận nghèo, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 18 triệu đồng/người/năm. Song song với phát triển kinh tế, thị xã còn là đơn vị lá cờ đầu của tỉnh trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục đào tạo, y tế. Công tác chăm sóc người có công được quan tâm chu đáo, đời sống của các hộ chính sách được đảm bảo.
Với sự phát triển nhanh về kinh tế- xã hội, hạ tầng đô thị, ngày 2/8/2012, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký Quyết định công nhận thị xã Bắc Kạn là đô thị loại III trực thuộc tỉnh. Đây chính là nền tảng để thị xã Bắc Kạn phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2014.
Anh Thúy