BIA CHÙA KIM LIÊN TRẦN THỊ KIM ANHViện Nghiên cứu Hán Nôm Chùa Kim Liên (thuộc làng Nghi Tàm, phường Quảng An, quận Tây Hồ) từ lâu đời đã là một ngôi chùa nổi tiếng của Thăng Long - Hà Nội. Trải qua bao dâu bể và sau nhiều lần đổi tên và trùng tù, cho đến nay vẫn nguyên vẹn là một danh lam cỡ quốc gia. Ngoài những giá trị quí báu về kiến trúc và điêu khắc, trong chùa còn có hơn một chục tấm bia mang những niên đại khác nhau chứa đựng nhiều thông tin đáng giá về lịch sử chùa cùng những vấn đề về văn hoá xã hội trên đất Thăng Long. Số bia này bao gồm: - 3 bia trùng tu mang các niên đại Thuận Thiên, Dương Hòa, đời Lê và Tự Đức đời Nguyễn. - 1 bia hậu mang niên đại Vĩnh Hựu nhà Lê. - 2 bia tháp, có niên đại Cảnh Hưng nhà Lê. - 7 bia gửi giỗ, có niên đại Tự Đức, Bảo Đại và Việt Nam dân chủ cộng hòa. Qua đó có thể thấy, về loại hình, số bia này bao gồm nhiều dạng bia, từ bia gửi giỗ, bia ghi tiểu sử trụ trì, bia hậu cho đến bia trùng tu, chứa đựng nhiều nội dung phong phú; về niên đại, kéo từ niên đại Thuận Thiên đời Lê đến Việt Nam dân chủ cộng hoà là ngót năm thế kỷ. Như vậy với những dấu ấn thời đại trên hệ thống kiến trúc và điêu khắc cùng những thông tin được lưu giữ trên mặt đá, chùa Kim Liên thật xứng đáng là một chứng tích lịch sử của kinh đô Thăng long. Dưới đây chúng tôi xin lược qua về những tấm bia này: 1. Trước hết xin nói về tấm bia có niên đại sớm nhất, đó là bia mang niên đại Thuận Thiên nguyên niên (1426) - niên đại đầu tiên của nhà Lê dưới thời Thái tổ Lê Lợi. Qua điều tra có thể nói, trong số những bia được phát hiện ở Hà Nội, đây là tấm bia có niên đại sớm nhất. Bia này cùng với bia mang niên hiệu Dương Hòa 5 (1639), hiện được dựng sát hai bên tam quan chùa, là những di vật cổ nhất của ngôi chùa, nhưng rất tiếc, cho đến nay vẫn không hề được bảo vệ khỏi những tàn phá tiếp tục của thiên nhiên. Bia cao chừng 1,30m, rộng 0,90m, có khắc chữ trên một mặt nhưng đã mờ mòn, ngoài dòng chữ Hán ở hàng đầu tiên là Đại Bi tự ra, còn lại đều không thể đọc nổi. Tuy nhiên với việc tên chùa được gọi là chùa Đại Bi đã cho thấy, có thể ngay từ đời Trần chùa đã mang tên này, hoặc được đổi tên đúng vào thời điểm này, chứ không phải như một vài tài liệu cho rằng chùa được gọi là chùa Đống Long cho đến niên đại Thái Hoà mới đổi thành Đại Bi. Như vậy chùa mang tên Đại Bi cho đến khi được đổi thành Kim Liên là khoảng 3 thế kỷ. Trán bia chạm hình chữ Phật trên một hình vuông nổi bật ở chính giữa, hai bên có rồng chầu, rồng ở đây vẫn mang dáng vẻ rồng giun với nét khắc tinh tế, mỹ thuật, hết sức đặc trưng của rồng thời Trần. Diềm bia đã vỡ mòn song vẫn nhận rõ những vòng mây cuốn mềm mại. Hai sườn bia đều có chạm rồng ổ ở phía trên và phía dưới, sườn bên phải, giữa hai hình rồng ổ khắc hàng chữ Hán ghi niên đại là Thuận Thiên nguyên niên Mậu Thân nhị nguyệt nhị thập thất nhật, (Ngày 27 tháng hai niên đại Thuận Thiên thứ nhất). Dòng niên đại này từ lâu nay đã bị nhiều người đọc nhầm thành Thái Hòa tam niên (1445); sườn bên trái cũng của người lập bia (hoặc công đức ?) song đã bị mờ nhiều chữ, những chữ còn đọc được là: Hoa Thượng Khinh xa Đô úy ... Tứ Quốc tính vương giả thi hành ..., tuy không còn đầy đủ nhưng những chữ còn lại vẫn đủ cho biết nhân vật có liên quan đến tấm bia là một quan lại cao cấp ở thời Lê sơ, có công với triều đình, được ban quốc tính. Việc quan chức cao cấp của triều đình nhà Lê cho dựng bia lớn ở chùa cho thấy, ngay ở cuối thời Trần đầu thời Lê, đây đã là một ngôi chùa lớn của Thăng Long. Đế bia là một bệ đá chạm hai lớp cánh sen toả. Nhìn chung toàn bộ lối chạm khắc trang trí trên bia còn mang đậm phong cách của bia thời Trần. 2. Bia Trùng tu đại bi tự: Bia cao chừng 1,1m, rộng 0,70m, trang trí khá đẹp, trán bia chạm đôi rồng cuốn chầu mặt trời tua lửa, chen giữa những cụm mây, diềm bia chạm hoa dây gồm cả sen cúc mai mây lá, chân bia chạm hai đầu hai đoá sen nở rộ, giữa là đôi nghê chầu hoa cúc, nét chạm khá tinh tế sinh động. Mặt trước, dòng niên đại ghi Dương Hoà ngũ niên cửu nguyệt nhị thập nhị nhật (Niên đại Dương Hòa thứ năm (1639), ngày 22 tháng 9), chữ (cửu) được viết kiêng húy thành . Dòng lạc khoản cho biết bia do Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu họ Ngô - Tiến sĩ khoa Đinh Mùi soạn. Bia hai mặt, mặt trước khắc bài ký mang tên Đại Bi tự ký, nội dung cho biết: chùa Đại Bi là đệ nhất danh lam của Việt Nam. Chùa đặt hướng đông, đất vốn rùa đỡ rồng chầu, phía trước Hồ Tây mênh mông, phía sau sông Nhĩ cuồn cuộn, phía năm là kinh đô phồn hoa, phía bắc là nơi dân phường cư trú. Bên ngoài có chợ cứ bốn ngày một phiên, hàng hoá đưa về ùn ùn, bến đò qua lại thực là thuận tiện... chùa liên tục được trùng tu nên đến nay rất hoàn hảo rực rỡ, tượng vàng chói lọi, rường xà chạm khắc tinh vị, án soan cửa biếc rực rỡ sắc hồng... Qua đó có thể thấy, sau khi nhà Lê trung hưng chùa đã được trùng tu nhiều lần, và ở thời kỳ này chùa có quy mô lớn, kiến trúc điêu khắc khá hoàn hảo. Đặc biệt ở nội dung bài ký có sử dụng hai chữ Việt Nam: "Đại Bi tự ... chân Việt Nam đệ nhất dã", có thể góp thêm một cứ liệu về thời điểm xuất hiện danh xưng Việt Nam. Mặt sau bia mang tên Công đức bi ký, khắc tên họ và số tiền của của những người cung tiến cho việc trùng tu chùa. Mặt này cũng được trang trí khá kỹ, trán bia chạm đôi phượng chầu mặt nguyệt, diềm bia chạm dây cúc, chân bia chạm cánh sen. 3. Bia Trùng tu hậu phật bi ký, bia cao 1,3m, rộng 0,80m, mang niên đại Vĩnh Hựu 3 (1737), chạm khắc đẹp nhưng hoa văn trang trí đơn giản. Bia ghi việc dân phường Nghi Tàm tôn bầu những người có đóng góp công của trong lần trùng tu này làm Hậu Phật. Văn bia cho biết, vào năm 1737, chùa lại được trùng tu lớn. 4. Bia Phổ Quang tháp bi ký: bia nhỏ, cớ 0,70m x 0,50m mang niên đại Cảnh Hưng thứ 30 (1769). Bia hai mặt, mặt trước mang tên: Phổ Quang tháp bi ký, dòng đầu viết: "Kinh đô Phụng Thiên phủ, Quảng Đức huyện, Nghi Tàm phường, Đại Bi tự ký", nội dung ghi lại việc các Sa môn truy dựng tháp mộ cho sư Phổ Quang. Sư Phổ Quang họ Trương húy Toại, là con trai của Trương tướng công, Tiến sĩ khoa Canh Thìn, Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu, chức Đông các Hiệu thư, tước Mai Lâm bá và bà họ Nguyễn hiệu Diệu Kính. Năm 13 tuổi sư đến chùa Long Động núi Yên Tử, theo học Hòa thượng Tuệ Đăng Chân Nguyên. Năm 23 tuổi, vâng mệnh chúa vào thi, do Phật pháp tinh thông nên được cấp "điệp" cho trụ trì ở chùa Phúc Chí huyện Đông Triều. Ngoài 40 tuổi hết sức thông tuệ. 62 tuổi sư chống tích trượng đến kinh đô, dân phường Nghi Tàm rước sư về trụ trì tại bản chùa (chùa Đại Bi). Năm Mậu Thìn sư vâng mệnh chúa lập đàn chay, được chúa hài lòng ban chỉ phong làm Quảng Giác thiền sư. Năm 72 tuổi, sư viên tịch, trước khi mất có dặn lại đệ tử dựng hai ngôi tháp, một ở chùa Đại Bi, một ở chùa Phúc Chí để tàng xá lị, đều gọi là Phổ Quang tháp. Như vậy, qua tiểu sử chúng ta được biết, thiền sư chính là học trò của thiền sư Chân Nguyên - "một trong những ngọn đuốc sáng của Phật giáo Đàng ngoài ở thế kỷ XVII, người có công cùng các đệ tử của mình làm phục hưng thiền phái Trúc Lâm và cứu vãn được một số quan trọng những tác phẩm của các thiền tổ Trúc Lâm bằng việc cho hiệu đính, khắc in và lưu hành những tác phẩm này"(1). Xuất thân trong một gia đình Nho học, chắc chắn sư Phổ Quang cũng là người có nhiều đóng góp trong công việc nói trên, và như vậy qua tấm bia, thêm một học trò của thiền sư Chân Nguyên được phát hiện. Ngoài ra, qua đó chúng ta còn được biết, chùa Kim Liên ở thời Lê là một ngôi chùa thuộc dòng thiền Trúc Lâm. Mặt sau bia mang tên: Đại bi thiền tự, ghi công đức những người dựng bia. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì ở thời Lê khoa thi năm Canh Thìn là vào niên hiệu Chính Hòa 21 (1700) đời Lê Hy Tông, khoa này có một người họ Trương là Trương Minh Lượng, như vậy rất có thể Trương Minh Lượng chính là thân sinh của thiền sư. Trương Minh Lượng, theo sách Các nhà Khoa bảng Việt Nam, sinh năm 1665, người xã Nguyễn Xá, huyện Duy Tiên, Hà Nam, 35 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, làm quan đến chức Tự Khanh. Như vậy tư liệu trên bia có thể bổ sung thêm cho tiểu sử của vị Tiến sĩ này. Ngược lại qua đó chúng ta cũng được biết thêm, thiền sư quê ở làng Nguyễn Xá, huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam. 5. Bia Kim Liên tự bi ký: Bia cao chừng 1,50m, rộng, 0,90m, mang niên đại Tự Đức 21 (1868), được tạo dáng đường bệ. Trán bia hình chóp tầng, chạm vân mây, lá nho, diềm bia chạm dây hoa thị, chân bia là một bệ đá xanh 3 tầng chạm cánh sen tỏa và hoa văn kỷ hà. Bài ký do Tri huyện Đông Sơn Bùi Huy Côn, người phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương soạn, nội dung cho biết: chùa có tên cổ là Đại Bi, được tu tạo năm Dương Hòa 5 triều Lê (1639). Niên đại Cảnh Hưng 31 (1770), Chúa Trịnh Sâm sai công thần là Thiều Quận công Phạm Huy Đĩnh và Thái giám Tuân Sinh hầu Nguyễn Khắc Tuân thu nhặt vật liệu ở chùa Quỳnh Lâm đưa đến dựng lại chùa trên nền cũ, rồi ban cho tên là Kim Liên tự, từ đó về sau trùng tu sửa chữa đã nhiều phen. Năm Đinh Tỵ, Tự Đức 14 (1861), bị đổ vì nước lụt nên phải trùng tu. Tháng ba năm Đinh Mão (1867) lại trùng tu, đến nay chùa chiền tráng lệ, tượng Phật uy nghiêm... là một cảnh quan đẹp của Tây Hồ. Như vậy qua bia này chúng ta lại được biết thêm những đợt trùng tu lớn và quy mô của chùa Kim Liên ở đời Nguyễn. Ngoài những tấm bia kể trên còn có 7 bia gửi giỗ, trong đó có 1 bia niên đại Tự Đức, 4 bia niên đại Bảo Đại và 2 bia mang niên đại Việt Nam dân chủ cộng hòa nhị niên (1946), nội dung cho biết những đợt sửa chữa nhỏ của chùa cùng số tiền bạc do các thân chủ cúng vào chùa để gửi giỗ cho cha mẹ và người thân. Ngoài ra, sách Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ và Tây Hồ chí đều cho biết: Đại học sĩ Phan Trọng Phiên có viết bài ký khắc lên bia đặt tại chùa về sự kiện chùa được dựng lại dươí thời Trịnh Sâm vào năm 1770, song hiện nay trong chùa không thấy có bia này. Những tấm bia kể trên ngoài việc góp phần nghiên cứu lịch sử chùa Kim Liên từ đầu thế kỷ XV cho đến năm 1946 ra, còn cung cấp những thông tin có giá trị về tình hình văn hóa xã hội của Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là của Thăng Long thời Lê. Ngoài ra, không chỉ có chùa Kim Liên, ven Hồ Tây còn có nhiều ngôi chùa lớn nhỏ khác còn lưu giữ được những tấm bia đá cổ như chùa Bà Già 8 bia, chùa Hoằng Ân 30 bia, chùa Trấn Quốc trên 20 bia... Nếu những tấm bia này được khai thác trong một hệ thống sẽ phần nào cung cấp những thông tin quý giá về lịch sử khu vực Hồ Tây - một danh thắng nổi tiếng của Hà Nội, về tình hình văn hóa xã hội của Thăng Long và đặc biệt là về một số môn phái Phật giáo ở Thăng Long thời Lê. Chú thích: (1) Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận. Nxb. Văn học, H. 2000. Thông báo Hán Nôm học 2003, tr.59-15
|