![]() |
Chuông chùa Bình Lâm. |
Có thể, dưới lòng đất của nền chùa cũ còn chất chứa nhiều điều thú vị về lịch sử vùng biên cương này, nếu như rồi đây các nhà khảo cổ lại có những công trình khai quật lớn, giống như các cuộc khai quật di tích thời Trần dồn dập trong vòng chục năm qua ở quanh thành phố Hà Giang và huyện Vị Xuyên, mà mới nhất là vào mùa hè năm 2014.
Trước khi chờ các bí mật dưới lòng đất nền chùa Bình Lâm được "bật mí", thì quả chuông chùa này đã làm rạng danh ngôi chùa nhỏ và cả xứ sở của cao nguyên đá: Ngày 30-12-2013, chuông chùa Bình Lâm là một trong hai Bảo vật Quốc gia được Nhà nước công nhận.
Chuông còn nguyên lành, độc bản và đẹp. Đấy là những yếu tố được cấu thành một Bảo vật. Chưa kể chuông có lý lịch rõ ràng: Được đúc vào ngày rằm tháng ba năm Ất Mùi (1295) dưới triều của Vua Trần Anh Tông. Chữ được khắc trên thành chuông còn ghi rõ như vậy.
Đây là quả chuông thuộc loại sớm nhất trong lịch sử chuông đồng ở ta được biết. Chuông có chiều cao 101cm, đường kính miệng 59cm, nặng 193kg. Quai chuông có tượng nổi cặp rồng đang đấu lưng vào nhau, chân có 4 móng sắc nhọn quặp vào nóc chuông. Đây là hình tượng rồng thời Trần khá đẹp, thân chắc khỏe, phủ kín vẩy cá. Người ta đã biết đến nhiều hình tượng rồng thời Trần, nhưng rồng uốn hình để ăn nhập với quai chuông thì nay mới thấy ở quả chuông này. Điều đó nói lên trình độ thẩm mỹ cao của nghệ nhân đúc chuông trong mỹ thuật ứng dụng.
Thân chuông có 6 núm gõ nổi bật đăng đối, lại được viền 13 họa tiết hình cánh sen. Các ô hình chữ nhật trên thân đã được khắc minh văn gồm 309 chữ Hán. Vành miệng chuông được trang trí hoa văn 45 cánh sen to xen kẽ với 45 cánh sen nhỏ. Đó là một trong những hoa lá biểu tượng của nhà Phật: Hoa sen, lá đề. Trên thân chuông cũng có ba chữ Hán lớn "Phụng Tam Bảo" nghĩa là phụng thờ chùa chiền, phụng thờ Phật giáo. Bài minh khắc chuông cũng cho thấy, người tổ chức đúc quả chuông này là viên thủ lĩnh Nguyễn Anh và vợ là Nguyễn Thị Ninh cùng đông đảo tín đồ đạo Phật trong vùng.
Đáng lưu ý họ của thủ lĩnh là họ Nguyễn, họ phổ biến của người Việt, chứng tỏ nhà Trần đã cử những viên quan người Việt lên vùng đất địa đầu của Tổ quốc để cùng bà con các dân tộc bảo vệ biên cương. Những dòng minh văn ca ngợi đạo Phật, mượn tiếng chuông để thức tỉnh lòng người "gióng chuông mà thức nhà nông, những kẻ được khai mở cõi lòng".
Bài minh văn, có đoạn nói rõ chính sách quản lý biên giới của nhà Trần khi nói đến họ tộc của người thủ lĩnh vùng "đã được phong lãnh địa ở địa giới phía Bắc, theo đó mà cháu con thừa hưởng đến muôn đời không dứt". Đó chính là chính sách chia đất đai vùng biên giới nước Đại Việt cho những người có công với triều đình, nhất là bối cảnh nhà Trần 3 lần đánh tan quân Nguyên Mông. Vùng đất thiêng liêng này là của Đại Việt, được khẳng định rõ qua những nét khắc "Chùa Bình Lâm đời Trần thuộc châu Bà Đồng Thượng, ở giáp giới phía bắc trường Phú Linh, nước Đại Việt". Cái địa danh Phú Linh đó, nay còn lưu dấu ở chính tên xã Phú Linh nơi có ngôi chùa này.
Người khắc bài minh văn trên chuông cũng là một vị sư có tên Thiền tăng Mật Vân ở Lịch Sơn soạn và khắc, sau khi chuông đúc một năm vào năm Bính Thân (1296). Chuyện ngôi chùa miền biên viễn được thủ lĩnh và bà con các dân tộc góp tiền đúc chuông, được một vị cao tăng viết bài minh văn khắc chuông với nội dung ca ngợi đạo Phật, đã cho thấy bối cảnh lịch sử bấy giờ, đạo Phật được trọng vọng.
Thời Lý trước đó đã xây khá nhiều chùa lớn như Phật Tích, chùa Dạm, Diên Hựu. Thời Trần kế tục cũng xây nhiều chùa. Có lẽ, với nhà Trần có sự khôn khéo hơn: Đưa các chùa lên vùng biên giới như Hà Giang, một sự khẳng định chủ quyền biên giới bất diệt. Trong lịch sử giữ nước, sự "cắm chốt" của chùa chiền để khẳng định lãnh thổ từ triều Trần, vẫn còn được phát huy đến tận ngày nay.
Hóa ra, cái vùng Vị Xuyên, Hà Giang lại là vùng địa đầu của nước Đại Việt, thường xuyên bị sức ép của các cuộc xâm lấn từ trước. Lần tìm trong sách Đại Việt Sử Ký Toàn thư, thấy ghi lại: Từ năm Giáp Dần (1014) vào đời Vua Lý Thái Tổ, tức là trước khi chuông Bình Lâm được đúc 281 năm, Vị Xuyên đã bị quân Nam Chiếu ở phía Bắc, cầm đầu là tướng Dương Trường Huệ và Đoàn Kính Chí dẫn tới 20 vạn quân vào cướp. Châu Mục của châu Bình Lâm (tên cũ của Vị Xuyên) là Hoàng Ân Vinh tâu về Thăng Long. Vua Lý sai Dực Thánh Vương đi đánh, chém đầu hàng vạn, bắt sống quân lính và ngựa nhiều không kể xiết.
Một năm sau, năm 1015, Dực Thánh Vương lại lên châu Bình Nguyên (một tên khác của Vị Xuyên) để dẹp loạn, bắt được thủ lĩnh là Hà Án Tuấn đem về Kinh sư chém đầu bêu ở chợ Đông. Vậy là, từ buổi đầu nhà Lý, mảnh đất Vị Xuyên đã là một điểm nóng biên giới của nước Đại Việt. Đến thời nhà Trần, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, Vị Xuyên không trực tiếp đương đầu với quân xâm lược, nhưng nhà Trần cũng nhận thức được ý nghĩa phên giậu của mảnh đất này. Phong lãnh địa cho thủ lĩnh, xây chùa chiền khẳng định bản sắc văn hóa Đại Việt nơi đây. Bởi vậy, cho đến nay, chúng ta mới tìm được vết tích nhiều chùa Trần ở lưu vực sông Lô như chùa Bình Lâm.
Cũng cần nói thêm đôi chút về lát cắt thời gian mà quả chuông Bình Lâm ra đời năm 1295. Lúc đó, nhà Trần đang cực thịnh dưới triều vua Trần Anh Tông. Vua khéo biết kế thừa, cho nên thời cuộc đi tới thái bình, chính trị trở nên tốt đẹp, văn vật chế độ ngày càng thịnh vượng, cũng là bậc Vua tốt của triều Trần. Vua hết sức sùng đạo Phật. Cũng năm đúc chuông, nhà Vua cho in nhiều bản kinh Đại Tạng để phân phát và cho in sách Phật giáo pháp sư ban hành cho cả nước.
Vua cũng rất chú trọng mở mang việc học hành, cho nên các danh nhân như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn thi đỗ, làm quan giúp triều đình. Nhờ cách trị vì của vua Trần Anh Tông, một vùng biên giới Hà Giang mới nảy nở nhiều chùa chiền và có được một quả chuông quý Bình Lâm và hơn nữa, tăng cường sự đoàn kết các dân tộc để giữ gìn vùng đất biên cương.
Bình luận
Triển lãm mỹ thuật Việt Nam - Lào - Campuchia
Hội thao thể dục thể thao BĐBP khu vực phía Bắc năm 2017
Bế mạc Giải Bóng bàn Cúp Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI - năm 2017
Tết “Xíp xí” của đồng bào Thái Tây Bắc