Chữ viết trong bài "Hịch ra trận" của Quang Trung tại gò Đống Đa: Không thấy khí tượng của người Anh hùng Chữ viết chưa thể hiện hết khí tượng người Anh hùng Theo TS. Hán học Cung Khắc Lược: Có lẽ điểm nổi bật nhất ở những chữ được khắc đá trên bài thơ này là chữ hoàn toàn không thấy khí phách anh hùng. Theo ông, với các cổ tự nằm ở những vị trí quan trọng như thế này ngày xưa cần phải được những người có học vị cao trực tiếp viết và người thợ khắc đá cũng phải là thợ tay nghề lão luyện thể hiện. Bài thơ trước khi đánh trận Ngọc Hồi của Vua Quang Trung: "Đánh cho để dài tóc Đánh cho để đen răng Đánh cho nó chích luân bất phản Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ" Đây là bài thơ của bậc Quân vương, không những thế, lại là một anh hùng chiến trận vào hàng oai hùng nhất lịch sử. Lẽ thường, bài thơ này phải được viết lại với đúng sự oai hùng ấy, tức là phải được một người có học vấn cao, giống như chỉ các bậc đại học sỹ thường soạn sắc phong thuộc các triều phong kiến xưa. "Nhưng hãy nhìn vào những dòng chữ được khắc đá trên bức tường sau lưng bức tượng Quang Trung. Với sự trân trọng hết mình với bài thơ, tôi cho rằng những người chịu trách nhiệm về chữ viết cũng như công việc khắc lại chữ viết ấy trên đá có lẽ không hiểu rằng chữ không chỉ là để hiểu, chữ phải còn để nhìn ngắm và cảm nhận nữa", TS. Cung Khắc Lược chia sẻ. "5 chữ "ĐÁNH CHO" ở đầu mỗi năm câu thơ là ví dụ đầu tiên của sự thiếu nghiêm cẩn trong việc tái tạo lại chữ của người xưa. Hai chữ này cần một dáng dấp chủ động, khí thế nhưng khí tượng của chúng lại cho thấy một sự yếu đuối. Vậy thì nghĩa là "Đánh cho" đấy, đầy chủ động đấy nhưng dáng dấp lại cực kỳ thiếu đi sự hăng hái. Thế là chữ và nghĩa đã không ăn nhập với nhau". Tương tự thế, TS. Cung Khắc Lược chỉ ra những lỗi "khí tượng" trong chữ viết bài thơ này. Theo ông, dòng thứ ba với nghĩa là "Đánh cho chúng không còn chiếc xe nào trở về nước" cũng thiếu một cách căn bản khí tượng của người anh hùng, sự mạnh mẽ của câu thơ bỗng trở nên yếu mềm đi nhiều vì những nét chữ mà ông cho thực sự thiếu hiểu biết về cổ tự". "Khí là nội tại lớn lao của bản thể, cây mà mảnh dẻ thì khí tượng cây đó yếu, một người không có khí tượng thì tâm người đó kém. Với văn tự cổ mang nhiều đặc trưng tượng hình, khí tượng mà kém thì không thể hiện được hết nghĩa của chữ cần phải có. Ví như chữ "Phản" chẳng hạn, nó không nói được sự quay lại, mà nghĩa chữ cần đưa, nét quai xước đáng lẽ phải thoải mái như chiếc chân chạy, nhưng chiếc chân này như không có đầu gối vậy. Chân không có đầu gối thì chạy sao đây?", TS. Cung Khắc Lược giảng giải. Nếu những dòng thơ này chỉ thiếu sót về mặt khí tượng thì có lẽ người dễ tính rồi cũng xuê xoa vì cổ văn giờ đây đã thành quá khứ rồi, mấy ai viết đẹp được như ngày xưa các cụ viết! "Nhưng đáng tiếc thay, tôi có thể tìm thấy rất nhiều lỗi chính tả ở trong bài thơ ngắn ngủi này"- TS. Cung Khắc Lược buồn rầu nói. "Dòng thứ hai viết sai bộ phận bên tay phải của chữ "Răng". Chữ bên dưới của bộ phận này đáng lẽ phải là chữ "Đãi" nhưng người làm ra bản khắc đá này lại viết thành chữ "Phúc" hoặc có thể đọc là chữ "Bán văn". Viết thế này thì không đọc được thành chữ gì hết chứ đừng nói đến chữ "Răng". "Dòng thứ tư, chữ "Hoàn" sai hoàn toàn bộ phận bên phải, nơi đáng lẽ phải là chữ "Viên". Chữ không có khí tượng của một người anh hùng, một ông vua đánh một đế chế, những người du lịch nhìn bằng mắt nhẫn nhục thì không sao nhưng sẽ có những người hiểu biết”. Bao giờ cho đến ngày xưa? Liệu có… thừa quá không khi phải nhắc lại những lỗi sai trong các văn tự Hán Nôm xưa đang được tái tạo lại tại một số di tích lịch sử tại Hà Nội? "Nhưng có lẽ nói thêm được gì thì nên vẫn nói vì nếu không, khi thế hệ cổ học chúng tôi còn lại qua đời, có thể những sai sót ấy chẳng còn được cân nhắc sửa chữa nữa", TS. Hán học Cung Khắc Lược ngậm ngùi… Di tích gò Đống Đa là một trong những dấu ấn quan trọng nhất của Quang Trung Nguyễn Huệ tại kinh thành Thăng Long. Sau chiến thắng Ngọc Hồi, theo một số sử liệu, vua Quang Trung cho thu nhặt xác giặc xếp ở đây, lấp đất chôn và đắp cao thành gò gọi là "Kình nghê quán" (gò to chôn xác giặc, hung dữ như Kình - Nghê - 2 loài cá dữ ngoài biển) nhằm biểu dương chiến công nước nhà cũng như để cảnh cáo các lực lượng xâm lược... Theo TS Cung Khắc Lược, Đống Đa trong ngôn ngữ cổ là Đống Đơ. Với kinh nghiệm 10 năm nghiên cứu tiếng Việt tại Viện Ngôn ngữ học, TS. Cung Khắc Lược cho biết, Đơ tức là xương, đây là tiếng liên khu 4, vùng Nghệ An - Hà Tĩnh. "Đống đơ" này ở Hà Nội thì biến chính âm thành Đống Đa (tuy nhiên cũng còn ý kiến khác giải nghĩa về từ Đống Đa - PV). Cổ tự tại gò Đống Đa được tái hiện chưa thực sự chu đáo, chưa để ý nhiều đến hồn phách khí thế dân tộc: "Đó đâu phải là những con chữ vô hồn, đó là lý do tại sao khi xưa luyện viết chữ lại vất vả đến thế, chữ "Sĩ" thì phần biểu hiện cái lưng người quân tử không được cong queo vặn vẹo. Người viết chữ, người khắc chữ phải hiểu rằng họ đang khắc bài thơ của một ông vua đánh một đế chế. Người du lịch bình thường nhìn với mắt thường thì có lẽ sẽ chỉ thấy chữ này không được đẹp nhưng người thực sự quan tâm đến vấn đề văn hóa và bản lĩnh văn hóa thì đáng tiếc họ sẽ thấy rằng chúng ta chưa thực sự trân trọng trong việc bảo tồn những điều quý báu"- TS. Cung Khắc Lược bức xúc. Báo GĐ&XH Cuối tuần đã từng đăng tải bài viết về những sai sót về văn tự trên cột hoa biểu ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Mong rằng các di tích được "tôn tạo" thì hồn xưa chữ cũ đừng mất đi nhiều !!! Thùy Ninh
Chữ viết trong bài "Hịch ra trận" của Quang Trung tại gò Đống Đa: Không thấy khí tượng của người Anh hùng
GiadinhNet - Nếu phải nói một điều gì thiếu sót về cách tái tạo các văn tự Hán Nôm thì bài thơ ra trận nổi tiếng của Quang Trung ở gò Đống Đa là một ví dụ điển hình của những chữ cổ được viết một cách vội vã và thiếu nghiêm cẩn…