du lịch sapacambodia tourshut be phot
Get Adobe Flash player
  • SỞ VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH BẮC GIANG - SỐ 74. NGUYỄN THỊ LƯU - TP. BẮC GIANG - TỈNH BẮC GIANG
Liên kết

Thông kê truy cập
  • Tổng số lượt: 121219501
  • Số người đang xem: 12
  • Trong ngày: 1802
  • Trong tuần: 11246
  • Trong tháng: 97985
  • Trong năm: 14219501
Trang chủ

Điêu khắc nghệ thuật Đình Phù Lão Xã Đào Mĩ - huyện Lạng Giang

( 11:54 | 10/11/2009 ) Bản để inGửi bài này qua Email

Đình Phù Lão, xã Đào Mĩ, huyện Lạng Giang là ngôi đình thời Lê, thế kỷ 17, dựng năm 1688. Đây là ngôi đình cổ có giá trị kiến trúc nghệ thuật khá độc đáo không phải chỉ của Bắc Giang mà của cả Việt Nam. Giá trị điêu khắc nghệ thuật của đình được thể hiện ở các kết cấu kiến trúc của đình như tai cột, kẻ, bẩy, cốn, diệp… Đã có một thời vào những năm 1980 tới năm 1989 ngôi đình ngày bị xuống cấp nặng, ngôi đình xô sập hết, rui mè trơ ra dưới mưa nắng, cột cái cột quân bị lún siêu vẹo, lòng người xót xa. Vì thế UBND tỉnh Hà Bắc (cũ) đã cấp kinh phí cho tu sửa lại. Từ đấy tới nay, ngôi đình đã ở thế ổn định và được dân xã bảo tồn gìn giữ chu đáo.

Vào đình Phù Lão, ta có thể quan sát ngay từ khi vào thềm đình, thấy trên các kẻ có những bức chạm nổi những hình chạm mang phong cách văn hóa dân gian như: Những con rồng mẹ, rồng con có đầu như quả na hồn nhiên cùng các hình cô gái, chàng trai, võ sỹ, tiên nữ, nghê ngao đủ các tư thế. Có người thì mặc áo dài, có tà áo bay theo cùng dải áo, tay cầm đàn vung ra phía trước. Có người đàn ông đội mũ vành cao ba múi; có người thì chân soạng ra cho con rồng luồn qua. Lại có chỗ có cảnh mẹ con bế nhau, đứa con như nhoài ra ngoài. Hoặc có cảnh hai võ sỹ đang đấu võ, tư thế rất dũng mãnh. Lại có chỗ thì có chàng trai đang đùa với con khỉ, còn một chàng trai bắt chiếc điệu khỉ há mồm dữ dằn dọa khỉ làm vui…

Xem xét các vì, chỗ nào cũng thấy có các bức chạm - chạm ở đình Phù Lão là chạm theo lối chạm lọng - có nghĩa là phải chạm thủng kênh bong ở những chỗ cần thiết để làm các hình nổi hẳn lên theo lối tượng tròn. Lối chạm này rất khó, phải có những dụng cụ chuyên dùng mới kênh bong được và người thợ chạm phải hiểu phép chạm đối với từng hình, từng chủ đề trên cấu kiện kiến trúc.

Đình Phù Lão khác các đình khác của Bắc Giang ở chỗ là nó có các tai cột ở bốn cột dài. Tai cột được gá lắp ở hai bên đầu dư cột dài. Việc gá lắp tai cột không khó vì nó là kỹ thuật gá lắp kiến trúc nhưng cái khó ở đây lại là việc đục chạm các hình trên tai cột. Hình chạm ở tai cột cũng là hình rồng mây, hoa lá và cảnh sinh hoạt của con người, tất cả đều kênh bong hết - nhưng là kênh bong hai lớp. Lớp trong, lớp ngoài xoắn xuýt vào nhau và hòa quyện vào nhau hài hòa. Con rồng ở tai cột có nhiều loại, có con như những con rồng ở các đình khác, có con như con rắn to, có con như con lươn, có con như con trạch. Con thì lộ hẳn thân ra ngoài; con thì lộ nửa đầu nửa thân, còn nửa thân kia thì luồn hẳn vào trong. Con thì chỉ thò có cái đầu ra còn lại thì trốn tít vào tai cột. Xem xét từng con, chẳng có con nào thiếu thân, thiếu cẳng. Trên cái con rồng ấy xen vào là các hình người. Chỗ là cô gái, chỗ có chàng trai, chỗ thì cặp đôi, chỗ thì chiếc bóng. Mỗi người một tư thế khác nhau.

Ở những bức cốn chủ yếu là những bức chạm rồng ổ. Rồng mẹ to lớn hiền hòa, râu tóc sóng thẳng theo bức cốn. Các con rồng con luồn lách trong râu tóc rồng mẹ. Toàn loại đầu rồng như hình quả na - môi miệng dày rõ nét. Râu xoắn quẩy thẳng lên - mắt lồi to mà không dữ dằn. Đục con rồng này và các con rồng con của nó tất phải có hai công đoạn: đục phá và đục tỉa - khâu đục phá tạo hình là rất quan trọng, không biết đục phá thì hình không được tạo ra, bố cục hình không chặt chẽ. Bức chạm không gọn gàng đẹp mắt thậm chí bỏ gỗ. Đục phá lấy hình xong thì đục chạm tỉa tách lấy các chi tiết trên thân hình con vật và con người. Khâu này cần người có tay nghề khéo giỏi. Tỉa xong thì trau chuốt làm đẹp.

Đình Phù Lão là ngôi đình có nhiều bức chạm đẹp nổi tiếng mô tả cuộc sống dân gian - chỗ thì tả cảnh vui chơi, đàm đạo, rượu chè trăng gió. Chỗ thì tả cảnh nam nữ tỏ tình, chỗ thì đàn hát vui vẻ. Có bức thì đấu vật, đánh võ. Có bức tả cảnh lao động hăng say. Bên cạnh những hoạt động của con người lại có hình ảnh các con vật như nghê, lân, ngựa, rắn, tắc kè, thạch sùng. Nếu ai có thời gian mà tập trung đo vẽ các hình thật chi tiết cũng phải mất hàng tháng mới gọi là tạm xong. Ở đây rất xứng đáng làm một đề tài nghiên cứu khoa học về văn hóa dân gian thời Lê, về điêu khắc gỗ - cứ gì phải tìm đâu xa. Người ta nói ngọc ở ngay cạnh mình mà không biết, cứ đi tìm mãi nơi đồng sâu núi thẳm mà cũng chẳng thấy.

Ngày nay, tuy đã có nhiều người quan tâm nghiên cứu bản sắc văn hóa dân gian nhưng cũng chưa thấy có ai bắc giáo, thắp điện soi, chụp chi tiết các họa tiết hoa văn của ngôi đình này tuần tự và cẩn thận để làm một đề tài có lời dẫn, có ảnh chụp, có đĩa VCD kèm theo bản vẽ…Đấy là cái điều vẫn còn bỏ trống ở ngôi đình Phù Lão. Vì thế mà ngọc quí như vẫn còn ẩn trong đá để người đời tiếp tục kiếm tìm.

Trần Văn Lạng

bigone