.

Đình Phong Cốc và câu chuyện trùng tu di tích

Cập nhật lúc 09:20, Chủ Nhật, 14/08/2011 (GMT+7)
Chúng tôi về thăm đình Phong Cốc (xã Phong Cốc, Yên Hưng) vào một ngày mưa đầu tháng 8. Quan sát thì thấy, tường ngoài công trình bị bong tróc nhiều, còn phía trong ngôi đình khá ngổn ngang bởi các vật dụng xây dựng, những đám đất lớn giữa khu tiền đường và bái đường chình ình do thợ đào các hố móng dựng cột nhà bao che hất lên trùm cả lên các chân cột gỗ của đình. Nhìn lên mái, thấy cả lỗ hổng ngói vỡ, những lớp ngói xô dạt...

Ông Dương Cao Tảo, người trông coi đình, cho biết: "Mái ngói của đình bị dột đã 6-7 năm nay rồi, cả nhà tiền tế, bái đường và hậu cung, trong đó phần mái lớn nhất là nhà tiền tế xuống cấp đã lâu, hai cột sắp gẫy (cột của đình rất lớn, cột cái có chu vi đến hơn 1m - PV), mái trên bị tụt... Mỗi lần mưa to là trong đình cứ dột như ngoài sân, tôi dùng xô tát hàng tiếng đồng hồ mới hết. Nếu không khắc phục sớm thì gỗ, cột sẽ hỏng hết vì ngấm nước mưa...".

Chúng tôi về thăm đình Phong Cốc (xã Phong Cốc, Yên Hưng) vào một ngày mưa đầu tháng 8. Quan sát thì thấy, tường ngoài công trình bị bong tróc nhiều, còn phía trong ngôi đình khá ngổn ngang bởi các vật dụng xây dựng, những đám đất lớn giữa khu tiền đường và bái đường chình ình do thợ đào các hố móng dựng cột nhà bao che hất lên trùm cả lên các chân cột gỗ của đình. Nhìn lên mái, thấy cả lỗ hổng ngói vỡ, những lớp ngói xô dạt...
Sau hơn 4 tháng khởi công, nhà thầu mới bắt đầu tiến hành đổ móng cột nhà bao che. (Ảnh chụp sáng ngày 2-8-2011)

Chị Tô Thị Thu, Chủ tịch UBND xã Phong Cốc, cũng cho biết thêm: "Đình đã được tu bổ nhiều lần nhưng với quy mô nhỏ, chủ yếu là hỏng chỗ nào thì sửa chỗ ấy như sửa cột, thay hoành, xà, dọi lại mái... Đầu những năm 80, xã đã thuê thợ thay một số hoành, mua bổ sung ngói để lợp lại những chỗ dột. Sau khi công trình được nhà nước xếp hạng là di tích cấp quốc gia, Bộ đã rót xuống 2 tỷ từ nguồn vốn chống xuống cấp di tích, từ đây đã xử lý tiêu tâm một số cột, đảo lại toàn bộ phần mái của nhà tiền tế. Nhưng có lẽ vì ngói mới, ngói cũ dù cùng loại vẫn không đồng bộ với nhau nên sau một thời gian thì ngói bị xô từng lớp, lại tiếp tục dột...".

Như vậy là công trình đình Phong Cốc đã được tu bổ nhiều lần nhưng một số hư hại vẫn chưa được khắc phục triệt để, trong đó có việc bị dột khi trời mưa to. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết thêm là kết cấu với nhiều lớp ngói cổ của mái đình Phong Cốc khiến nước mưa chảy xuống bị giữ lại rất lâu trên mái chứ không thoát nhanh. Càng phức tạp hơn là nước lọt vào mái đình một chỗ nhưng có khi chảy luồn trong mái và dột ở một chỗ khác. Tìm ra chỗ dột đã khó mà khắc phục cũng không đơn giản, bởi cả kết cấu mái lớn như vậy, chỉ cần một lỗi kỹ thuật nhỏ ở một điểm nào đó thôi là có thể hỏng cả công trình...

Cuối tháng 3 vừa rồi, lễ động thổ và khởi công công trình tu bổ, tôn tạo đình Phong Cốc đã diễn ra trong niềm hy vọng của địa phương và giới chuyên môn. Đây là lần tu bổ lớn nhất, với tổng nguồn vốn lên tới trên 18 tỷ đồng. Việc tu bổ, tôn tạo đình Phong Cốc được hứa hẹn sẽ thực hiện theo nguyên tắc giữ nguyên quy mô vốn có, phục dựng lại và bổ sung cấu kiện, hiện vật đã mất mát, hư hỏng; đảm bảo giữ nguyên và phát huy được ý nghĩa, giá trị lịch sử chân thực của di tích... Anh Đinh Hải Trường, Phó Phòng nghiệp vụ Văn hoá, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, cho biết: "Mục tiêu lần này là bảo quản, tu bổ, chống xuống cấp cho toàn bộ hệ thống công trình, trong đó bao gồm phục hồi toàn bộ phần mái, bảo quản lại toàn bộ cấu kiện gỗ trong di tích, từ hệ thống cột, vì kèo, các bức chạm khắc, cửa ra vào, lát lại nền và trát lại tường công trình. Vốn dành cho phần này chiếm khoảng 10 tỷ đồng. Trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, chống xuống cấp, đình vẫn giữ được nguyên vẹn những yếu tố gốc cấu thành di tích nên sau khi hạ giải, phân loại, đánh giá sẽ sử dụng tối đa các vật liệu gốc của đình như ngói, cấu kiện gỗ, nếu không sử dụng được nữa thì mới thay, cố gắng thay thế trên cơ sở phục dựng lại những cấu kiện nguyên gốc... Phấn đấu xong phần cột, mái trong năm nay, các phần việc còn lại sẽ tiến hành vào năm tới".

Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy chuyển động của đơn vị thi công khá chậm chạp. Cuối tháng 3 khởi công, tháng 5 mới bắt đầu đào các hố móng dựng nhà bao che và đầu tháng 8 mới bắt đầu đổ bê tông các cột móng. Như vậy là chí ít đến tháng 9, sau khi hoàn thiện nhà bao che mới có thể tiến hành hạ giải công trình, phân loại đánh giá hiện vật và tiến hành các bước tu bổ cần thiết. Nguyên nhân về sự chậm chạp nói trên cơ bản vẫn là do nguồn vốn rót xuống đến nay vẫn chưa có... Được biết, để tháo gỡ khó khăn về vốn, ngành văn hoá đã đề xuất lên tỉnh để đề nghị lên trung ương xem xét cụ thể đối với công trình tu bổ đình Phong Cốc. Nhưng dù vậy thì theo kế hoạch, năm nay vốn rót cho đình cũng chỉ được 4 tỷ mà thôi, nghĩa là đòi hỏi nhà thầu vẫn phải có nguồn vốn đối ứng khá lớn...

Mái đình Phong Cốc đã được sửa chữa nhiều lần nhưng dột vẫn hoàn dột.
Mái đình Phong Cốc đã được sửa chữa nhiều lần nhưng dột vẫn hoàn dột.
Như vậy, việc lập dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Phong Cốc với quy mô lớn như hiện nay là rất cần thiết. Mặt khác, khi nhìn lại cả một quá trình cũng cho thấy, việc tu bổ, tôn tạo di tích này đã có tiền lệ là việc người chống xuống cấp cứ chống, tiền cứ rót vào nhưng công trình vẫn cứ xuống cấp như thường mà việc mái ngói của đình bị dột kéo dài là ví dụ điển hình. Cộng với những khó khăn về vốn như đã nói trên cho thấy, năng lực của nhà thầu cả về chuyên môn lẫn nguồn vốn khi bắt tay vào công trình này là một thách thức không nhỏ. Hy vọng là sau hai năm tiến hành tu bổ công trình với quy mô lớn nhất từ trước đến giờ, đình Phong Cốc sẽ không còn là nỗi ám ảnh mỗi khi mưa về, xứng đáng là công trình "mẫu" về bảo quản, phục hồi di tích của Quảng Ninh như mong đợi của các nhà chuyên môn, tâm huyết với văn hoá cổ.

Đình Phong Cốc là công trình có giá trị tiêu biểu về kiến trúc nghệ thuật, được xây dựng vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia từ năm 1988.

Đình có tám hàng cột chính và hai hàng cột trái đỡ một hệ thống mái lợp ngói cổ, rộng tới trên 600m, diềm mái lượn cong dần về hai góc mái hợp với đầu đao cong vút làm cho dáng đình thanh thoát, bay bổng. Hai cánh cửa chính bằng gỗ lim chạm hình rồng phượng bay trong mây. Qua nghệ thuật chạm khắc tinh xảo mà các nghệ nhân đã để lại trên các cốn, các bẩy và đặc biệt là các cảnh sinh hoạt rất sinh động bằng gỗ cho thấy đây là một công trình được dựng lên trong thời kỳ rực rỡ của nền kiến trúc Việt Nam khi mà điêu khắc dân gian truyền thống - "điêu khắc đình làng" đang ở vào giai đoạn phát triển rực rỡ nhất...
Phan Hằng
,
.
.
.
.
.