Hội thảo khoa học về Quốc lão Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc
Hoàng Ngũ Phúc, còn gọi là Hoàng Đình Việp, ông sinh ra trong một gia đình nông dân có truyền thống hiếu học và thượng võ ở làng Phụng Công, tổng Mỹ Cầu, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc, nay là thôn Tân Phượng, xã Tân Mỹ, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Ông sinh năm 1713, làm quan phụng sự 2 đời chúa Trịnh Doanh (1740-1767), chúa Trịnh Sâm (1769-1782).
Ngay từ nhỏ, Hoàng Ngũ Phúc đã nổi tiếng thông minh. Chuyện kể rằng, thủa nhỏ Hoàng Ngũ Phúc thường cầm đầu bọn trẻ trâu quê nhà chơi trò bài binh bố trận. Ông thường lấy đất sét nặn voi, bốn chân voi đặt lên mai bốn con cua, vòi voi bằng một con đỉa trâu. Con voi chuyển động, ngoe nguẩy cái vòi tiến ra trận rất hiên ngang.
Sau do bố mất sớm, nhà nghèo, Hoàng Ngũ Phúc phải ở với người cậu ruột. Sự thông minh của Hoàng Ngũ Phúc đã được Hiển Quận công Dương Quốc Cơ làm quan Thượng thư bộ binh người làng Vân Cốc (Bài Xanh-Yên Dũng) phát hiện rồi nhận Hoàng Ngũ Phúc làm nghĩa tử và đưa về kinh nuôi dạy. Từ đó Hoàng Ngũ Phúc được ăn học chu đáo, bài bản. Ông còn được cha nuôi thường xuyên cho đi theo trong các cuộc đánh dẹp bọn giặc cướp hoặc công cán ở các địa phương. Nhờ đó tài năng của Hoàng Ngũ Phúc được phát huy. Ông đã nhanh chóng được chúa Trịnh trọng dụng ngay từ khi bước vào tuổi trưởng thành.
Là một võ tướng giỏi, ông nhanh chóng trưởng thành trong môi trường quân đội, được nhà Chúa ngày càng tin dùng. Năm 1743, ông được cử làm thống lĩnh quân cơ đạo, ông đã dâng lên chúa Trịnh 12 điều quân pháp, được chúa chấp nhận và cho thi hành.
Những năm tiếp theo, ông cùng với các tướng của triều đình Lê – Trịnh lần lượt đánh tan Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Danh Phương. Khi bàn việc công, ông được xếp thứ nhất, gia phong Suy trung tuyên lực tán trị công thần, tham dự triều chính, đại tư đồ, kiêm trấn thủ Sơn Nam. Năm 1767 ông được tiến phong tước Công, năm 1770 tham gia việc đánh dẹp khởi nghĩa Lê Duy Mật ở Thanh Hoá.
Suốt mấy chục năm chỉ biết cầm quân ra trận, đến năm 1774 khi 62 tuổi ông xin về ở ẩn và được nhà Chúa chấp thuận, ban hiệu là Quốc lão, càng thêm yêu quý. Chưa kịp nghỉ ngơi, khi nghe triều đình Đàng Trong có biến Tây Sơn, Chúa triệu ông đến bàn cách cất quân và lại sai ông ra cầm quyền, phong Thượng tướng quân lên đường dẹp loạn. Năm 1776 sau khi tạm yên, trên đường trở về Thăng Long ông bị bệnh và mất tại Nghệ An, thọ 64 tuổi.
Trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, gần như chưa bao giờ ông nếm mùi thất bại. Là một đại thần trung thành của triều đình Lê-Trịnh, một vị tướng tài, Hoàng Ngũ Phúc được chúa Trịnh trọng dụng và ưu ái, phong tới tước công (tước cao nhất trong hàng quan võ), được tặng kim bài “dữ quốc đồng hưu” (cùng hưởng yên vui sung sướng với nước), khi về hưu được phong là quốc lão, khi ông mất, được vua Lê phong là Thượng đẳng phúc thần.
Với Quê hương Mỹ Cầu- Phụng Pháp, Hoàng Ngũ Phúc có nhiều đóng góp to lớn và thiết thực, được nhân dân địa phương yêu mến, ngay khi ông xin về ở ẩn, nhân dân 4 làng trong xã Mỹ Cầu (tổng Mỹ Cầu) đã xây cất sinh từ, khắc bia ca ngợi Hoàng Tướng công. Thật hiếm có vị quan như Hoàng Ngũ Phúc được nhân dân quê hương đồng lòng tôn kính, xây sinh từ thờ phụng, dựng bia ghi nhớ công lao để lưu truyền cho hậu thế.
Sau khi Hoàng Ngũ Phúc qua đời, không chỉ triều đình phong là Thượng đẳng phúc thần, mà nhà Chúa cho phối thờ trong tông miếu của họ Trịnh.
Ngày nay, khu di tích sinh từ, phần mộ và nhà thờ Việp quân công Hoàng Ngũ Phúc đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp bằng Di tích lịch sử văn hoá năm 1991.
Nguyễn Quyết Chiến