Lật lại những bí ẩn về cột đá chùa Dạm

10/9/2012 16:54

Là một ngôi chùa hoành tráng như vậy, nhưng nói đến chùa Dạm người ta chú ý ngay đến cây cột đá có một không hai, và đến nay còn rất nhiều bí ẩn.

Con hơn cha là nhà có phúc. Đó là gia đình - tế bào của xã hội. Còn với quốc gia, hậu sinh không phải lúc nào cũng… khả uý. Bằng chứng là có những công trình mà cha ông để lại, cách nay cả ngàn năm, như cột đá chùa Dạm (xã Nam Sơn, TP.Bắc Ninh) thì đến nay con cháu cứ là thán phục và ngỡ ngàng …

Ngôi chùa 99 gian

Xưa vốn có câu “cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài…”, thật vậy từ xưa vùng đất cổ Kinh Bắc đã nổi tiếng là nhiều chùa. Không chỉ là kinh đô Phật giáo với trung tâm là Luy Lâu, mà ở Bắc Ninh còn nhiều ngôi chùa cổ kính, mà mối chùa mỗi vẻ. Trong đó, ngôi chùa Dạm không chỉ có gần 1.000 năm tuổi, mà nơi đây còn có cột đá khắc hình rồng có tuổi tương tự gần ngàn năm, được cho là đẹp và cả kỳ bí, bí ẩn, gây không ngớt tranh cãi của các nhà khoa học.

Cột đá nhìn từ đỉnh núi Dạm

Thời gian vừa qua, ở đất Bắc Ninh, người ta phát hiện nhiều những “báu vật”, như tượng cốt xương Thiền sư Như Trí), mộ tổ nhà Lý ở Dương Lôi, lò gốm cổ Đương Xá (thế kỷ X, sớm nhất ở VN), khuôn đúc trống đồng ở Luy Lâu (duy nhất có ở VN),  ... Tuy nhiên, trong dịp lập báo cáo đề nghị công nhận  là “bảo vật quốc gia” gửi lên Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL), Bảo tàng Bắc Ninh chọn cột đá chùa Dạm. Với nhiều “bảo vật” có giá trị như vậy trong tỉnh, chắc hẳn những người có trách nhiệm đắn đo rất nhiều khi lựa chọn. Và, việc chọn cột đá chùa Dạm, là có lý do của nó?

Chùa Dạm, hay còn gọi là chùa Đại Lãm, Thần Quang tự …, tọa lạc tại sườn phía Nam thuộc dãy núi Lãm Sơn, khởi dựng năm 1086, và phải 9 năm sau mới xong- thời Lý Nhân Tông, có 99 gian, trên tổng diện tích 8.400 m2, trên 4 cấp nền bậc thang cao 5- 6 m, mỗi cấp nền được kè đá, mỗi viên đá có diện tích 50x 60cm2, lên xuống mỗi cấp nền gồm 25 bậc đá…

Nói về ngôi chùa, cụ Hoàng Thị Sửu cho biết: Nhà vua cấp cho dân của 3 thôn Dạm, thôn Tự Thôn và thôn Thái Bảo quanh chân núi 300 mẫu ruộng tự điền, để lấy hoa lợi coi sóc chùa. Đó là ruộng cơm, ruộng trống, ruộng kèn- như là ruộng dành cho mỗi phần việc vậy. Ngôi chùa  rộng lớn, 7 gia đình dưới chân núi được giao riêng việc đóng cửa chùa, việc đóng cửa cho ngôi chùa 99 gian, từ chập tối tới khuya nửa đêm! Đến  nay, hàng năm, đến ngày lễ hội, người dân 3 thôn quanh chân núi Dạm. Ngôi chùa được xây theo ý tưởng của Nguyên phi Ỷ Lan, để cuối đời bà và hoàng gia về đây tụ tập. Do vậy, ngày nay ngày lễ hội, người dân 3 làng cùng rước thành hoàng của 3 thôn lên yết kiến thánh mẫu Ỷ Lan.

Ngôi chùa đồ sộ khi xưa, đến năm 1947, khi tiêu thổ kháng chiến- sợ thực dân Pháp lấy ngôi chùa làm đồn bốt, người làng tẩm dầu đốt, chùa cháy trong 3 ngày 3 đêm. Sau đó, một đêm có một cơn gió to dậm tắt lửa và cuốn tro bụi đi.

Là một ngôi chùa hoành tráng như vậy, nhưng nói đến chùa Dạm người ta chú ý ngay đến cây cột đá có một không hai, và đến nay còn rất nhiều bí ẩn. Cột đá có tên chữ là Lãm Sơn Tự, với chiều cao còn lại đến nay là 5m, kết cấu 2 phần: Phần dưới hình chữ nhật- gần vuông, có cạnh là 1,4m, cạnh là 1,6m, phần phía trên hình trụ tròn có đường kính 1,3m, theo lối triết lý bản địa “trời tròn, đất vuông” (như truyền thuyết bánh chưng- bánh giày). Phía hình trụ tròn được chạm nổi hình đôi rồng uốn lượn theo phong cách thời Lý, miệng ngậm ngọc, đầu vươn cao chầu về viên ngọc tỏa sáng, thân quấn quanh cột, đuôi đan vào nhau. Xen kẽ đôi rồng nổi bật ấy, là những họa tiết dây móc tinh xảo. Nhìn cột đá Lam Sơn Tự, ta thấy sự kỳ bí và linh thiêng.

Cụ Đoàn Thị Dân, nhà ở thôn Tự Thôn, ngay chân núi, tự nguyện ra quét dọn trông nom chùa cho biết, trước cây cột đá cao hơn, thế kỷ 16 bị sét đánh gãy. Truyền khẩu từ các cụ trong thôn Dạm cho biết, trước kia cột đá có thể cao đến 7 m, bị sét đánh phạt mất đỉnh cột, tương truyền mảnh đá văng sang tận làng Phượng Cánh xa 3km.

Họa tiết trên thân cột

Không ngớt tranh cãi

Đã có nhiều cuộc hội thảo, các nhà khoa học, khảo cổ học, đã tranh luận tìm ra chức năng thật sự của cây cột đá, nhiều giả thiết được đưa ra, nhưng vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng, người cho rằng, cột đá chính là cái Linga- sinh thực khí nam, trong tín ngưỡng phồn thực có ảnh hưởng từ văn hóa Cham-pa. Đây là tín ngưỡng dân gian, thờ sinh thực khí để cầu mưa thuận gió hoà, mùa mang bội thu… Tuy nhiên, quan điểm có vẻ hợp lý này gần đây đã không đứng vững – vì nếu như quan sát kỹ, phía bên đỉnh của cột đá ta nhận ra có 6 cái lỗ hình chữ  nhật, có 2 lỗ xuyên tâm- nối thông sang nhau. Từ đây cho ta liên tưởng và hình dung là cái mộng, để gá lắp những đòn chịu lực để đỡ bên trên một kết cấu nào đó. Kết cấu đó là gì, có thể cái tòa sen, bên trên toà sen ngự đức Phật Quan âm.

Một quan điểm khác, cũng “có lý”, khi cho rằng- với 6 chiếc lỗ ấy, người ta có quyền hình dung về một kết cấu bên trên- có thể là một ngôi chùa nhỏ tựa như chùa Một Cột (chùa Diên Hựu) ở Hà Nội chăng. Quan điểm này có vẻ hợp lý, khi ta biết rằng, vua Lý Thánh Tông trong một giấc mơ về hoa sen, đã cho xây dựng chùa Một Cột năm 1049 ước muốn trường thọ, thì sau đó người con là vua Lý Nhân Tông- hoàn toàn có cùng ý tưởng vua cha cho xây chùa có một cột tương tự. Quan điểm này càng “hợp lý” hơn khi ta biết rằng chùa Dạm là “chùa của Hoàng Gia”, khi Nguyên phi Ỷ Lan đã về đây tu tập vào cuối đời… Người con ước muốn cho mẹ trường thọ là có lý.

Giếng Bống, nơi xuất phát chuyện cổ Tấm Cám

Với cột đá khổng lồ hiện diện gần trên đỉnh của núi Đại Lãm, mà đường lên đến ngay nay còn cheo leo, khó đi, thì câu hỏi được đặt ra là người xưa với công cụ thô sơ vận chuyển được khối đá khổng lồ lên gần đỉnh núi Dạm bằng cách nào? Ta biết rằng, loại đá không có ở vùng Kinh Bắc, mà phổ biến ở Quảng Ninh, hay Thanh Hóa. Giả thiết cho rằng, người xưa đã vận chuyển cột đá đi từ sông Hồng, sang sông Đuống, và nhà vua đã cho đào ngòi Con Tên- đó là kênh nước để vận chuyển cột đá chăng. Vận chuyển cột đá đến chân núi, đưa cột đá lên gần đỉnh núi hiểm trở, lại là một khó khăn nữa để tìm lời giải thích.

Người dân quanh vùng lại có lý giải khác. Cụ Hoàng Thị Sửu thì kể cho tôi truyền thuyết truyền khẩu của người dân quanh vùng, chuyện rằng, nước ta luôn bị phương Bắc nhòm ngó, thôn tính. Chùa Dạm chính là nơi trấn yểm linh hồn Cao Biền- quan thái thú, kiêm nhà phù thủy phương Bắc. Lần đó, người phương Bắc nhờ một người Việt đốt 100 nén hương trên đỉnh núi Dạm, đốt lần lượt, để đến khi cháy đến que hương cuối cùng thì Cao Biền “sống dậy” và nước Nam sẽ mất về tay phương Bắc. Biết được dã tâm ấy, người Việt nọ đốt cả 100 nén hương một lúc, làm cho Cao Biền phải… dậy non. Vì “dậy non”, nên sức yếu nên không cướp được nước ta nữa. Không chỉ vùng Kinh Bắc quanh chân núi Dạm, mà dân ta lưu truyền việc “Cao Biền dậy non”, như là chê cười về sự thất bại của trò phù thủy, chính là xuất phát từ đây. Và, cột đá chính là tấm bia ghi nhớ công lao của người dân nọ với non sông.

Trên đỉnh núi, cạnh chùa Dạm còn có một chiếc giếng hình vuông, có tên là giếng Bống. Hỏi ra mới biết, nơi đây chính là nơi xuất phát của câu chuyện cổ tích Tấm Cám. Có một điều lạ ở đây, chiếc giếng ở tr n núi, nhưng lúc nào cũng đầy nước.

Đền Tấm thờ Nguyên phi Ỷ Lan

Hòa thượng Thích Thanh Dũng, trụ trì chùa Hàm Long kiêm chùa Dạm, Trưởng ban Trị sự GHPG tỉnh Bắc Giang mặc dù đã hơn 80 tuổi- sức yếu nhưng ông vẫn đi vận động để khôi phục lại ngôi chùa Dạm như xưa vốn có. Và tất nhiên, cột đá nằm trong quần thể ngôi chùa bề thế, một đại danh lam- kiệt tác về mỹ thuật của thời Lý còn đến ngày nay cần phải nghiên cứu đầy đủ, phục dựng lại như chức năng vốn có của nó.

Xung quanh ngôi chùa Dạm, và cây cột đá kỳ vĩ, bí ẩn, trơ gan cùng tuế nguyệt gần ngàn năm nay, còn đó nhiều những câu chuyện truyền khẩu dân gian, mang tính liêu trai chí dị… Những câu chuyện huyền bí hư thực ấy, đều thể hiện niềm tự hào, về truyền thống đánh giặc giữ nước và bản lĩnh văn hoá, trí tuệ của cha ông xưa.

Liên Phạm