Nghệ Thuật Điêu Khắc Đá Ở Chùa Thầy

0
69

Chùa Thầy có tên chữ là Thiên Phúc tự, nằm ở chân núi Sài Sơn thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ, nay là ngoại thành Hà Nội. Chùa được xây dựng từ thời Lý, gắn liền với vị danh tăng lỗi lạc mà dân gian trong vùng tôn thành vị thánh tổ – thiền sư Từ Đạo Hạnh, vị Thánh Tăng đầu tiên trong tín ngưỡng thờ đức thánh tổ của dân gian Bắc bộ. Tên tuổi và công trạng của ngài không những có tầm ảnh hưởng chỉ trong khu vực xứ Đoài, mà còn vượt ra cả phạm vi Quốc gia, trở thành một trong bốn vị thánh bất tử của Việt Nam trước thế kỷ XVIII. Cùng với những di sản văn hóa phi vật thể, chùa Thầy còn là nơi bảo tồn hệ thống kiến trúc đặc trưng thời Lê, hệ thống tượng gỗ và đặc sắc hơn cả là những tác phẩm điêu khắc từ đá vô cùng đặc sắc.

Những tác phẩm điêu khắc đá tại chùa Thầy có thể phân thành 3 nhóm chính như sau: tượng, bệ đá và bia.

Bệ-đá-Bách-hoa-đài-thời-Trần

Về hệ thống tượng đá tại đây có thể phân thành hai loại: tượng người và tượng linh thú. Tượng người đa phần là những tượng hậu tự, tức là tượng tạc những người có công lao quyên cúng tiền của vào việc xây dựng chùa và sau khi họ chết đi, tùy theo công trạng mà nhà chùa tạc tượng thờ. Tại chùa Thầy hiện nay có hơn chục pho tượng hậu được tạc theo phong cách bán tròn, tức là tượng người được tạc sâu vào khối đá hộp theo dạng phù điêu. Các bức tượng này có niên đại từ thời Lê, Mạc, là chân dung của các bà công chúa, phu nhân của các quan và những người phụ nữ giàu có. Tượng được đặt tại nhà Tổ của chùa.

Bệ đá Sư tử tròn

 

 

 

 

 

 

 

 

Tượng linh thú của chùa Thầy rất ít, chỉ có cặp rồng đá bậc thềm lên chùa Thượng và hai cặp rồng đá tại hai cầu Nhật tiên và Nguyệt tiên có niên đại vào thế kỷ XVII. Riêng hai cặp rồng đá tại hai cầu nêu trên được chạm trổ rất tinh xảo, thanh thoát, uyển chuyển, hài hòa với không gian kiến trúc duyên dáng của hai chiếc cầu ngói, tạo thành những nét mềm mại giữa cảnh sắc sơn thủy hữu tình. Cầu Nhật tiên và cầu Nguyệt tiên (Nhật tiên kiều, Nguyệt tiên kiều) do trạng Bùng Phùng Khắc Khoan cung tiến xây dựng vào năm 1602.

Có thể nói, đặc sắc nhất trong điêu khắc đá tại chùa Thầy chính là bệ đá sư tử đội tòa sen có nên đại từ thời Lý. Đây là bệ hiện đang dùng để đặt tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Bệ được tạo từ chất liệu đá màu gan gà, cao 0.83m, chia làm nhiều tầng cấp. Phần đế là một hình bát giác cao 0.5m, với 4 cấp liên tiếp nhau. Trên đế là sư tử đội tòa sen. Sư tử trong tư thế phục chầu, miệng rộng, răng xếp hàng đều nhau, trên trán có u tròn nổi. Bộ râu sư tử gồm 3 chòm chải đều. Lưng phủ yếm, chân trước giẫm lên quả cầu. Điểm xuyết trên thân sư tử có những hoa nhiều cánh xoắn. Đây là bệ đá còn nguyên vẹn hiếm có của thời Lý còn lại đến bây giờ.

Cặp rồng đá tại cầu Nhật tiên

Bên cạnh đó, bệ đá tòa sen hình hộp thời Trần cũng là một tác phẩm có một không hai trong hệ thống bệ đá ở Việt Nam. Bệ có tên là Bách hoa đài – đài trăm hoa. Đây là một trong bảy bệ đá thời Trần ở nước ta, và là bệ đá lớn nhất tại Bắc bộ, cũng là chiếc bệ duy nhất gồm hai tầng bệ. Kích thước bệ: cao 1.36m, dài 3.91m, rộng 2.75m. Bệ được chế tác từ đá xanh. Tầng bệ trên kết cấu tương tự một bệ đá tòa sen hoàn chỉnh, gồm 3 phần. Trên cùng là đài sen với hai lớp cánh ngửa, một lớp cánh úp. Mỗi cánh sen ngửa thể hiện theo kiểu kép ba, đường gờ giữa xoắn đai tròn ở phía trên. Dưới hàng cánh sen có một đường diềm hoa dây, tiếp đến là đường gờ hình lá sồi úp. Thân bệ tạc chim thần Garuda và rồng. Chim thần Garuda (Kim sí điểu) là hình tượng linh vật của Ấn Độ giáo, sau đó ảnh hưởng qua mỹ thuật Phật giáo và được người Chăm (Chiêm Thành xưa) sử dụng như một biểu tượng phổ biến trong các đền tháp của họ. Tại đây, Garuda được chạm có mỏ ngắn, mắt tròn trơn, bụng phệ, hai tay đưa lên như đỡ lấy tòa sen. Chân của chim hơi khuỳnh hai bên, các móng tay nhọn và như đang nắm lấy viên ngọc. Đây là sự giao thoa mạnh mẽ giữa mỹ thuật Đại Việt và Chiêm Thành. Rất có thể trong công cuộc bình Chiêm của triều Trần, các thợ thủ công Chiêm được bắt về kinh thành Thăng Long và chính họ đã chế tác chiếc bệ đá này. Mặt trước và hai mặt bên của thân bệ chạm rồng không vảy với cặp sừng chìm trong lớp tóc bờm. Dưới hàng hình rồng có đường gờ trơn, tiếp theo hàng chân quỳ đè lên một đường gờ trơn khác. Tầng bệ phía dưới lớn hơn bệ trên, cách thức cũng tương tự một bệ đá tòa sen hoàn chỉnh. Diềm trên có một hàng hoa dây, tiếp theo là một hàng sen kép, lớp chim thần, rồng, hoa, lá…

Có lẽ bia đá tại chùa Thầy có rất nhiều, qua những thăng trầm lịch sử, bia bị phá hủy hết, hiện chỉ còn bảy bia, có niên đại thế kỷ XVII – XVII. Cổ nhất trong đó là bia mang tên Thiên Phúc tạo tự bi, được tạc vào niên hiệu Cảnh Thịnh thứ nhất, 1653 với nội dung nói về việc trùng tu chùa Thiên Phúc (chùa Thầy) vào giai đoạn đó. Bên cạnh đó còn có bia Thiên Phúc tự tạo lệ bi, khắc lệnh chỉ của chúa Trịnh Căn (1682-1709) cho phép dân Sài Khê được tổ chức đại lễ, được miễn trừ tạp dịch để lo việc hương đăng (đèn nhang) ở chùa.

Điêu khắc đá ở chùa Thầy được nhiều người biết đến như một trong những điểm độc đáo của ngôi chùa này. Trải qua bấy nhiêu thời gian, những tác phẩm bằng đá ấy vẫn trường tồn cùng với thời gian, với lòng người.

Tĩnh Đạo

NO COMMENTS

LEAVE A REPLY