Cập nhật: 5:38 PM GMT+7, Thứ năm, 27/09/2012
    Nguồn tin:Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
    • Font
    • In bài
    • Gửi cho bạn bè
    • Ý kiến

    Bộ sưu tập hiện vật thuộc "Văn hóa Óc Eo" khá phong phú về chất liệu và đa dạng về loại hình, trong đó đáng chú ý là bộ sưu tập hiện vật chất liệu gỗ. Đây đều là những tác phẩm điêu khắc có giá trị lịch sử và có nghệ thuật tạo hình cao.


    Trong nghệ thuật điêu khắc Phật giáo, phổ biến nhất là hình tượng đức Phật. Chúng được làm bằng nhiều chất liệu như gỗ, đá, đất nung… Đặc sắc nhất vẫn là các pho tượng Phật bằng gỗ, một loại hình độc đáo riêng có của đồng bằng sông Cửu Long, có niên đại thuộc nền văn hóa Óc Eo.

    Theo các nguồn tư liệu, có khoảng 28 pho tượng và 2 bàn tay tượng Phật bằng gỗ được phát hiện ở đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó Gò Tháp là nơi xuất lộ nhiều tượng gỗ nhất, có 22 tượng và mảnh vỡ. Căn cứ vào tư thế, các nhà nghiên cứu chia các bức tượng Phật gỗ làm ba nhóm:

    Tượng Phật gỗ Gò Tháp, Đồng Tháp

    Nhóm 1: Các tượng trong tư thế đứng có hông lệch nhiều về bên phải (Tribhanga); đường cong hai bên sườn song song với nhau và hơi xiên chéo từ trái sang phải. Trọng lượng cơ thể dồn về chân phải, chân trái trùng, làm nổi rõ đầu gối. Nhóm này bao gồm có 8 tượng. Tượng lớn nhất là ở Tháp Mười, có khuôn mặt thon dài, những búp tóc xoắn ốc với Usnisa nổi rõ. Pho tượng ở Đá Nổi, Rạch Giá chỉ còn phần thân nhưng thể hiện một tư thế Tribhanga với sự mềm mại lý tưởng, chân phải thẳng, chân trái hơi khuỵu nghiêng. 6 trong số các tượng được phát hiện sau này ở Gò Tháp (Đồng Tháp) có tư thế lệch hông.

    Các tượng thuộc nhóm này đều mất hết các tay nên không rõ tư thế của tay. Các tượng gỗ có nhiều kích thước khác nhau, trong đó có tượng Tháp Mười là cao nhất. Nhiều tượng nhỏ dưới 1m tập trung ở Gò Tháp. Pho tượng nhỏ nhất có chiều cao 0,165m.

    Tượng Phật gỗ Tháp Mười

    Các tượng Phật thuộc nhóm này có nguồn cảm hứng và chịu ảnh hưởng nghệ thuật từ phong cách Amaravati. Về phong cách, tư thế Tribhanga được thấy trên rất nhiều loại hình tượng khác nhau ở Ấn Độ như các tượng nữ thần trên tháp Phật ở Sanchi, tượng Bồ tát trong một số hang động ở miền Tây Ấn và rất nhiều tượng trong nghệ thuật Hindu giáo. Tuy nhiên, một số pho tượng gỗ ở đồng bằng sông Cửu Long có những nét riêng biệt. Đó là cổ khá cao đỡ lấy một khuôn mặt thon mảnh, cằm tròn, Usnisa thường nổi hoặc có hình búp nhọn.

    Về trang phục, các pho tượng thuộc phong cách Amaravati thường có trang phục tạo thành nhiều nếp dày nặng. Còn các tượng ở đồng bằng sông Cửu Long phổ biến lối trang phục mỏng, trong và sát thân, làm lộ rõ đường nét cơ thể; được khoác kín trên vai trái và buông dài tới cổ tay, tạo thành đường nếp đôi mỏng mảnh kéo dài tới ngang ống chân.

    Nhóm 2: Các tượng trong tư thế đứng lệch hông nhẹ (Abhanga). Nhóm này gồm có 10 tượng trong đó 5 tượng ở Gò Tháp, 3 tượng khác ở Giồng Xoài (Kiên Giang), Giồng Xoài (An Giang), Nhân Nghĩa (Cần Thơ) và hai tượng ở Bình Hòa (Đồng Tháp Mười).

     Tượng Phật gỗ Bình Hòa, Long An

    Tượng lớn nhất được phát hiện ở Giồng Xoài (An Giang) trong tư thế đứng trên bệ hình tròn. Tay phải bị gãy đến vai, tay trái giơ ngang hông, bàn tay cũng đã bị gãy. Phần mặt bị nứt nẻ, không còn đầy đủ các chi tiết nhưng vẫn có thể thấy được một khuôn mặt vuông vức, thuôn dài, cằm tròn, hơi bạnh, đôi mắt hơi ngang, nhìn xuống, sống mũi thanh, miệng nhỏ, cổ cao vừa phải. Các búp tóc mịn, đều, khá lớn, xoắn ốc theo chiều kim đồng hồ. Chỏm Usnisa liền khối với phần đầu, thuôn nhọn. Toàn thân có dáng thon, hai bàn chân đặt song song, trang phục là áo choàng mỏng nhẹ. Các lớp áo được bàn tay đỡ lên như phong cách của tượng Phật Amaravati và Mathura. Kích thước khổng lồ cùng với sự thể hiện có tính chất lý tưởng hóa của cơ thể tạo nên tính chất vĩ đại cho hình tượng của vị Đại giáo chủ.

    Gần đây đã phát hiện được một pho tượng ở Gò Tháp. Tượng cao 1,62 m, trong tư thế đứng lệch hông rất ít về phía bên trái, khuôn mặt thon dài, phần trán nở rộng hơn phía dưới, cằm thon tròn. Sống mũi thẳng, thanh và không cao lắm. Đôi mắt nhắm hờ nhìn xuống, miệng khẽ mỉm cười, chỏm Usnisa hơi nhọn, có thể đã được tạo hình như búp sen. Cổ cao, mảnh, vai hơi xuôi, hơi hẹp so với tỉ lệ chiều cao. Trang phục là loại áo cà sa mỏng, các nếp trang phục được kéo tới cổ tay trái. Hai bàn chân đặt theo hình chữ V lệch. Bệ tượng tuy đã bị mòn vỡ nhiều nhưng có thể là dạng một bông sen lớn thắt ngang tạo thành 2 tầng với các lớp cánh hướng lên (tầng trên) và xòe ngang (tầng dưới).

    Hai tượng phát hiện ở làng Bình Hòa thuộc cuối rìa phía đông của Đồng Tháp Mười có ý nghĩa lớn đối với việc nghiên cứu các tượng Phật giáo thể hiện trên chất liệu gỗ ở đồng bằng sông Cửu Long.

    Tượng Phật Bình Hòa, Long An

    Tượng thứ nhất có khuôn mặt thon mảnh trái xoan, trán rộng, mày cong ngang mềm mại. Mắt nhìn xuống, khép hờ. Sống mũi thanh mảnh, cao trung bình, đầu mũi nhỏ. Miệng nhỏ, mỉm cười, khóe miệng phải hơi nhếch lên. Chót cằm nhọn, má hơi bầu. Phần đầu phủ những lọn tóc xoắn ốc nhỏ mịn, Usnisa nổi gồ vừa phải, hơi nhọn, vai xuôi, cơ thể thon mảnh, bụng phình nhẹ. Hai bàn chân đứng hình chữ V, các ngón hơi xòe rộng, mu bàn chân đầy đặn. Tay trái trong tư thế Trấn an, tay phải đã bị gẫy. Trang phục dài gần tới mắt cá chân, hơi xòe trên cổ chân phải, vắt thành tà rộng và khá dày ở bên trái.

    Pho tượng thứ hai có khuôn mặt hơi ngắn, vuông vức, cổ hơi to. Tóc gồm những búp xoắn ốc khá to. Chỏm Usnisa tạo thành một khối nổi tròn, thu nhỏ dần trên đỉnh, cơ thể lộ vẻ khô cứng, phần tà áo có vẻ nặng nề và dày hơn.

    Tượng phát hiện ở Nhân Nghĩa (Cần Thơ) cao 0,76 m, bị hư hỏng nặng, các tay đều đã gãy, các chi tiết trên khuôn mặt không còn. Pho tượng trong tư thế đứng lệch hông về phía phải. Tay trái trong tư thế giơ lên. Điểm đáng lưu ý là giữa hai ống chân không có khoảng hở và phần bệ là một khối tròn trơn. Một mảnh bàn tay còn lại từ phần cổ tay bằng gỗ cũng được phát hiện ở đây, có các ngón thanh mảnh, rõ móng. Ngón trỏ và ngón cái chụm thành hình gần tròn, các ngón khác cong khum, dài 30 cm, rộng 18 cm, dày 10 cm cho thấy pho tượng có thể cao tới hơn 2 m.

    Tượng Phật Giồng Xoài ở Kiên Giang là một phác thảo chưa hoàn chỉnh. Tượng trong tư thế lệch hông phải, đầu gối trái chùng, tay trái giơ lên, bàn tay không thể hiện rõ nét, tay phải buông xuôi dọc thân, khuôn mặt đầy đặn, thon dài, cằm tròn, chỏm Usnisa nhọn. Cổ hơi to ngang, bụng hơi lớn, sau lưng phẳng bẹt. Trang phục dài sát cổ chân, tạo thành tà ngang dưới chân. Bệ đơn giản, có dạng hình tròn trơn. Đôi chân cũng thuộc dạng phác thảo không thể hiện ngón.

     Tượng Phật gỗ Giồng Xoài

    Với những đặc điểm đó cho thấy các pho tượng thuộc nhóm 2 mang nhiều đặc điểm bắt nguồn từ phong cách nghệ thuật Gupta đặc biệt là từ trường phái Sarnath. Song nhiều chi tiết được kế thừa từ nhóm thứ nhất. Sự pha trộn giữa các ảnh hưởng, sự sáng tạo riêng của các nghệ sĩ đồng bằng Sông Cửu Long được thể hiện rất rõ ở lối khoác áo có tà rộng nhưng để trơn, các nếp được túm lại và kéo lên ngang bụng trong tay trái. Những ý tưởng sáng tạo còn được thể hiện trên nhiều chi tiết đặc biệt là khuôn mặt. Nghệ thuật tượng tròn đã đạt đến đỉnh cao với phong cách hiện thực kết hợp với tính chất thần thánh hóa của các pho tượng. Về niên đại, chúng thuộc thế kỷ 5-6, giai đoạn phát triển của văn hóa Óc Eo.

    Nhóm 3: Tượng Phật trong tư thế đứng thẳng (Samabhanga). Pho tượng còn nguyên vẹn nhất được phát hiện ở ấp Lợi Mỹ, làng Phong mỹ, tỉnh Sa Đéc cũ, thuộc cuối rìa phía Nam vùng Đồng Tháp Mười. Tượng trong tư thế đứng thẳng trên bệ sen. Bệ có hình tròn, thắt giữa tạo thành 2 tầng. Tầng trên gồm một lớp cánh tròn, đầu cánh thuôn nhọn và nhiều lớp xen kẽ nhỏ hơn. Phần nhụy tròn giữa tạo thành bệ. Tầng dưới gồm một lớp đài sen úp, 2 lớp cánh tạc trên một nền trụ tròn phía dưới. Tượng có khuôn mặt hơi gãy, miệng mím với hai vành môi rõ, cằm lẹm hơi đưa ra. Hàm hơi vuông, tai cong, dái tai dài gần chấm vai. Chỏm Usnisa hơi nhọn. Phần đầu không nhận thấy các lọn tóc. Cổ không có ngấn. Thân thể được tạc khá thon mảnh, vai ngang, ngực rộng, eo thon, đùi thẳng và chắc. Hai tay gập vuông góc, đưa ngang ngực trong tư thế Thuyết Pháp. Đức Phật khoác cà sa kín hai vai và dài tới cổ chân.

     

    Tượng Phật gỗ Phong Mỹ, Đồng Tháp

     

    Vào khoảng thế kỷ II - IV, bên cạnh những hiện vật được du nhập từ nhiều vùng khác nhau, đã có những tác phẩm mô phỏng và sáng tạo độc đáo, chủ yếu là trên chất liệu gỗ. Tượng Phật gỗ là sản phẩm đặc trưng của nghệ thuật văn hóa Óc Eo ở đồng bằng sông Cửu Long, vừa phản ánh tính chất tiếp thu các luồng ảnh hưởng nghệ thuật mới, vừa bộc lộ những nét bản địa chân chất, bền vững trong sự sáng tạo đa dạng. Những pho tượng Phật gỗ là những tác phẩm điêu khắc đặc sắc đã được cư dân cổ đồng bằng sông Cửu Long tạo ra và góp phần làm nên những tinh hoa của nghệ thuật Phật giáo Việt Nam ngay từ những thế kỷ đầu Công nguyên.

    Lê Khiêm tổng hợp

    Nguồn: Hoàng Nghị, Nguyễn Anh Tuấn, Tượng Phật gỗ văn hóa Óc Eo.

    Những bảo vật của văn hóa Việt Nam. Cổ vật tinh hoa 2004, số 9, tr. 28-29.



    Nguồn tin:Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
    • Font
    • In bài
    • Gửi cho bạn bè
    • Ý kiến

    Đèn cổ Việt Nam

    Cổ vật Việt Nam

    Văn hóa Óc Eo – Phù Nam

    Đèn cổ Việt Nam


    • Khu vực:

    Liên kết Website

    Thống kê truy cập

    • Trực tuyến: 253
      Thành viên online:
      1.host
      Số lượt truy cập: 8827690