|
Chùa Phước Lâm
12/11/2008 10:16
Chùa Phước Lâm tọa lạc tại ấp Xóm Chùa, Xã Tân Lân, huyện Cần Ðước, tỉnh Long An. Vào năm 1880, một lương y kiêm điền chủ ở làng Tân Lân, ông Bùi Văn Minh , đã đứng ra dựng chùa này vừa thờ Phật vừa làm từ đường cho dòng họ Bùi. Vì có công với làng nên ông Minh khi mất được dân chúng tôn làm hậu hiền và đưa vào phối tự trong đình Tân Lân. Ngôi chùa do ông lập ra ngoài tên chữ hán là Phước Lâm Tự ra còn có tên là chùa ông Miêng (do lệ cử tên húy ông Minh). Nhìn về tổng thể, ngôi chùa gồm 3 phần: Chánh điện - hậu tổ, khu mộ tháp và nhà trù. Chánh điện là một ngôi nhà lớn được xây dựng theo kiểu ''bánh ít'', có móng đá xanh, tường gạch, lợp ngói vảy cá. Toàn bộ cột chùa chùa đều bằng danh mộc hình trụ tròn, được kê trên các chân tán đá xanh, liên kết với nhau bởi hệ thống xiên, vì kèo, sườn mái tạo cho không gian bên trong sự rộng rãi thoáng mát. Nội thất chánh điện chùa Phước Lâm còn giữ được những nét cổ kính dù trải qua nhiều lần trùng tu với hơn 40 tượng Phật, Bồ Tát, Ngọc Hoàng, Thị Giả, Thập Điện Diêm Vương, Thiện, Aùc, Hộ Pháp, Kim Cương
và nhiều bộ bao lam, hoành phi, liễn đối được sơn son thếp vàng rực rỡ. Đa số tượng Phật có chất liệu gỗ, đồng được chế tác từ thế kỷ XIX với một phong cách nghệ thuật mang đậm nét văn hóa Phật giáo Nam Bộ.
|
|
Có một pho tượng rất đặc biệt tạc một vị Bồ Tát mình mặc cà sa, tay cầm phất trần, ngồi trên long mã bằng gỗ. Những bộ bao lam, hoành phi, liễn đối đều được chạm trổ rất công phu và là sản phẩm của cánh nghệ nhân họ Đinh ở Tân Lân Cần Đước(1).
|
Chùa Phước Lâm |
|
|
Đặc biệt nhất là bức hoành '' Pháp luân thường chuyển chạm lộng nhiều lớp có dạng cuốn thư với chủ đề cúc trĩ. Chữ thọ được chạm nổi tách làm đôi ở hai đầu cuốn thư và 4 chữ pháp luân thường chuyển sơn đỏ trên nền vàng góp phần làm tăng đường nét tinh xảo, sinh động cho hoành phi.
|
Đây là một trong những bức hoành đẹp nhất ở Long An chứng minh cho trình độ nghệ thuật điêu luyện của nghề chạm khắc gỗ ở Cần Đước đã phát triển mạnh vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Cũng như những ngôi chùa làng khác ở Nam Bộ, phía sau chánh điện chùa Phước Lâm là tổ đường theo đúng công thức ''Tiền Phật, Hậu Tổ''. Tổ đường có bàn thờ và di ảnh của các vị trụ trì đã quá vãng, di ảnh và bàn thờ Bùi Công- người lập chùa , và bàn thờ của họ Bùi. Phía Ðơng chánh điện là 4 ngôi mộ tháp khá cổ kính trong đó có tháp bảo đồng của tổ khai sơn Hồng Hiếu và chư vị trụ trì đã quá vãng. Chùa Phước Lâm là tổ đình của hệ phái Lục Hòa ở Cần Đước. Vào những ngày rằm khá đông thiện nam, tín nữ đến chùa lễ Phật, cầu kinh như để xua đi bao nổi ưu phiền của cuộc sống đời thường và hòa đồng với nhau trong tình thương bao la của Phật. Nhà nghiên cứu Trần Hồng Liên có viết: ''Chùa Phước Lâm tiêu biểu cho hình ảnh của một ngôi chùa cổ ở Nam Bộ, nhưng tiếc rằng ngôi già lam thể hiện một mảng văn hóa Phật giáo Nam Bộ này lại đang bị hư hại trầm trọng theo sự tàn phá nhanh chóng của thời gian''. Vào năm 2001, chùa Phước Lâm đã được Bộ Văn Hóa Thông Tin ra quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia.Với tấm lòng quý yêu một di sản văn hóa của cha ông,trong tuong lai ngôi cổ tự này sẽ được các cơ quan chức năng và đồng bào phật tử hợp sức trùng tu, tôn tạo để mãi mãi là một danh lam, một niềm tự hào của nhân dân địa phương.
|
(1) Cánh thợ họ Đinh ở Cần Đước làm nghề chạm gỗ đến nay đã 5 đời. Tổ của họ này là nghệ nhân Đinh Văn Trì (sinh khoảng 1841) đã truyền nghề cho các nghệ nhân nổi tiếng sau: Đinh Công Tùng, Đinh Công Cai (thế hệ thứ 2); Đinh Văn Tất, Đinh Công Tồn (thế hệ thứ 3); Đinh Văn Năm (thế hệ thứ tư) Cánh thợ họ Đinh đã để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng ở chùa Giác Lâm (TPHCM), Hội quán Nghĩa Nhuận, Xóm Nhà Giàu (Xã Thanh Phú Long -Châu Thành), nhà Ông Cai Bằng (Tân Ân - Cần Đước), nhà Bà Phủ Phải (Chợ Quán -TPHCM)
|
|
|
|
|