Lê Thì Hiến (hay còn gọi là Lê Thời Hiến, ông sinh năm 1611, mất năm 1676). Là một danh tướng dưới thời vua Lê Thần Tông. Ông sinh ở làng Phú Hào, huyện Lôi Dương, tỉnh Thanh Hóa nay là thôn Phú Hào, xã Thọ Phú, hyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông là một trong những vị tướng có tài thao lược, đánh đông dẹp bắc đều toàn thắng. Trong sự nghiệp binh đao của mình, ông đã được triều Hậu Lê phong tặng nhiều huân danh cao quý như: Đô đốc Đồng tri, tước Hào Quận Công, rồi thăng Hữu Đô đốc.
Cảnh tượng hoang tàn nhìn từ ngoài khu di tích
Voi phục và ngựa nằm phơi sương, phơi nắng
Năm Kỷ Hợi 1659, ông được phong Thiếu bảo, trấn thủ ở Nghệ An, Sơn Tây, Tuyên Quang. Năm Giáp Dần 1674, ông được thăng Thái phó. Sau khi mất được tặng Thái tể thụy là Nghiêm Trí và được chính quyền phong kiến lúc bây giờ xây dựng văn bia, lăng mộ (năm 1677) để tưởng nhớ công lao to lớn của ông.
Quần thể di tích Lê Thì Hiến rộng gần 10ha, tọa lạc ở một vị trí khá đẹp ở thôn Phú Hào, xã Phú, huyện Triệu Sơn (Thanh Hoá). Phía Đông, phía Nam được bao bọc bởi dòng sông nhà Lê, phía Bắc là cánh đồng lúa mênh mông, trong khuôn viên có nhiều cây cổ thụ to cao, tạo cho không gian di tích như một ốc đảo nhỏ, linh thiêng trong một không gian tĩnh lặng.
Di tích được xây dựng dưới thời vua Lê Thần Tông để tưởng nhớ công lao của danh tướng Lê Thì Hiến - người đã có nhiều chiến công hiển hách trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước thời bấy giờ.
Hương án không có mái che
Trước đây, quần thể di tích này có tới 18 pho tượng quận công được làm bằng đá khối, đường nét chạm khắc tinh xảo, voi đá, ngựa đá ngồi chầu, bia đá khắc chữ Hán Nôm... Thế nhưng, trải qua thăng trầm, biến cố của lịch sử và thời gian, di tích này đã bị tàn phá gần như hoàn toàn, chỉ còn lại một số dấu tích như: Một đôi voi phục, một đôi tuấn mã, văn bia, hương án, sập ngự…các bệ thờ mọc rêu, xuống cấp nghiêm trọng. Bia đá khắc chữ Hán Nôm bị rạn nứt, các chân tảng bằng đá vứt ngổn ngang.
Năm 1993, di tích đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đây được xem như những dấu tích quý giá còn sót lại và có ý nghĩa quan trọng đối với ngành điêu khắc đá của Việt Nam và hơn hết là sự công nhận về những giá trị lịch sử, văn hóa đối với di tích này.
Thế nhưng, kể từ khi được Nhà nước công nhận là di tích đến nay, quần thể trên chỉ được đầu tư xây dựng một bức tường bao quanh, còn mọi thứ dường như vẫn chưa được quan tâm đầu tư xứng tầm, khiến cho nó đang dần bị lãng quên.
Sập ngự thờ cũng không được bảo vệ
Nhìn cảnh tượng khu di tích khiến người ta cảm thấy đau xót cho những giá trị văn hóa, lịch sử mang tầm quốc gia đang ngày bị mai một. Toàn bộ khu lăng mộ đã gần như bị xoá sổ, chỉ còn lại một khoảng đất rộng được lát bằng những viên gạch chỉ đỏ. Bên trên là 2 hương án và một sập ngự thờ, phía ngoài lăng mộ là 2 đôi ngựa và voi đang chầu đối nhau…
Điều mà những người đến đây tham quan được chiêm ngưỡng và không khỏi trầm trồ thán phục những nét hoa văn tinh xảo khắc trên tấm văn bia bằng đá rất đẹp, nội dung văn bia ghi chép lại những công lao hiển hách của Quận công Lê Thì Hiến.
Cũng nằm trong quần thể được công nhận là di tích cấp Quốc gia, cách khu lăng mộ Lê Thì Hiến không xa, đang còn lưu lại 2 tấm bia đá khá đẹp, nó được dựng lên để tưởng nhớ công lao của Danh tướng Lê Thì Hải (con nuôi của Lê Thì Hiến) và các công thần thời Hậu Lê. Trong 2 tấm bia trên, thì tấm bia ghi lại công trạng của các vị tướng họ Lê được liệt vào một những tấm bia đẹp và hoành tránh nhất miền Bắc.
Tấm văn bia được xem là thuộc loại đẹp nhất miền Bắc đang bị biến thành bờ rào của nhà dân xung quanh
Tấm bia này được ghép lại từ 6 tảng đá xanh, rộng 6m, cao 1,8m, trên tấm bia ghi chép khá chi tiết công trạng của những người có công. Đặc biệt tấm bia được điêu khắc, chạm trổ khá đẹp, phía trên bia có mái che thoai thoải như mái đình, phía dưới bia có các họa tiết, hoa văn rồng, phượng, hoa cúc…, thể hiện bàn tay tài hoa của các nghệ nhân điêu khắc thời bấy giờ.
Thế những dường như tất cả những giá trị văn hóa, lịch sử có giá trị đó sau khi đã được công nhận, dường như nó đang bị lãng quên, mặc cho thời gian và mưa nắng tàn phá.
Những họa tiêt, hoa văn được các nghệ nhân điêu khắc trên tấm văn bia
Ông Chu Kim Tưởng, cán bộ văn hoá xã Thọ Phú cho biết: “Kể từ khi được công nhận là di tích Quốc gia đến nay, di tích này dường như bị lãng quên. Chúng tôi đã nhiều lần báo cáo lên cấp trên xin hỗ trợ để duy tu, bảo vệ di tích nhưng vẫn chưa thấy gì. Năm 2008, 2009 mỗi năm xã được cấp trên hỗ trợ 50 triệu đồng để làm mái che cho 2 bia đá, thế nhưng khi lập dự toán thiết kể số tiền cần cho mỗi tấm bia lên tới 100 triệu, nên xã không thể cáng đáng nổi”.
Còn theo ông Phạm Như Hoàn, Chủ tịch UBND xã Thọ Phú thì chính quyền địa phương cũng như nhân dân đang rất cần sự quan tâm của các cấp, cũng như các nhà hảo tâm trước mắt làm một mái che để che các hương án, các đồ thờ cúng khỏi bị mưa nắng bào mòn, để những ngày dỗ, ngày lễ nhân dân và du khách thập phương không phải hành lễ ngoài trời.
Duy Tuyên - Phú Nhuận