NTO - Năm 1803, Gia Long ra Bắc, chọn làng Vĩnh Yên nằm phía Tây Bắc Dũng Quyết (khu vực thành cổ bây giờ) xây trấn sở. Năm 1804 chính thức dời trấn từ Dũng Quyết về Vĩnh Yên, cho xây thành Nghệ An bằng đất. Mãi đến năm 1931 vua Minh Mạng mới cho xây lại thành bằng đá ong theo kiểu Vauban (Vauban là tên một tướng Pháp có sáng kiến thiết kế kiểu thành này).
Thành có 6 cạnh, chu vi dài 2.412m, cao 4,42m, diện tích 420.000m², bao xung quanh có hào rộng 28m, sâu 3,20m. Lúc khởi công, Triều đình nhà Nguyễn đã huy động 1000 lính Thanh Hoá, 4000 lính Nghệ An. Đến thời Tự Đức, khi nâng cấp phải lấy 8.599 phiến đá sò từ Diễn Châu và đá ong từ Nam Đàn, 4.848 cân vôi, 155 cân mật mía, với tổng kinh phí là 3.688 quan tiền. Toà thành là chứng tích của nhiều sự kiện lịch sử thời nhà Nguyễn và cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta.
Thành cổ có 3 cửa ra vào, cửa tiền là cửa chính hướng về phía Nam, cửa để Vua ngự giá, các quan trong lục bộ triều đình và Tổng đốc ra vào. Cửa Tả hướng về phía Đông, cửa hữu hướng về phía Tây, muốn đi qua các cửa đều phải qua một cái cầu. Bên trong, công trình lớn nhất là hành cung, phía Đông Hành cung có dinh Thống Đốc, phía Nam có dinh Bố Chánh và án Sát, dinh lãnh binh, dinh đốc học, phía Bắc có trại lính và nhà ngục. Sau này phía Tây có nhà giám binh người Pháp. Toàn bộ được trang bị 65 khẩu thần công, 47 khẩu đặt ở các vọng gác, số còn lại tập trung ở hành cung và dinh thống đốc.
Trải qua nhiều biến cố của lịch sử và sự phá hoại của chiến tranh, di tích Thành cổ hầu như không còn lại gì, chỉ còn lại 3 cổng thành và khu hồ bao quanh, trùng tu lại được 2/3 cổng thành đồng thời quy hoạch khôi phục lại di tích và cải tạo thành một công viên văn hoá lớn của Thành phố gọi tên là Công viên Thành cổ Vinh với quần thể các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí, du lịch văn hoá đa dạng, phong phú.
Thông tin địa danh:
Địa chỉ: Phường Quang Trung, Thành phố Vinh, Tỉnh Nghệ An.