MẠC CỬU
Saturday, September 12, 2009 3:59:38 PM
Trước khi đám di thần nhà Minh do Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên cầm đầu trốn sang nước ta (1679), Mạc Cửu người quê xã Lê Quách, huyện Khang Hải, phủ Lôi Châu (Quảng Đông) không phải là quan lại nhà Minh mà là thương nhân, cũng bỏ nước ra đi khi nhà Thanh chiếm Trung Quốc.
Ông là chủ thuyền buôn, đi lại buôn bán trên các tuyến đường biển từ Trung Quốc đến Philippine Bâtvia (Indonesia)..có lẽ do cộng tác chặt chẽ với Trịnh Thành Công ở Đài Loan. Khi thấy nhà Minh không thể phục hưng được, ông lập nghiệp luôn ở Chân Lạp. Là một nhà buôn tháo vát, lanh lợi có tài kinh bang tế thế, nói thạo tiếng Chân Lạp, khoảng năm 1860, ông được vương quốc này là Nặc Nộn mời làm quan và phong cho chức Óc Nha. Thấy chính sự nước này rối ren, mà đất Mang Khảm(tên vùng đất Hà Tiên lúc ấy) thuộc tỉnh Peam (người Tàu gọi Phương Thành) có nhiêu thương nhân nước ngoài đến làm ăn buôn bán, tụ tập mở sòng bạc lấy xâu (gọi là thuế hoa chi). Ông xin đến khai thác, ông bao thầu thuế ấy, rồi lại đào được một hầm bạc chôn, nên mấy chốc trở lên giàu có, ông chô xây một tòa thành trên bờ biển, mở phố xá, chiêu mộ lưu dân đến ở các nơi: Phú Quốc, Cần Bột (Kampot), Rạch Giá (Gia Khê), Luống Cày (Lũng Kỳ), Hương Ức (Vũng Thơm, Kompong Som) lập được bảy xã thôn.
Vào khoảng năm 1687, quân Xiêm đến cướp phá Hà Tiên, bắt ông cùng gia quyến đưa về Xiêm cho ở tại cảng Muang Galapuri (người Tàu gọi là Vạn Tuế Sơn). Hai năm sau, nhân lúc nước Xiêm có loạn, ông trốn về Lũng Kỳ (Trũng Kỳ) rồi sau đó mới về được Mang Khảm. Ông bắt tay vào việc khôi phục Hà Tiên. Trước sự đe dọa của Xiêm và sự yếu kém của Chân Lạp, ông tìm chỗ nương tựa. Nghe lời khuyên của mưu sĩ, năm 1708, Mạc Cửu đem đất Hà Tiên dâng cho chúa Nguyễn. Việc này được Đại Nam liệt truyện, tập 1, quyển 6 của Quốc sử quán chép như sau:
"Mạc Cửu người Lai Châu, tỉnh Quảng Đông. Khi nhà Minh mất, người Thanh bắt dân cắt tóc. Mạc Cửu cứ để dài, đi sang Nam. Đến nước Chân Lạp, Cửu làm Óc Nha. Thấy phủ Sài Mạc có người Kinh, người Trung Quốc, người Chân Lạp và Chà Và buôn bán đông đúc, Cửu bèn dời đến ở Phương Thành, mở sòng bạc gọi là "hoa chi" để lấy hồ. Lại đào được hố bạc do đó vọt lên gàu có. Cửu chiêu tập dân xiêu tán ở Phú Quốc, Cần Bột, Rạch Giá, Hương Úc và Cà Mau (Cà Mao), lập làm bảy xã thôn. Lại vì đất ở chỗ đó có người tiên ẩn hiện trên sông, nên gọi là Hà Tiên. Chỗ ấy gần núi, ven biển, có thể tụ tập buôn bán để sanh lợi. Gặp lúc người Xiêm xâm lấn Chân Lạp, người Chân Lạp vốn ươn nhát, gặp giặc là chạy. Tướng Xiêm gặp Cửu nhân dụ về nước. Cửu bất đắc dĩ phải đi theo. Vua Xiêm thấy trạng mạo của Cửu cho là lạ, vui mừng giữ lại, cho ở núi Vạn Tuế. Sau đó, nhân nước Xiêm có nội biến, Cửu bèn lén về Lũng Cả. Những dân xiêu tán qui phục với Cửu ngày một đông. Cửu thấy Lũng Cả đất hẹp không thể ở đông người được lại dời về Phương Thành. Thương nhân và lũ khác bốn phương theo đến đông nhiều.
" Có mưu sĩ là Tô Quân bảo Mạc Cửu:
Người Chân Lạp tính giảo quyệt gian trá, ít trung hậu, không thể lương tựa lâu được. Nghe nói chúa Nam triều có tiếng nhân nghĩa, uy đức vốn đủ tin, chi bằng đến gõ cửa xưng thần để gây thế bám rẽ vững chắc. Muôn một có biến cố gì thì nhờ vua giúp đỡ.
Cửu cho lời bàn là phải.
Hiển Tông hoàng đế, năm thứ 17 Mậu Tý (1708), mùa thu, Cửu cùng thuộc hạ là bọn Trương Cầu, Lý Xá mang ngọc lụa đến cửa khuyết xưng thần, xin làm Hà Tiên trưởng, Chúa thấy Cửu có tướng mạo khôi ngô kỳ liệt tiến lui cung kính, cẩn thận, khen là trung thành, bèn ban sắc cho làm thuộc quốc đặt tên trấn ấy là Trấn Hà Tiên, trao Cửu chức Tổng binh quan, cho ấn vàng thao. Lại sai nội thần tiễn Cửu ra ngoài cửa thành. Ai cũng cho là vinh dự.
Cửu về trấn dựng thành quách, lập doanh ngũ, đặt liêu tá, làm nhiều nhà khách để tiếp đón hiền tài. Dân đến ở ngày càng đông, Hà Tiên trở thành một nơi đô hội nhỏ.
Trước đó mẹ Cửu là Thái thị nhớ con ngày một tha thiết, bèn từ Lôi Châu vượt biển đến, Cửu hiếu dưỡng đầy đủ, ở đã được lâu. Một hôm bà mẹ vào chùa Tam Bảo, cúng lễ phật rồi bỗng nghiễm nhiên trước phật mà hóa. Cửu nhân đúc tượng mẹ đặt vào chùa mà thờ. Tượng ấy đến nay vẫn còn.
Mùa xuân năm Ất Mùi (1715), quốc vương Chân Lạp là Nặc Thâm đem quân Xiêm đến đánh Hà Tiên, Cửu chống không nổi, chạy ra Lũng Cả. Nặc Thâm cướp lấy của cải đồ vật rồi bỏ đi. Cửu liền về Hà Tiên, đắp thành, đặt nhiều điếm canh, làm kế phòng thủ nghiêm ngặt.
Mùa hạ năm Ất Mão (1735), Cửu ốm chết, thọ hơn 80 tuổi, được tặng phong Khai trấn thượng trụ quốc đại tướng quân Vũ nghị công..."
Theo sử Cao Miên thì: "Năm 1710, sau khi quốc vương Thomo Reachea bỏ thủ đô, Ang Em(Nặc Ông Em) lên ngôi. Đây là lần thứ nhì ngài trị vì. Trong ba năm 1711, 1716 và 1722, Ngài đẩy lui ba lần tấn công của Thomo Reachea nhờ quân Xiêm trợ giúp. Ngài nhờ triều đình Huế che trở và giúp về mặt quân sự Ngài phó thác việc phòng thủ các tỉnh Peam (Hà Tiên), Kampot, Kompong Som cả cù lao Phú Quốc cho một người Trung Hoa tên là Mạc Cửu. Họ Mạc gốc Quảng Đông di cư sang Cao Miên sau khi nhà Minh bị nhà Thanh lật đổ. ông gầy dựng được một sự nghiệp tô tát nhờ mở sòng cờ bạc. Ông cho xây dựng một pháo đài ở Peam, tuyển mộ quân sĩ và thủy thủ. Có lần một hạm đội Xiêm đến gần thị trấn định đổ bộ giúp Thomo Reachea, bị quân Mạc Cửu tiêu diệt gần hết. Tuy nhiên đến năm 1715, Mạc Cửu qui phục chúa Nguyễn, quốc vương Ang Em thuận cho người Việt Nam kiểm soát bờ biển từ miền Nam đến Xiêm. Về sau, hoàng triều Cao Miên lấy lại quyền hành trực tiếp hai tỉnh Kampot và Kompong Som, nhưng tỉnh Peam (Hà Tiên) và cù lao Phú Quốc vẫn còn bị hậu duệ của Mạc Cửu "cai trị cho vua Việt Nam".
Chính sử Chân Lạp cũng thừa nhận chủ quyền quản lý hợp pháp (theo quan niệm thời ấy) của chúa Nguyễn trên vùng đất này. Tuy nhiên suy cho cùng trong bối cảnh tranh dành quyền lực ở nội bộ hoàng gia Chân Lạp, các bên tranh chấp đều tìm kiếm liên minh để tăng thêm sức mạnh hầu thủ thắng, một phe dựa vào người Xiêm, còn phía kia dựa vào người Việt là điều đương nhiên.
Như vậy, đến năm 1708 trên vùng đất Thủy Chân Lạp đã có ba trấn (Trấn Biên, Phiên Trấn và Hà Tiên trấn) thuộc phủ Gia Định trực thuộc chính quyền của chúa Nguyễn (Đàng Trong).
Thi sĩ Đông Hồ có thơ nói về công trạng của hai cha con họ Mạc như sau:
Nghĩ vịnh Mạc Cửu và Mạc Thiên Tích (Trích) :
Chẳng đội trời Thanh Mãn
Lần qua đất Việt bang
Triều đình riêng một góc
Trung hiếu vẹn đôi đường
Trúc thành xây vũ lược
Anh Các cao văn chương
Tuy chưa là cô quả
Mà cũng đã bá vương
Bắc phương khi vỡ lở
Nam hải lúc kinh hoàng
Giang hồ giữa lang miếu
Hàn mạc trong chiến trường
Đất trời đương gió bụi
Sự nghiệp đã tang thương...
lăng Mạc Cửu
Từ thị xã Hà Tiên đến Ao Sen chừng 800 mét là tới chân núi Bình San, còn gọi là núi Lăng vì trên núi có lăng mộ Mạc Cửu, các vị phu nhân, con cháu và tướng lĩnh của họ Mạc. Bình San là một ngọn núi tuy không cao nhưng giống như một bức bình phong che chở cho thị xã. Thuở xưa, Mạc Thiên Tích, con của Mạc Cửu, đã cho đào dưới chân núi một cái ao lớn hình bán nguyệt để trồng sen và lấy nước cho dân dùng, gọi là “Bán Nguyệt liên trì”, dân dã gọi là Ao Sen. Thời Pháp thuộc, đào thêm hai ao bên cạnh, về sau ao được nới liền để chứa nước phục vụ nhu cầu mùa nắng cho dân địa phương.
Từ chân núi đi lên một đỗi, trước mắt chúng ta là cổng đền thờ họ Mạc, có hai câu liễn đối bằng chữ Hán do nhà Nguyễn ban tặng họ Mạc:
Nhất môn trung nghĩa gia thinh trọng
Thất diệp phiên hàn quốc lũng vinh
(Một nhà trung nghĩa danh thơm cả họ
Bảy lá giậu che, cả nước mến yêu
Trương Minh Đạt dịch)
Bên trong cổng là một khoảng sân rộng cùng nhiều cây xanh quanh năm xào xạc tạo cho không gian lăng mộ lúc nào cũng yên tĩnh và trầm mặc. Đối diện cổng là đền thờ Mạc Cửu, cột vuông, có hoành phi và liễn đối. Tuy công trình đã khởi xây từ thế kỷ 18 nhưng nhờ bảo quản tốt và trải qua nhiều lần trùng tu nên các hoa văn, họa tiết ở một số hiện vật vẫn còn sắc sảo. Trước đền có một cặp sư tử đá trông uy nghi dù đã bị thời gian và mưa gió bào mòn ít nhiều. Tại chánh điện đền có một biển thờ đề bốn chữ “Khai trấn trụ quốc” là lời tuyên dương của nhà Nguyễn trước công đức mở mang bờ cõi của dòng họ Mạc. Trên vách đền có ghi lại những bài thơ trong “Hà Tiên thập vịnh” của Mạc Thiên Tích.
Cả lăng và đền thờ Mạc Cửu đều do Mạc Thiên Tích thiết kế, xây dựng từ năm 1735 đến năm 1739. Theo nhận xét của một số nhà nghiên cứu thì lăng mộ Mạc Cửu được bố trí theo thuật phong thủy. Mặt tiền đền quay về hướng Đông, nơi có núi Tô Châu với dòng lưu thủy Đông Hồ, lưng tựa vào vách núi hình vòng cung vững chãi, bên trái là núi Bát Giác, bên phải là Đại Kim Dự.
Phần lăng mộ Mạc Cửu nằm giữa những bức tường kiên cố, các bậc thềm đều cẩn đá xanh, có tảng dài đến ba mét, do các nhà buôn Trung Hoa thời bấy giờ chở từ Quảng Tây sang tặng. Ngôi mộ lớn nhứt của Mạc Cửu có hình bán nguyệt khoét sâu vào núi, núm mộ có hình dáng như một con trâu nằm (thế tọa ngưu). Hai bên mộ trước kia có hai tượng tướng sĩ oai phong cầm gươm đứng hầu, chạm trổ tinh vi. Khu mộ rất kiên cố nên dù đã trải qua ba thế kỷ nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc ban đầu, chỉ đáng tiếc là hai bức tượng bằng đá xanh đã bị trộm được thay bằng tượng xi măng.
Lần theo các lối mòn và những bậc thềm rêu phong là đến mộ phần của gia đình và tướng tá dòng họ Mạc. Phía dưới lăng Mạc Cửu là mộ bà Nguyễn Thị Hiếu Túc, vợ Mạc Thiên Tích (trái) và mộ Mạc Tử Hoàng (phải) rồi đến mộ Mạc Thiên Tích (cũng giống như mộ cha nhưng bày trí khiêm nhường hơn).
Tương truyền, xưa kia trên đỉnh Bình San còn có nền Xã Tắc là nơi Mạc Thiên Tích thường đến tế chiến sĩ trận vong và nền Xuyên Sơn là nơi làm lễ tế trời đất hằng năm vào ngày mùng chín tháng Giêng âm lịch. Đi vòng theo chân núi chừng 3 cây số sẽ gặp một ngôi chùa do Mạc Thiên Tích xây cho nàng thứ thiếp là Phù Cừ tu hành. Đó là chùa Phù Dung.
Trước năm 1975, cảnh quan Bình San còn hoang sơ, cây cối um tùm không được khang trang đẹp đẽ như bây giờ, nhưng lúc đó trước lăng Mạc Cửu có một cây mai bạch to lớn nổi tiếng khắp vùng, nhứt là mùa trổ bông, hương mai thoang thoảng giúp cho mọi người cảm thấy lâng lâng, sảng khoái. Đó là Nam mai , còn gọi là mai mù u. Trên thân cây có treo tấm bảng “Cây mai được đưa từ Quảng Tây qua trồng vào năm 1720”. Nhà thơ Đông Hồ đã từng đem hoa mai nầy ướp trà đãi khách quí ở Sài Gòn. Hiện nay cây mai nầy đã mất dấu tích nhưng trên núi Bình San vẫn còn rải rác nhiều cây mai con.
.
....