Khi Thực dân Pháp chiếm Hà Nội, Tổng thống PhápCarnot, ký sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội ngày 19 tháng 7 năm 1888. Hà Nội nằm dưới quyền một Đốc lý (Maire) người Pháp thuộc Thống sứ Bắc Kỳ. Từ năm 1902, Hà Nội trở thành thủ đô của toàn Liên bang Đông Dương. Hà Nội được quy hoạch theo hướng của một đô thị kiểu phương Tây. Phố xá được chỉnh trang theo các Nghị định của Toàn quyền Đông Dương, Thống sứ Bắc Kỳ.
Cùng với việc mở rộng và phân chia Hà Nội thành 8 đơn vị hành chính cấp khu phố là việc đặt tên cho các đường phố cũ và mới và các công viên của Hà Nội. Các phố cũ thường vẫn được dùng theo tên gọi cũ, nhưng được ghi bằng tiếng Pháp, như rue de la Soie (Phố Hàng Đào), rue des Pipes (phố Hàng Điếu), rue des Saumures (phố Hàng Mắm), rue des Paniers (phố Hàng Bồ). Phần lớn tên các phố mới là tên người Pháp có liên quan đến Hà Nội và Việt Nam như: các toàn quyền Đông Dương (Ernest Constan, Paul Bert, Bonhour, Chavassieux, Paul Doumer...), các tướng, sĩ quan Pháp tham gia chiếm Hà Nội (Badens, Francis Garnier, Henri Rivière, Carreau...), các đốc lý Hà Nội (Parreau, Beauchamp, Halais, Morel, Duvillier, Eckert...), cố đạo (Alexandre de Rhodes, Puginier, Père Dronet, Landais, Lecornu ...), kiến trúc sư (Hébrard), nhà nhiếp ảnh (Dieulefils), nhà khoa học nhân văn (Gustave Dumoutier, Bonifacy ...), bác sĩ (Pasteur, Calmette). Cũng có một số phố dùng chữ Việt, mang tên các danh nhân Việt Nam (Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, Lê Quý Đôn, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Nguyến Khuyến, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ ..), vua quan nhà Nguyễn (Gia Long, Đồng Khánh, Phạm Phú Thứ, Hậu Quân Chất, Tiền Quân Thành, Hoàng Cao Khải ...), một số người Việt tham gia quân đội Pháp (Đỗ Hữu Vị, Sergent Giác ...), địa danh cũ của Hà Nội (Sông Tô Lịch, Tô Tịch, Gia Ngư, Bạch Mai ...), địa danh các tỉnh thành phố Việt Nam (Bắc Ninh, Sơn Tây, Tuyên Quang, Huế ...) thậm chí cả tên các chủ đất có nhà cho thuê (Bảo Hưng, Chân Hưng, Đại Lợi, Tân Hưng ...).
Tuy nhiên các phố mang chữ Việt thường là phố nhỏ. Ví dụ : trong Nghị định ngày 22/2/1890 của Thống sứ Bắc Kỳ Brière về quy định chiều dài, chiều rộng lòng đường và vỉa hè, hướng của các phố cho từng phố một. Các phố như Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường... có chiều rộng lòng đường là 8m, và mỗi bên vỉa hè là 3m. Các phố hẹp hơn như phố hàng Bát Sứ, Hàng Thiếc, Thuốc Bắc ... có chiều rộng lòng đường là 6 m, và mỗi bên vỉa hè là 3 m. Các phố mới xây dựng như Paul Bert (Tràng Tiền), Đồng Khánh (Hàng Bài) tương ứng là 13 m và 6,5 m.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), tháng 4 năm 1945, chính phủ Trần Trọng Kim thành lập. Ngày 20/7/1945, Nhật giao lại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng cho người Việt quản lý về mặt hành chính. Bác sĩ Trần Văn Lai (1894 – 1975) được mời làm Đốc Lý Hà Nội. Trong thời gian ngắn ngủi gần 1 tháng, Bác sĩ Trần Văn Lai đã làm được hai việc chính: 1. các giấy tờ, sổ sách tại tòa đốc lý Hà Nội được dùng tiếng Việt để ghi chép, 2. Đổi lại các tên đường phố và công viên tại Hà Nội.
Để thực hiện việc thứ 2, bác sĩ Trần Văn Lai đã cho thành lập Hôi đồng xét về việc đổi tên các phố và công viên của Thành phố Hà Nội. Theo báo Tin Mới, do ông Tam Lang làm chủ bút, số 168, ra ngày thứ ba 31/7/1945, ngay sau cuộc họp thứ hai, “Hội đồng đã tìm đủ tên các danh nhân, liệt sĩ để đặt tên các phố Hà Nội”, và “Hội đồng đã ưng chuẩn lời đề nghị sẽ đặt hai phố mang tên ông Bạch Thái Bưởi và nhà thi sĩ Nguyễn Khắc Hiếu, thuộc vào loại phố mang tên các danh nhân”. Ngoài ra “ít nhiều nhà cách mệnh mưu cuộc đảo chính hồi Pháp thuộc đã bị xử tử bêu đầu tại Hà Nội cũng định đặt tên vào phố để kỷ niệm”. Mặt khác, “công cuộc tẩy trừ vết tích nô lệ hồi Pháp thuộc sẽ thực hiện bằng việc đầu tiên : hạ 4 tượng Paul Bert cạnh tòa thị chính, tượng Jean Dupuis đường bờ sông, tượng bà Đầm xòe ở vườn hoa Cửa Nam và đài kỷ niệm lính khố xanh sau nhà Cảnh sát Trung ương phố Hàng Trống.”
Ngày 1/8/1945, Bác sĩ-Đốc lý Hà Nội đích thân hạ lệnh phá bốn tượng trên và chứng kiến việc phá tượng. Các bức tượng bị hạ xuống được lưu tại Viện Quốc sĩ Bảo tàng. Ngày 3/8/1945, sau cuộc họp lần thứ ba, các Vườn hoa đã được đổi tên như : “Vườn Bách Thảo đổi là Lam Sơn, vườn hoa Paul Bert đổi là Thăng Long, vườn hoa Hàng Đậu đổi là Chi Lăng, vườn hoa Cửa Nam đổi là Tây Sơn, vườn hoa trước phủ Toàn quyền đặt tên là Ba Đình, vườn hoa cạnh phủ toàn quyền đặt tên là Văn Lang, vườn Erkert đổi là Lãng Bạc, vườn Con cóc đổi là Hồng Đức, vườn hoa đài kỷ niệm lính Khố xanh đổi là Thọ Xương, vườn Hébrard đổi là Kính Thiên, Place Négrier gọi là Đông Kinh Nghĩa thục...”. Các vườn Pasteur và Alexandre de Rhodes vẫn để nguyên tên cũ. Cầu Paul Doumer gọi là Cầu Long Biên. Đường Quan lộ từ ngã tư Khâm Thiên xuống Cống Vọng gọi là Việt Nam đại lộ...
Vườn hoa Con Cóc
|
Sau các cuộc họp lần thứ 5 và thứ 6, vào ngày 10/8/1945 việc đổi tên các phố và công viên đã hoàn tất. Như vậy, các tên phố phường của Hà Nội xưa được trả lại tên cũ bằng tiếng Việt như Hàng Đường (Sucre), hàng Than (Charbon), hàng Quạt (Éventails), hàng Đậu (Graines), Hàng Chĩnh (Vases), Hàng Bông (Coton)... Kể cả các phố đã bị lấy tên Pháp như Hàng Trống (Jules Ferry), Hàng Chuối (Beylier), Hàng Hương (Joffre), Hàng Khay (Paul Bert)...
Các tên phố mang tên người Pháp được mang tên các danh nhân Việt Nam : các vua có công với đất nước như Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tôn, Trần Nhân Tôn, Quang Trung; các tướng đã chỉ huy chống quân xâm lược như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương...; các nhà lãnh đạo khởi nghĩa chống Pháp như Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Thái Học, Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Trường Tộ, Đội Cấn ... , Các nhà yêu nước Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu..., các nhà thơ nổi tiếng : Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu v.v... Đặc biệt, phố Nguyễn Du được nhập vào với ba phố cũ là Dufourcq - Halais – Riquier trở thành một trong những phố dài, đẹp và thơ mộng ở Hà Nội. Các tên phố Gia Long, Đồng Khánh vẫn được giữ.
Có thể nhận thấy việc đặt tên cho các phố Hà Nội của Bác sĩ Trần Văn Lai theo mấy nguyên tắc sau: Các danh nhân có uy tín lớn được đặt tên cho các phố lớn; các tên phố có những mối quan hệ với nhau được đặt gần nhau và một điểm khác biệt với các thành phố khác trong các tỉnh khác là các danh nhân là Vua của các triều đại dùng miếu hiệu như Đinh Tiên Hoàng (không gọi Đinh Bộ Lĩnh), Lý Thái Tổ (không gọi Lý Công Uẩn), Lê Thái Tổ (không gọi Lê Lợi), Quang Trung (không gọi Nguyễn Huệ). ...
Phố phường trung tâm Hà Nội
|
Ngày 19/8/1945, nhân dân Hà Nội khởi nghĩa giành lại Chính quyền. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập. Hà Nội trở thành thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bác sĩ Trần Duy Hưng (1912-1988) được giao làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội. Quê ông tại thôn Hòe Thị, nay thuộc xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Ngay trong những ngày đầu mới thành lập, mặc dầu Chính phủ còn phải tập trung vào “diệt giặc đói khổ, diệt giặc dốt nát, diệt giặc ngoại xâm”, nhưng việc xóa bỏ những “vết tích nhục cho quốc thể” là một việc cần phải làm ngay. Ngay trên Việt Nam Dân quốc công báo số 1, ra ngày thứ Bảy 29/9/1945 (trang 13) đã đăng tải Thông cáo của Chính phủ “về việc đặt tên đường phố và công viên tại các thành phố và tỉnh lỵ”. Toàn văn Thông cáo như sau :
“Thông cáo
Hiện nay tên các đường phố và các công viên tại thành phố và tỉnh lỵ còn có những tên đặt ra từ thời Pháp thuộc và Nhật xâm, không thích hợp với nước Việt nam độc lập, và là những vết tích nhục cho quốc thể.
Vì vậy công việc thay đổi tên phải tiến hành ngay, và việc chọn những tên sẽ căn cứ vào những điểm sau này:
1) Lấy tên các anh hùng hào kiệt đã từng tranh đấu cho nền độc lập và nền dân chủ cộng hòa của nước nhà;
2) Lấy tên các danh nhân lịch sử về mọi phương diện như văn hóa, xã hội, kỹ nghệ, vân vân...;
3) Lấy tên các địa phương có vết tích lịch sử như Bạch Đằng, Hoa Lư, vân vân...;
4) Những chữ có ý nghĩa như: Cộng hòa, Dân chủ, Phấn đấu, Tự do, Hòa bình vân vân...;
Các thị chính, các thành phố và ủy ban nhân dân tại các tỉnh, các địa phương sẽ thể theo ý nghĩa trên đây mà thi hành ngay”.
Thực hiện Thông cáo trên của Chính phủ, ngày 01 tháng 12 năm 1945, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã có Tờ trình về việc đặt tên phố do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Trần Duy Hưng ký được đăng tải trên Việt Nam Dân quốc Công báo số 21 ra ngày 25/5/1946, trang 287. Nguyên văn như sau :
“THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Tờ trình về việc đặt tên phố
Nguyên tắc
a) Tên dùng:
1) Giữ nguyên tên cũ của Hà Nội 36 phố phường;
2) Tên anh quân, danh tướng, văn gia, chiến công, các nhà cách mệnh cũ và mới;
3) Danh nhân ngoại quốc có liên lạc với Việt Nam: Nhâm-Diên, Tôn- trung- Sơn, Yersin;
4) Chia ra từng khu vực ở đó các tên phố có liên lạc với nhau;
5) Tên vườn hoa và khu phố (cité) cũng có liên lạc với phố ở liền đó.
b) Tên vườn hoa:
Trừ tên Pasteur, các tên vườn hoa khác, hoặc là một chiến công, hoặc là một nơi hội họp lịch sử. Tên vườn hoa lại liên lạc với tên phố hoặc có ý nghĩa tượng trưng:
Ví dụ: Vườn Chí - linh ở phố Lê - lai;
- Vườn Bình - than ở phố Trần- hưng- Đạo;
- Vườn Ba - đình ở phố Phan- đình- Phùng;
- Vườn Diên- hồng ở trước Bắc- bộ- phủ.
c) Tên phố:
- Các vĩ- nhân danh tiếng nhất đặt phố to nhất;
- Tên phố liên can đến nơi có các việc đã xảy ra;
Chia ra từng khu vực tên có liên lạc với nhau:
Khu độc lập: có vườn Độc- lập
- Phố Dân - chủ cộng- hòa
- Phố Nhân quyền
- Phố Hùng vương (tượng trưng độc lập đầu tiên, v.v)
Khu Quốc tử giám: Phố Sĩ nhiếp
- Phố Chu- văn-An
- Phố Ngô-sĩ-Liên v.v.
Khu trường Đại học: Phố Lê- thánh-Tôn
- Phố Trạng-Trình
- Phố Hàn-Thuyên, v.v.
Quanh thành cũ: các tướng Phan- đình- Phùng, Tôn-thất-Thuyết, Nguyễn- tri-Phương, Hoàng-Diệu
Khu bờ sông: các chiến công ở trên bờ sông:
- Bạch- đằng, Tây- kết, Vạn- kiếp, Vạn- đồn, v.v.
Các tướng đã đánh trận đó:
- Trần- quang- Khải, Trần- nhật- Duật, Nguyễn- Khoái, v.v.
Khu hồ Hoàn kiếm: Quanh hồ có Lê- thái- Tổ, Nguyễn-Trãi, Lê- Lai, Lê- Thạch, v.v.
Khu Giải phóng: có phố Gia phong, Đô- lương, Thái- nguyên, Tân- trào
d) Tên khu (cité)
Quê hương các vĩ nhân hoặc tên có ý nghĩa:
- Phố Trần- hưng- Đạo có các khu: Tứ- mạc Kiếp- bạc
- Phố Duy- tân có khu Nam- nghĩa
- Phố Trần- thánh- Tôn có khu Thiên -trường v.v.
Ngoài ra có mấy khu không liên lạc với tên phố nhưng để nhắc lại cảnh đau đớn của ách nô lệ: Cổ- am, Nghĩa- lộ.
Duyệt y
Hà nội ngày 1 tháng 12 năm 1945
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân
TRẦN DUY HƯNG” .
Cùng với tờ trình trên là Danh sách các đường phố và tên các vườn hoa được đổi tên (cũng được đăng tải trên các tr.288-291 của số Công báo nói trên).
Theo danh sách này, tên một số phố thời kỳ Bác sĩ Trần Văn Lai đã cho đổi tên vẫn được giữ . Có thêm một số danh nhân của Đảng cộng sản Đông Dương được đặt tên phố như Trần Phú, Phan Thanh. Và để thực hiện theo tờ trình nhiều Vườn hoa đã được đổi tên như Ba Đình thành Độc lập (trước Phủ Toàn quyền), Hồng Đức thành Diên Hồng (trước Bắc bộ phủ), Tây Sơn thành Bắc Sơn (Cửa Nam), Thọ Xương thành Tây Sơn (cạnh Thư viện), Độc lập thành Chi Lăng (Canh Nông), Chi Lăng thành Ba Đình (hàng Đậu), Cần Vương thành Yên Thế (cạnh Nhà hát lớn), Thăng Long thành Chí Linh (cạnh Bưu điện) .(Các địa điểm trên được ghi theo nội dung của tờ trình).. Và quanh Vườn hoa Độc lập (nay là quảng trường Ba Đình) là các phố Dân chủ Cộng hòa (nay là Điện Biên Phủ), Tự Do (Bà Huyện Thanh Quan), Hạnh phúc (nay là Tôn Thất Đàm), Dân Quyền (Hoàng Văn Thụ), Hùng Vương (nay vẫn giữ tên cũ).
Vườn hoa Canh Nông
|
Sau ngày Kháng chiến toàn quốc 19/12/1946, Chính phủ Hồ Chí Minh lên chiến khu Việt Bắc. Hà Nội bị Pháp tạm chiếm, tên phố lại được dùng như thời Pháp thuộc. Năm 1949, Chính phủ “Quốc gia Việt Nam” do ông Bảo Đại làm Quốc trưởng được thành lập. Tại Hà Nội, Dược sĩ Thẩm Hoàng Tín (1909-1991), được bổ nhiệm làm Thị trưởng Thành phố, việc đổi lại tên phố tiếng Pháp thành tên Việt lại được tiến hành lần nữa. Ngày 28/2/1951 Thị trưởng Thành phố Hà Nội Thẩm Hoàng Tín đã ban hành Nghị định số 138-ND ngày 28/2/1591 (được Thủ hiến Bắc Việt Nguyễn Hữu Trí duyệt y ngày 14/3/1951, số 1368-PTH-QĐ) về việc đặt tên mới các phố trong Thành phố bao gồm 355 phố và 20 vườn hoa. Cũng như Bác sĩ Trần Văn Lai và Bác sĩ Trần Duy Hưng, các tên phố Hà Nội cũ vẫn được Dược sĩ Thẩm Hoàng Tín gọi theo tên của Hà Nội 36 phố phường xưa và bằng tiếng Việt. Các phố như Trần Phú, Phan Thanh, Tôn Trung Sơn đổi tên khác. Các tên phố mang tên các nhà vua triều Nguyễn được đặt lại như Gia Long, Đồng Khánh... Các phố Tràng Tiền, Hàng Khay và Tràng Thi đổi thành các phố Pháp Quốc, Anh Quốc, Mỹ Quốc. Phần lớn các tên phố còn lại giống như hai Bác sĩ Trần Văn Lai và Trần Duy Hưng đã đặt. Một số vườn hoa được dùng lại tên như Bác sĩ Trần Duy Hưng đã đặt như Chí Linh, Diên Hồng, Mê Linh, Bình Than, Bãi Sậy . Một số khác được đổi tên như Hồng Bàng (Ba Đình ngày nay), Bách Việt (Cửa Nam), Vạn Xuân (Hàng Đậu), Ba Lê (Cổ Tân)...
Ngày 10/10/1954, Chính phủ kháng chiến trở về tiếp quản Hà Nội, Bác sĩ Trần Duy Hưng trở lại với chức vụ Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội. Tên một số phố cũ thời tạm chiếm bị bỏ: các phố Pháp Quốc, Anh Quốc, Mỹ Quốc trở lại với tên Tràng Tiền, Hàng Khay và Tràng Thi; Đồng Khánh thành Hàng Bài, Gia Long thành phía bắc của phố Bà Triệu; Phố Trần Phú thay cho Đại lộ Hàm Nghi và phố Lê Hồng Phong thay cho phố Tôn Thất Thuyết (trước nữa là phố Tôn Trung Sơn), vườn hoa Ba Lê được đặt là Vườn hoa Nhà hát lớn. Các tên phố còn lại hầu hết như tên phố đã đặt năm 1951. Và nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, nơi khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được trở lại với tên do bác sĩ Trần Văn Lai đã đặt : Quảng trường Ba Đình.
(Theo TTĐN)