Chuyện ít biết về nơi giam giữ một cựu vương yêu nước

Bạch Dinh, đúng như tên gọi, là tòa dinh thự lộng lẫy màu trắng nằm lặng lẽ trên ngọn đồi xanh, thuộc vị trí đắc địa nhất Vũng Tàu. Trong vòng 9 năm (1907 - 1916), thực dân Pháp đã dùng chính ngôi nhà này để giam lỏng một vị vua yêu nước - Vua Thành Thái.

Khám phá bên trong toà Bạch Dinh

Cách TP.HCM khoảng 120 km về hướng Đông, TP. Vũng Tàu là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm chút không khí trong lành trong những ngày cuối tuần. Vũng Tàu ngày nay trở thành một thành phố trẻ năng động, nhộn nhịp. Bên cạnh sự sôi động của một thành phố du lịch, ở đâu đó trong thành phố này vẫn còn nhiều góc khuất, lặng lẽ nhưng vĩ đại, với những câu chuyện binh biến lịch sử hào hùng như một bản trường ca bi tráng.

Nổi lên trên tất cả những dấu ấn còn sót lại, Bạch Dinh được xem là một công trình tiêu biểu nhất. Không chỉ là nơi bao bậc vương tôn uy quyền, các yếu nhân nắm trong tay vận mệnh của toàn cõi Đông Dương sinh sống, nơi đây từng là một pháo đài với đại bác và súng thần công, từng oai dũng nã đạn vào các hạm đội tàu Pháp khi chúng lăm le xâm lấn vùng đất này bằng đường biển. Và là nơi nghỉ chân của một cựu vương suốt đời đau đáu nỗi đau mất nước, làm sao cho con dân được hưởng tự do, đó chính là vua Thành Thái.

Chuyện ít biết về nơi giam giữ một cựu vương yêu nước - Ảnh 1

Tòa Bạch Dinh.

Bạch Dinh nằm ở phía nam núi Lớn (đường Trần Phú, TP.Vũng Tàu), khởi nguồn của nó là pháo đài Phước Thắng của triều nhà Nguyễn đã lập nên chiến công oanh liệt khi nổ súng vào hạm đội tàu Pháp nhăm nhe xâm lược Nam Kỳ. Sau khi chiếm được quyền cai trị, chính quyền thực dân Pháp đã cho san phẳng pháo đài. Đến năm 1898, nơi đây đã được toàn quyền Đông Dương Paul Doumer phê chuẩn xây dựng và đặt tên dinh thự là Villa Blanche theo tên con gái yêu của ông.

Phải mất hơn 4 năm để hoàn thành, nhưng chưa kịp đặt chân đến tòa nhà lộng lẫy, ngài Toàn quyền đã phải quay về cố quốc để tranh cử và trở thành Tổng thống thứ 14 của nước Pháp. Theo tư liệu của Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tòa biệt thự được xây dựng kiên cố theo lối kiến trúc kiểu Pháp cuối thế kỷ 19, bề ngoài màu trắng sang trọng nên gọi là Bạch Dinh. Tòa biệt thự gồm 3 tầng, cao 19m, rộng 15m, dài 28m, nằm giữa khu lâm viên rộng đến 6ha. Để xây dựng Bạch Dinh, thời bấy giờ Pháp huy động trên 800 tù khổ sai ép buộc khai phá kiến tạo ròng rã trong nhiều năm trời.

Bạch Dinh suốt bốn mùa đắm mình trong nắng đẹp và gió biển, chìm ngập trong hương hoa đại cùng màu xanh mướt loài cây Giá Tỵ, cây bằng lăng tím... Phía ngoài tòa nhà, nét kiến trúc Hy Lạp mang đậm chất văn hóa Tây phương, trên các cột tượng cao, tám bức tượng bán thân mang phong cách nghệ thuật Hy Lạp cổ đại bao quanh ba mặt tường chính của ngôi nhà.

Các bức tượng đều làm bằng sứ men màu, nét mặt thể hiện tinh tế, sinh động như trầm tư, như mặc niệm về một thời quá vãng. Ẩn trong màu lá xanh của cây sứ già là hai khẩu đại bác và mười khẩu thần công nằm nghỉ ngơi im lìm sau một thời chiến chinh dữ dội, nhưng vẫn hiên ngang chĩa nòng ra biển, như một thông điệp không lời với khách du lịch trong và ngoài nước rằng, nơi đây xưa kia từng là trận địa pháo của cha ông với những con người bất khuất đã dựng nên huyền thoại, chiến thắng quân ngoại bang xâm lược. Pháo đài đã hiên ngang nã đạn, oai dũng chống trả thế lực lớn mạnh gấp trăm lần và vinh danh mình vào lịch sử dân tộc Việt Nam.

Chuyện ít biết về nơi giam giữ một cựu vương yêu nước - Ảnh 2

Vị vua yêu nước Thành Thái.

Toàn bộ ngôi nhà được quét vôi trắng, phía trên lợp ngói đỏ tươi, phía dưới là mảng viền trang trí tinh tế và mỹ thuật. Đôi chim công với màu xanh ngọc, điểm xuyết những chấm bạc lấp lánh đang xoè cánh múa làm cho ngôi nhà mang một dáng dấp thanh thoát. Những bức tượng bán thân mang gương mặt phụ nữ châu Âu xinh đẹp, những vị thần trong thần thoại Hy Lạp cổ đại. Đôi cá chép uốn lượn như muốn hoá rồng. Hoa cúc, hoa Hướng Dương viền từng mảng quanh ngôi nhà, lấp lánh dưới ánh ban mai, vàng rực trong nắng chiếu càng làm cho Bạch Dinh thêm lộng lẫy.

Sau hơn 100 năm, tòa Bạch Dinh vẫn giữ nguyên nét uy nghi và được phục hiện, trả lại vẻ đẹp như thuở ban đầu. Bạch Dinh đã bao lần đổi chủ, bao yếu nhân đã ngự lại nơi này. Có lẽ cũng nhờ vậy, tòa dinh thự luôn được trùng tu và bảo quản tốt nhất. Nên đến nay, kết cấu kiến trúc và nội thất hầu như vẫn còn nguyên vẹn, phô diễn vẻ hào nhoáng xa hoa một thời vang bóng. Những hoa văn tinh tế, những dãy hành lang mát mẻ, những cổ vật và nội thất mang màu vàng rực của biểu tượng vương quyền vẫn còn đó như chứng nhân cho một thời kỳ đã qua.

Rời bỏ ngai vàng đi theo tiếng gọi kháng chiến

Thời gian và nắng mưa có thể làm mọi thứ biến đổi, nhưng dường như vẫn còn lưu dấu quanh đây dấu chân của vị cựu vương yêu nước Thành Thái. Là con thứ 7 của vua Dục Đức và Từ Minh Hoàng Hậu, năm 10 tuổi (1889) hoàng tử Bửu Lân lên ngôi vua, lấy niên hiệu Thành Thái. Chính sử chép rằng vua Thành Thái tư chất thông minh, nhân hậu, giàu lòng yêu nước thương dân, có tư tưởng cách tân, vị vua sẵn sàng rời bỏ ngai vàng đi theo tiếng gọi kháng chiến và kháng Pháp đến cùng...

Trước tinh thần chống quân xâm lược không khoan nhượng ấy của vua Thành Thái, ngày 3/9/1907, Khâm sứ Trung kỳ Lévêque và Toàn quyền Đông Dương Broni nhân cớ vua Thành Thái bị điên (thực chất vua giả điên để tránh tai mắt của mật thám) ép ông xuống chiếu thoái vị, nhường ngôi cho Thái tử Vĩnh San (vua Duy Tân sau này - PV) và đưa vua Thành Thái vào giam lỏng tại Vũng Tàu.

Chuyện ít biết về nơi giam giữ một cựu vương yêu nước - Ảnh 3

Bài thơ của vua Thành Thái khắc trên bia đá ngàn năm.

Trong dinh thự nguy nga lộng lẫy với biết bao kẻ hầu hạ nhưng vị cựu hoàng vẫn đau đáu nỗi nước mất nhà tan. Căn cứ vào tư liệu của Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính ra vua Thành Thái có đến 11 năm bị Pháp giam lỏng ở thành phố biển trước khi bị chúng đày sang đảo Réunion ở châu Phi. Giờ đây, vẫn cảnh xưa đường cũ, cây xanh, chim hót nhưng người cũ giờ đã là thiên cổ, lưu tên trên bia đá ngàn năm. Những vị cao niên tại Vũng Tàu kể rằng, trong thời gian bị Pháp giam hãm tại Bạch Dinh, vua Thành Thái sáng tác nhiều bài thơ toát lên nỗi niềm của một vị vua bất lực trước cảnh non sông gấm vóc bị ách thực dân giày xéo, nỗi đau mất nước khôn tả thành lời vì biết ai chung can mà chia sẻ. Nỗi đau đó, tâm can đó được chuyển hóa thành bài thơ "Sầu Tây bể cấp". Bút tích ấy ngày nay được khắc trên bia đá ngàn năm.

Bạch Dinh là một di tích lịch sử, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của TP. Vũng Tàu. Khách du lịch trong và ngoài nước đều rất thích đến đây để tham quan và hít thở bầu không khí trong lành của biển và chiêm ngưỡng nơi lịch sử đã đi qua. Nằm tách biệt trên ngọn đồi, giữa rừng Giá Tỵ và rừng sứ bao quanh càng làm tôn thêm vẻ đẹp của Bạch Dinh. Đã qua không biết bao nhiêu lần đổi chủ, có lẽ cũng chính vì vậy mà Bạch Dinh luôn được bảo vệ và giữ gìn một cách tốt nhất. Đã qua rồi thời kỳ binh lửa của một pháo đài, đã qua rồi thời kỳ Bạch Dinh là chiếc lồng sơn son thiếp, ngày đem giam hãm một trái tim yêu nước thương dân như con.

Giờ đây, Bạch Dinh luôn mở rộng cửa đón các đoàn du khách muốn ghé thăm, ngắm nhìn và suy ngẫm về lịch sử nhiều biến động của tòa nhà và cuộc đời của vị cựu hoàng yêu nước - Vua Thành Thái.

Cuộc đời thăng trầm của một ông vua

Chính sử chép rằng, Vua Thành Thái (1879-1954) tên húy là Nguyễn Phúc Bửu Lân, là con thứ 7 của vua Dục Đức và Từ Minh Hoàng Hậu (Phạm Thị Điểu). Ngày 2/01/1889, lúc mới chỉ 10 tuổi, Bửu Lân lên ngôi lấy hiệu là Thành Thái và trở thành vị vua thứ 10 của triều Nguyễn. Thành Thái được xem là một trong ba vị vua của triều Nguyễn (Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân) có tinh thần yêu nước chống thực dân Pháp. Vì thế, năm 1907 ông bị thực dân Pháp buộc thoái vị và đưa đi giam lỏng ở Vũng Tàu. Lúc đầu ông được bố trí ở tại Bạch Dinh, một thời gian sau vào năm 1915 ông bị dời về sống tại Nhà Chung. Vào ngày 20/11/1916, thực dân Pháp lại đưa vua Thành Thái đi đày sang đảo La Réunion (Châu Phi), rồi 31 năm sau đó, ông được về lại nước.

Công Thư

Xem thêm video clip : Clip: Nam học sinh ngáo đá bay điên loạn giữa trường học

Đọc tin tức sự kiện tin mới nhất, nhanh và hay nhất trong ngày tại chuyên mục:Tin tức 24h

Mời quý độc giả đọc báo qua RSS để có thêm nhiều thông tin hơn.