Đứng trên chiếc cầu Bà Dầu khá kiên cố, ngắm nhìn trời mây soi hình tỏ rõ “nước gương trong” của “con sông xanh biếc” bỗng thấy rạo rực hẳn lên trong tâm thức. Tháng tư này tôi đã dong xe về với Bình Dương, huyện Bình Sơn ( tỉnh Quảng Ngãi ), quê hương của nhà thơ Tế Hanh và được nghe những chuyện “cổ tích” mới ở một vùng quê ven sông….
Giống như nhiều dòng sông lớn khác, khi đến gần cửa biển thường chẻ thành nhiều nhánh để rồi hợp lại ở đoạn cuối dòng, sông Trà Bồng khi chảy về đến địa phận xã Bình Dương đã phân ra hai nhánh nhỏ, chia địa phương này thành ba vùng cù lao với làng mạc, đồng ruộng và sông nước liền kề nhau. Nổi bật trước cảnh trù phú, tươi đẹp của làng quê nơi sông nước hạ nguồn thời phát triển là cây cầu bắc qua sông Trà Bồng ở kề chợ Hôm. Cầu cao vọi, đoạn giữa giống như khung cầu đường sắt, trông thật ấn tượng. “Giờ thì hai xã Bình Dương, Bình Thới hết bị đò giang cách trở. Xây cây cầu này phải trên chục tỷ chứ không ít...”, một ông già ngồi chơi xuân bên bờ kè nói. Ông cụ phải phỏng đoán giá trị của cây cầu bởi đây là “quà tặng” cho quê nhà của một người con Bình Dương đang sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Người con ấy cũng đã xây cho quê nhà một hoa viên mi ni, một ngôi chợ, một bờ kè chống sạt lở cho đoạn sông trước chợ. “ Bác Cao Ngọc Liên xin không cho ghi tên mình lên các công trình kiến trúc xây dựng hiến tặng cũng như không nêu giá trị của các công trình này. Nhưng theo ước tính của chúng tôi, các công trình mà gia đình bác Liên tặng cho địa phương trị giá không dưới 20 tỷ đồng”, ông Lê Minh Chính, Chủ tịch UBND xã Bình Dương tự hào nói. Người ở làng quê “cách biển nửa ngày sông” đi đâu về đâu, làm gì, sống ra sao; ai cũng nhớ về quê cha đất tổ, sẵn sàng hỗ trợ để Bình Dương vươn đến mạnh giàu…
“Làm gì cũng phải tìm cho ra cái hướng mở mới khá lên được...”, lãnh đạo xã Bình Dương lý giải. Trong phát triển kinh tế nông nghiệp, hướng mở ấy là tập trung chỉ đạo thực hiện dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hoá, chất lượng cao. Ông Lê Minh Chính, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đến nay xã đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 356 ha đất lúa và hoa màu. Trước dồn điền đổi thửa bình quân mỗi hộ sản xuất manh mún trên 6,4 thửa đất nay chỉ còn 1,6 thửa đất; tạo ra những thuận lợi trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hoá khâu làm đất và thu hoạch. Năng suất, sản lượng cây trồng có sự tăng trưởng mạnh mẽ sau khi dồn điền đổi thửa. Cụ thể như cây lúa đạt bình quân trên 60 tạ/ha; cây ớt đạt 100 tạ/ha, cây bắp đạt 62 tạ/ha. Đến nay ở xã đã có 85 ha đất sản xuất đạt giá trị thu nhập bình quân 300 triệu đồng/ ha/ năm; khoảng 100 ha đất đạt giá trị thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/ ha/ năm. Chăn nuôi duy trì ổn định đàn gia súc trên 3.100 con, trong đó đàn bò lai chiếm 73% tổng đàn bò và đàn gia cầm khoảng 25.000 con. Ngư nghiệp cũng có chuyển động với 43 chiếc ghe rỗi hành nghề thu mua hải sản trên biển hằng năm khoảng 850 tấn và trên 180 lao động tham gia đánh bắt hải sản xa bờ trên tàu thuyền của các địa phương lân cận. Ở xã còn có 49 ha ao hồ thả nuôi tôm 2 vụ, mỗi năm thu hoạch trên 120 tấn. Xã cũng đã khuyến khích nhân dân đầu tư phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp; mở rộng hoạt động thương mại - dịch vụ; nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Người Bình Dương giờ đã xây nhà kho đông lạnh thay cho chiếc tủ đá, sắm hẳn xe đông lạnh để bất kỳ nắng hay mưa, ngày nào cũng có hải sản xuất kho đi Tây Nguyên, đi các thị trường xa trong cả nước. Hơn 93% lao động trong độ tuổi ở xã đã có việc làm thường xuyên, ổn định. Hiện tại tổng giá trị sản xuất của xã đạt gần 195 tỷ đồng/ năm; bình quân thu nhập đầu người đạt 21,2 triệu đồng, tăng 3,5 triệu đồng so với năm 2013. Ở xã đang có 850 hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, chiếm 65,2% so với số hộ làm nông nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo trong xã chỉ còn 4,96%, giảm 3,5% so với năm 2013 ….
Về Bình Dương hôm nay không chỉ thấy đời sống kinh tế phát triển mà còn thấy nông thôn có nhiều đổi mới, trình độ dân trí ngày một được nâng cao. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", giai đoạn 2011 - 2014 xã đã huy động đầu tư khoảng 68 tỷ đồng, trong đó năm 2014 đầu tư trên 26,7 tỷ đồng để thực hiện quy hoạch, xây dựng, nâng cấp các công trình hạ tầng thiết yếu thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân. Diện mạo Bình Dương hôm nay địa phương không ngừng khởi sắc, ngày một khang trang hơn. Trên 95% nhà cửa của các hộ gia đình đã được xây kiên cố, đàng hoàng, tạo ra nhiều gam màu tươi tắn. Đường trục xã, liên xã dài gần 10 km đã được nhựa hoá, đường trục thôn, đường ngõ xóm, đường trục chính nội đồng dài trên 32,5 km đã được bê tông, cứng hoá. Kênh mương thuỷ lợi dài hơn 19 km đã được kiến cố trên 76,3%. Chợ Hôm, hoa viên mini nằm ở góc sông quê, cạnh cầu Bà Dầu đang là điểm nhấn thu hút đông đảo người dân đến giao lưu mua bán, sinh hoạt vui chơi. Xã có nhà văn hoá, khu thể thao; tất cả 6 thôn và 11 khu dân cư đều có nhà hội họp với khá đầy đủ các loại trang, thiết bị phục vụ. Hai di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh là Lăng vạn Đông Yên và mộ ông Lấp biển Trần Công Hiến cùng với Nghĩa trang liệt sĩ, nhà thờ tộc của nhà thơ Tế Hanh được bảo vệ, chăm sóc chu đáo. Xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế; có hơn 70% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Hai trường tiểu học và trung học cơ sở đều đạt trường chuẩn quốc gia, trường mẫu giáo vừa được xây mới với kinh phí trên 4,5 tỷ đồng. Xã đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở; trên 90% thanh thiếu niên độ tuổi 15 - 18 tốt nghiệp trung học cơ sở; tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo chiếm gần 56%. Cảnh quan môi trường ở địa phương ngày càng thông thoáng, sạch đẹp. Đội thu gom rác thải hàng năm xử lý 250 - 300 tấn phế phẩm; hạn chế hẳn tình trạng vứt, xả rác thải bừa bãi ra nơi công cộng. Tình làng nghĩa xóm gắn bó khắng khít; tệ nạn xã hội được phòng ngừa hữu hiệu ngay từ cơ sở, các hủ tục lạc hậu được xóa bỏ. An ninh trật tự ổn định, đáp ứng tốt yêu cầu “ lạc nghiệp”, vươn đến làm giàu của nhân dân. Xã được UBND tỉnh công nhận là xã đầu tiên của tỉnh đạt xã nông thôn mới vào dịp cuối năm 2014. Trước đó vào năm 2012 xã cũng đã được công nhận là xã văn hoá.
Tháng tư này, sau 40 năm giải phóng, về Bình Dương không chỉ để vui với sự vươn lên đổi thay trên mọi lĩnh vực mà còn để thấy truyền thống anh hùng trong kháng chiến giành độc lập , tự do đã và đang tiếp thêm sức mạnh cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân “ Cù lao xanh” dựng xây cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Những công trình mới trên vùng quê ven dòng Trà Bồng đang làm “con sông quê hương” của nhà thơ Tế Hanh lớn thêm lên, vươn ra xa hơn. Bỗng thấy mình trẻ lại tuổi đôi mươi và bừng sáng những hy vọng, tin yêu trong cuộc sống đời thường…./.
TUẤN KIỆT