Vũ Thị Duyên
Vũ Thị Duyên 武氏緣 |
|
---|---|
Hoàng hậu nhà Nguyễn | |
Tại vị | Truy phong |
Tiền nhiệm | Nghi Thiên Chương hoàng hậu |
Kế nhiệm | Từ Minh Huệ hoàng hậu |
Hoàng thái hậu nhà Nguyễn | |
Tại vị | 1883 - 1889 |
Tiền nhiệm | Từ Dụ hòang thái hậu |
Kế nhiệm | Khôn Nguyên hoàng thái hậu |
Thái hoàng thái hậu nhà Nguyễn | |
Tại vị | 1889 - 1903 |
Tiền nhiệm | Từ Dụ thái hoàng thái hậu |
Kế nhiệm | Khôn Nguyên thái hoàng thái hậu |
Thông tin chung | |
Phu quân | Nguyễn Dực Tông Tự Đức hoàng đế |
Hậu duệ | không có con, chỉ có con nuôi là vua Dục Đức |
Tước hiệu | Cung tần Cần phi Thuần phi Trung phi Hoàng Quý phi Hoàng hậu Hoàng thái hậu Thái hoàng thái hậu |
Thụy hiệu | Lệ Thiên Phụ Thánh Trang Ý Thuận Hiếu Cần Thứ Ôn Từ Hiền Minh Tĩnh Thọ Anh hoàng hậu 儷天輔聖莊懿順孝勤恕溫慈賢明靜壽英皇后 |
Hoàng tộc | Nhà Nguyễn |
Thân phụ | Vũ Xuân Cẩn |
Thân mẫu | Trần phu nhân |
Sinh | 1828 huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình |
Mất | 1903 Phú Xuân, Đại Nam |
An táng | bên trái Khiêm lăng |
Vũ Thị Duyên (chữ Hán: 武氏緣, 1828 - 1903), là hoàng hậu của Hoàng đế Tự Đức của triều đại nhà Nguyễn.
Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]
Bà là người huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Cha bà là đại thần Vũ Xuân Cẩn, mẹ là Trần phu nhân (không rõ tên).
Năm Thiệu Trị thứ 3 (Quý Mão, 1843), bà được tuyển vào cung hầu Hoàng tử Nguyễn Phúc Hồng Nhậm. Vốn tính đoan trang, hiếu thuận, nên bà rất được mẹ chồng là bà Từ Dụ và chồng yêu quý[1].
Năm 1848, Hồng Nhậm lên kế vị, tức Tự Đức hoàng đế. Vũ thị được tấn phong làm Cung tần (恭嬪). Sau đó, bà lần lượt được tấn phong làm Cẩn phi (謹妃, Canh Tuất, 1850), Thuần phi (順妃, Canh Thân, 1860), Trung phi (忠妃, Tân Dậu, 1861), Hoàng quý phi (皇貴妃, Nhâm Tuất, 1862), cho trông coi 6 viện.
Tháng 12, năm 1882, bà bị giáng làm Trung phi, không cho trông coi 6 viện nữa. Nguyên nhân là vì việc quản lý nhân sự của bà không được chu toàn. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện chép: "Lúc bấy giờ cơ vụ rất nhiều, (vậy mà) có khi quá trưa vua mới được ăn. Vua se mình đang uống thuốc, cung nhân tiến cơm hơi chậm (làm) trái ý vua" [2]
Ngày 16 tháng 6, năm 1883, vua Tự Đức băng hà. Trước khi mất, nhà vua di chiếu tôn bà làm Hoàng hậu, để "trị việc trong nhà và dạy tự quân". Người kế vị là Hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Ái, vị hoàng tử được bà dạy dỗ từ trước. Hoàng tử lên ngôi tức vua Dục Đức.
Trong cơn biến động của vương triều[sửa | sửa mã nguồn]
Thế nhưng, làm vua chỉ được 3 ngày thì vua Dục Đức bị hai quan Phụ chính là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường phế bỏ [3], giam trong ngục Thừa Thiên, rồi mất sau đó không lâu[4]. Sau khi ép chết vua Dục Đức, cả 2 ông này lập người em của Tự Đức đế là Lãng Quốc công Nguyễn Phúc Hồng Dật lên kế vị, tức Hiệp Hòa.
Mùa thu, năm 1883, theo di chiếu, đình thần định lập bà làm Hoàng hậu. Nhưng chưa kịp tổ chức lễ, thì bà đã đến cung Gia Thọ lạy từ mẹ chồng là đức bà Từ Dụ để xin ra chầu thờ ở Khiêm Lăng, vì xét thấy mình đã không làm tròn việc dạy dỗ "tự quân" (Dục Đức). Khi ấy, Hiệp Hòa đế ngỏ ý mời bà đến điện Cao Minh để bái yết và dâng cơm, nhưng bà không nhận mà đi thẳng ra Khiêm Lăng. Sau khi hỏi ý kiến các tôn nhân và đình thần, nhà vua tôn bà là Khiêm Hoàng hậu (謙皇后).
Tháng 10, năm 1883, vua Hiệp Hòa cũng bị Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường sai người giết chết [5], rồi tôn Kiến Phúc lên thay. Tháng 6, năm 1884, vua Kiến Phúc mất đột ngột. Lập tức, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường tôn Hàm Nghi lên thay.
Tháng 3, năm 1885, vua Hàm Nghi tấn phong Từ Dụ làm Từ Dụ Thái hoàng thái hậu. Ngay sau đó, nhà vua cũng định làm lễ tấn tôn huy hiệu cho Khiêm Hoàng hậu, nhưng bà không nhận.
Lúc xảy ra Trận Kinh thành Huế 1885, vua Hàm Nghi phải xuất bôn ra Quảng Trị, thì bà cũng chạy theo. Cùng chạy với bà còn có đức Từ Dụ và Học phi Nguyễn Thị Hương, mẹ nuôi của Kiến Phúc đế. Sử nhà Nguyễn thường gọi cả ba người là Tam cung (三宮).
Khi nghị hòa xong, Tam cung về ngụ ở Khiêm Lăng. Đến khi Hoàng đế Đồng Khánh kế vị, quân đội Pháp trao trả lại kinh thành Huế cho triều đình nhà Nguyễn thì Tam cung quay trở về Kinh thành. Khiêm hoàng hậu về lại cung Trường Ninh, về sau đổi tên là cung Trường Sanh trong Hoàng thành Huế.
Ngày 27 tháng 4, năm 1887, tức năm Đồng Khánh thứ 2, nhà vua cùng quần thần dâng sách vàng, ấn vàng tôn bà làm Trang Ý Hoàng thái hậu (莊懿皇太后). Đến tháng 10, năm 1889 (Thành Thái năm thứ nhất), bà được tôn làm Trang Ý Thuận Hiếu Thái hoàng thái hậu (莊懿順孝太皇太后).
Qua đời[sửa | sửa mã nguồn]
Tháng 4, năm 1903, đức bà Trang Ý qua đời, thọ 75 tuổi.
Sau đó, bà được dâng thụy hiệu là Lệ Thiên Phụ Thánh Trang Ý Thuận Hiếu Cần Thứ Ôn Từ Hiền Minh Tĩnh Thọ Anh hoàng hậu (儷天輔聖莊懿順孝勤恕溫慈賢明靜壽英皇后), và được an táng trong Khiêm Thọ lăng, nằm bên trái Khiêm lăng.
Sách tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]
- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện (Nhị tập). Nxb Văn học, Hà Nội, 2004.
- Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều sử toát yếu (phần Chính biên). Nxb Văn học, Hà Nội, 2002.
- Lưỡng Kim Thành, Chuyện các bà hoàng bà chúa triều Nguyễn. Nxb Thuận Hóa (tái bản lần thứ 2, 2012).
Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]
- ^ Đại Nam chính biên liệt truyện (quyển 4), bản dịch: trang 84.
- ^ Đại Nam chính biên liệt truyện (quyển 4), bản dịch: trang 86.
- ^ Quốc triều sử toát yếu (phần Chính biên, bản dịch: trang 498).
- ^ Có một vài tác giả viết vua Dục Đức bị bỏ đói cho đến chết, như ở đây: [1], [2]. Tuy nhiên, theo sử gia Phạm Văn Sơn, thì đang khi nhà vua hết sức đau đớn vì đói khát, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đã sai người giết vua bằng thuốc độc vì sợ để lâu sẽ sinh biến (Việt sử tân biên, quyển 5, tập thượng, 1962, tr. 386).
- ^ Quốc triều sử toát yếu (phần Chính biên, bản dịch: trang 501.
Vũ Thị Duyên
|
||
Tước hiệu | ||
---|---|---|
Tiền vị: Nghi Thiên Chương hoàng hậu |
Hoàng hậu Việt Nam Truy phong |
Kế vị Từ Minh Huệ hoàng hậu |