VĂN MIÊU XÍCH ĐẰNG - NƠI VINH DANH TINH HOA TRÍ TUỆ CỦA NGƯỜI HƯNG YÊN |
Người Hưng Yên luôn tự hào có di tích Văn Miếu Xích Đằng là nơi hội tụ những yếu tố tinh hoa trí tuệ, học vấn.Văn Miếu Hưng Yên mang tên Xích Đằng bởi xưa kia được dựng trên nền ngôi chùa cổ Nguyệt Đường tại thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên. Theo truyền ngôn của người dân, ngôi chùa có tới 36 nóc, được Hương Hải thiền sư khởi dựng năm 1701. Trải qua thăng trầm của thời gian và biến cố của lịch sử, ngôi chùa không còn nữa nhưng dấu tích vẫn còn lưu lại đến ngày nay là hai mộ tháp đá: Phương Trượng tháp và Tịnh Mãn tháp. Văn Miếu Xích Đằng là nơi tôn thờ Đức Thánh Khổng Tử - người sáng lập ra đạo Nho, cùng các học trò giỏi của Ngài: Mạnh Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Nhan Tử. Phối thờ trong gian chính là tượng thầy giáo Chu Văn An, nhà sư phạm tài năng đức độ thời Trần, được lịch sử tôn vinh là "ông tổ đạo Nho của nước Nam ta". Hai bức tượng đồng lấy mẫu tượng từ Văn Miếu Quốc Tử Giám và được cung tiến năm 2003. Theo bài văn khắc trên chuông thì từ năm 1804 Hưng Yên đã có Văn Miếu, nhưng phải đến năm Minh Mạng thứ 20 (1839) Văn Miếu Xích Đằng mới được xây dựng lại với quy mô to đẹp, bề thế như ngày nay. Từ ngoài đi vào là tam quan có gác lên lầu bao quát được phong cảnh một vùng của thành phố, tiếp đến là khoảng sân rộng có đường thập đạo, nơi thị sát các sỹ tử thi hương. Hai dãy nhà tả vu, hữu vu - trước đây là nơi để kiệu, mũ áo của các quan mỗi kỳ tế lễ, nay là phòng trưng bày những hình ảnh về nền giáo dục Hưng Yên xưa và nay. Khu thờ tự chính được xây dựng mang dáng dấp, phong cách cung đình thời Nguyễn bao gồm: Đại bái, Trung từ, Hậu cung. Tên tuổi của các nhà khoa bảng được lưu danh trên 9 tấm bia đá dựng hai bên gian thờ chính và đó cũng là những hiện vật vô cùng quý giá mà Văn Miếu Xích Đằng còn giữ được: 8 tấm bia dựng vào năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) và tấm 1 tấm bia dựng năm Bảo Đại thứ 18 (1943) ghi danh 161 vị đỗ đại khoa (tỉnh Hưng Yên có 138 vị). Các huyện có người đỗ đạt cao như Văn Giang, Văn Lâm, Ân Thi, Yên Mỹ, Kim Động... trong đó họ Dương ở Lạc Đạo - Văn Lâm 9 vị; họ Hoàng ở Ân Thi 5 vị; họ Lê ở Yên Mỹ 6 vị. Bia tiến sỹ được dựng lên mang ý nghĩa tôn vinh những người đỗ đạt, thể hiện mong muốn tên tuổi các nhà khoa bảng trường tồn mãi mãi và mang lại niềm tự hào cho con cháu mỗi khi đến chiêm bái và tìm thấy tên vị tiến sỹ thuộc dòng họ mình. 9 tấm bia đá là những tác phẩm nghệ thuật mang dấu ấn thăng trầm của thời gian, được chạm khắc hoa văn phong phú, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Trong những người được vinh danh trên bia đá có Trạng nguyên Dương Phúc Tư (người Lạc Đạo - Văn Lâm); Trạng Nguyên Tống Trân (người An Cầu - Phù Cừ) là những người có học vị cao nhất. Chức vụ cao nhất được lưu danh là tiến sỹ Lê Như Hổ (Tiên Lữ - đỗ 1541), giữ chức vụ quận công trong triều đình nhà Mạc; Nguyễn Trung Ngạn (Thổ Hoàng - Ân Thi) giữ chức Tể tướng thời Trần... Hiện, trong Văn Miếu còn lưu giữ rất nhiều câu đối, đại tự ca ngợi Nho học và Tài đức của Khổng Tử như “Vạn Thế Sư Biểu” (Người thày tiêu biểu của muôn đời), “Đạo Quán Cổ Kim” (Đạo lý bao trùm cả xưa và nay). Văn Miếu Xích Đằng được Bộ Văn hóa - Thông tin (Nay là Bộ VH,TT&DL) công nhận là "Di tích lịch sử văn hóa" cấp quốc gia vào năm 1992. Hàng năm, nơi đây tổ chức các hoạt động mang đậm sắc thái văn hóa, giáo dục như lễ khen thưởng học sinh giỏi, hát ca trù, ngâm thơ, thư pháp. Văn Miếu Xích Đằng đã trở thành một biểu tượng và cũng là nơi vinh danh tinh hoa trí tuệ của người dân xứ nhãn. Du khách xa gần về Hưng Yên thường ghé thăm Văn Miếu, thắp nén nhang thơm thành tâm xin cho gia đình, con cháu được đỗ đạt và thành tài.
Ngô Huyền Trang
|