Cập nhật: 10:32 AM GMT+7, Thứ tư, 17/04/2013
    Nguồn tin:Bảo tàng Lịch sử quốc gia
    • Font
    • In bài
    • Gửi cho bạn bè
    • Ý kiến

    Hiếu Chiêu Hoàng Hậu Đoàn Thị Ngọc (1601-1661) mà nhân dân Quảng Nam thường gọi với cái tên kính ngưỡng là Bà Chúa Tằm Tang xứ Quảng và về sau được Phủ Chúa phong tước là Đoàn Quý Phi.


    Bà là một thôn nữ rất mực xinh đẹp và đôn hậu, chuyên nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa ở làng Chiêm Sơn, thuộc Tân Dân, tổng Mông Lĩnh, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn, dinh Quảng Nam nay là làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

    Cô thôn nữ Đoàn Thị Ngọc là con gái thứ ba của Thạch Quận Công Đoàn Công Nhạn và phu nhân Võ Thị Thành. Cuộc đời của cô gái trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa ấy đã có một giai thoại nên thơ đã đi vào truyền thuyết dân gian và sử sách Triều Nguyễn.

    Sách "Đại Nam Liệt truyện Tiền biên” của Triều Nguyễn đã viết về người thôn nữ đó và mối tình thơ mộng của , về sau trở thành Quý Phi "Bà là người con thứ ba của Thạch Qun Công Đoàn Công Nhạn. Mẹ là phu nhân Võ Thị. Bà là người minh mẫn thông sáng..., sáng thơm, tú mị, phép tốt trinh thuần” và "Năm mười lăm tuổi (Bà) hái dâu bên bãi, trông trăng mà hát. Bấy giờ Huy Tông Hoàng đế ta (tức Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên) đi chơi Quảng Nam, Thần Tông Hoàng đế ta (tức Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan) theo đi hộ giá. Đêm đáp thuyền chơi trăng, đỗ thuyền ở Điện Châu (bây giờ là An Phú Tây) câu cá, nghe tiếng hát lấy làm lạ, sai người đến hỏi, biết là con gái họ Đoàn, cho tiến vào hầu Chúa ở Tiềm để, được yêu chiều lắm”.

    Toàn cảnh khu lăng mộ Quý phi Đoàn Thị Ngọc

    Truyền thuyết dân gian xứ Quảng cũng kể lại rằng vào một đêm trăng đẹp năm 1615, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên trong một chuyến tuần du Quảng Nam đã cùng Hoàng tử thứ hai lúc đó khoảng 15 tuổi là Nguyễn Phúc Lan, dạo thuyền trên sông Thu Bồn. Khi thuyền rồng ngược dòng sông từ Dinh trấn Thanh Chiêm (nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn) đến thôn Điện Châu, châu Đông Yên, huyện Duy Xuyên (nay là xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên) thì nghe một giọng hát trong ngần và quyến rũ của một thôn nữ từ một nương dâu bên bờ sông vọng tới theo làn gió mát. Cô gái hát rằng:

    "Tai nghe Chúa ngự thuyền rồng,

    Thiếp thương phận thiếp má hồng nắng mưa..."

    Một lúc sau, cô gái lại hát tiếp:

    "Thuyền rồng Chúa ngự nơi đâu,

    Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình...!"

    Giọng hát và lời ca của cô thôn nữ trong đêm thanh vắng đã làm rung động tâm hồn và xao xuyến trái tim của hoàng tử đa cảm Nguyễn Phúc Lan. Hình như cuộc kỳ ngộ này đã được sắp xếp từ trước bởi bàn tay của ông Tơ bà Nguyệt xe duyên.

    Hoàng tử Nguyễn Phúc Lan (1601-1648) cùng cô thôn nữ Đoàn Thị Ngọc đã bén duyên nhau ở tuổi mười lăm và kết duyên trăm năm vào tuổi mười bảy (1617) và ban đầu họ chung sống cùng nhau tại Dinh trấn Thanh Chiêm.

    Sau khi trở thành phu nhân của Phó tướng Nhân Lộc Hầu Nguyễn Phúc Lan, bà Đoàn Thị Ngọc đã hết lòng ủng hộ, khuyến khích phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa truyền thống ở các phủ Điện Bàn, Thăng Hoa... Nhờ đó mà nghề tằm tang ở Đàng Trong được mở mang vào đầu thế kỉ XVII và đã sản xuất được nhiều mặt hàng tơ lụa nổi tiếng như đoạn, the, gấm, vóc, trừu, sa… được mua bán trong nội địa và xuất khẩu ra nước ngoài qua đô thị thương cảng Hội An (Quảng Nam).

    Đến ngày 22-7-1631, Trấn thủ Quảng Nam Thế tử Nguyễn Phúc Kỳ qua đời, Phó tướng Nhân Lộc hầu Nguyễn Phúc Lan được lập làm Thế tử và phong tước Nhân Quận Công.

    Sau khi Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên băng hà ngày 19-11-1635, Thế tử Nhân Quận Công Nguyễn Phúc Lan trở thành Chúa Thượng và sống cùng với phu nhân ở Phủ Chúa tại làng Kim Long, Phú Xuân. Bà Đoàn Thị Ngọc được Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan phong tước là Đoàn Quý Phi và thân phụ Đoàn Công Nhạn của bà cũng được phong tước là Thạch Quận Công.

    Đoàn Quý Phi sinh hạ được ba hoàng tử và một công chúa. Hoàng tử thứ nhất Nguyễn Phúc Võ và hoàng tử thứ ba Nguyễn Phúc Quỳnh đều qua đời sớm, hoàng tử thứ hai Nguyễn Phúc Tần làm quan trấn thủ Quảng Nam dinh vào năm 1638 và sau đó trở thành Thế tử.

    Còn người con gái, theo hồi cố của các trưởng lão tộc Đoàn ở làng Chiêm sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên thì công chúa út của Đoàn Quý Phi có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng thường được gọi là Nguyễn Phúc Ngọc Dung và có dị tật bẩm sinh, đã hạ giá với Chưởng cơ tên là Minh và cũng đã mất sớm.

    Về cuối đời, không rõ năm nào, Đoàn Quý Phi rời Phủ Chúa ở Kim Long, Phú Xuân quay trở về sống ở Dinh trấn Thanh Chiêm, Quảng Nam cùng với con cháu, bà con trên quê hương mình.

    Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan băng hà vào ngày 26-2 năm Mậu Tý 1648 và Thế tử Dũng Lễ Hầu Nguyễn Phúc Tần lên ngôi Chúa và trở thành Chúa Hiền (1648-1687).

    Sau mười ba năm Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan qua đời, Đoàn Quý Phi mất vào ngày 17-5 năm Tân Sửu tức ngày 12-7-1661, hưởng thọ sáu mươi tuổi. Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần đã mai táng mẫu hậu tại Gò Cốc Hùng ở tổng Mông Lĩnh, cách Lăng mộ của Hoàng Hậu Mạc Thị Giai, hậu của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, chừng nửa cây số và cách không xa mộ của Công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Dung.

    Năm 1744, Thế tôn Hiếu Võ Hoàng đế, tức Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát đã truy dâng bà là Trinh Thục Từ Tĩnh Huệ Phi, về sau thêm hai chữ Mẫn Duệ thành Trinh Thục Từ Tĩnh Huệ Phi Mẫn Duệ.

    Năm 1806, vua Gia Long truy tôn Đoàn Quý Phi là Trinh Thục Từ Tĩnh Mẫn Duệ Kính Hiếu Chiêu Hoàng Hậu và khắc tên vào Kim sách (sách bằng vàng) của Hoàng tộc và tôn hiệu này được thờ phụng với Hiếu Chiêu Hoàng Đế (tức Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan) trong gian thứ nhất bên phải của Thái Miếu ở Huế.


    Di tích lăng mộ bà Quý Phi - Hiếu Chiêu Hoàng Hậu Đoàn Thị Ngọc

     

    Lăng Vĩnh Diên táng Hiếu Chiêu Hoàng Hậu Đoàn Thị Ngọc an táng tại gò cao Thương Cốc thuộc làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

    Có lẽ hiếm có một nữ nhân vật lịch sử nào ở đất Quảng Nam đã để lại những ấn tượng và tình cảm sâu đậm trong đời sống tâm linh của người dân xứ Quảng như Bà Chúa tằm tang - Đoàn Quý Phi - Hiếu Chiêu Hoàng Hậu Đoàn Thị Ngọc. Công lao to lớn của bà đối với nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa trên quê hương cũng như thiên diễm tình một thời vang bóng của bà vẫn còn âm vang cho đến tận ngày nay mà các cô gái trên quê hương bà vẫn hát:

    "Thuyền rồng mái đẩy đi đâu

    Để cho em đứng hái dâu một mình...!"

     

    Lê Khiêm tổng hợp

     

    Nguồn: Nguyễn Phước Tương, "Quý phi Đoàn Thị Ngọc", NCLS, Số 1/2003, tr. 56-61.



    Nguồn tin:Bảo tàng Lịch sử quốc gia
    • Font
    • In bài
    • Gửi cho bạn bè
    • Ý kiến

    Một số hình ảnh BTLSQG xưa và nay

    Cổ vật Việt Nam

    Văn hóa Óc Eo – Phù Nam

    • Di sản văn hóa Phật giáo
    • Đèn cổ Việt Nam
    • Khu vực:

    Liên kết Website

    Thống kê truy cập

    • Trực tuyến: 478
      Thành viên online:
      1.host
      Số lượt truy cập: 15151169