Nhìn từ chùa Vồm
Làng Vồm thuộc huyện Đông Sơn, nằm giữa một vùng đất cổ ngày nay còn lưu lại nhiều dấu tích người xưa. Người xứ Thanh thường gọi một loại nồi đất to là “nồi vồm” chính là vì nó được sản xuất ở làng Vồm, bán khắp chợ quê.
Dân gian kể rằng núi Vồm chính là do ông Vồm ngã xuống mà thành. Núi Vồm có tên chữ là Bàn A còn nổi tiếng vì là trung tâm của 10 cảnh đẹp thiên tạo và nhân tạo:
“Khánh bằng liệt chướng
Lương mã song phàm
Thạch tượng dục hà
Linh quy hí thủy
Cổ độ kỳ đình
Viễn sầm yên thụ
Cô thôn mao xá
Cách ngạn thiền lâm
Sơn hạ ngư ky
Giang trung mạc phố”.
Đúng 10 cảnh đẹp. Có thể nói về các cảnh đẹp như sau: Khánh bằng liệt chướng: Núi Bằng trinh đối diện dăng hàng với núi Vồm như màn chướng. Lương mã song phàm: Nơi đây là nơi sông Lương (sông Chu) và sông mã gặp nhau, Ngã Ba Bông, Ngã Ba Đầu, sóng nước mênh mang, thuyền bè tấp nập. Thạch tượng dục hà: Voi đá tắm sông. Voi là núi Voi bên bờ sông, như đang muốn ào xuống dòng nước. Linh quy hí thủy: Rùa thiêng vờn nước. Rùa tức núi Đọ, là một địa bàn cư trú của ngươi tối cổ, di chỉ đồ đá cũ nổi tiếng. Cổ độ kỳ đình: nhà treo cờ ở bến đò. Nơi Ngã Ba Đầu triều đình cho đặt một trạm dịch, những ngày khánh tiết thường tổ chức lễ lạt, treo cờ; Viễn sầm yên thụ: Dứng ở làng Vồm nhìn phía nào cũng thấy núi non rừng già mờ xa, phía nam là núi Nưa, nơi Bà Triệu khởi nghĩa, phía đông là dãy Đông Sơn 99 ngọn huyền thoại; Cô thôn mao xá: Những ngôi làng dưới chân núi vắng vẻ gợi nhớ, gợi cảm; Cách ngạn thiền lâm: Bên kia bờ sông là cánh rừng có ngôi chùa. Ngôi chùa này dựng từ năm Quang Thuận 1460, rất lớn, có tháp chín tầng. Sơn hạ ngư ky: ghềnh nước cho thuyền bè qua lại, vừa hiểm nghèo vừa hùng vĩ; Giang trung mục phố: giữa sông nổi lên những doi cát trắng, mịn màng, chiều chiều lũ mục đồng lùa trân ra nô đùa tắm táp…
Vì là nột ngôi làng có vị trí, cảnh đẹp như thế nên làng Vồm đã lưu bước chân nhiều bậc thi nhân, vua chúa. Lê Hiến Tông (1948 – 1504) là người đầu tiên khắc thơ trên vách núi. Chúa Trịnh Sâm (1767 – 1782), một vị chúa lừng danh và cũng là một nhà thơ lớn cũng đã đến đây làm thơ về núi, về chùa. Tiến sĩ Ngô Thì Sĩ, một trong những cây bút của Ngô gia văn phái lừng danh, có một thời làm quan trị nhậm ở Thanh Hóa. Ông đã cho dựng ờ làng Vồm một ngôi chùa nhỏ, làm thơ ca ngợi thập cảnh:
Núi Bàn A! Núi Bàn A!
Trước kia ta đã từng khăng khít với ngươi
Nay ta nhớ ngươi ghi lại mấy lời, làm cho ngươi được rạng thêm…
Gạch lát đường đẫn lên núi có từ thời Trần
Làng Vồm ở vị trí chung quanh có những cái tên rất quen thuộc với giới khảo cổ và những ai quan tâm đến cổ sử. Các địa danh di chỉ như: núi Đọ, Thiệu Dương, Đông khối bên này và bên kia sông là Hằng Lý, Quỳ Chử, Hàm Rồng… Đến làng Vồm bên bờ sông Mã ta không chỉ được thưởng lãm 10 cảnh đẹp mà còn tận thấy một vùng non nước cổ xưa còn nhiều dấu tích đến ngày nay.
Hoàng Hoa
Pingback: Bàn A thập cảnh | Dat Phong Khach San
Pingback: Bàn A thập cảnh | My Blog