Di tích lịch sử - văn hóa đền Phú Đa đang rất cần được quan tâm

05/07/2013

Một buổi chiều tháng 6/2013, tác giả bài viết này đã có dịp đến thăm đền Phú Đa và gặp gỡ ông Nguyễn Danh Thảo - người được giao trông giữ ngôi đền đã gần 30 năm nay. Trò chuyện với chúng tôi, ông Thảo cho biết: Đền Phú Đa ngự tại thôn Đông, xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường. Đền thờ cụ Nguyễn Danh Thưởng - một vị quan có tài của triều Lê, được vua phong tước lớn trong triều đình cùng thân phụ, thân mẫu và ông bà nội của cụ. Vật liệu xây dựng ngôi đền gồm đá xanh và gỗ lim nằm trên nền đá ong vững chãi.

 

 Ông Nguyễn Danh Thảo đang giới thiệu di tích tượng voi đá với du khách

Theo bản lược kê lý lịch di tích đền Phú Đa được lưu trữ tại Ban quản lý di tích tỉnh Vĩnh Phúc, ngọc phả của ngôi đền này hiện nay không còn, tài liệu lưu trữ được ghi theo lời kể của các cụ già trong dòng họ Nguyễn Danh ở các đời trước: Cụ Nguyễn Danh Thưởng xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo nhưng thông minh, giỏi giang, có tài đối đáp. Lúc còn nhỏ cụ đã được một vị quan nhận làm con nuôi và đưa vào cung, được vua rất tin dùng. Vì có nhiều công trạng với triều đình, cụ được phong tước Thái Bảo Lãng Trung Hầu, trấn thủ miền Sơn Tây, Thái Nguyên. Khi còn làm quan, cụ rất quan tâm đến làng xã Phú Đa. Cụ đã cấp ruộng cho người nghèo, cấp tiền cho dân làng mua trâu bò, nông cụ sản xuất. Đặc biệt quan tâm đến giáo dục và lớp người cao tuổi, cụ giao cho dân làng quản lý ruộng “Học điền” để có nguồn trả công cho thầy dạy học và ruộng “Bút chỉ” để có nguồn chi phí mua giấy bút cho con em đi học, giao ruộng “Mũ áo” để có kinh phí mua mũ áo cho người già từ 70 tuổi trở lên. Cụ còn cấp điền đắp cống làm thủy lợi phục vụ nông nghiệp, mở chợ cho bà con trong vùng.

Ông Nguyễn Danh Thảo cho biết thêm: Ông là hậu duệ khoảng đời thứ 9 của cụ Nguyễn Danh Thưởng. Theo các cụ tiền bối trong dòng họ kể lại, ngôi đền được xây dựng trong 40 năm, từ năm 1646 đến năm 1686, cách đây gần 400 năm, khi đó cụ Nguyễn Danh Thưởng còn sống và đang làm quan trong triều Lê. Ngôi đền rất linh thiêng, có diện tích mặt bằng 3 mẫu đất. Đền tọa hướng Đông Nam, cấu trúc bao gồm 2 trụ đá lớn phía trước cổng đền, tiếp đến là cổng đền, qua một khoảng sân rộng có 2 hàng tượng võ sĩ và voi ngựa bằng đá chầu 2 bên (với kích thước còn lớn hơn các tượng đá chầu ở sân Lăng Khải Định của Cung đình Huế), tiếp đến là tòa đại bái và tòa hậu cung. Trong tòa đại bái có 10 bia đá được chạm khắc chữ Hán dày đặc kín mặt mỗi tấm bia, vẫn còn nguyên đường nét sắc sảo, hai bên là hai tượng võ sĩ bằng đá xanh đứng gác. Có tượng 2 vị thư lại bằng đá xanh ngồi quỳ 2 bên phía trước cửa giữa của tòa hậu cung. Trong tòa hậu cung có 5 ngai thờ chia thành 2 hàng, 1 sập đá đặt trước ngai thờ. Hệ thống cột gỗ lim to vẫn còn nguyên vẹn đứng sừng sững uy nghi; các cặp sư tử đá, rồng đá, chó đá… được bố trí ở các vị trí hai bên của cổng đền và tòa đại bái, chưa hề có dấu hiệu bị ảnh hưởng gì của thời gian trong gần 400 năm qua.

Nói về 10 tấm bia đá, ông Thảo cho biết thêm: Đã từng có dịch giả dày công bỏ ra 2 tháng trời về tại đền này để dịch các chữ Hán của 10 tấm bia đá trong đền nhưng vẫn không thể dịch hết, còn khoảng 400 chữ rất khó dịch, phải in ra giấy bản đem về Viện Hán Nôm để tham khảo dịch tiếp. Theo truyền khẩu để lại, có lần vỡ đê sông Hồng, nước xoáy thành vực sâu ngay gần sát đầu đốc của ngôi đền, trụ cổng phía ngoài của ngôi đền đã bị sụt vùi dưới lòng đất cùng một cặp chó đá, còn lại toàn bộ phía trong ngôi đền vẫn sừng sững, uy nghi, không hề bị ảnh hưởng chút gì. Tuy nhiên, trải qua mấy trăm năm, ngôi đền có bị ảnh hưởng do đạn pháo của chiến tranh từ thời Pháp thuộc.

Ông Thảo chỉ cho chúng tôi xem những vết tích của chiến tranh còn đọng lại, đó là một con nghê đá trên trụ cổng bên phải của đền đã bị đạn bắn cụt mất đầu, phía đầu đốc tường đá ong của ngôi đền còn lỗ chỗ dày đặc những vết đạn bắn vào nhưng không thể xuyên thủng được bờ tường, một tượng võ sĩ bằng đá bị cụt mất đầu đã được phục dựng lại bằng xi măng trông khá giống với các tượng võ sĩ còn nguyên vẹn bên cạnh đó.

Ngày 17/02/1990, đền Phú Đa được Bộ Văn hóa công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Hiện tại ngôi đền không có bất kỳ một tấm biển chỉ dẫn nào ở bên ngoài để cho khách thập phương biết đến và thăm viếng. Đền thường ngày vẫn được rào dây thép gai xung quanh phía trước trụ cổng để ngăn không cho trâu bò hoặc kẻ xấu xâm phạm làm ảnh hưởng đến quần thể di tích. Tuy nhiên, cách đây mấy tháng, kẻ gian đã đột nhập ban đêm lấy cắp 1 con nghê đá ngự trên trụ cổng phía bên trái của đền.

Ông Thảo tâm sự: Đã 30 năm nay, một mình ông làm nhiệm vụ trông giữ, hương khói, tế lễ, thi thoảng mới có khách ghé thăm viếng đền. Tiền hỗ trợ cho người trực tiếp trông coi di tích hiện tại mỗi tháng chỉ vẻn vẹn có 50.000 đồng, trả mỗi năm 1 lần, do Ban quản lý di tích tỉnh chi trả, ông phải lên tận tỉnh để nhận tiền thù lao. Chính quyền địa phương và nhân dân ít quan tâm đến ngôi đền vì nhiều người cho  rằng đây là ngôi đền riêng của dòng họ Nguyễn Danh. Hiện tại có nhiều việc cần phải làm để chỉnh trang lại ngôi đền cho xứng tầm với di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia nhưng lực bất tòng tâm, tuổi già sức yếu, kinh tế gia đình ông rất khó khăn nên không làm nổi, mong muốn có được sự trợ giúp, quan tâm của các cấp các ngành, các nhà hảo tâm và đặc biệt là chính quyền địa phương xã.

Đền Phú Đa là một ngôi đền đá cổ có kiến trúc uy nghi và độc đáo nhất tỉnh Vĩnh Phúc, đang rất cần nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường. Đồng thời mong muốn được các nhà hảo tâm quan tâm, tài trợ kinh phí chỉnh trang lại phía ngoài cổng đền và xây thêm tường bao để bảo vệ. Cơ quan chức năng liên quan nên công bố tóm tắt nội dung các thông tin về bản dịch ra chữ quốc ngữ trên 10 tấm bia đá của đền. Đồng thời có biển chỉ dẫn, giới thiệu về di tích với du khách gần xa mỗi khi đến viếng và chiêm bái cảnh đẹp của ngôi đền, đảm bảo tính tôn nghiêm của di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia và gìn giữ cho các thế hệ sau. 

Thanh Loan