“Ai đi buôn đâu bán đâu
Tháng giêng mười tám rủ nhau mà về”
Đó là câu ca dao mà người dân Ninh Hiệp vẫn truyền nhau trong ngày hội làng.
Làng Nành (tên cũ là làng Phù Ninh) nay là xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm có diện tích 38 ha, trên 15.000 dân với lịch sử hơn 1000 năm, có chợ vải, chợ thuốc bắc lớn nhất cả nước: chợ Ninh Hiệp.
Làng Nành vào đầu thời Nguyễn thuộc tổng Hạ Dương, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (từ năm 1831 là tỉnh Bắc Ninh). Xa xưa làng Nành là một làng lớn, gồm sáu giáp: Tố Thôn, Ninh Thượng, Nhân Hậu, Đính Thượng, Đính Hạ và Nội Đình. Cuối thế kỷ XVI, các giáp Tố Thôn, Đính Hạ, Nội Đình tách ra thành các làng (cũng là các xã) mang tên: Hiệp Phù, Ninh Giang, Ninh Xuyên (sau đổi thành Tế Xuyên); còn các giáp: Ninh Thượng, Nhân Hậu, Đính Thượng chuyển thành các làng: Thượng, Trung, Hạ nằm trong xã Phù Ninh.
Sau cách mạng tháng 8- 1945 các xã trên hợp nhất với các xã khác. Đến giữa năm 1956 tách ra thành xã Ninh Hiệp thuộc huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh. Từ tháng 5- 1961 xã Ninh Hiệp chuyển về huyện Gia Lâm – Hà Nội.
Vị trí làng Nành
1.Cổng làng:
Hình ảnh cổng làng cũ kĩ, đầy rêu phong đã trở nên quen thuộc đối với mỗi làng quê ở đồng bằng châu thổ sông Hồng. Bởi theo quan niệm truyền thống, bên cạnh cây đa, giếng nước, đình chùa, cổng làng vốn có ý nghĩa như một sự chào đón chân thành, hồ hởi của người địa phương dành cho khách. Nhưng, hiện nay trước “cơn gió” của nền kinh tế thị trường, hình ảnh “cái cổng làng” đang dần dần bị quên lãng.
May thay, ở Ninh Hiệp cái cổng làng – một phần “hồn cốt” của làng quê, vẫn còn được lưư giữ và trân trọng cho đến ngày nay.
Cổng làng Nành
Cổng làng trổ về hướng Đông Nam- nơi đón gió mát và mặt trời mọc. Và là một trong 13 cổng làng cổ nhất Kinh Bắc còn lại cho nên ngày nay.
Đây là cổng tam môn – cổng có quy mô bề thế nhất hiện nay, gồm một cửa chính và hai cửa nhỏ bên tả- hữu. Cổng làng Nành là cổng đẹp bên cạnh các làng khác như: Đông Ngạc, Đường Lâm( Hà Tây),… đã để lại ấn tượng đặc biệt trong du khách.
Lịch sử xây dựng cổng làng thì không ai nhớ chính xác. Ngay đến các cụ già làng khi được hỏi thì chỉ trả lời là cổng có từ lâu lắm rồi, khi các cụ sinh ra thì nó đã có. Như vậy cổng làng đã tồn tại hằng trăm năm nay và đã lưu giữ nhiều kho báu vô giá. Trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, bom đạn tàn phá dữ dội nhưng cổng làng vẫn hiên ngang như minh chứng cho tinh thần đấu tranh bất khuất của người dân. Trong quá trình cải tạo lại đường làng thì nhiều lần định nâng cổng làng lên nhưng cuối cùng họ quyết định giữ nguyên vẹn cổng làng cho đến bây giờ.
Cổng làng trước đây có cánh cửa do bà con địa phương chung tiền dựng bằng gỗ hoặc bằng tre. Cổng có người thay nhau canh gác để bảo vệ bình an cho bà con khi có biến động. Ngày nay do quá trình phát triển thì các cổng làng đều không còn cánh cửa nữa.
Cổng làng là nơi chứng kiến các hoạt động của người nông dân, là nơi chứng kiến những phút giây đấu tranh anh hùng của người dân trong kháng chiến. Cổng làng cũng là nơi hẹn hò của các đôi trai gái. Cổng làng đứng đó như một chứng tích của lịch sử. Khi xa quê ai cũng phải cúi đầu, quay lại, nhìn và chào cái cổng làng. Người đi xa, khi về quê phải bước qua cổng làng mới về được tới nhà. Các quan trạng thời xưa, khi đỗ đạt vinh quy, áo gấm về làng, tới cổng làng đều phải kính cẩn “hạ mã”, cúi đầu rồi mới bước qua cổng. Theo phong tục thì khi trong làng có đám tang, trên đường đưa linh cữu người quá cố ra mộ phải qua cái cổng làng. Lúc này linh cữu phải khiêng hạ thấp xuống để người chết có lời cáo biệt. Ra đến mặt trước cổng làng, linh cữu phải hơi quay lại phía sau để linh hån người đã khuất được nhìn cái cổng làng lần cuối. Đối với người dân, cổng làng đã là một phần máu thịt trong mỗi người dân. Điều ấy cũng giống như làng không có cổng như nhà không có cửa.
Không gian xung quanh cổng làng
Cùng với thời gian rêu phong đã mọc đầy, những mảng tường loang xuất hiện ngày càng nhiều hơn làm trơ mòn, trũng lõm từng viên gạch, những vết nứt đã bắt đầu lộ ra. Đó là thực trạng xuống cấp chung của nhiều công trình di tích hiện nay và nếu không có những biện pháp bảo tồn kịp thời, hợp lý thì trong tương lai không xa hình ảnh chiếc cổng làng thân quen sẽ chỉ còn trong quá khứ của mỗi người.
Không gian xung quanh cổng làng Nành đã có nhiều thay đổi. Xưa kia, sau cổng làng bao giờ cũng có một quán nước nhỏ với chõng tre chơ vài hũ kẹo bột, kẹo vừng, bánh đa khoai hay dăm tấm bánh nếp, bánh gai. Nhưng giờ đây hai bên cổng làng, nhà cửa, quán hàng đã mọc lên san sát.
Nhưng vẫn còn đó cây đa cổ thụ sừng sững đứng bên cạnh cổng làng. Đây là chính là nơi dừng chân nghỉ ngơi của mỗi người dân khi bước chân về làng. Khó ở nơi nào có cổng làng như ở Ninh Hiệp khi vẫn giữ được nét “đặc sắc” này.
2.Quần thể cảnh quan có công trình kiến trúc:
Ở làng Nành hiện có khoảng 20 di tích lịch sử, văn hóa lớn nhỏ trong đó đã có 6 di tích được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Mỗi di tích đều gắn liền với những huyền thoại và sự tích góp phần làm giàu thêm truyền thống văn hóa làng xã nơi đây.
2.1 Chùa Nành:
Theo tương truyền, chùa Nành được xây dựng vào thời nhà Lý (1010-1225), nằm ở trung tâm của làng và mang tính bản địa độc đáo. Chùa Nành (hay chùa Cả) là tên thường gọi của chùa Pháp Vân Cổ Tự, thuộc hệ thống “Tứ Pháp” gồm các chùa Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện.
Chùa Nành là một trong những ngôi chùa cổ nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ, được xây dựng từ năm 207 đến năm 226. Lý Công Uẩn trước khi lên ngôi vua (1010) đã về trú ngụ ở chùa và được sư cụ Nguyễn Huệ Chung giúp đỡ. Năm 1583, Hoàng Thái Hậu Triều Mạc Trần Thị Trân đã đứng ra tu bổ chùa cùng Phúc Thành Công chúa. Năm 1675 Phúc quận công Hoàng Anh Hào đứng đầu xây dựng nhà bái đường. Năm 1733 Ninh quận công Nguyễn Thọ Tràng đứng đầu xây dựng hậu cung, hai dãy giải vũ, nhà động, tạc nhiều tượng Phật. Cuối thế kỷ 18, Chiêu nghi Hoàng hậu sinh Ngọc Hân Công chúa đã đem gác chuông, gác khánh về xây dựng nhà Thuỷ đình và Thạch sàng cho chùa. Trong những năm 40-45, đây là cơ sở của những cán bộ cách mạng cốt cán: như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng.
Chùa đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Hiện thời kiến trúc chùa chủ yếu mang phong cách thời Nguyễn (1802-1945). Chùa còn 104 gian, 106 pho tượng. Toàn bộ bình đồ nằm theo trục “thần đạo”, bố cục hình “nội công ngoại quốc”. Nhà tiền đường có bộ vì kèo thượng cốn hạ kẻ trạm hình mây xoắn là bộ vì kèo sử dụng duy nhất ở kiến trúc này. Hai bên tiền đường có chuông, gác khánh. Chùa thờ Đức Phật Pháp Vân, tượng đặt trong khám ngồi theo tư thế “kết ấn vị quý” tượng trương tín ngưỡng tôn giáo thời nguyên thủy.Ngôi chùa hiện nay còn có nhiều di vật của thế kỷ XVII, XVIII, như chuông đồng (1653), khánh đồng (1733), 3 tấm bia đá cùng nhiều pho tượng gỗ phủ sơn rất quý như bộ tượng Tam Thế Phật (tượng cao 0,80m, tòa sen và đế cao 0,70m), tượng Tuyết Sơn (cao 0,73m), tượng Bát bộ Kim Cang (cao 1,56m), tượng Thập Điện Minh Vương (cao 1,35m), tượng Thập bát La-hán (cao 1,08m), tượng Bà Nành v.v… Các pho tượng khác đều giữ được phong cách nghệ thuật Ấn Độ không lai, tạc vào thế kỷ 17, 18. Tượng Thập bát La Hán được các chuyên gia đánh giá là khá thực, không thua kém chùa Tây Phương.
Chùa hiện còn nhiều hoành phi, câu đối và đồ thờ vàng son rực rỡ, còn khoảng 100 tượng, trong đó pho tượng Tuyết Sơn đầy vẻ linh thiêng, tượng 18 vị La Hán thì mỗi vị một vẻ thật sinh động.
Chùa được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 1989.
2.2 Đình Hiệp Phù:
Đình Hiệp Phù (xóm 9) có thần phả ghi chép về Đốc tướng Bạch Sam, người được thờ Thành hoàng làng. Ông là bộ tướng của Thánh Gióng, có công đánh đuổi giặc Ân, được vua phong ấp ở Nành. Ông lập ấp, lấy vợ là Lý Nương, mất đi được chôn cất ở Nành. Nay vẫn còn ngôi mộ mà dân làng gọi là Mả Vua.
Mặt sau thánh đá
Theo sự tích kể lại thì có giếng Bán Nguyệt vẫn chưa tìm được “Có giếng Bán Nguyệt có chùa Vân Tinh”.
2.3 Giá Ngự:
Theo sự tích kể lại thì đây là nơi gặp gỡ của các “quan âm”. Giá Ngự nằm ở trung tâm của làng có không gian xanh khá đẹp với nhiều loại cây xanh. Đặc biệt có hai cây đa do đích thân cố tổng bí thư Trường Chinh và nguyên tổng bí thư Đỗ Mười trồng khi hoạt động cách mạng tại đây.
So với trước đây thì diện tích của khu này bây giờ bị thu hẹp đi nhiều do xã cắt đất để xây dựng trung tâm thư viện của xã.
Toàn bộ khu di tích này đã được cải tạo lại cách đây 10 năm tuy nhiên nó vẫn giữ được nét kiến trúc như xưa.
2.4 Đình Hạ Thôn:
Thành Hoàng được thờ ở đình là người họ Lữ (gọi chệch là Lã) tên Gia. Ngài sinh ngày 10-2 khoảng năm 200 trước CN tại Sài Sơn- Sơn Tây.
Ngoài thờ Thành hoàng là Lã Thừa tướng, đình còn thờ Vịnh quân công Nguyễn Đức Chiêm(1618- 1678) người con ưu tú của đất Nành làm hậu thần- người có công lớn trong việc xây dựng đình được lưu giữ đến bây giờ.
Đình Hạ Thôn được xây dựng năm 1670 với quy mô lớn, có nét chạm khắc độc đáo, tinh sảo, nghệ thuật kiến trúc đậm sắc thời Nguyễn. Có nhà Đại đình, hậu cung với các bộ vì phân gian, vì hồi, các cốn, cữa võng, hoành phi,..còn lưu giữ 3 tấm bia đá, hương án, khám thờ, kiệu, nát hương, chuông đồng. Và nhất là 9 đạo sắc phong thần của các triều đại (có sắc phong tắc “Lã Nam Đế Không Hoàng Đại Đế” mà hiếm thấy các vị thần khác có được).
Hiện nay đang tái tạo lại nhà bia đình Hạ Thôn.
2.5 Điếm Kiều:
Nơi đây thờ “Lý Nhũ Thái Lão Dược Sư thần linh” Tổ nghề thuốc và được phục chế năm 1992.
Tương truyền vào thế kỷ thứ XI có người con gái họ Lý (gọi là Lý nương) ham mê nghề bốc thuốc trị bênh cứu người đến nỗi không nghĩ đến chuyện thành lập gia thất. Một hôm trên đường vào rừng tìm cây thuốc, Lý nương gặp một bà lão tóc trắng như cước, da dẻ hồng hào và ban tặng cho Lý nương một cuốn sách. Lý nương hiểu rằng mình đã được tiên ban cho sách quý, về nhà bà ra sức học rồi đi chữa bệnh ở khắp nơi, tiếng tăm lừng lẫy. Một hôm, bà vượt sông Nhị Hà, qua dòng Thiên Đức, khi ngồi nghỉ dưới một tán cây của làng Phù Ninh (hay còn gọi là làng Nành xưa và xã Ninh Hiệp ngày nay), thấy cảnh vật hữu tình và con người nơi đây cần cù, hiền hoà, hiếu học, bà đã chọn là nơi dừng chân và truyền nghề, không chỉ nghề làm thuốc, trị bệnh cứu người mà cả nghề dệt vải. Khi bà mất đi, nhân dân ở đây đã tôn bà là” Lý Nhũ Thái Mẫu dược sư thần linh”, tổ sư của làng và lập đền thờ bà.
Đây là di tích có kiến trúc khá dơn giản và quy mô nhỏ nằm khiêm tốn bên đường vào trung tâm làng. Tuy nhiên đối với người dân Ninh Hiệp thì Điếm Kiều là nơi có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của họ.
Ở đây còn là nơi diễn ra lớp học chữ Hán miễn phí vào thứ 7 và chủ nhật hằng tuần do các thầy đồ làng Nành dạy đã thu hút rất nhiều người tham gia gồm đủ mọi tầng lớp và lứa tuổi.
2.6 Mộ công chúa Lê Ngọc Hân và mẹ Nguyễn Thị Huyền:
Mộ mẹ Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền- bên trái, Mộ tượng trưng công chúa Lê Ngọc Hân- bên phải
Bà là công chúa thứ 21 của vua Lê Hiển Tông, mẹ tên là Nguyễn Thị Huyền. Ngọc Hân tài sắc hơn người, kiều diễm, đoan trang, được mệnh danh là “Chúa Tiên”. Chính vì thế, khi Nguyễn Huệ đem quân ra “Phù Lê diệt Trịnh” thành công, nhà vua đã chọn Ngọc Hân làm ý trung nhân cho Nguyễn Huệ. Cuộc hôn nhân của công chúa Ngọc Hân với Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã xua đi sự nghi ngờ của triều đình nhà Lê đối với Tây Sơn, nhờ đó mà đất nước yên bình, thoát cảnh nồi da nấu thịt.
Sau khi nhà Lê đổ, Nguyễn Huệ lên ngôi vua (năm 1789), hiệu là Quang Trung, Ngọc Hân được phong là Bắc cung Hoàng hậu. Bà là người thông minh, học cao, biết rộng, biết người, đoán xét được mọi việc nên đã giữ được vai trò quan trọng trong sự nghiệp lớn của vua Quang Trung. Chỉ mới sáu năm chung sống, Hoàng đế Quang Trung đã đột ngột ra đi để lại Bắc cung Hoàng hậu còn trẻ (tuổi 22) và hai con nhỏ thơ dại. Ngọc Hân đưa con ra khỏi cung điện Phú Xuân, sống trong chùa Kim Tiền (Phú Xuân – Huế) cạnh điện Đan Dương để thờ chồng, nuôi con. Bà gượng sống tới ngày 8-11 năm Kỷ Mùi (4-12-1799) thì mất, lúc ấy mới 29 tuổi. Triều đình Cảnh Thịnh lục đục, suy yếu và sụp đổ. Nhà Nguyễn lên ngôi với sự thù hận sâu sắc hoàng tộc trước. Các con của Ngọc Hân phải đổi sang họ Trần tránh sự truy đuổi của Gia Long Nguyễn ánh, nhưng chẳng tồn tại được bao lâu. Hoàng tử Văn Đức mất ngày 23-12-1801 khi mới 10 tuổi, và công chúa Ngọc Bảo mất ngày 18-5-1802 khi mới 12 tuổi. Thương con gái, cùng các cháu ngoại chết yểu nơi xa, năm 1804, bà Nguyễn Thị Huyền khi ấy đang sống ở Phù Ninh (Ninh Hiệp ngày nay) thuê người vào Huế, đem hài cốt của ba mẹ con Ngọc Hân về làng. Ngày 28-6-1804, ba bộ hài cốt được đưa về bến ái Mộ (Gia Lâm – Hà Nội) và ngày 11-7-1804 đưa về bản Dinh (tức dinh Thiết Lâm của bà Nguyễn Thị Huyền), sau đó ngày 16-7-1804 được an táng tại bãi Cây Đại hay bãi Đầu Voi ở đầu làng Nành. Bà Nguyễn Thị Huyền không có con trai, đã ký hậu 50 mẫu ruộng tốt với làng và chuyển dinh Thiết Lâm làm đền thờ. Năm 1823, bà Huyền mất, thọ 70 tuổi, dinh Thiết Lâm thờ bà và mẹ con Ngọc Hân. Theo tộc phả họ Nguyễn Đình và truyền thuyết địa phương, vào khoảng thời gian từ đời Minh Mạng sang đời Thiệu Trị (1840) có người trong làng đã tố cáo việc thờ cúng này với chính quyền đương nhiệm. Vua Thiệu Trị đã ban sắc, bắt phá hủy đền thờ ở dinh Thiết Lâm. Mộ ba mẹ con Lê Ngọc Hân bị quật đào, hài cốt đổ xuống sông Hồng – nơi sau này dân lập đền Ghềnh thờ bà; chánh tổng bị lột da nhồi trấu, tri phủ bị cách chức.
Từ năm 1842, dinh Thiết Lâm bị phá, bỏ hoang thành đất công của làng, nhưng dân vẫn gọi là “Vườn Dinh” và dựng lên một “Miếu cô hồn” kín đáo thờ Ngọc Hân. Thời gian trôi, mãi gần trăm năm sau, đến năm 1937 họ Nguyễn Đình đổi đất với làng lấy lại một phần dinh Thiết Lâm và lập lại đền thờ bà Nguyễn Thị Huyền cùng với Ngọc Hân. Và, tại bãi Cây Đại, cùng với việc sửa lại mộ bà Nguyễn Thị Huyền, dân làng cũng đắp nấm mồ tượng trưng của mẹ con Ngọc Hân, tương truyền là chính chỗ mà năm 1842 bị nhà Nguyễn quật phá.
2.7 Giếng Cầu Cả:
Giếng cầu Cả nằm phía trước mặt chùa Pháp Vân và ngay cạnh đường làng. Bên cạnh giếng là Bệ thờ Thần Giếng. Đây vừa là tín ngưỡng cổ đại ít nơi còn giữ được, vừa là nơi cung cấp nước cho dân làng làm đậu, làm tương từ bao đời nay. Miệng giếng hình tròn có đường kính 92 cm được xây bằng gạch. Thân giếng thẳng.
Hiện nay giếng không còn được sử dụng nữa. Người dân còn tận dụng không gian xung quanh giếng để kinh doanh dịch vụ vì ở đây có cây bàng lâu năm tán rộng xum xuê tỏa bóng mát cho khu vực giếng. Điều này cũng dễ hiểu vì hầu hết bên cạnh các giếng cổ thường mọc các cây cổ thụ như: cây đa, sanh,..
2.8 Ao Rối:
Đây là một trong những ao còn lại ít ỏi của làng Nành vì nhiều ao trong làng đã bị lấn chiếm và san lấp để xây dựng nhà cửa.
Ao Rối nằm ngay trước cổng chùa Nành – một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam. Rõ ràng vị trí này là phù hợp với phong thủy. Bởi vì những nơi thờ thấn không thể thiếu nguồn nước, đặc biệt là nước ở phía trước để tạo nên “tụ thủy tích phúc”. Người ta tin rằng với thế đất như vậy thì sức mạnh của thần sẽ lớn hơn và ban ân huệ cho con người nhiều hơn.
Đây là nơi diễn ra hoạt động múa rối ngày xưa. Tuy nhiên hoạt động văn hóa đặc sắc này đã không còn tồn tại nữa. Hình dạng của ao bị thay đổi nhiều so với trước đây. Ngày nay ao có kích thước hình chữ nhật với kích thước khoảng (đo sau). Xung quanh thành ao được xây dựng kiên cố với kè thẳng đứng bằng gạch và xi măng.
Ở giữa ao là tòa nhà với kiến trúc 2 tầng, 8 mái giống với kiến trúc của phương đình trong các đình làng.Không gian xung quanh ao mặc dù là các đường làng nhưng hoạt động buôn bán lại diễn ra rất sôi nổi. Giá như xung quanh ao là những hàng cây xanh mát kết hợp với không gian thanh tịnh trong chùa, môi trường ao được giữ sạch sẽ thì đây là nơi nghỉ ngơi lý tưởng. Đó cũng là mong ước chung của nhiều người trong làng.
2.9 Miếu Thượng:
Nơi đây thờ thành hoàng làng và bây giờ trở thành trung tâm sinh hoạt văn hoá cộng đồng của xóm 6 xã Ninh Hiệp. Miếu Thượng có không gian cảnh quan khá đẹp với hồ nước, cây đa.
3.Cổng nhà- tường rào:
Ninh Hiệp là một trong những xã có nền kinh tế phát triển với chợ vải lớn nhất miền Bắc. Người dân ở đây có kinh tế gia đình khá đầy đủ nhờ vào buôn bán vải. Chính vì vậy ở đây nhà cao tầng khá nhiều. Đồng nghĩa là các nhà truyền thống còn lại rất ít. Tuy nhiên vẫn còn một số it cổng, tường rào giữ được những nét kiến trúc xưa.
4.Không gian ngoài làng:
Làng Ninh Hiệp tiếp giáp với huyện Từ Sơn – tỉnh Bắc Ninh chính vì vậy mà không gian bên ngoài làng cũng có nhiều công trình di tích có giá trị lịch sử. Đó là miếu thời quốc mẫu và miếu thờ vua nhà Lý. Ngoài ra còn có các lăng thờ các vị vua nhà Lý nằm rải rác trên cánh đồng ngoài làng – nơi tiếp giáp với huyện Từ Sơn.
(Bài viết của nhóm nghiên cứu, năm 2008)