- Đình Chu "thoi thóp" chờ được "cứu"
- Di tích Pháo đài Xuân Tảo vừa cải tạo đã xuống cấp
- "Đánh thức" di sản lịch sử, hút mạnh du khách đến Hoàng thành Thăng Long
Lăng Quận công Nguyễn Đăng Doanh ở thôn Trùng Quán, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội
Công phò Vua, giúp nước
Lăng mộ Quận công Nguyễn Đăng Doanh hiện nằm thôn Trùng Quán, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội - nơi đây cũng chính là quê hương ông. Nguyễn Đăng Doanh sinh ngày 10 tháng 10 năm Ất Mão, tuy đến nay, hậu thế vẫn chưa biết rõ năm mất của Quận công. Theo một số tài liệu lịch sử còn lưu giữ, ông từng giữ những chức tước quan trọng trong triều đình như Tư lễ giám; Tổng thái giám nam quận Đô đốc phủ; Đô đốc thiên sự Đông quận công.
Bổ khuyết cho những ghi chép trong tài liệu chính sử, một số bia đá ở thôn Trùng Quán còn khắc ghi những chức tước khác của Nguyễn Đăng Doanh như: Đặc tiến kim tử; Vinh lộc đại phu thị nội gián ty lễ giám tả giám thừa; Thái giá sĩ tước hầu; Nguyễn Tướng công, Thụy Huy Hiến. Tương truyền, với chức quan Nam quân Đô đốc phủ Đô đốc Thiêm sự, Nguyễn Đăng Doanh là một trong những quan võ có vị trí cao cấp trong một phủ quân dưới thời Vua Lê Trung Hưng.
Ngày 29-10-2017 (tức 10-9 âm lịch), người dân thôn Trùng Quán sẽ làm Lễ đón bằng xếp hạng “Di tích cấp thành phố” cho Lăng mộ Quận công Nguyễn Đăng Doanh.
Sử cũ của làng còn kể mãi chuyện, Quận công Nguyễn Đăng Doanh đã ban 50 sào ruộng cho họ hàng làng xóm; 15 vạn quan tiền lương bổng để chia đều cho từng nhà; lập trường công dạy dỗ con em trong làng; cúng 100 lạng bạc và 20 sào ruộng đặt làm Nghĩa điền để giúp đỡ nghèo khó; cúng 5 sào ruộng vào chùa Bảo Các hương đăng ngày sóc vọng...
Ngày 13 tháng 6 năm Vĩnh Trị thứ ba (1678), 128 người có chức nhiệm ở xã Xùng Quán đã đồng lòng nhất trí, ký tên và khắc vào bia đá để suy tôn Đông Quận công Nguyễn Đăng Doanh làm Đại vương, kính thờ làm Thành hoàng làng để “hàng năm vào ngày cầu phúc, sinh nhật, tứ thời bái tiết, kính nhờ như thờ thần, làm sáng tỏ cho muôn đời sau..., thề mãi cùng hương hỏa không dứt, miếu thời còn mãi như nước sông Nhị Hà” (bia “Tôn bảo Thành hoàng ký”).
Để đời đời ghi nhớ công ơn của Đông Quận công Nguyễn Đăng Doanh, nhân dân bản xã đã dựng đặt Sinh từ - ngôi đền thờ ông ngay khi ông còn sống có tên là Diễn Phúc vào năm Kỷ Mùi, niên hiệu Vĩnh Trị năm thứ tư (1679). Ngôi Sinh từ đó sau trở thành quần thể đền thờ - lăng mộ, voi đá, ngựa đá, sập đá, bia ký và khuôn viên ruộng hương hỏa...
Hoa văn trên sập đá tại lăng Quận công Nguyễn Đăng Doanh
Cần sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu
Do sự tàn phá của chiến tranh và sự thay đổi của thời gian, khu lăng mộ hiện nay chỉ còn tấm sập đá và khuôn viên di tích ruộng nay chỉ còn vỏn vẹn chừng 30m2. Lăng mộ của Quận công họ Nguyễn nằm ngoài cánh đồng của thôn Trùng Quán. Tổng thể của diện tích hiện nay gồm một gò mộ cao hơn mặt ruộng. Mộ xây xung quanh bằng đá xanh, các phiến đá xanh lớn ghép liền thành những hình chữ nhất.
Bên trên lăng mộ là một sập đá đậy kín, phiến đá được bào, mài nhẵn, gờ vo tròn không có cạnh. Bốn cạnh xung quanh sập chạm nổi hoa văn với các đề tài như rồng chầu hổ phù, cánh sen, phượng hóa, lá cúc... với các nét chạm tinh tế, sống động của nghệ thuật thời hậu Lê. Thời gian qua, hậu thế họ Nguyễn Đăng đã cùng nhau góp công, góp sức làm tường bao quanh khu lăng mộ, trồng cây, quét tước, hai cây đa cổ thụ lối vào che bóng mát.
Trong khu lăng mộ, đình làng Trùng Quán, chùa Bảo Các (Trùng Quán), chùa Huyền Thiên (54 Hàng Khoai, Hoàn Kiếm) đều có tấm bia ký về Quận công Nguyễn Đăng Doanh. Tuy nhiên, qua nhiều tháng năm, các bia đá đã có rêu phủ và đều có các vết rạn nứt.
Những ghi chép trong các bia ký là tư liệu thư tịch Hán - Nôm được xem là đặc biệt quan trọng để làm rõ hơn nữa thân thế sự nghiệp của một người có công với dân, chính vì thế, rất cần được dịch nghĩa, được bảo tồn, chống xuống cấp. Bởi lẽ, bia ký không chỉ cung cấp nhiều thông tin liên quan đến bản thân Đông Quận công Nguyễn Đăng Doanh mà còn đảm bảo tính xác thực về mặt tư liệu lịch sử, triều đại bấy giờ.
Ông Nguyễn Đăng Chung, Trưởng họ Nguyễn Đăng tại thôn Trùng Quán chia sẻ: “Tôi nghe người già trong làng kể lại, xưa đang làm đồng gặp mưa đều chạy đến lăng Quận công trú mưa, lăng khi ấy có cổng lớn, lăng Quận công là nhà tám gian thoáng mát. Đến thế hệ tôi tuổi thơ cùng lũ trẻ chơi đùa, vẫn thấy voi đá, ngựa đá và nhiều bia đá viết về Quận công”.
Ông Nguyễn Đăng Chung tiếc nuối nói: “Chiến tranh, loạn lạc, cuộc sống nghèo khó, có người không biết đã lấy những bia đá, cổng bị đạn bom phá vỡ về nung vôi”. Lăng mộ Quận công Nguyễn Đăng Doanh mang một phong cách riêng, với một giá trị nghệ thuật tiêu biểu. Khu di tích là một vốn cổ quý giá cần thế hệ sau trân trọng và bảo tồn.
Một điểm thú vị, mỗi khi những người phương xa dừng chân tại đình Trùng Quán, gặp cụ từ Nguyễn Công Tình (SN 1935) ngày ngày trông coi đều bị cuốn vào miền ký ức dân gian đã trở thành huyền hoặc mà cụ vẫn nhớ như in: “Thế hệ chúng tôi được nghe kể, để xây lăng Quận công, bao nhiêu người đã đứng hàng dài chuyền tay nhau từng viên gạch từ Bát Tràng về đến Trùng Quán, họ chuyền tay nhau qua đường bộ, đường sông... Một chi tiết như vậy đã thấy được uy tín Quận công Nguyễn Đăng Doanh trong triều”.