Đã từ lâu, những cư dân của vùng sông nước Nam Bộ nói chung,
ở huyện Cần Đước, Long An nói riêng coi xuồng, ghe là nhà, là phương tiện di
chuyển và cũng là cái "nghiệp mưu sinh". Nghề đóng xuồng ghe cũng nhờ
thế mà phát triển, thịnh hành từ đời này sang đời khác...
|
Một chiếc vỏ lãi đang
chờ xuất xưởng đóng xuồng của ông Chín Nhựt.
|
Về "xứ sở" đất đóng xuồng
Xuồng
ghe Cần Đước lâu nay nổi tiếng trong giới thương hồ sông nước đồng bằng sông
Cửu Long. Các cơ sở đóng xuồng ghe dọc theo sông Vàm Cỏ, sông Soài Rạp, kênh
Nước Mặn ngày đêm ồn ã, sôi động bởi hàng ngàn lượt khách tìm đến sửa chữa, bảo
trì và đóng mới phương tiện giao thông thủy. Toàn huyện Cần Đước hiện có hơn
100 cơ sở đóng xuồng ghe truyền thống, trong đó, nhiều cơ sở có quá trình hình
thành và phát triển gần một thế kỷ qua. Nhiều hộ gia đình theo nghề đóng xuồng
từ thế hệ này sang thế hệ khác như dòng chảy cha truyền con nối. Tuy chưa phát
triển thành làng nghề, hay thành phường hội như ở miền Bắc, nhưng ở Cần Đước đã
xuất hiện một số khu vực sản xuất tập trung, các sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu
cầu tiêu dùng của địa phương mà còn cung cấp cho thị trường Sài Gòn và một số
tỉnh lân cận. Với nguồn nguyên liệu gỗ sao, gỗ sến và dầu rái từ rừng Quang Hoá
(Tây Ninh) đưa về, những cơ sở ở Thủ Thừa, Cần Đước đã đóng nhiều loại xuồng
ghe được tín nhiệm rộng rãi trong miền. Phát triển lâu đời, nghề đóng ghe của
Long An đã sản sinh nhiều lớp thợ giỏi, có nhiều kinh nghiệm trong việc thiết
kế ghe ngày càng hoàn hảo, từ chọn loại gỗ, xử lý kỹ thuật, đến sắp đặt các chi
tiết sao cho hợp lý để ghe có thể chạy nhanh, rẽ nước và nhảy sóng tốt.
"Sống chết với nghề"
Ông
Út Hữu, ấp Mỹ Điền, xã Long Hựu Tây, 58 tuổi, một tay thợ lành nghề đóng ghe
xuồng hồ hởi: "Nghề này làm tất bật quanh năm, suốt tháng. Hết đóng ghe,
vỏ lãi theo đơn đặt hàng rồi lại đóng xuồng phục vụ bà con mưu sinh mùa nước
nổi... Nhiều địa phương khác, thanh niên phải đi xa làm thuê, hay làm công nhân
ở các khu công nghiệp, thì hầu hết thanh niên ở làng nghề này đều mưu sinh từ
nghề đóng xuồng". Mỗi ngày, xã Long Hựu Tây xuất xưởng bán hàng trăm chiếc
ghe, xuồng, để bà con mưu sinh trong mùa nước nổi. Trung bình mỗi xưởng đóng
ghe xuồng đều mướn thêm 1 đến 3 thợ. Những người thợ đóng xuồng được trả công
từ 100 - 140 nghìn đồng/ngày, phụ nữ trét chai, sơn xuồng được 70 - 80 nghìn
đồng/ngày.
Để
hoàn thiện một chiếc ghe, người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn: Chuẩn bị
gỗ, sau đó gát tấm tiếp, khó nhất là công đoạn đốt be để tạo dáng, rồi tùy theo
ghe to hay nhỏ mà lên be theo từng đôi một và tiếp tục vô cong, áp khẩu, làm
mui, sau đó trét chay... Một chiếc ghe cần đến 5-6 người thợ làm trong 15-20
ngày. Chiếc ghe lớn dài từ 16-17m, ghe nhỏ dài 7-8m. Nếu làm bằng loại gỗ tốt,
đóng đúng kỹ thuật và mỹ thuật, thì tuổi thọ của mỗi chiếc ghe có thể lên đến
30-40 năm. Để làm nhanh và ít tốn thời gian, mỗi người thợ phải giỏi một công
đoạn. Bên cạnh ghe, xuồng là loại thông dụng nhất đối với người dân vùng sông
nước. Xuồng được người dân ưa chuộng nhất vẫn là loại xuồng tam bản. Ngày nay,
loại xuồng này được nhiều khu du lịch đặt hàng, phục vụ cho du lịch đò chèo. Kỹ
thuật đóng xuồng luôn được cải tiến nên xuồng ngày nay thường được làm từ 5-7
miếng ván trở lên, có chiếc đến 11-15 miếng. Giá mỗi chiếc xuống thấp nhất gần
3 triệu đồng. So với ghe, xuồng làm dễ và nhẹ nhàng hơn, nhưng rất cần sự khéo
léo, tỉ mỉ.
Đồng
hành với thời gian, đến hôm nay, tuy có lúc lòng người sao nhãng, nghề đóng ghe
xuồng ở Cần Đước cũng có khi chòng chành, vơi đầy theo con nước. Nhưng những
tay thợ tinh hoa, lão luyện của làng nghề vẫn ấp ủ một lòng tin bền vững rằng,
nếu còn cù lao, còn kênh rạch thì nghề đóng ghe xuồng còn tồn tại.
Theo biên phòng