Dưới chân núi Đọi, xã Đọi
Sơn, Duy Tiên, Hà Nam có 3 làng Đọi nhưng chỉ làng Đọi Tam có nghề làm trống.
Tương truyền có 2 anh em tên Nguyễn Tiến Năng và Nguyễn Tiến Đạt đã làm ra
những chiếc trống chào đón vua
Lê Hoàn đến khai khẩn mảnh
đất Đọi Sơn khai sinh ra nền nông nghiệp lúa nước vào năm 986. Nghe tiếng trống
mừng rền vang như sấm dậy, vua Lê Hoàn lấy tên Trống sấm đặt tên cho những
chiếc trống này. Trống sấm Đọi Tam có từ thủa đó.
Căng và phơi da trâu dưới trời nắng gắt.
Vào làng nghệ nhân kiêm...
“đồ tể”
Nghệ nhân Phạm Văn năm nay 85
tuổi, một trong 2 nghệ nhân cao tuổi nhất, dày dạn kinh nghiệm nhất trong làng
trống cho biết: Năm 986, được tin vua Lê Đại Hành sửa soạn về làng làm công tác
tịch điền dưới chân núi Đọi, nhân dân nô nức đến xem. Lúc đó, cụ Năng và người
em là Đạt biết tin đã đốn cây mít xẻ ra thành các mảnh, ghép lại và lấy da trâu
bưng kín. Khi vua đến, hai anh em cụ Năng đem trống ra đánh. Nghe tiếng trống
như tiếng sấm rất khí thế nên vua liền gọi trống đó là trống sấm, hai anh em
được dân làng tôn là Trạng Sấm. Hiện nay vẫn còn ngôi đền thành hoàng dưới chân
núi Đọi thờ hai anh em. Các cụ trong làng Đọi Tam còn kể một câu chuyện gõ
trống mừng vua nữa. Đó là lần vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La. Tương
truyền khi đoàn thuyền rồng rẽ từ sông Đáy vào sông Châu để thông ra sông Cái
(sông Hồng), đến đoạn uốn lượn ở dưới chân núi Đọi thì dân làng mang trống ra
gõ mừng. Vua lấy làm hài lòng, bèn cho một số thợ làng Đọi Tam đi theo về lập
kinh đô mới. Vì thế, có nhiều giả thuyết cho rằng, phố Hàng Trống ở kinh thành
Thăng Long được lập từ những người thợ trống làng Đọi Tam thời đó.
Pha gỗ để làm “dăm”
trống.
Để dựng được một chiếc trống
hay, điểm trọng yếu phải có được bộ da ưng ý để “bưng” trống. Nghệ nhân làng
Đọi Tam khi có người đặt làm trống, đặc biệt là những chiếc trống sấm, thường
tự mình đi tìm mua những con trâu to khỏe để thịt. Họ không dám để những anh đồ
tể làm vì sợ sẽ hỏng mất bộ da. Mảng da phần đầu, gáy, thậm chí tứ chi cũng
được cân nhắc kỹ trước khi đưa dao để rạch. Một nghệ nhân làm trống ngoài con
mắt nghệ thuật, cái tai thính còn cần có đôi bàn tay điêu luyện của một “đồ tể”
hạng ưu. Những “đồ tể” nghệ nhân này khi lột da trâu không bao giờ cần đường
rạch lần thứ 2. Lột được bộ da lớn nguyên tấm, người thợ trống đem thuộc. Cái
hay, cái giỏi và tài hoa của người thợ trống Đọi Tam thể hiện qua kỹ thuật xử
lý da trâu hơn hẳn nhiều làng nghề khác. Giai đoạn công phu này đòi hỏi họ phải
có kinh nghiệm. Những người thợ trống Đọi Tam thường đi mua da trâu vào những
ngày trời nắng và khi đem về là phải phơi ngay. Dưới cái nắng gay gắt, da trâu
được hong khô, có như vậy tiếng trống mới ấm, vang xa. Trong quá trình bào da,
những người thợ có tay nghề phải dồn hết tâm trí vào công việc. Nếu miếng da
trâu dày hoặc mỏng hơn tiêu chuẩn, tiếng trống sẽ biến âm. Khâu tiếp là làm
tang trống. Tang trống hay còn gọi là “dăm”. Những người thợ làng trống Đọi Tam
chọn dăm là loại gỗ mít già, vừa nhẹ, không bị ngót và quan trọng nhất là giữ
được tiếng. Tùy theo kích cỡ trống mà định ra bao nhiêu dăm. Độ cong và độ dẻo
của dăm cũng được tính toán kỹ để khi ghép thành tang trống thì vừa khít. Ngoài
ra, để cho tang trống thật kín, những người thợ Đọi Tam còn dùng sơn ta miết
vào các khe. Cứ một lớp sơn lại có một lớp vải màn. Công đoạn căng mặt trống
cũng hết sức quan trọng, sao cho vừa căng lại vừa kín, khi đánh tạo tiếng kêu
giòn, vang. Việc căng mặt trống hết sức vất vả, tốn nhiều công sức. Vì vậy,
khâu này thường dành cho cánh đàn ông. Trên mặt trống lớn, các thợ trống thực
hiện những “vũ điệu” trên mặt da trâu bằng đôi chân trần, mỗi khi dừng vũ điệu,
người ở dưới sẽ siết con vặn để kéo mặt trống. Chỉ đến khi âm thanh từ “vũ
điệu” trở nên đanh lại, rền vang thì người thợ trống mới tiến hành đóng mộng
định vị bằng đinh tre cật.
Nghề phụ mang lại thu nhập
chính
Thôn Đọi Tam hiện có 650 hộ
gồm 2.100 nhân khẩu nhưng có tới gần 600 thợ làm trống lành nghề. Nghề chính
vẫn là sản xuất nông nghiệp với hai vụ mùa, song nghề làm trống những lúc nông
nhàn cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Gần một ngàn
thợ làm trống tại làng, ngoài lao động sản xuất ngay tại địa phương còn tỏa đi
nhiều nơi của đất nước để sản xuất, kinh doanh trống. Nếu như trước đây, mọi
công đoạn sản xuất trống được thực hiện thủ công thì nay làng trống đã đưa vào
sử dụng nhiều máy móc hiện đại như máy tiện, bào, cưa... để giải phóng phần nào
sức lao động của con người. Nhờ vào nghề làm trống mà nhiều hộ dân nơi đây ăn
nên làm ra. Cơ sở sản xuất trống của gia đình anh Lê Ngọc Hùng, 49 tuổi, một
trong những cơ sở lớn nhất của làng có 10 thợ trẻ làm việc. Bản thân anh Hùng
là một trong 4 người của làng Đọi Tam được UBND tỉnh Hà Nam công nhận là thợ
giỏi, cơ sở sản xuất của anh lúc cao điểm có nhiều thợ làm việc với mức lương
từ 1,5 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Anh Hùng cho biết, mỗi năm, cơ sở sản xuất
khoảng 2.000 chiếc trống các loại, sử dụng hơn 100m3 gỗ mít và hàng nghìn tấm
da trâu để chế tác trống, từ những chiếc trống cóc cầm bằng tay đến những chiếc
trống ban, trống đại còn được gọi là trống sấm. Chiếc trống lớn nhất cơ sở từng
sản xuất có đường kính bề mặt lên tới 2,3m, cao 2,6m phục vụ cho Đại lễ cung
nghinh ngọc xá lợi phật tại chùa Bái Đính (Ninh Bình). Đến cơ sở sản xuất trống
của gia đình ông Lê Ngọc Trại, 59 tuổi, với quy mô nhỏ nhưng luôn nhộn nhịp
khách hàng đến xem mẫu mã và đặt hàng. Cơ sở này chỉ có ông Trại và 3 người con
trai tham gia sản xuất nhưng vẫn đảm bảo được số lượng cũng như chất lượng
những chiếc trống mang thương hiệu Tiến Thắng, cho doanh thu 300 triệu
đồng/năm. Theo ông Trại, làm trống rất công phu, từ việc chọn những cây gỗ mít
nhiều năm tuổi, thân cây có vân đều, được xẻ ra thành những khúc nhỏ làm tang
trống có bề dày từ 1,5 - 2cm tùy vào đường kính trống. Theo một công thức nhất
định, tang trống được ghép nối với nhau vừa khít thành hình trụ tròn, da trâu
sau khi được xử lý kỹ, phơi khô được căng vào hai đầu làm mặt trống, sau đó
được đóng mộng định vị. Thường thì một thợ giỏi có thể làm được 4 chiếc
trống/ngày, mỗi chiếc có đường kính 60cm.
Bưng mặt trống.
Ông Hồng - một nghệ nhân cao
tuổi nhất trong làng, đã gắn bó với nghề gần 70 năm nay tâm sự: “Tôi đã được tổ
tiên truyền lại nghề khi mới 12 tuổi. Bây giờ nghề đã ăn sâu vào từng giọt máu,
từng thớ thịt, trong tiềm thức của tôi rồi. Dù thế nào đi nữa, tôi vẫn luôn căn
dặn con cháu phải giữ gìn và truyền lại nghề cho đời sau, đừng bao giờ để nghề
mai một. Sống thì theo nghề, đã là người Đọi Tam thì phải biết nghề truyền
thống của người Đọi Tam”.
Bài, ảnh: Văn Hậu - Hạc Long