MỸ THUẬT THỜI LÝ(1009-1225)
Lê Thị Thanh Thủy
Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi.Nhà vua nhận thấy Hoa Lư là vùng núi non, xa trung tâm đồng bằng, không phù hợp để phát triển đất nước, đã có ý định tìm một vùng đất khác để định đô. Đầu năm 1010 Lý công Uẩn ghé thăm Đại La,nhận thấy đây là vùng đất nằm giữa vùng đồng bằng đông dân trù phú, dễ dàng đi lại bằng thuyền bè, thuận lợi hơn Hoa Lư, rất xứng đáng là kinh đô đất nước, nhà vua quyết định dời đô.
Mùa xuân năm 1010 Lý Công Uẩn đã tự tay viết chiếu này trong đó có đoạn viết:”…thành Đại la, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện ghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt Nam đó là nơi thắng địa, thực là chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mái muôn đời…”(Bản dịch của viện khoa học xã hội Việt Nam, in trong Đại Việt sử kí toàn thư, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1993) và cũng từ đây các công trình kiến trúc, nghệ thuật được tiến hành đều đặn có quy mô lớn, độc đáo “chạm trổ trang sức khéo léo, công trình thổ mộc đẹp đẽ xưa chưa từng có” (Việt sử lược) nền mỹ thuật đó được Tiếp thu truyền thống từ văn hóa thời đại đồ đồng vô cùng rực rỡ, và nảy sinh trong một xã hội hòa bình, thịnh vượng.
Đất nước vừa thoát khỏi ách thống trị của phong kiến phương Bắc, tinh thần dân tộc , ý chí độc lập đã được hết sức đề cao, điều này thể hiện rõ trong nghệ thuật thời kỳ này ở nỗ lực tạo dựng một nền nghệ thuật mang đậm bản sắc việt Nam.
Để xây dựng nền dân chủ tập quyền, bên cạnh việc củng cố lực lượng quân sự, nhà Lý đã tổ chức chấn chỉnh lại tất cả mọi thể chế kỷ cương, làm rường cột cho một quốc gia hùng mạnh độc lập như:
Năm 1040 Tìm cách dệt lấy không dùng gấm nhà tống
Năm 1044 lập trạm hoài viễn để làm chỗ trú ngụ cho khách nước ngoài
Năm 1042 xây dựng bộ luật thành văn dầu tiên , sách “Hình thư”
Năm 1054 đổi tên nước thành Đại Việt với ý muốn ngang hàng với Đại Đường ,Đại Tống ở phương Bắc
Thời lý phật giáo đã trở thành một quốc giáo, phật giáo với tư tưởng từ bi bác ái , cứu khổ cứu nạn, đã dễ dàng chinh phục tấm lòng của những người con vừa thoát khỏi sự đè nén của hơn nghìn năm bắc thuộc. Sử gia Lê Văn Hưu có viết:”nhân dân quá nửa làm sãi, trong nước chỗ nào cũng có chùa”.
Để phát triển kinh tế nông nghiệp, nhà vua ban hành chiếu khuyến nông như: Bắt những người lưu vong phải về quê để bảo đảm nguồn nhân lực cho đồng ruộng, trong quân đội thì thi hành chính sách” ngụ binh ư nông” nghĩa là thay phiên nhau về trực tiếp sản xuất, ra lệnh hình phạt nặng cho những ai trộm cắp và giết trâu bò…ngoài ra nhà vua còn chú trọng việc đắp đê, và các công trình thủy lợi.
cùng với nông nghiệp, công thương nghiệp cũng có những bước lớn phát triển mới: các nghề thủ công phát triển khá nhiều, những nghề in, dệt, làm vàng bạc, đồ gốm sứ…đã đạt tới trình độ kỹ thuật cao. Những nghề đúc đồng, chạm đá, thợ mộc phát triển với kỹ thuật điêu luyện.
Kinh tế chính trị ổn định, kéo theo một xã hội đồng thuận và nghệ thuật được chú trọng phát triển với những hình thức phong phú
I.KIẾN TRÚC THỜI LÝ
1.Kinh Thành Thăng Long
Thăng long xưa gồm 2 vòng dài khoảng 25 km được chia làm hai khu vực riêng biệt: Hoàng Thành và Kinh Khành. Hoàng Thành là nơi vua ở và triều đình làm việc, Kinh Thành bao bọc lấy hoàng thành là nơi quan lại, quân đội và nhân dân ở. Ở giữa Hoàng Thành là khu vực gọi là Cấm Thành, là nơi để vua, hoàng hậu và các cung tần mỹ nữ ở.
Kinh Thành thăng long được xây dựng vào mùa thu năm1010 đến mùa xuân 1011 lấy núi Nùng làm trung tâm. Núi Nùng còn được gọi là Long Đỗ (rốn rồng). Trong các kiến giải về vị trí của núi Nùng đa số các nhà sử học đều thống nhất, núi Nùng chính là nền điện Kính Thiên còn dấu tích cho đến ngày nay.
Giả thuyết này được nhiều người đồng tình bởi có nhiều dẫn chứng thuyết phục.
Bao bọc kinh thành là Sông Hồng, Sông Tô lịch và Sông Kim Ngưu và hệ thống đê điều của nó.
Mặt Đông thành chạy dọc theo hữu ngạn sông Hồng( Từ bến Nứa dến Ô Đống Mác ngày nay)
Mặt Bắc dựa theo sông Tô Lịch, phía nam Hồ Tây cho đến phường Yên thái (Đường Hoàng Hoa Thám ngày nay)
Mặt Tây theo tả ngạn sông Tô Lịch từ Yên Thái đến Ô Cầu Giấy
Mặt Nam theo sông Kim Ngưu, qua Giảng võ, ô Cầu Dền, Ô Chợ Dừa nối với Ô Đông Mác phía Đông Nam
“Như vậy đê cũng là tường thành và do đó sông chính là hào nước che chở cho kinh thành”(Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc).
Hoàng thành Thăng Long được xây dựng theo lối bố cục cân xứng, đăng đối, quy tụ ở điểm trung tân là điện Càn Nguyên (Thiên An) là nơi vua coi chầu, tương ứng ở hai bên là các điện, sau là các cung là nơi ở của các cung nữ….
Năm 1029, vừa để phòng vệ, vừa để ngăn lũ lụt, vua cho xây dựng một dải tường thành bao quanh gọi là Long Thành .Thành đắp bằng đất, phía ngoài đào hào, mở bốn cửa Tường Phù (Cửa Đông), Quảng Phúc (Cửa Tây), Đại Hưng (Cửa Nam), Diệu Đức (Cửa Bắc) và một loạt kiến trúc mới được xây dựng .Bao quanh hệ thống cung điện là bức tường thành hình chữ nhật khép kín, mỗi phía trổ một cửa mang những tên có tính cầu phúc cho dân cho nước” (Nhà nghiên cứu Phương Anh)
2. Chùa một cột _Diên Hữu Tự
Chùa Một Cột tọa lạc ở phố chùa Một Cột, quận Ba Đình, Hà Nội. Trải qua năm tháng, chùa Một Cột đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần. Ngôi chùa được xây dựng giống như một bông hoa sen giữa hồ Linh Chiểu, theo cố gióa sư Chu Quang Trứ:” Truyền rằng riêng cột đá đã cao hơn 30m và chạm đủ ngàn cánh sen” Chùa Một Cột khởi thuỷ xây dựng từ thời thuộc Đường, trên 1 trụ đá ở giữa hồ nước. Đến triều Lý đã cho tu sửa ở chỗ cũ. Vua Lý Thái Tông đến đó cầu nguyện, có được hoàng tử nối ngôi, đã đặt tên cho chùa là Diên Hựu (Phúc lành dài lâu).
3.Chùa Phật Tích
Chùa tọa lạc trên sườn núi Lạn Kha, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, xưa kia mang tên Vạn Phúc Tự được khởi dựng vào khoảng thế kỷ thứ VII – X. Lạn Kha có nghĩa là “cán búa nát”, nổi danh bởi tích truyện Vương Chất lên núi đốn củi gặp hai ông tiên đánh cờ, mải mê xem không hay rằng cán búa đã mục nát vì thời gian trần thế trôi qua đã hàng trăm năm.
Chùa được xây dựng đại quy mô vào triều Lý Thánh Tông năm Đinh Dậu, văn bia “Vạn Phúc Đại Thiền tự” chép: “Vua thứ ba đời Lý, năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1057) cất lên cây tháp quý ngàn trượng, xây một trăm tòa thờ Phật, lại dựng pho tượng mình vàng cao 6 xích”. Năm 1057, Vua Lý Thánh Tông du ngoạn cảnh chùa, người cảm khái tự tay viết chữ “Phật” dài 1 trượng 6 thước, truyền thợ khắc vào bia đá.
Phật Tích giữ vai trò quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, là nơi đầu tiên Phật giáo Ấn Độ truyền vào nước ta. Chùa được khởi xây vào thời Lý, và được xây lại nhiều lần nhưng đến năm 1947 thì bị quân đội Pháp đốt cháy hoàn toàn. Năm 1954 đến nay, chùa dần được khôi phục
Điêu khắc đá hai bên hành lang chùa
Phía sau là những hàng tháp _nơi thờ phụng những người có công xây dựng chùa .Những ngọn tháp gây nên một không khí thiêng liêng trầm mặc nơi cửa phật.
Công trình kiến trúc thời Lý phản ánh một trình độ kỹ thuật cao, trí thông minh và bàn tay khéo léo của người xây dựng, phản ánh một nền kinh tế đã phát triển, một xã hội đã đạt đến nền văn minh nhất định.
II. ĐIÊU KHẮC THỜI LÝ
Điêu khắc thời Lý có tính chất thống nhất và quy phạm rất lớn nó được thể hiện ở đề tài và hình thức nghệ thuật, có được điều đó là do triều đình có một bộ cung riêng phụ trách việc xây dựng các hành cung cũng như việc sáng tác các mẫu trang trí, những mẫu này sẽ được vua ban truyền tới mọi miền của đất nước trở thành một kiểu mẫu thống nhất cho điêu khắc trang trí
1. Tượng Adida chùa Phật Tích
Pho tượng gồm hai phần: Phật và bệ tượng được làm bàng đá xanh hạt mịn , trong một bố cục hình chóp tạo thế cân bằng vững chãi.Không kể phần bệ tượng cao 1m85 mặt hơi cúi, miệng hơi mỉm cười vừa trầm tư vừa rạng rỡ.khuon mặt tượng thanh tú , dịu dàng với những đặc điểm: mũi cao, lông mày thanh mảnh, gồ mắt nổi, môi nở dày mọng tràn đầy sức sống. Tượng được tạc với những khối tron căng đóng kín tạo nên sự tĩnh tại
Tượng đựơc đặt trên một cái bệ 8 cạnh, hình tháp, trên cùng có đài sen loe rộng, bệ tượng thường có vẻ nhỏ hơn một chút so với bề rộng của pho tượng, bề mặt đá của bệ nổi rõ hơn so với tượng, có thể nói rằng vì một lý do nào đó đài sen này được tạo vào một thời kỳ muộn hơn, song chúng có cùng một phông cách tạo hình mềm mại và thanh nhã , và một hình thức trang trí cực kì tinh xảo. Những đường cong mềm mại được vận dụng rất ăn nhịp với nhau tạo cho người xem một cảm giác về sự chuyển động mạnh mẽ mà nhịp nhàng của nền văn minh lúa nước
2. Tượng nửa người nửa chim
Bức tượng nửa người nửa chim này có phong cách rất giống với tượng Adiđa, cũng với bộ mặt trầm tư, dịu dàng, thanh thoát và bút pháp mềm mại, thon thả , trau chuốt. Ở đây, ta bắt gặp nhiều họa tiết trang trí quen thuộc của thời lý, đó là đóa hoa nhỏ nhiều cánh kết thành dải trên đầu tượng như một vòng vương niệm, những hình xoắn ốc xếp hàng nối tiếp nhau ở riềm đuôi khiến ta nhớ đến nền nghệ thuật cổ Đông Sơn
3. Chạm nổi trang trí
Một số bức chạm trang trí thời lý
Các hoa văn trang trí thời Lý thường được cách điệu cao và được xếp trong những đồ án trang trí cụ thể trong hình tròn, hình vuông , hình lá đề…mật độ hoa văn dày đặc trên bề mặt. Hình thường nhỏ li ti, đường nét mượt mà, trau chuốt, tỉ mỉ, chi tiết trong một bố cục cân đối khép kín.
4. Rồng thời lý
Rồng là biểu tượng của sự cao quý, của sức sống vĩnh hằng và sức mạnh vũ trụ nên hình tượng rồng được sử dụng nhiều trong kiến trúc cung đình, đình chùa, trang phục vua chúa.
Cấu tạo rồng Lý về cơ bản có thân hình sin, các khúc lượn của thân rồng phình to trong khi đó các bước sóng lại hẹp nên thường gọi đó là kiểu “thắt túi” uyển chuyển , mềm mại, nhịp nhàng.
Rồng thời Lý thường ngẩng đầu lên, miệng thì há to ngâm ngọc, mép trên của miệng không có mũi, kéo dài ra thành một cái vòi uốn mềm mại, vươn lên cao, vuốt nhỏ dần về cuối. Một chiếc răng nanh mọc từ cuối hàm trên, uốn cong và vắt qua vòi mép ở trên, có trường hợp răng nanh rất dài, uốn lượn mềm mại để vươn lên, hoặc với vòi lên bao lấy viên ngọc. Môi dưới của rồng cũng có khi được kéo dài mềm mại để vươn lên, bờm và các túm râu cuộn hình sóng nhịp nhàng về phía sau cùng với dạng văn hình chữ s trên to dưới nhỏ và hình omega.
Thân rồng dài, dọc sống lưng có một hàng vảy thấp tỉa riêng ra từng cái, đầu vây trước tua vào hàng vây sau.Những con lớn thường được tỉa vẩy, những con bé thì để trơn
Bụng là đốt ngắn như bụng rắn, có bốn chân, mỗi chân có ba ngón phiá trước, không có ngón chân sau và có chùm lông từ khủy chân bay về phía sau. Vị trí của chân bao giờ cũng đặt ở một chỗ nhất định. Chân trước mọc gần giữa khúc uốn thứ nhất, chân đối xứng phía bên kia nằm gần cuối khúc uốn này. Hai chân sau bao giờ cũng ở gần khoảng giữa khúc uốn thứ ba. Cả bốn chân đều có khủy phía sau và có móng giống chân loài chim.
5.Tượng kim cương
Cả bảy pho đều chung một bố cục với tư thế đứng nghiêm trên đài sen, hai tay chắp lại trước ngực cầm đốc kiếm chống thẳng xuống đài sen ở giữa hai chân, mặt nhìn thẳng, chân hơi mở với hai bàn chân choãi về hai bên. Dáng quan võ khỏe mạnh, người đẫy đà, vẻ mặt cương nghị nhưng đầy đặn phúc hậu, lông mày rậm, mắt mở to, mũi cao, miệng khép. Bố cục của những pho Kim Cương trong khối đóng kín, vươn cao, hai nửa đăng đối, tạo vẻ chững chạc nghiêm túc. Kim Cương gắn liền với tháp nên cùng niên đại dựng tháp, ở chùa Phật Tích là năm 1057 – 1066.
Thần Kim Cương là lực sĩ hộ vệ Phật pháp với các ý nghĩa biểu thị sự cứng rắn không sức nào phá nổi, trái lại còn hàm ý tự tại có sức mạnh phá hủy mọi vật, mang hình chất trong sáng sạch đẹp, bên cạnh những phẩm chất trên còn chỉ sự hiếm quý. Các đặc tính ấy được nghệ sĩ diễn đạt bằng việc sáng tạo nhân vật cường tráng, cả thể chất và y phục đều vượt lên mọi sự cám dỗ của cõi đời trần tục, dốc lòng bảo vệ đất Phật.
III Gốm thời Lý
Nổi bật thời kỳ này là loại gốm men ngọc.
Chất đất làm xương gốm mịn , xám. Sau khi nung , cốtt gốm cứng rắn và nặng.tạo dáng thanh mảnh, trang trí tinh tế, theo lối khắc chìm hoặc in khuôn trên mặt gốmvới những đề tài chủ yếu là hoa lá, bên ngoài cốt gốm phủ một lớp men trong, dày màu xanh hay trắng ngà, gọi là men ngọc
Đồ gốm dân gian: kiểu thức phóng khoáng, chất đất thô hơn gốm men ngọc. Cốt gốm dầy, bên ngoài phủ lớp men mỏng màu nâu hoặc trắng ngà. Các hình vẽ, khắc trước phủ men sau. Đường nét trang trí giản dị mộc mạc mà sinh động.
Gốm xây dựng, Gốm trang trí kiến trúc phát triển đáp ứng xây dựng kiến trúc cung đình của vương triều, đền đài lăng tẩm, các kiến trúc Đền, Chùa, hoặc nhà cửa dân dụng. Sản phẩm Gốm xây dựng là: gạch xây, ngói lợp, ngói bò ốp trên bờ nóc, ngói đầu mái, hoặc gạch trang trí.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Mỹ thuật thời Lý-NXBMT
2.Lịch sử mỹ thuật Việt Nam-Phạm Thị Chỉnh
3.Kể chuyện Thăng Long1000 năm-NSBK
4. Mỹ thuật phật giáo mỹ thuật Lý Trần-Chu Quang Trứ
5.Tượng cổ Việt Nam-Chu Quang Trứ
6.Nguồn ảnh từ internet