MIÊN THẨM TÙNG THIỆN VƯƠNG
Thân thế và sự nghiệp
LÊ NGỌC TRÁC
Bài 1
Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường
Hai câu thơ trên ca ngợi văn tài của Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương. Hai câu thơ đã xuất hiện trong các giai thoại văn chương, được truyền tụng trong dân gian từ bao đời nay. Có lẽ, đến hôm nay (2010) đã gần 160 năm.
Tùng Thiện Vương là một trong Tứ kiệt trên văn đàn của dân tộc và đất nước. Ông tên thật là Nguyễn Phúc Miên Thẩm, sinh ngày 24 tháng 10 năm Kỷ mão (11/12/1819) tại Cung Thanh Hoà, trong Đại nội Kinh thành Huế. Miên Thẩm là cháu nội của Vua Gia Long, con trai thứ 10 của Vua Minh Mạng, là em của Vua Thiệu Trị và là chú của Vua Tự Đức.
Miên Thẩm tự là Trọng Minh, Trọng Uyên, hiệu là Thương Sơn, ngoài ra còn có biệt hiệu là Bạch Hào Tử. Ông nổi tiếng tiếng thơ văn từ năm 12 tuổi. Lúc nhỏ được theo học với thầy Trương Đăng Quế và Thân Văn Quyền. Sau khi lớn lên ông trở thành con rể của quan đại thần Trương Đăng Quế.
Miên Thẩm còn có ba người em gái nổi tiếng thơ văn là: Vĩnh Trinh tự Nguyệt Đình, Trọng Khanh, Trinh Thận, tự Mai Am, Trúc Khanh và Tịnh Hoà tự Huệ Phố, Quý Khanh, mà người đời thường gọi là Tam Khanh.
Miên Thẩm Tùng Thiện Vương cùng với hai người anh em của mình là Miên Trinh Tuy Lý Vương và Miên Bửu Tương An Quận Vương được người đời gọi là Tam Đường.
Thật hiếm có một triều đại hoàng tộc nào như Triều Nguyễn lại sinh ra nhiều nhà thơ đến như vậy. Nếu tính cả Vua Minh Mạng, Vua Thiệu Trị và Vua Tự Đức thì Triều Nguyễn đã có đến hơn 10 nhà thơ lớn góp mặt trên văn đàn của đất nước và dân tộc.
Suốt cuộc đời của Miên Thẩm Tùng Thiện Vương gắn bó với văn học và giáo dục. Ngoài những đóng góp quý giá và to lớn vào nền văn học của đất nước, Miên Thẩm Tùng Thiện Vương còn đào tạo ra nhiều thế học trò xuất sắc, đóng góp vào việc xây dựng đất nước. Trong đó, có Nguyễn Trọng Hợp và Phạm Phú Thứ là những danh thần của Triều Nguyễn.
Cùng với việc sáng tác thơ văn Miên Thẩm Tùng Thiện Vương còn thành lập Mặc vân Thi xã (còn gọi là Tùng Vân thi xã) vào năm 1850. Ông là cột trụ của thi đàn. Mặc vân Thi xã quy tụ những người nổi tiếng văn chương trong cả nước như Miên Trinh Tuy Lý Vương, Miên Bửu Tương An Công, Phan Thanh Giản, Trương Đăng Quế, Hà Tôn Quyền, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Đăng Giai và nhiều người khác…Người đời đã sánh Mặc vân Thi xã với Hội Tao Đàn dưới thời Vua Lê Thánh Tôn.
Nhân Sùng Khánh, một danh sĩ đời nhà Thanh Trung Quốc từng đến làm việc tại Việt Nam đã viết tặng Tùng Thiện Vương và Mặc Vân thi xã:
Phân tài trực bách Ngụy Tào Thực
Ái khách cách siêu Tề Mạnh Thường.
(So tài năng chẳng kém gì Tào Thực thời Ngụy
Yêu khách còn hơn cả Mạnh Thường thời Tề)
Miên Thẩm được phong tước Tùng Thiện Công vào năm Minh Mạng thứ 19 (1838). Đến năm Khải Định thứ 10 (1924) được truy tặng Tùng Thiện Vương.
Ông mất vào ngày 30 tháng 3 năm Canh Ngọ (30/4/1870), hưởng dương 52 tuổi.
Một chiều thu năm 1870 trên ngọn núi Cửa sẻ làng Dương Xuân phía Tây Nam kinh thành Huế, Vua Tự Đức đã đến viếng lăng tẩm của Tùng Thiện Vương.
Trong niềm thương tiếc một nhà thơ lớn của đất nước và là người chú của mình, Tự Đức đã cảm khái đề thơ:
Nhất Đại thi ông thệ bất hoàn !
(Sao Thi ông nỡ sớm về không trở lại !)
Và : Sổ xích tân phần tỳ mẫu mộ
Kỷ thiên cựu vịnh bá nhân hoàn
(Vài thước đất un gần mộ mẹ
Mấy bài thơ rải khắp bầu trời.)
Phải chăng vì sự kiện này mà Miên Thẩm Tùng Thiện Vương được gọi là Nhất Đại Thi Ông ?
Tùng Thiện Vương để lại cho đời một gia tài văn học đồ sộ. Trong đó, có những tác phẩm chính như sau:
- Thương Sơn thi tập
- Thương Sơn từ tập
- Thương Sơn thi thoại
- Thương Sơn ngoại tập
- Thương Sơn văn di
- Nạp bị văn tập
- Học giá chí
- Nam cầm phổ
- Độc ngã thư sao
- Lão sinh thường đàm
- Tịnh y kí
- Tình kị tập
- Thi tấu hợp biên
- Lịch đại thi tuyển
- Thức cốc biên
- Thi kinh diễn nghĩa ca
- Lịch đại đế vương thống hệ đồ
- Lịch đại thi nhân tiểu sử
Về thơ quốc âm của ông, nay chỉ còn bài đề sách “Nữ phạm diễn nghĩa từ” của Tuy Lý Vương và khúc liên ngâm Hoà lạc ca (Tùng Thiện,Tuy Lý, Tương An).
Thơ văn của Tùng Thiện Vương không chỉ lưu truyền trong nước mà còn phổ biến sang tận đất nước Trung Hoa rộng lớn. Chung Ứng Nguyên một danh sĩ người Bắc Kinh Trung Quốc đã làm thơ ca tụng Miên Thẩm Tùng Thiện Vương:
Nhược sử nguyên tinh giáng Trung Quốc
Hàn trào, Tô hải, si đồng lưu
Hu ta công hồ thùy dữ trù
Hu ta công hồ vô dữ trù
(Như Thương Sơn sinh vào Trung Quốc
Thi tài ngang với ông Hàn, ông Tô
Than ôi ! đời nay ai sánh vai?
Than ôi đời nay không có ai sánh vai được!)
Nhà thơ Lương An, một trong những người cảm mến và từng dịch và phổ biến thơ của Miên Thẩm Tùng Thiện Vương đã có nhận xét: “Thơ của Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương là hai đỉnh cao, nếu không nói là cao nhất trong dòng thơ chữ Hán của Việt Nam ta thời bấy giờ”
Ghi nhận những công lao, đóng góp to lớn của Tùng Thiện Vương vào nền văn học nước nhà, hiện nay, Nhà Nước đã lấy tên ông đặt tên đường ở thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Huế. Ở Quận 8, thành phố Hồ Chí Minh có một con đường mang tên Tùng Thiện Vương và một Trường Trung học Cơ sở mang tên Tùng Thiện Vương.
Chú Thích Về Những Nhân Vật Trong Bài Viết:
1/ Trương Đăng Quế, quê ở làng Mỹ Khê, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Sinh năm 1794, mất năm 1865, Trương Đăng Quế tự là Diên Phương, hiệu là Quảng Khê.
Là danh thần đời Tự Đức, chức Cần chánh Điện học sĩ, tước Quận công. Các tác phẩm của Trương Đăng Quế gồm có: Thiệu Trị văn giai, Quảng Khê thi văn tập,
Thi Tố hợp biên, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam thực lực tiền biên.
2/ Thân Văn Quyền, người làng An Lỗ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên.
Sinh năm 1771, mất năm 1837, dưới thời Minh Mạng được bổ chức Giáo thụ phủ Thăng Hoa, đến năm 1833 được thăng Hữu thị Lang bộ Hộ, bộ Lễ.
Tác phẩm của ông có: Đông hành ký sự, …
3/ Cao Bá Quát, người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh.
Sinh năm 1809, mất năm 1854, Cao Bá Quát là danh sĩ thời Tự Đức, tự Chu Thần, hiệu là Cúc Đường, biệt hiệu là Mẫn Hiên. Cùng với người
em sinh đôi là Cao Bá Đạt, Cao Bá Quát nổi tiếng văn chương đương thời. Ông giữ chức Hành Tẩu bộ Lễ. Năm 1854, khi làm Giáo thọ ở phủ Quốc Oai,
Cao Bá Quát làm quân sư cho Lê Duy Cự, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương, chống lại Triều đình nhà Nguyễn. Cuộc khởi nghĩa thất bại,
Cao Bá Quát bị bắt rồi bị hành quyết. Cao Bá Quát để lại cho đời bộ sách Chu thần thi tập. Thơ văn ông dù viết bằng chữ Hán hoặc quốc âm đều
hay và có giá trị nghệ thuật.
4/ Nguyễn Văn Siêu, người làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông.
Sinh năm 1799, mất năm 1872, ông thi hương đỗ Á Nguyên làm quan ở Viện Hàn Lâm, trải qua các chức vụ chủ sự bộ Lễ, thị giảng Học sĩ.
Ông là bạn thân của Cao Bá Quát. Các tác phẩm chính của Nguyễn Văn Siêu gồm: Phương Đình dư địa chí, Chư Sử khảo thích, Phương Đình tuỳ bút lục,
Phương Đình thi văn tập,…
5/ Tương An Quận Vương, tên thật là Nguyễn Phúc Miên Bửu, là con thứ 12 của Vua Minh Mạng.
Sinh năm 1820, mất năm 1854, ông là danh sĩ thời Thiệu Trị và Tự Đức, có biệt hiệu Khiêm Trai, Mai Hiên. Ông là nhà thơ xuất sắc,
tác phẩm của ông gồm: Khiêm Trai thi tập, Khiêm Trai văn tập, Hoài cổ ngâm, Trăm thương,…
6/ Tuy Lý Vương, tên thật là Nguyễn Phúc Miên Trinh, con trai thứ 11 của Vua Minh Mạng, ông sinh năm 1820, mất năm 1897.
Các tác phẩm của ông gồm có: Vĩ Dạ hợp tập, Vĩ Dạ văn tập, Vĩ Dạ thi tập, Nam Cầm khúc,…
7/ Nguyễn Trọng Hợp, quê làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông.
Sinh năm 1834, mất năm 1902. Năm 1865 đổ tiến sĩ, làm quan trải các chức: Tổng đốc, Khâm sai,
Thượng thư Bộ lại, Bộ hình. Ông cũng từng làm Tổng Tài quốc sử quán. Tác phẩm của ông gồm có: Kim Giang thi văn tập, Tây Sa thi tập, Nhật Lịch ước biên,…
8/ Phạm Phú Thứ, người huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Sinh năm 1820, mất năm 1883. Ông là danh sĩ và quan đại thần Triều Nguyễn. Ông thi đổ tiến sĩ, làm quan giữ chức Tri phủ sau lên chức Thương
Chính đại thần, Tham tri bộ binh. Năm 1863, được cử làm Phó sứ trong Phái bộ Phan Thanh Giản sang Pháp đàm phán. Tác phẩm của ông gồm có:
Giá Viên thi tập, Tây Hành nhật ký, Tây Phù thi thảo, Bác Vật tân biên, Vạn Quốc công pháp,…
9/ Phan Thanh Giản, người làng Bảo Thạnh, huyện Bảo An nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Ông sinh năm 1796, mất năm 1867. Phan Thanh Giản là danh sĩ, đại thần Triều Nguyễn, hiệu là Lương Khê,
bút hiệu là Mai Xuyên. Phan Thanh Giản là vị Tiến sĩ đầu tiên ở miền Nam, làm quan trải ba triều: Minh Mạng,
Thiệu Trị và Tự Đức. Giữ các chức vụ ở viện Cơ mật, Quốc sử quán, Thượng thư Bộ hình và Bộ hộ. Năm 1867 Pháp xâm chiếm ba
tỉnh miền Tây Nam kỳ, ông uống thuốc độc tự tử. Phan Thanh Giản là một nhà văn lớn, ông có nhiều tác phẩm giá trị:
Lương Khê thi thảo, Lương Khê văn khảo, Sứ Thanh thi tập, Tây Phù nhật ký, Ước Phu thi tập,…
10/ Hà Tông Quyền, người huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Ông sinh năm 1789, mất năm 1839. Hà Tông Quyền là danh sĩ đời Minh Mạng,
tự là Tốn Phủ, hiệu là Phương Trạch, Hải Ông. Năm 1822, đổ Tiến sĩ, làm quan đến chức Tham tri Bộ lại. Vua Minh Mạng từng khen ông là: Kiện tiệp tài tử.
11/ Nguyễn Đăng Giai, người làng Phù Chánh, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Nguyễn Đăng Giai là danh thần Triều Nguyễn, tự là Toàn Phu.
Ông làm quan lên đến chức Thượng thư Bộ hình, Hiệp biện đại học sĩ, Kinh lược sứ Bắc kỳ. Không rõ năm sinh, ông mất năm 1854,
được Triều đình Nhà Nguyễn tặng hàm Thiếu bảo và được đưa vào thờ trong đền Hiền lương.
12/ Lương An, người làng Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, sinh năm 1920, mất năm 2005, bút danh: Lương An, Thạch Nam, Nguyễn Lương Tài. Tác phẩm gồm có: Nắng Hiền Lương, Vè chống Pháp, Thơ Tùng Thiện Vương (dịch).
__________________________________
TÁI LIỆU THAM KHẢO và TRÍCH DẪN :
-Từ điển nhân vật lịch sử của Nguyễn Q Thắng-Nguyễn Bá Thế
(NXB Văn hóa 1999)
-Việt Nam sử lược của Trần trọng Kim (NXB VHTT1999)
-Tùng thiện Vương của Ưng Trình và Bửu Dưỡng
(Lưu hành trong gia tộc, 1970)
-Nguyễn phước tộc thế phả
-Thơ TÙNG THIỆN VƯƠNG(NXB Văn học1991)
-Thơ chữ Hán của CAO BÁ QUÁT(NXB Văn học1976)
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật ngày 06.04.2010 theo nguyên bản của tác giả gởi từ Phan Thiết.
|